Theo VaticanNews, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về thư gửi tín hữu Ga-lát tại buổi yết kiến chung ngày thứ Tư, 4 tháng 8, sau kỳ nghỉ mùa hè. Trong bài giáo lý hôm nay diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc chỉ có một Tin mừng. Sau đây là trọn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Khi nói đến Tin Mừng và sứ mệnh truyền giáo, thánh Phao-lô rất hăng hái, ngài như ra khỏi ngài. Ngài dường như không thấy gì khác ngoài sứ mệnh này mà Chúa đã giao phó cho ngài. Mọi điều trong ngài đều được dành riêng cho việc công bố này, và ngài không có hứng thú nào khác ngoài Tin Mừng. Đó là tình yêu của Thánh Phao-lô, sự quan tâm của Thánh Phao-lô, nghề nghiệp của Thánh Phao-lô: rao giảng. Ngài thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng: 'Đức Kitô không sai tôi đi làm phép rửa, nhưng để rao giảng Tin Mừng' (1Cr 1:17). Thánh Phao-lô giải thích toàn bộ đời ngài như một lời kêu gọi rao giảng Tin Mừng, làm cho sứ điệp của Đức Kitô được biết đến, làm cho Tin Mừng được biết đến: “Khốn cho tôi”, ngài nói, “nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9:16). Và khi viết cho các Kitô hữu ở Rôma, Người tự trình bày đơn giản như sau: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, một tông đồ do ơn gọi, được chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1: 1). Đây là thiên chức của ngài. Nói tóm lại, ngài ý thức rằng ngài đã được "đặt riêng ra" để mang Tin Mừng đến cho mọi người, và ngài không thể không cống hiến hết mình cho sứ mệnh này.

Do đó, người ta có thể hiểu được nỗi buồn, nỗi thất vọng và thậm chí sự oái oăm cay đắng của Thánh Tông đồ đối với người Ga-lát, những người dưới mắt ngài có thể đang đi sai đường, đường sẽ dẫn họ đến một điểm không thể quay trở lại: họ có thể đã đi sai đường. Điểm mấu chốt mà mọi sự xoay quanh là Tin Mừng. Thánh Phao-lô không nghĩ đến “bốn sách Tin Mừng”, như một lẽ tự nhiên đối với chúng ta, Thật vậy, khi ngài gửi Thư này, chưa có cuốn nào trong bốn sách Tin Mừng được viết ra cả. Đối với ngài, Tin Mừng là những gì ngài rao giảng, điều được gọi là kerygma, tức là việc công bố. Và công bố điều gì? Công bố cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là nguồn ơn cứu rỗi. Một Tin Mừng được diễn tả bằng bốn động từ: "Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta đúng như lời sách thánh, Người đã được chôn cất, và Người đã sống lại vào ngày thứ ba đúng như lời Sách thánh, và Người đã hiện ra với Cephas, sau đó với nhóm mười hai" (1Cr 15: 3-5). Đó là lời công bố của Thánh Phao-lô, lời công bố ban sự sống cho mọi người. Tin Mừng này là sự nên trọn của các lời hứa và sự cứu rỗi được ban cho mọi người. Ai chấp nhận điều đó thì được giao hòa với Thiên Chúa, được đón nhận như một người con thật sự, và nhận được cơ nghiệp là sự sống đời đời.

Đối diện với hồng ân tuyệt vời dành cho người Ga-lát, Thánh Tông đồ không thể giải thích tại sao họ nên nghĩ đến việc chấp nhận một “Tin Mừng” khác, có lẽ tinh vi hơn, trí thức hơn, tôi không biết… nhưng là một “Tin Mừng” khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những Kitô hữu này vẫn chưa từ bỏ Tin Mừng do Thánh Phao-lô loan báo. Thánh Tông đồ biết rằng họ vẫn còn thì giờ chưa đi một bước sai lầm, nhưng ngài cảnh báo họ một cách mạnh mẽ, rất mạnh mẽ. Lập luận đầu tiên của ngài chỉ thẳng vào sự kiện này là việc rao giảng được thực hiện bởi các nhà truyền giáo mới - những người mang đến sự mới lạ, những người rao giảng - không thể là Tin Mừng. Ngược lại, đó là một lời công bố bóp méo Tin Mừng đích thực vì nó ngăn cản họ đạt được tự do có được khi đạt đến đức tin - đây là chữ chủ yếu, phải không? - nó ngăn cản họ đạt được tự do có được bằng cách đến với đức tin. Những người Ga-lát vẫn còn là những “người mới bắt đầu” và việc họ mất phương hướng là điều dễ hiểu. Họ chưa biết sự phức tạp của Lề luật Mô-sê và lòng nhiệt thành tiếp nhận đức tin vào Chúa Kitô khiến họ lắng nghe những người mới rao giảng này, tự đánh lừa rằng sứ điệp của họ bổ sung cho sứ điệp của Thánh Phao-lô. Nhưng không phải thế.

Tuy nhiên, Thánh Tông đồ, không thể mạo hiểm thỏa hiệp trên cơ sở có tính quyết định như thế. Tin Mừng chỉ là một và đó là điều ngài đã loan báo; không thể có Tin Mừng nào khác. Hãy coi chừng! Thánh Phao-lô không nói rằng Tin Mừng đích thực là tin mừng của ngài vì chính ngài là người đã loan báo nó, không! Ngài không nói như thế. Điều đó sẽ là cao ngạo, sẽ là khoác lác. Đúng hơn, ngài khẳng định rằng Tin Mừng "của ngài", cũng là một Tin Mừng do các Tông đồ khác đã rao truyền ở nơi khác, là Tin Mừng chân chính duy nhất, bởi vì đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, ngài viết: “Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải là Tin Mừng của loài người, nhưng nó phát xuất qua sự mặc khải của Chúa Giêsu Kitô” (Gl 1:11). Chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phao-lô sử dụng các thuật ngữ rất khắc nghiệt. Hai lần ngài sử dụng cụm từ “anathema” (tuyệt thông), nhằm cho thấy sự cần thiết phải xa lánh khỏi cộng đồng bất cứ điều gì đang đe dọa nền tảng của nó. Và “Tin Mừng” mới này đe dọa nền tảng của cộng đồng. Nói tóm lại, về điểm này, Thánh Tông đồ không dành chỗ nào cho thương lượng: người ta không thể thương lượng. Với chân lý của Tin Mừng, người ta không thể thương lượng được. Một là anh chị em tiếp nhận Tin Mừng như nó vốn là, như nó đã được loan báo, hai là anh chị em tiếp nhận bất cứ tin mừng nào khác. Nhưng anh chị em không thể thương lượng với Tin Mừng. Người ta không thể thỏa hiệp. Đức tin nơi Chúa Giêsu không phải là một con bài mặc cả: đó là sự cứu rỗi, là sự gặp gỡ, là sự cứu chuộc. Nó không thể bị bán rẻ.

Tình huống trên, được mô tả ở phần đầu của Bức thư, có vẻ như nghịch lý, vì tất cả những người có liên quan dường như đều được thúc đẩy bởi những tình cảm tốt đẹp. Những người Ga-lát nghe những người truyền giáo mới nghĩ rằng nhờ phép cắt bì, họ sẽ càng tận tâm với thánh ý Thiên Chúa hơn và do đó, họ càng làm vui lòng Thánh Phao-lô hơn. Các kẻ thù của Thánh Phao-lô dường như được truyền cảm hứng bởi việc trung thành với truyền thống của tổ tiên và tin rằng đức tin chân chính bao gồm việc tuân giữ Lề luật. Trước lòng trung thành tột độ này, họ thậm chí còn biện minh cho những lời bóng gió và nghi ngờ của mình đối với Thánh Phao-lô, người được coi là không chính thống đối với truyền thống. Bản thân Thánh Tông đồ cũng nhận thức rõ rằng sứ mệnh của mình mang tính chất thần thiêng - nó được chính Chúa Kitô mạc khải cho ngài - và do đó ngài được động viên bởi lòng nhiệt thành hoàn toàn đối với tính mới mẻ của Tin Mừng, vốn là sự mới mẻ triệt để, không phải là sự mới lạ thoáng qua: không có các tin mừng “thời thượng”, Tin Mừng luôn luôn mới mẻ, nó chính là sự mới mẻ. Sự lo lắng về mục vụ khiến ngài trở nên nghiêm khắc, bởi vì ngài nhận thấy nguy cơ lớn lao mà các Kitô hữu trẻ phải đối đầu.

Tóm lại, trong mê hồn trận các ý hướng tốt đẹp này, cần phải làm cho mình thoát ra ngoài để nắm bắt được chân lý tối cao phù hợp nhất với Con người và lời rao giảng của Chúa Giêsu và sự mặc khải của Người về tình yêu của Chúa Cha. Điều này rất quan trọng: biết phải biện phân ra sao. Rất thường xuyên chúng ta đã thấy trong suốt lịch sử, và thậm chí chúng ta còn thấy điều này ngay ngày hôm nay nữa, một số phong trào rao giảng Tin Mừng theo cách riêng của họ, đôi khi với những đặc sủng thực sự và chân chính; nhưng sau đó họ đã đưa nó đi quá xa và giản lược trọn bộ Tin Mừng thành một “phong trào”. Nhưng đó không phải là Tin Mừng của Chúa Kitô: mà là Tin Mừng của người sáng lập và vâng, nó có thể hữu ích lúc đầu, nhưng cuối cùng nó không sinh hoa kết trái với nguồn gốc sâu xa. Vì lý do này, lời nói rõ ràng và dứt khoát của Thánh Phao-lô gây ơn ích cho người Ga-lát và cũng gây ơn ích cho cả chúng ta nữa. Tin Mừng là hồng ân của Chúa Kitô cho chúng ta, chính Người đã mạc khải điều đó cho chúng ta. Chính nó mang lại cho chúng ta sự sống. Cảm ơn anh chị em.