1. Vận động viên thể dục dụng cụ giành kỷ lục thế giới Simone Biles nói về đức tin Công Giáo của cô
Vận động viên thể dục 24 tuổi, người từng phá hết kỷ lục thế giới này đến kỷ lục thế giới khác, đã cởi mở nói về vai trò của đức tin trong cuộc đời mình.
Simone Biles đã làm nên lịch sử vào năm 2016 khi phá kỷ lục thế giới về số huy chương mà một vận động viên thể dục dụng cụ kiếm được. Khi giành được huy chương vàng thứ 24 trong sự nghiệp của mình, một huy chương vàng trên xà thăng bằng, Biles khi đó 22 tuổi đã vượt qua kỷ lục 23 huy chương của Vitaly Scherbo người Belarus mà anh đã nắm giữ kể từ năm 1996.
Biles đã giành được năm huy chương Olympic, bốn trong số đó là huy chương vàng, tại Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro.
Không một ai có thể yên nghỉ trên vòng nguyệt quế của mình, sau chiến thắng tại Thế vận hội Rio, Biles đã mở rộng tiết mục của mình để bao gồm hai kỹ năng mới, rất khó về mặt kỹ thuật.
Biles đã có mặt tại Thế vận hội 2020 ở Tokyo, với hy vọng thành tích tại giải vô địch thế giới thể dục dụng cụ sẽ củng cố danh tiếng của cô là một trong những vận động viên vĩ đại nhất trong lịch sử môn thể thao này.
Con đường dẫn đến thành công của cô không phải là không có những trở ngại, và chính đức tin Công Giáo đã giúp cô vượt qua chúng.
Sinh tại ở Ohio. Mẹ cô là một người nghiện rượu và ma túy, Biles được nuôi dưỡng bởi ông bà ngoại, người đã nhận nuôi cô và em gái cô. Lớn lên trong đức tin Công Giáo, Biles tham dự Thánh lễ Chúa Nhật với ông bà của mình.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở Rio, Biles đã tiết lộ với tạp chí Us nội dung trong túi đồ thể dục của cô khi một phóng viên nhận thấy một tràng hạt màu trắng bị rơi ra. Biles giải thích, “Mẹ tôi, Nellie, đã mua cho tôi một tràng hạt ở nhà thờ. Tôi không dùng nó chỉ để cầu nguyện trước một cuộc thi. Tôi luôn cầu nguyện một cách bình thường.”
Trong cuốn tự truyện Courage to Soar năm 2016, Biles đã viết về quá trình luyện tập và hy sinh mà cô đã thực hiện để đạt được đỉnh cao trong môn thể thao của mình, và đức tin Công Giáo đã giúp đưa cô đến đó như thế nào.
Mô tả về ngày cô lãnh nhận bí tích Thêm sức, Biles viết:
“Tôi đã diễn hành vào Nhà thờ Thánh Giacôbê Tông đồ vào Chúa Nhật hôm đó trong một dòng thanh thiếu niên với khuôn mặt nghiêm trang… theo một cách nào đó, đám rước của chúng tôi nhắc nhở tôi về một buổi lễ trao huy chương, ngoại trừ việc không có huy chương vàng, bạc và đồng nào được trao. Thay vào đó, giải thưởng của chúng tôi là một điều gì đó mạnh mẽ hơn nhiều: trong giây lát, mỗi người chúng tôi sẽ cúi đầu để lãnh nhận Bí tích Thêm sức”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Houston Chronicle, Biles giải thích lý do tại sao cô ấy rất cởi mở về đạo Công Giáo của mình.
“Trẻ em ngày nay ít dám nói về đức tin và tôi nghĩ rằng tôi có thể chia sẻ niềm tin của mình để bọn trẻ có thể thấy nó giúp bạn như thế nào trong toàn bộ cuộc sống”.
Source:Aleteia
2. Cơ cấu của Hồng Y Đoàn tính đến ngày 27 tháng 7
Tính đến ngày 27 tháng 7, Hồng Y Đoàn có 221 vị trong đó có 123 Hồng Y cử tri.
Tây Âu có 90 Hồng Y trong đó có 46 Hồng Y cử tri. Nếu chỉ tính số Hồng Y cử tri, thì đông nhất là Ý với 22 Hồng Y cử tri, kế đến là Tây Ban Nha với 6 vị, Pháp 4 vị và Đức 3 vị.
Đông Âu có 15 Hồng Y trong đó có 7 Hồng Y cử tri. Nếu chỉ tính số Hồng Y cử tri, thì đông nhất là Ba Lan với 3 Hồng Y cử tri. Các quốc gia sau mỗi nước có một vị Hồng Y cử tri: Bosnia và Herzegovia, Croatia, Tiệp, Hung Gia Lợi.
Bắc Mỹ có 26 Hồng Y trong đó có 16 Hồng Y cử tri. Nếu chỉ tính số Hồng Y cử tri, thì đông nhất là Hoa Kỳ với 9 Hồng Y cử tri. Canada 4 vị và Mễ Tây Cơ 3 vị.
Trung Mỹ có 9 Hồng Y trong đó có 7 Hồng Y cử tri. Cuba, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Nicaragua, Panama mỗi nước có một vị Hồng Y.
Nam Mỹ có 24 Hồng Y trong đó có 14 Hồng Y cử tri. Nếu chỉ tính số Hồng Y cử tri, thì đông nhất là Brazil với 4 Hồng Y cử tri. Á Căn Đình, Chí Lợi, Peru, Venezuela mỗi nước có 2 vị. Colombia và Uruguay mỗi nước có một vị.
Á Châu có 25 Hồng Y trong đó có 15 Hồng Y cử tri. Nếu chỉ tính số Hồng Y cử tri, thì đông nhất là Ấn Độ với 3 Hồng Y cử tri, rồi đến Phi Luật Tân với 2 Hồng Y. Indonesia, Thái Lan, Bangladesh, Nhật Bản, Lào, Miến Điện, Pakistan, Nam Hàn, Sri Lanka, Iraq mỗi nước có một Hồng Y cử tri.
Việt Nam có 2 Hồng Y nhưng đều quá tuổi 80 nên Việt Nam không có Hồng Y cử tri.
Đại Dương Châu có 5 Hồng Y trong đó có 3 Hồng Y cử tri. Tân Tây Lan, Papua New Guinea, Tonga mỗi nước có một vị Hồng Y cử tri.
Phi Châu có 27 Hồng Y trong đó có 15 Hồng Y cử tri. Nigeria, Burkiana Gaso, Cape Verde, Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea, Mali, Marốc, Cộng Hoà Trung Phi, Ethiopia, Kenya, Rwanda, Tanzania, Madagascar mỗi nước có một Hồng Y cử tri.
3. Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng tương lai nên như thế nào?
Massimo Faggioli là một sử gia Giáo Hội, giáo sư thần học và tôn giáo học tại Đại Học Villanova, California, và một cây viết của tạp chí Commonweal. Trên tạp chí La Croix International gần đây, ông có bài viết tựa đề là “The looming conclave, Catholic populists and the dubia”, nghĩa là “Thấp thoáng Cơ Mật Viện, những người theo chủ nghĩa dân túy Công Giáo và dubia”
Theo Giáo sư Faggioli, có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay đổi đáng kể thành phần cử tri đoàn, thậm chí bằng cách bổ sung vào số lượng của nó những người từ các quốc gia trước đây chưa từng có Hồng Y. Điều này phản ảnh cố gắng của ngài nhằm phi Âu hóa Giáo hội và thay đổi cơ chế cuối cùng sẽ bầu ra người kế nhiệm ngài.
Đó là một thay đổi định chế rất quan trọng. Nhưng trong hơn tám năm triều giáo hoàng, Đức Phanxicô chỉ tụ tập tất cả các Hồng Y còn sống lại với nhau có một lần duy nhất trong hai ngày 20 và 21 tháng Hai năm 2014. Nói cách khác, trong bối cảnh không quen biết nhau, các Hồng Y hiện nay có thể lúng túng không biết nên chọn ai làm Giáo Hoàng.
Vấn đề thứ hai: Những phát triển gần đây tại Âu Châu, đặc biệt là tại Ba Lan chứng minh một thực tế đáng buồn là tất cả các Hồng Y, dù hương thơm thánh thiện lan tỏa đến đâu đi nữa vẫn có khả năng bị cáo buộc không giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Điều gì sẽ xảy ra nếu vị Giáo Hoàng vừa được bầu vấp phải một đợt tấn công cường tập của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là những kẻ cố ý can thiệp vào kết quả bầu Giáo Hoàng.
Một bài báo gần đây trên tạp chí chính trị Ý Il Mulino của nhà sử học Giáo hội nổi tiếng Alberto Melloni đã nêu ra nhiều đề nghị cấp bách liên quan đến Cơ Mật Viện sắp tới. Alberto Melloni là tác giả của một cuốn sách vào đầu những năm 2000 về lịch sử các cuộc bầu cử giáo hoàng. Cuốn sách cung cấp một phân tích ngắn gọn về những thay đổi gần đây nhất trong các quy tắc dành cho Cơ Mật Viện, đặc biệt là tông hiến Universi Dominici Gregis (Chăn dắt Đoàn chiên Chúa) của Đức Gioan Phaolô II công bố năm 1996. Tông hiến này đặc biệt ấn định Rôma là nơi duy nhất việc bầu Giáo Hoàng có thể diễn ra, loại bỏ qui định cũ theo đó, Cơ Mật Viện diễn ra ở bất cứ nơi nào vị giáo hoàng qua đời. Sau đó, Melloni đề cập đến sự sửa đổi nhỏ mà Đức Bênêđíctô XVI đã thực hiện đối với Universi Dominici Gregis vào ngày 22 tháng 2 năm 2013, ngay sau khi tuyên bố thoái vị. Đức Bênêđíctô đã khôi phục sự cần thiết của đa số 2/3 đối với việc bầu Giáo Hoàng, hủy bỏ việc bầu cử theo đa số tương đối.
Bốn thay đổi được đề nghị
Melloni đưa ra bốn đề nghị để cập nhật các quy tắc cho Cơ Mật Viện. Đề nghị đầu tiên của ông là tăng cường clausura (cấm cửa). Ông nói rằng tất cả các Hồng Y cử tri nên được yêu cầu cư trú tại nhà trọ Santa Marta ngay khi các ngài đến Rôma, thay vì được phép đợi cho đến khi Cơ Mật Viện thực sự bắt đầu.
Đề nghị thứ hai của ông là “các phiên họp toàn thể” - tức các phiên họp hàng ngày trước Cơ Mật Viện gồm tất cả các Hồng Y, kể cả những các vị trên 80 tuổi, không có quyền bỏ phiếu - cũng nên bao gồm các phiên họp trong bầu khí kiểu clausura chỉ dành cho các Hồng Y cử tri.
Đề nghị thứ ba của Melloni là thay đổi tần suất các cuộc bỏ phiếu: chỉ một lần bỏ phiếu mỗi ngày trong ba ngày đầu tiên; hai lần bỏ phiếu mỗi ngày trong ba ngày tiếp theo; và bốn lần bỏ phiếu trong ba ngày sau đó. Ông nói điều này sẽ giúp các “bên khác nhau” trong Cơ Mật Viện có thêm thời gian để thảo luận. Nó cũng sẽ giải phóng các cử tri khỏi áp lực của các phương tiện truyền thông nhằm nhanh chóng có được vị tân giáo hoàng.
Đề nghị thứ tư và cuối cùng cũng liên quan đến những rủi ro của một cuộc bầu cử vội vàng. Melloni đề nghị các quy tắc mới nên dành cho vị Hồng Y đã nhận đủ phiếu bầu để trở thành giáo hoàng có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, suy ngẫm và xem xét lại lương tâm của mình. Điều này sẽ giúp ngài xét xem liệu có điều gì trong quá khứ của mình, đặc biệt khi ngài phải giải quyết các trường hợp lạm dụng, có thể khiến cuộc bầu cử giáo hoàng trở thành dubia.