1. Đức Tổng Giám Mục Dublin thương tiếc vị linh mục đã hy sinh tính mạng để cứu người thư ký của mình
Hôm thứ Tư 4 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dublin đã bày tỏ lòng kính trọng đối với một linh mục người Ái Nhĩ Lan đã qua đời sau khi đẩy người thư ký của mình qua một bên để tránh một chiếc xe buýt đang lao tới. Người thư ký thoát nạn nhưng vị linh mục qua đời.
Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell nói với RTÉ's News at One hôm 4 tháng 8 rằng cái chết của Cha Con Cronin đánh dấu một “ ngày rất buồn”.
“Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Con Cronin và chia buồn với gia đình ngài về cái chết bi thảm của Cha Cronin. Đồng thời, tôi tôn vinh sự dũng cảm của ngài đã hy sinh bản thân để cứu người thư ký của mình.”
Đức Cha Dermot Farrell lưu ý rằng câu chuyện này diễn ra ngay trong Ngày lễ Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục giáo xứ.
Người dân địa phương nói rằng vị linh mục 72 tuổi đã đẩy người phụ nữ qua một bên an toàn khi một chiếc xe buýt lao về phía họ ở Monkstown, một ngôi làng ở County Cork, vào ngày 3 tháng 8.
Tài xế xe buýt, Mark Wills, 52 tuổi, cũng thiệt mạng. Tờ Thời báo Ireland đưa tin rằng anh ta đã mất kiểm soát chiếc xe sau khi bị tai biến tim mạch.
Cảnh sát Ái Nhĩ Lan, thường được gọi là Gardaí, ở Togher, Cork, đã đưa ra lời kêu gọi các nhân chứng của vụ tai nạn xảy ra trên đường Strand lúc khoảng 1:30 chiều
Đức Cha Fintan Gavin của giáo phận Cork và Ross bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết của linh mục từng phục vụ trong giáo phận của mình với tư cách là Cha Phó ở các Giáo xứ Passage West và Monkstown trong miền Harbour.
Đức Cha Fintan Gavin nói: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện chân thành của chúng tôi dành cho Cha. Gia đình của Cha, các bạn bè, giáo dân và các linh mục quen biết ngài trong Hội Truyền giáo Thánh Patrick, Kiltegan, cũng như các linh mục của Giáo phận Cork và Ross”.
“Tai nạn thương tâm này cũng khiến một gia đình khác phải thương tiếc vì mất đi một người thân yêu và tôi cũng cầu nguyện cho gia đình ngài”.
“Tôi cầu nguyện sự chữa lành và bình an cho tất cả những người bị thương và những người chứng kiến vụ tai nạn. Tôi muốn ghi nhận sự chuyên nghiệp và tử tế của các dịch vụ cấp cứu đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn”.
Đức Cha Gavin nói tiếp: “Cha Con đã phục vụ trong các Giáo xứ trong vùng Harbour từ năm 2012, thiết lập một mối quan hệ nồng ấm cả về mục vụ và cá nhân với tất cả những người mà ngài phục vụ và tất cả những người có liên hệ với ngài”.
“Ngài sẽ được mọi người nhớ đến với khiếu hài hước độc đáo và sự cởi mở với tất cả mọi người. Ngài qua đời vào ngày mà Phúc Âm nhắc nhở chúng ta điều gì đã xảy ra vào ngày Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước để đến với Chúa.”
Đức Cha kể lại rằng vị linh mục được thụ phong năm 1979 và phục vụ với các các Cha Kiltegan - còn được gọi là Hội Truyền giáo Thánh Patrick - ở Phi Châu trong 25 năm trước khi trở về Ái Nhĩ Lan vào năm 2004.
“Tất cả những ai biết Cha Con rất cảm kích vì đã biết ngài và giáo phận của chúng ta được chúc phúc vì ngài đã phục vụ giữa chúng ta”.
Cha Sean O’Sullivan cùng phục vụ với Cha Con cho biết lễ tang của vị linh mục sẽ diễn ra theo quy định của COVID-19. Các quy định của chính phủ nêu rõ rằng chỉ có 50 người đưa tang được phép tham gia lễ tang.
“Các nhà thờ của chúng tôi sẽ vẫn mở cửa muộn hơn bình thường trong những ngày tới để mọi người có thời gian đến thăm nhà thờ và cầu nguyện cho Cha Con”, linh mục nói.
“Cũng xin nhớ đến người lái xe buýt, Mark Wills, người cũng đã chết trong vụ tai nạn và chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa an ủi gia đình anh ấy và bao quanh họ với sự hỗ trợ yêu thương trước sự mất mát tàn khốc này.”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Tổng Giám Mục Dublin: yêu cầu của chính phủ hoãn lại các cuộc Rước lễ lần đầu, và Thêm Sức xác nhận có vẻ 'phân biệt đối xử'
Hôm thứ Ba 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Dublin nhận định rằng yêu cầu của chính phủ Ái Nhĩ Lan buộc các giáo xứ phải trì hoãn các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức dường như là một hành động “phân biệt đối xử”.
Trong một lá thư gửi cho các linh mục vào ngày 3 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” rằng các đại diện của Giáo hội đã không được hỏi ý kiến về việc sửa đổi các hướng dẫn.
“Có thể hiểu được, nhiều người đã lo ngại và thất vọng rằng các hướng dẫn hiện hành hạn chế việc cử hành các bí tích với lý do dường như cho rằng các buổi lễ như thế có thể dẫn đến các cuộc họp mặt gia đình, và điều này có thể vi phạm các hướng dẫn y tế công cộng dành cho các gia đình”.
“Điều này thật khó hiểu, vì không có lệnh cấm nào như vậy được áp dụng cho các sự kiện khác, chẳng hạn như các sự kiện thể thao hoặc dân sự, hoặc các dịp gặp gỡ gia đình khác, chẳng hạn như mừng sinh nhật và lễ kỷ niệm khác, như đám cưới hoặc đám tang”.
“Nhiều người đã kết luận rằng, trong trường hợp không có sự biện minh thích hợp, các hướng dẫn này là phân biệt đối xử”.
Trong bức thư, Đức Tổng Giám Mục Farrell nói rằng các giáo xứ có thể tiến hành các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức “nếu quý cha cho là an toàn”.
Vị tổng giám mục 66 tuổi nói thêm rằng cần phải “thận trọng bảo đảm rằng các gia đình tuân thủ các hướng dẫn sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc đón khách đến thăm”.
Đức Cha Farrell được bổ nhiệm làm tổng giám mục Dublin vào tháng Hai vừa qua. Ngài là giám mục Ái Nhĩ Lan mới nhất cho biết rằng các giáo xứ có thể tiến hành Rước lễ lần đầu và Thêm Sức. Các giám mục ở Elphin, Clogher, Waterford và Lismore đã bật đèn xanh cho các buổi lễ trong giáo phận của các ngài.
Các giám mục của các giáo phận Meath, Raphoe và Killaloe cũng đã làm theo.
Truyền thông Ái Nhĩ Lan đưa tin bốn tổng giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan – là các Đức Tổng Giám Mục Farrell, Eamon Martin của Armagh, Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Michael Neary của Tuam - đã viết thư cho chính phủ vào ngày 28 tháng 7, chỉ ra rằng các cuộc Rước lễ lần đầu và Thêm Sức sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8.
Source:Catholic News Agency
3. Cảm Nghiệm Sau 2 Tuần Phục Vụ Bệnh Nhân Tại Bệnh Viện Dã Chiến
Đã qua 2 tuần được phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến, tôi đã học và trải nghiệm với bao nhiêu là cung bậc cảm xúc.
Nhớ lại lúc dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mỗi ngày tiếng còi xe cứu thương một dồn dập. Mỗi tiếng còi vang lên là một lần làm tim tôi đau nhói, vì biết rằng có thêm một bệnh nhân nữa đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lần tôi đã tự hỏi bản thân có thể làm gì cho họ?
Rồi văn phòng tu sĩ gửi đi bức thư kêu gọi Tình Nguyện Viên phục vụ cho bệnh nhân Covid 19. Đọc thư, tôi có một cảm nhận rất mạnh mẽ về lời mời gọi cá vị mà Chúa dành cho tôi. Sau khi cầu nguyện và được sự động viên của chị em trong nhà dòng, tôi đã quyết định xin đăng ký tham gia nhóm Tình Nguyện Viên. Có nhiều cuộc gọi đến từ người thân, chị em trong dòng và bạn bè, người này hỏi thăm, người kia khuyến khích và cũng có người bày tỏ sự lo lắng cho tôi. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm chính mình đang đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nên sự tin tưởng và phó thác thì lớn hơn những điều khác.
Sau ngày chích ngừa, tôi bị đau đầu và sốt suốt một ngày một đêm, tưởng chừng không thể đi cùng đoàn theo dự định. Tuy nhiên, sự khát khao được đi phục vụ cùng với sự quan tâm chăm sóc của chị em trong cộng đoàn đã cho tôi sức mạnh để vượt lên chính mình. Tôi đã lên đường với một tâm trạng của một người Môn đệ Thầy Giêsu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho các bệnh nhân.
Sau buổi gặp mặt chung, tôi biết nơi mình được gửi đến là cơ sở II Bệnh viện Ung Bướu Thủ Đức. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về những ngày sắp tới của mình. Không biết mình sẽ làm gì? Mình có thể giúp gì cho những bệnh nhân?... Nói chung suy nghĩ nhiều nhưng tôi không thể mường tượng được công việc mình sẽ làm là gì.
Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.
Đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn nơi làm việc và nơi ở. Sau khi được cô y tá trưởng hướng dẫn cặn kẽ, chúng tôi biết công việc của mình là hỗ trợ các bác sĩ khi có nhu cầu và làm vệ sinh cho bệnh nhân cũng như mọi nơi khác trong khoa, chúng tôi lo chuẩn bị sẵn sàng để ngày hôm sau bắt tay vào việc. Nhóm của tôi gồm 16 người được phân công ở khoa Cấp cứu, chia làm 3 ca 4 kip để làm việc theo ca như ekip của khoa.
Ngày đầu tiên, tôi được phân công làm ca đêm nhưng tôi đã háo hức dậy ngay từ sáng sớm để cầu nguyện cho sự bình an của mỗi người và tiễn anh chị em đi làm ca sáng.
Sau khi ca một về chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao của khoa và việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất nguy hiểm cho phục vụ. Có ý kiến khuyên chúng tôi không nên tiếp tục vì chúng tôi không học ngành y. Sự hoang mang lẫn lo lắng bao trùm lên cả nhóm. Chúng tôi đã quyết định nghỉ một ngày để ngồi lại với nhau cùng phân định. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi đã quyết định tham gia đội Tình Nguyện Viên, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những nguy hiểm sẽ gặp. Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều đi đến quyết định: ở lại tiếp tục làm việc vì nơi đây rất cần chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa.
Kinh nghiệm của ca trước đã giúp tôi cẩn trọng hơn trong việc trang bị đồ phòng hộ. Lần đầu vào ca, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm việc gì. Các bác sĩ và y tá khá bận rộn nên không có thời gian để quan tâm chỉ dẫn việc cho chúng tôi. Một chút cảm thấy mình vô dụng trước hàng núi công việc họ đang phải gánh vác. Lòng ao ước để có thể chia sẻ gánh nặng của họ đã cho cho tôi sự chủ động để quan sát và tìm cách hỗ trợ. Một thái độ tích cực và sẵn sàng đã giúp tôi và các thành viên trong nhóm nhạy cảm hơn và mau chóng thích nghi với công việc.
Mỗi khi tan ca, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đã làm trong ngày để giúp nhau trong công việc. Giờ đây, mọi công việc đã trở nên rất quen thuộc, tinh thần và lòng hăng say mỗi ngày một gia tăng khi chúng tôi nhìn thấy được những biến chuyển tốt hơn của bệnh nhân, cảm nhận được niềm vui ánh lên nơi khóe mắt của bệnh nhân. Đó chính là động lực làm cho mỗi kíp chúng tôi đều mong đến ca của mình đi làm, để và có thể thăm hỏi, khuyến khích tinh thần họ.
Nhanh thật, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi đã thành thạo, không còn cảm thấy băn khoăn lo lắng về công việc nhưng khuôn mặt của mỗi người lại mang những ưu tư về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Giờ đây, không ai còn chia sẻ về sự lo lắng hay việc sợ bị nhiễm bệnh nữa, mà thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, và làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ của chúng tôi được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…
Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”
Thủ Đức, ngày 5-8-2021
Nữ tu Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành