CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI



(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



2. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa luôn ngỏ cùng con

Chính nụ mỉm cười đó, vừa rất gần gũi vừa giấu ẩn đã làm mê mẩn và gây vui thích cho các môn đệ của Chúa Giêsu từ nhiều thế kỷ qua.

Trong một lá thư gửi ngày 31 tháng 3 năm 1985 cho người trẻ khắp thế giới, Đức Gioan Phaolô II nói với họ rằng: “Chúa Giêsu nhìn mọi người cách yêu thương. Tin Mừng không ngừng xác nhận điều này. Người ta cũng có thể nói rằng ‘cái nhìn yêu thương’ của Chúa Giêsu tóm lược và tổng hợp cách nào đó trọn bộ Tin Mừng”.

Thánh Têrêxa thành Avila hay khuyến cáo phương pháp cầu nguyện chỉ cần ngắm nhìn Đấng không ngừng nhìn ta cách yêu thương: “Mẹ chỉ có một điều yêu cầu các con là nhìn ngắm Người. Và ai ngăn được các con hướng mắt linh hồn các con về Đấng Chủ Tể thần thiêng này, dù chỉ một lúc mà thôi, nếu các con không thể làm hơn? Các con rất có khả năng ngắm nhìn những đối tượng xấu nhất! Làm thế nào các con lại không thể ngắm nhìn đối tượng đẹp không thể tưởng tượng được? Các con thân yêu, không bao giờ Phu Quân của các con rời mắt khỏi các con; Người đã vì các con chịu nhiều điều khủng khiếp và ghê tởm, mà vẫn không rời mắt khỏi các con. Thế mà sau đó, các con nỡ không rời mắt khỏi những điều bên ngoài để thỉnh thoảng nhìn Người sao? Hãy xem, điều Người chờ đợi nơi chúng ta, chính Người đã nói với Hiền Thê, đó là chúng ta ngắm nhìn Người” (6).

Trong cuốn Lâu Đài Nội Tâm (Castillo interior), Thánh Nữ Têrêxa thành Avila cảnh cáo các linh hồn đã tiến tới việc cầu nguyện trong cô tịch và đã hưởng được các vui thú Chúa ban cho họ ở đó.

Một số linh hồn tưởng tượng rằng như thế, tốt hơn nên ở lỳ trong việc vui hưởng này bằng cách không còn nghĩ gì tới “Nhân tính Thánh thiện của Chúa Kitô”. Đó là một sai lầm. “Đời sống khá dài và người ta gặp ở đó rất nhiều đau khổ. Để có thể nâng đỡ các đau khổ này như ta vốn phải nâng đỡ, ta cần xem xét làm thế nào Chúa Giêsu Kitô, khuôn mẫu của chúng ta, làm thế nào các tông đồ và các thánh của Người đã nâng đỡ chúng. Bạn bè với Chúa Giêsu tốt lành thật là một tình bạn tuyệt vời, ta đừng xa rời Người, cũng đừng xa rời Mẹ rất thánh của Người” (7).

Cha Bro kể lại một suy tư mà một trong các đồng bạn tập sinh của ngài mới đưa ra gần đây: “Điều đáng lưu ý nhất trong năm nhà tập này là chi? Cả năm của tôi được tóm gọn trong cuộc gặp gỡ với một khuôn mặt: Chúa Kitô. Tôi đã khám phá ra rằng Người là chuẩn mực của đời tôi” (8) Thầy hẳn đã qua đời ít lâu sau đó.

Và người ta biết Cha xứ Ars tự ý nhắc đi nhắc lại câu đối đáp thú vị mà một ngày kia người thợ bịt móng chân ngựa đã đưa ra tại nhà thờ Louis Chaffangeon của ngài. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại “Trong giáo xứ, có một người qua đời đã mấy năm nay. Một buổi sáng kia, bước vào nhà thờ để cầu nguyện trước khi ra ngoài đồng, ông để chiếc cuốc của ông ngoài cửa và để quên nó ở đó, trước mặt Chúa. Một người hàng xóm thường đi đến cùng một nơi và có thói quen nhìn thấy ông, hôm nay rất ngạc nhiên khi không thấy ông tại đó. Quay trở lui, người này nghĩ nên vào nhà thờ xem sao, hy vọng ông đang ở đó. Và quả thấy ông ở đó thật.

-Anh làm gì mà lâu quá vậy? người này hỏi ông.
- Tôi cố vấn (avise) cho Chúa tốt lành và Chúa tốt lành cố vấn cho tôi.

Thực ra, Cha xứ Chaffageon từng nói bằng thổ ngữ vùng Bresse rằng “Tôi ‘aveuse’ Chúa tốt lành và Người ‘aveuse’ tôi”. “Aveuser” một cánh đồng, là nhìn ngắm nó một cách yêu thương, tri nhận mọi giá trị của nó. Mỗi lần Cha xứ Ars thuật lại câu truyện này, luôn luôn với những giọt nước mắt, ngài đều thêm: “Ông ngắm nhìn Thiên Chúa tốt lành và Thiên Chúa tốt lành ngắm nhìn ông. Tất cả là ở đó, các con thân mến ạ” (9).

“Bỗng nhiên Người mở mắt ra và nhìn tôi”

Bà mẹ gia đình Ai Cập theo Hồi Giáo, Nahed Metwalli, phụ tá giám đốc một trường nữ trung học ở Cairo, không ủng hộ đức tin của các Kitô hữu, bất kể là giáo sư hay học trò, thuộc trường bà. Bà tháo dỡ các thập giá của họ và xé rách các đặc san của họ. Việc xuất hiện một nữ thư ký mới dần dần mở mắt bà, nhất là trái tim bà. [Bà thuật lại] “Cô lịch sự, dịu dàng, rất trung thực và tận tâm và tiếp tục thương mến tôi mặc dù tôi đối xử rất tệ với cô. Tôi bèn bắt đầu tra vấn về Chúa Giêsu.

Một ngày kia, khi tôi đang nghĩ mỉa mai trong lòng về bức ảnh Đức Maria mà cô ta vẫn đeo thành ảnh vẩy, thì Thánh Nữ Đồng Trinh bỗng hiện ra với tôi ngay trong văn phòng. Tôi lớn tiếng kêu lên 'Trinh Nữ Maria!' Nhưng ngay lập tức ngài biến mất. Tôi òa lên khóc và cô thư ký cùng tham gia khóc với tôi”.

Lễ Giáng sinh năm 1987, Nahed khẩn nài xin Chúa chỉ cho bà phải tìm đâu thấy con đường đích thực dẫn tới Người. Câu trả lời chẳng bao lâu đã tới. Tối ngày 7 tháng Giêng năm 1988, người Coptes giữ ngày này như Lễ Giáng Sinh, bà đang nằm buồn bã, nhưng không ngủ được. Bỗng nhiên một thị kiến xâm chiếm bà. Bà thấy mình mặc một chiếc áo tuyệt đẹp, chân trần bước trên một mảnh đất hết sức dịu êm. Tiếp tục bước đi, bà thấy các cụ già, mặc toàn đồ trắng, phủ phục trước chiếc ngai trống.

Một ai đó bước vào và ngồi trên ngai. Nahed quì dưới chân vị này, mê mẩn vì vẻ đẹp trên khuôn mặt Người.

"Bỗng nhiên, Người mở mắt ra và nhìn tôi. Tôi không chịu đựng nổi cái nhìn của Người và tôi sấp mặt xuống... Ôi Lạy Thiên Chúa của con! Con thấy ai đây? Đôi mắt gì đâu! Tôi cảm thấy mình sắp chết hay mất ý thức... Từ đôi mắt rộng mở ấy toát ra những tia sáng sáng như các tia sáng mặt trời và các con ngươi của đôi mắt Người sao rộng đến thế, người ta dám nói chúng chứa trọn cả quả địa cầu; mầu mắt ấy thật tuyệt vời, trong xanh như bầu trời trong xanh hay làn nước trong xanh, đang ngả qua mầu xanh lá cây. Và các tia nhìn kia, từ mắt Người, chĩa thẳng vào tôi; chúng chạy khắp châu thân tôi như điện giật.

"Tôi không thể dán mắt nhìn Người. Tôi hoàn toàn mong ước Người, tôi yêu mến Người, tôi muốn được ngắm nhìn Người. Tôi vận động hết sức mình. Tôi phải ngắm nhìn Người một lần nữa. Vâng, tôi ngẩng đầu lên và nhìn ngắm Người... Ôi tuyệt diệu thay! Người nhìn tôi, Người giáp mặt vào mặt tôi... và cái nhìn kia.... Người hoàn toàn là yêu thương, âu yếm, tinh tế... Người nói khi nài nỉ tôi bằng gọng nói êm dịu: 'Hết rồi sao, Nahed?'

"Tôi sấp mặt xuống; tôi không tài nào chịu đựng nổi tình yêu này, sự âu yếm này, sự tinh tế này! Nhưng tôi là ai mà Đấng Quyền Năng này nài nỉ tôi cách đó? Tình âu yếm của Người vượt quá sự dịu dàng của một người mẹ khi gặp đứa con lòng dạ chai đá. Và Đấng Quyền Năng này biết cả tên tôi! Và Người gọi tôi bằng tên riêng của tôi! Người biết tôi tỏ tường. Nhưng Người muốn nói gì khi nói: hết rồi sao?
Tôi không hiểu Người muốn ám chỉ điều gì. Hỏi Người điều ấy sao? Ồ, không! Đó không phải là người ta có thể cật vấn, đó là người ta chỉ có thể vâng theo mà thôi. Độc thoại nội tâm này rất nhanh và giờ đây tôi phải nhanh chóng trả lời Người. Do đó, tôi nói, mà không tự chủ được rằng 'Vâng, hết rồi... hết rồi!'.

"Tôi hoàn toàn mong ước Người. Tôi phải gom hết sức lực và ngắm nhìn Người một lần nữa. Thực vậy, tôi ngẩng đầu lên; Người tiến lại gần tôi và nhìn tôi, cũng một sự tinh tế ấy, Người năn nỉ lần thứ hai và nói với tôi: 'Con có chắc chắn không, Nahed?'

"Các tia phát ra từ đôi mắt Người chạy khắp châu thân tôi. Người ta dám nói Người thấy tận thẳm sâu hữu thể tôi. Và lần thứ hai, tôi sập quì dưới chân Người. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ thấy một tình yêu tương tự như tình yêu này, tình âu yếm này, lòng tốt này. Và tất cả là vì tôi! Tôi là ai mà Người cho tôi tất cả những điều này? Và tôi tự hỏi một lần nữa: chắc chắn về điều gì? Tôi không hiểu Người nói gì, nhưng tôi phải vâng lời Người, tôi không dám nêu câu hỏi. Tôi trả lời Người đầu vẫn cúi: 'Vâng, con chắc chắn... Con chắc chắn!'"

Ma Rencontre avec le Christ,
F-X. de Guibert, 1994, tr.45-47


Người ta có thể đoán được điều gì xẩy ra sau đó. Nahed bắt đầu đọc Kinh Thánh, xin lãnh phép rửa và được như ý. Than ơi! Tin truyền đi khắp nơi. Người nữ tân tòng trẻ tuổi phải trốn khỏi gia đình và cảnh sát. Mọi người thân của bà phải chịu trả thù. Vị linh mục làm phép rửa cho bà bị cầm tù rồi trục xuất. Người nữ thư ký thoát được bằng cách trả lời các kẻ tra vấn rằng cô sẵn sàng trả lời các câu hỏi về bà giám đốc; nhưng họ thay đổi cơ sở cho cô để cô không có cơ hội tạo ra các tân tòng khác.

Về phần Nahed, hiện bà đang sống tại Hòa Lan. Ở Pháp, Bà được biết đến nhờ câu truyện lạ lùng về hành trình thiêng liêng của bà trong cuốn sách chúng tôi cho trích dẫn một số đoạn trên đây.

Cuộc gặp gỡ Khuôn Mặt Chúa Giêsu đó đôi khi được thực hiện trước ảnh một tượng gỗ. Đó là trường hợp của đan viện trưởng người Nga tên Silouane. Một ngày kia, ngài có cảm tưởng Thiên Chúa bỏ rơi ngài. Nên ngài tới nhà thờ để đọc kinh chiều và, khi nhìn tượng gỗ của Chúa, ngài thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con, là kẻ tội lỗi!”. Ngài nói: “Với những lời ấy, tôi thấy ở chỗ tượng gỗ là Chúa sống động và ơn Chúa Thánh Thần tràn đầy linh hồn và thân xác tôi. Và tôi biết trong Chúa Thánh Thần rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và ước muốn được chịu đau khổ vì Người xâm chiếm tôi” (10).

Khi còn là một thỉnh sinh đơn giản trong tu viện dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, câu bé Văn cũng được hưởng một thị kiến về Chúa Giêsu, lúc vị linh mục ban phép lành Thánh Thể. Đó là một buổi tối hồi tháng 6 năm 1945:

“Con thấy Chúa Giêsu, từ đàng xa, tiến lại phía con. Người bước tới vẻ mặt thản nhiên, nhưng rõ nét một vẻ dịu dàng cực độ. Tóc Người chạm tới vai. Ôi! Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là sự nhân từ trong cái nhìn của Người, cái nhìn thực sự phản ảnh trái tim Người, một trái tim dư tràn tình yêu bất tận. Và con nghĩ chỉ một mình cái nhìn của Người cũng đủ khiến mọi linh hồn ngây ngất. Mầu y phục của Người không khác chi những trình bầy người ta thấy trên các mẫu ảnh. [...] Chúa Giêsu đến cạnh con, và con thấy con lúc ấy biến thành một em bé độ 2 hay 3 tuổi. Trước khi có thì giờ ngạc nhiên, con thấy Chúa Giêsu ngồi xuống một bục đá, ôm lấy con trong vòng tay và ép con vào trái tim Người”.

Sau đó, Chúa Giêsu tỏ cho thầy thấy một đoàn người mênh mông gồm những kẻ bác bỏ Người: trẻ em và người lớn thuộc đủ thân phận tiến về phía Người và lượm đá để liệng một cách dữ tợn vào thân thể thần thánh của Người. Nhưng cuối thị kiến, Chúa Giêsu mạc khải cho cậu bé Văn trọn lòng thương xót của Người:

“Giữa lúc bị thương tích, Chúa Giêsu vẫn giữ được lòng nhân từ trên khuôn mặt và nhìn đoàn người này một cách đầy yêu thương, một tình yêu mênh mông! Rồi khi thấy họ cứ kiên trì trong thái độ cao ngạo ngu đần của họ, Người xót thương họ và để các dòng nước mắt từ từ rơi xuống ngực Người. Thấy Người khóc, con càng khóc theo, và con cảm thấy trong lòng một nỗi buồn có thể khiến con chết đi được. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự âu yếm trong cái nhìn của Người, con cảm thấy được vững lòng trở lại” (11).

Không cần phải được hưởng một cuộc hiện ra của Chúa Kitô mới tin vào thực tại của việc Người hiện diện và vào sư âu yếm trong cái nhìn của Người. Tuy chưa bao giờ được ngất trí, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu luôn nghĩ đến nụ mỉm cười của Chúa Kitô mỗi khi tới nhà nguyện của đan viện và sau khi kính chào mẫu ảnh Thánh Nhan để ở dưới ngăn ghế qùy, thánh nữ bái qùy trước Nhà Tạm. Trong các vần thơ của ngài, Thánh nữ thường ca ngợi niềm vui sống dưới cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong bài thơ Vivre d’amour (Sống bằng tình yêu), soạn lúc chầu Thánh Thể 40 giờ, hồi tháng hai năm 1895, thánh nữ thổ lộ với ta điều làm ngài nhẩy mừng hân hoan, khi ngài tới trước Bí Tích Cực Thánh:

“Một mình cái nhìn của Chúa làm con hạnh phúc
Con sống bằng tình yêu” (12).

“Cái nhìn” ấy đã là trời ở dưới đất rồi. Thánh Têrêxa không thay đổi ý kiến hồi tháng 5 năm 1896, lúc ngài đang đắm chìm trong đêm đen cả một tháng trời. Trong một bài thơ Thánh Thể khác, soạn vào dịp Lễ Mình Thánh Chúa và theo lời yêu cầu của một chị dòng thích sống nhiều giờ ở nhà nguyện (13), Thánh Têrêxa đã tâm sự:

“Cái nhìn của Thiên Chúa tôi, nụ cười rạng rỡ của Người,
Đó là trời của tôi dành cho tôi!...”

Điều đáng lưu ý là bài thơ trên bắt đầu bằng việc gợi nhớ Cái Nhìn của Chúa Giêsu và bài thơ ấy cũng đã kết thúc như thế:

“Muốn chịu đựng cảnh lưu đầy của thung lũng nước mắt
Tôi cần có cái nhìn của Đấng Cứu Rỗi Thần Thiêng của tôi.
Cái nhìn yêu thương đó biểu lộ với tôi mọi quyến rũ của Người
Và làm tôi tiên cảm hạnh phúc thiên đàng.
[...]
Trời của tôi là mỉm cười với Đấng Thiên Chúa tôi tôn thờ
Khi Người muốn dấu mặt để thử thách đức tin của tôi.
Đau khổ khi chờ cho Người nhìn lại tôi
Đó là trời của tôi dành cho tôi!...”

Một việc lồng vào chứng tỏ tầm quan trọng của chủ đề cái nhìn trong lối cầu nguyện Thánh Thể của Dòng Cát Minh. Chúng ta có một dấu ấn khác trong một mẩu văn khác được thánh nữ sáng tác năm 1894, dịp Lễ Giáng Sinh. Ngài để Thiên Thần Thánh Nhan nói điều chính ngài nói với Chúa, khi ngài phủ phục trước Mình Thánh Chúa:

“Lạy Chúa Giêsu thần thánh, đây quả là giới hạn cuối cùng tình yêu của Chúa; sau khi tỏ rõ cho những tạo vật yếu đuối Thánh Nhan đáng tôn thờ của Chúa, Thánh Nhan mà các Sêraphim không chịu được sự sáng láng, Chúa muốn dấu nó dưới tấm khăn dầy hơn cả tấm khăn bản tính nhân loại... Nhưng lạy Chúa Giêsu, trong Mình Thánh, con thấy tỏa sáng ánh huy hoàng Thánh Nhan Chúa. (Ngài quì trước Mình Thánh). Những nét quyến rũ rạng rỡ của Chúa đâu hề ẩn đấu đối với con... Con thấy cái nhìn khôn tả của Chúa soi thấu các linh hồn tinh trong, mời gọi họ lãnh nhận Chúa” (14).

Kỳ sau: 3. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa đầy sự âu yếm