1. Giáo phận Brooklyn đang yêu cầu cảnh sát tăng cường hiện diện sau hai vụ phá hoại trong ba ngày liên tiếp tại các nhà thờ.
Cuối tuần qua, một bức tượng mô tả Đức Mẹ bồng Chúa hài nhi đã bị phá hoại bên ngoài các văn phòng hành chính của Tòa Giám Mục. Kẻ phá hoại đã chặt đầu tượng Chúa hài nhi. Trong khi đó, hôm thứ Sáu, một cây thánh giá có tượng chịu nạn bên ngoài giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn đã bị lật nhào, và một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ bị đốt cháy.
“Chúng tôi lo ngại rằng có một trào lưu tội ác căm thù đối với người Công Giáo đang diễn ra ở đây,” Anthony Hernandez, người điều hành các văn phòng giáo phận cho biết như trên, trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Hernandez nói rằng các nhà thờ sẽ được thông báo về tình trạng này để đề cao cảnh giác đối với các hành vi phá hoại, và giáo phận đang yêu cầu cảnh sát New York, gọi tắt là NYPD tuần tra các khu vực xung quanh các nhà thờ.
“Thù hận và bất khoan dung với đức tin Công Giáo, hay bất kỳ niềm tin nào, đều không có chỗ đứng ở đây”, ông nói.
Hai hành vi phá hoại đang được điều tra là tội ác thù hận đức tin. Các văn phòng hành chính của giáo phận được đặt tại khu vực Windsor Terrace của Brooklyn, trong khi giáo xứ Thánh Athanasiô nằm ở khu vực Bensonhurst của Brooklyn.
Giáo phận Brooklyn cho biết, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.
“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.
“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.
Một người quản lý cơ sở Tòa Giám Mục đã phát hiện ra bức tượng bị chặt đầu bên ngoài văn phòng của giáo phận, và báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Giáo phận cho biết họ đang làm việc để sửa chữa bức tượng theo hình thức hiện tại, trong khi giáo xứ nói rằng họ có ý định sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá ở cùng một vị trí.
Một buổi lễ cầu nguyện được tổ chức vào tối thứ Sáu bên ngoài Thánh Athanasiô; giáo xứ cho biết rằng hàng trăm người đã tham dự, và đã cầu nguyện cho thủ phạm của vụ phá hoại.
Đài truyền hình WABC cho biết giáo xứ Thánh Đa Minh, giáp ranh với giáo xứ Thánh Athanasiô, cũng là mục tiêu của các vụ phá hoại nhỏ.
Các giáo xứ ở các tiểu bang khác cũng đã bị phá hoại trong những tuần gần đây.
Source:Catholic News Agency
2. Cộng đồng Công Giáo tiên khởi tại Niger bị tấn công.
Ngôi làng nơi có cộng đồng Công Giáo đầu tiên tại nước Niger, bên Phi châu đã bị quân khủng bố tấn công hôm 13 tháng 5 năm 2021, làm cho ít nhất năm người chết và thánh đường bị xúc phạm.
Cha Mauro Armanino, thuộc Hội Thừa sai Phi châu, hoạt động tại thủ đô Niamey của Niger, kể với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, truyền đi hôm 14 tháng 5 năm 2021 rằng làng Fangio, cách Niamey khoảng 300 cây số, thuộc vùng Songhay-Zerma đã bị tấn công. Tại đây có những cộng đồng Công Giáo đầu tiên tại Niger, nơi tín hữu Niger đầu tiên được rửa tội, là ông Antoine Douramane. Chính ông đã thành lập cộng đoàn Fangio.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 2021, một toán người võ trang đi xe máy, đến tấn công làng Fangio và giết chết năm người, làm bị thương hai người khác. Làng bị cướp phá và một tín hữu tên là Joseph thuộc số những người bị giết. Bọn khủng bố cũng xúc phạm đến thánh đường: tượng Ðức Mẹ, các đồ trang hoàng bàn thờ và nhiều sách phụng vụ bị đốt. Văn phòng ông hiệu trưởng trường học cũng bị phá hủy.”
Hãng tin Fides cho biết vùng biên giới ba nước là Mali, Burkina Faso và Niger là nơi hoành hành của các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Cho đến nay đã có hàng trăm người bị các tên khủng bố và đảng cướp giết hại. Hàng ngàn người phải chạy về thủ đô Niamey tị nạn để tìm an ninh. Người ta ước lượng có một triệu người di tản nội địa và ngày càng cần các tổ chức từ thiện giúp đỡ. Các tín hữu Kitô phải sống đạo âm thầm vì sợ bị trả thù.
Source:Catholic News Agency
3. Kitô hữu Ðan Mạch liên đới với Miến Điện.
Vào ngày 22 tháng 5 năm 2021, các tổ chức bác ái của các Giáo hội Ki-tô ở Ðan Mạch, trong đó có Caritas Ðan Mạch, sẽ tham gia cuộc tuần hành vì hòa bình “Mayday Myanmar” tại thủ đô Copenhagen, để tỏ tình liên đới và ủng hộ của các Giáo hội ở Ðan Mạch với người dân và các Giáo hội ở Miến Điện.
Các nhà tổ chức giải thích về sáng kiến rằng: “Là một cộng đoàn Giáo hội, chúng tôi muốn thể hiện tình liên đới của mình với các Giáo hội và người dân Miến Điện. Ðây là lý do tại sao chúng tôi sẽ cùng nhau đi bộ, mang theo những ngọn nến và cầu nguyện cho những người đau khổ ở Miến Điện”.
Ðoạn đường dài khoảng 4 km, từ Faelledparken đến quảng trường tòa thị chính. Tại đây sẽ có việc trình bày chứng từ và cuối cùng sẽ có cầu nguyện chung để kết thúc cuộc tuần hành.
Cùng với cuộc tuần hành vì hòa bình, một cuộc gây quỹ sẽ được tổ chức để hỗ trợ “những nỗ lực quan trọng của các Giáo hội ở Miến Điện” và giúp “lan tỏa hy vọng và niềm tin ở một quốc gia đang gặp khó khăn”.
Hơn ba tháng sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 năm 2021, các cuộc đàn áp vẫn tiếp tục, bất chấp nhiều lời kêu gọi từ các Giáo hội và các nhà lãnh đạo tôn giáo và những nỗ lực trên bình diện ngoại giao để đưa ra con đường đối thoại và đưa đất nước trở lại con đường dân chủ đang gặp khó khăn. Ngay cả sự can thiệp của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á vào tháng 4 năm ngoái cũng không có kết quả cụ thể.
Hiện nay đã có 800 người chết và 5,000 người bị bắt, trong đó hơn 3,800 người vẫn đang ở trong tù, trong khi bóng ma của một cuộc nội chiến ngày càng trở nên đe dọa.
Source:Denmark Mission
4. Ðức Thượng phụ Pizzaballa phê bình “chiến dịch bảo vệ tường thành”.
Ðức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Jerusalem phê bình chiến dịch của Israel gọi là “bảo vệ tường thành”, thay vì dựng những cây cầu giữa hai dân tộc Arập và Do thái để có hòa bình.
Từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, Israel đang tấn công miền Gaza để trả đũa những vụ lực lượng Hamas bắn hàng ngàn tên lửa vào lãnh thổ Israel. Cuộc hành quân của Israel gọi là “Những người bảo vệ tường”. Ðức Thượng phụ Pizzaballa nhận xét rằng “với tình hình đang diễn biến, bạo lực được đưa vào những vụ này mạnh mẽ hơn mọi khi. Nó sẽ tạo nên nhưng vết thương đòi nhiều thời gian hơn nữa để chữa lành. Tình hình căng thẳng mà chúng tôi đang sống trong những ngày này, đặc biệt tại các thành thị của Israel với dân chúng vừa là người Arập vừa là Do thái, chính là kết quả của những năm theo chính sách coi rẻ người Arập, mà phong trào Do thái cực hữu ngày càng khuyến khích. Nếu các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo không bắt đầu thay đổi những thái độ đó, thì tình trạng sẽ trầm trọng hơn. Sự khinh rẻ chỉ có thể tạo nên bạo lực”!
Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thượng phụ Pizzaballa nói rằng: “Chúng tôi vẫn còn ở xa viễn tượng hòa bình lâu bền, hòa bình này không phải chỉ là một cuộc đình chiến hoặc một tình trạng không rõ rệt về chính trị. Dầu vậy, chúng tôi sẽ không đầu hàng. Có nhiều người và nhiều lãnh vực trong xã hội Arập và Israel, người có thể thể xây dựng những cây cầu với nhau”.
Trả lời câu hỏi tại sao cộng đồng quốc tế không phản ứng, khi phía Israel trục xuất các gia đình Arập ra khỏi khu vực Sheikh Jarrah, ở mạn đông thành Jerusalem, khiến cho vụ này trở thành cơ hội làm bùng nổ xung đột hiện nay, Ðức Thượng phụ Pizzaballa nói: “Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế không phản ứng về vụ đó, vì trong lúc này họ có những ưu tiên khác so với những vấn đề trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Ðại dịch Covid-19, những cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị đang gia tăng khắp nơi và quốc tế không muốn can dự vào cuộc xung đột tại Thánh địa”
Source:Terra Santa