Ngày Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội là một ngày nghỉ lễ tại Ý và theo truyền thống, vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngày lễ phụng vụ hôm nay kỷ niệm một trong những điều kỳ diệu của câu chuyện về ơn cứu rỗi: đó là sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Cả Mẹ cũng đã được cứu độ bởi Chúa Kitô, nhưng theo một cách thật ngoại thường, bởi vì Thiên Chúa muốn rằng mẹ của Con Ngài không bị vấy bẩn bởi sự khốn cùng của tội lỗi ngay từ khi được thụ thai. Và như vậy, trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria không bị vết nhơ tội lỗi nào, Mẹ là Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1, 28), như lời sứ thần đã gọi Mẹ. Mẹ đã được ưu ái bởi một hành động duy nhất của Chúa Thánh Thần để luôn luôn ở trong mối quan hệ hoàn hảo với Con Mẹ là Chúa Giêsu. Đúng hơn, Mẹ là môn đệ của Chúa Giêsu: Mẹ và môn đệ của Ngài. Nhưng Mẹ không vướng mắc tội lỗi nào.

Trong bài thánh ca tuyệt vời mở đầu Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (xem 1: 3-6, 11-12), Thánh Phaolô làm cho chúng ta hiểu rằng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng cho sự thánh thiện trọn vẹn, cho vẻ đẹp mà Đức Mẹ đã được mặc lấy ngay từ đầu. Mục tiêu mà chúng ta được mời gọi cũng là một ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì thế, Tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa “đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (câu 4); “Ngài đã tiền định cho chúng ta” (xem câu 5), để trong Chúa Kitô một ngày nào đó chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Và đây là ân sủng, đó là ân sủng nhưng không, đó là một hồng ân của Thiên Chúa.

Và những gì Đức Maria đã có ngay từ đầu, cuối cùng chúng ta có lẽ sẽ có, sau khi chúng ta đã trải qua “bồn tắm” thanh tẩy là ân sủng của Thiên Chúa. Điều mở ra cánh cổng thiên đường cho chúng ta là ân sủng của Thiên Chúa, khi chúng ta trung thành đón nhận. Tuy nhiên, ngay cả những người vô tội nhất cũng bị ghi dấu bởi tội nguyên tổ và phải chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình để chống lại những hậu quả của nó. Họ đã đi qua “cửa hẹp” dẫn đến sự sống (xem Lc 13:24). Và anh chị em có biết ai là người đầu tiên mà chúng ta có thể chắc chắn là người ấy đã bước vào thiên đường không? Anh chị em có biết đó là ai không? Thưa: đó là một “kẻ lưu manh”: một trong hai người đã bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Anh ta đã quay sang Chúa Giêsu và nói với Người: “Ông Giêsu ơi, khi vào nước Thiên Đàng, xin nhớ đến tôi nhé”. Và Người đã đáp lại: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng,” (Lc 23,42-43). Thưa anh chị em, ân sủng của Thiên Chúa được ban cho mọi người; và nhiều người thấp hèn nhất dưới đất này sẽ là những người đầu tiên trên Thiên Đàng (x. Mc 10:31).

Nhưng hãy cẩn thận. Anh chị em không khôn ngoan chút nào nếu cứ liên tục trì hoãn việc đánh giá nghiêm túc cuộc sống của mình, và lợi dụng sự kiên nhẫn của Người. Chúa kiên nhẫn. Chúa chờ đợi chúng ta, Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Chúng ta có thể lừa được mọi người, nhưng không thể lừa được Chúa; Ngài hiểu trái tim của chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta phải tận dụng thời điểm hiện tại! Vâng, đó chính là ý thức nắm bắt phút hiện tại của Kitô hữu. Đừng tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc trôi qua - không, đó là ý nghĩ thế gian. Nhưng chúng ta phải nắm bắt phút hiện tại, nói “không” với điều ác và nói tiếng “xin vâng” với Chúa, và mở lòng mình ra đón nhận ân sủng của Ngài, để một lần và mãi mãi thôi nghĩ về bản thân, thôi đắm mình trong thói đạo đức giả và đối mặt với thực tế của chính chúng ta - đây là con người của chúng ta - để rồi nhận biết rằng chúng ta đã không yêu Chúa và người lân cận như chúng ta lẽ ra phải làm. Và khi chúng ta thú nhận điều đó, thì đây là sự khởi đầu của hành trình hoán cải. Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ trong Bí tích Hoà giải, sau đó chúng ta sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho người khác. Nhưng luôn luôn mở rộng lòng mình ra để đón nhận ân sủng: Chúa gõ cửa chúng ta, Ngài gõ cửa lòng chúng ta để đi vào tình bạn với chúng ta, trong tình hiệp thông, để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Và điều này, đối với chúng ta, là con đường để trở nên “thánh thiện và vô nhiễm”. Vẻ đẹp không chút tì vết của Mẹ chúng ta là khôn sánh, nhưng đồng thời vẻ đẹp ấy cũng thu hút chúng ta. Chúng ta hãy giao phó bản thân cho Đức Mẹ và nói “không” với tội lỗi và nói tiếng “xin vâng” với ân sủng Chúa một lần và mãi mãi.


Source:Libreria Editrice Vaticana