1. Giáo Hội Công Giáo ở Ý phải vật lộn với sự suy giảm tiền thuế 8 phần ngàn
Kể từ những năm 1980, nguồn thu chính của Giáo Hội Công Giáo Ý là số tiền được gọi là “tám phần ngàn”, nghĩa là một phần thuế thu nhập cá nhân của mỗi người được nhà nước phân phối cho nhà nước hoặc cho một tổ chức từ thiện do người nộp thuế lựa chọn. Người nộp thuế có thể chọn một trong số các tổ chức từ thiện được chấp thuận, cả tôn giáo và thế tục, để tiền thuế của họ sẽ đến, mặc dù họ không bắt buộc phải chọn một tổ chức.
Trong số khoảng 75% dân số theo Công Giáo, khoảng 70% chọn Giáo Hội Công Giáo là pháp nhân nhận tiền thuế của họ, được Hội đồng Giám mục Ý quản lý.
Đối với những người không lựa chọn, số tiền thuế 8 phần ngàn được chia cho những tổ chức từ thiện khác nhau tương ứng với các lựa chọn đã được thực hiện, có nghĩa là phần lớn các tiền thuế đó cũng được chia cho Giáo Hội Công Giáo Ý. Hàng năm Giáo hội Ý nhận khoảng một tỷ euro từ số tiền thuế 8 phần ngàn và phân bổ cho nhiều các sáng kiến từ thiện cũng như quản lý và chi phí.
Theo luật, số tiền nhận được từ số tiền thuế 8 phần ngàn phải được sử dụng “cho nhu cầu thờ phượng của dân chúng, hỗ trợ giáo sĩ, các hoạt động bác ái có lợi cho cộng đồng quốc gia hoặc các nước thuộc thế giới thứ ba”.
Hàng năm Hội đồng giám mục Ý tài trợ cho rất nhiều hoạt động bác ái và xã hội tại các nước thuộc thế giới thứ ba ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và cả các nước Đông Âu.
Theo ông Roberto Grendene, số người dành số tiền thuế 8 phần ngàn cho Giáo Hội Công Giáo Ý lần đầu tiên giảm xuống dưới 30% có thể do một số yếu tố. Một trong những yếu tố này có thể là người dân có một lựa chọn mới, đó là dành số tiền thuế này cho 5 lý do của nhà nước bao gồm cứu trợ thiên tai, chấm dứt nạn đói trên thế giới, hỗ trợ người tị nạn và trẻ vị thành niên không có người đi kèm, bảo tồn di sản văn hóa, và việc bảo trì các tòa nhà trường học.
Phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Ý, Vincenzo Corrado, dường như không lo lắng về sự sụt giảm này, và lưu ý rằng khoảng 71,1% những người thực hiện lựa chọn dành quỹ 8 phần ngàn cho Giáo hội vẫn tiếp tục chọn lựa này. Ông Corrado tin rằng có một số yếu tố liên quan đến sự sụt giảm, “chắc chắn bao gồm cả đại dịch”, và những lý do có thể không liên quan đến Hội đồng giám mục hoặc chính Giáo Hội Công Giáo. Ông không nghĩ việc sụt giảm này chỉ đơn giản là do họ từ chối Giáo hội.
Source:Crux
2. Ý yêu cầu sinh viên đại học, giáo viên các cấp phải tiêm vắc xin
Để thúc đẩy việc học trực tiếp trở lại an toàn, chính phủ Ý đã thông qua luật buộc phải tiêm vắc xin COVID-19 đối với tất cả sinh viên đại học, tất cả giáo viên, giáo sư và nhân viên ở mọi cấp từ trường mẫu giáo đến trường đại học.
Luật áp dụng cho gần 8,000 trường Công Giáo, với tổng số học sinh ghi danh là khoảng 570,000 học sinh.
Chủ tịch FIDAE, liên đoàn các trường tiểu học và trung học Công Giáo, đã thúc giục chính phủ vào cuối tháng 7 thông qua một đạo luật như vậy, nói rằng đó là một “hành động có trách nhiệm”.
Virginia Kaladich, chủ tịch liên đoàn, nói với hãng thông tấn Ý Adnkronos : “Chúng tôi đang nói về sức khỏe tập thể của chúng tôi và tránh một cuộc lockdown khác”, Virginia Kaladich, chủ tịch liên đoàn nói.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 28 tháng 7, Kaladich cho biết cô đã nghe nói rằng 85% học sinh Ý đã được tiêm chủng, “ nhưng để bảo vệ an toàn cho đồng nghiệp và học sinh của mình, tốt nhất là tất cả mọi người đều được tiêm phòng”.
Thời gian bắt đầu năm học 2021-2022 ở Ý được xác định theo khu vực; học sinh ở khu vực phía bắc Bolzano trở lại trường học vào ngày 6 tháng 9; ở Rôma và vùng lân cận của Lazio, giống như hầu hết ở Ý, các trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13 tháng 9; và các trường học ở khu vực phía nam của Puglia bắt đầu vào ngày 20 tháng 9.
Nghị định của chính phủ về tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên nhà trường đã được ký kết ngày 06 tháng 8, cùng ngày hôm đó nó đã trở thành bắt buộc đối với bất cứ ai trên 12 tuổi. Họ được yêu cầu xuất trình chứng chỉ xanh, tức là bằng chứng về tiêm chủng, hoặc một giấy chứng nhận âm tính đối với COVID-19 để có thể ăn trong các nhà hàng, vào rạp chiếu phim hoặc thăm các viện bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Vatican.
Luật cũng yêu cầu tất cả nhân viên nhà trường và tất cả trẻ em trên 6 tuổi phải đeo khẩu trang trong lớp học, ngoại trừ trong giờ học thể dục hoặc có giấy của bác sĩ giải thích lý do tại sao không thể đeo khẩu trang y tế.
Vào tháng 3, Ý đã đưa ra quy định bắt buộc đối với tất cả các nhân viên y tế, bao gồm cả các dược sĩ, phải tiêm vắc xin.
Source:Crux
3. Thánh lễ trên đường phố mang Giáo Hội Công Giáo đến với người dân ở Chicago
Sáng kiến tái tục các thánh lễ đường phố gần đây ở khu phố Little Village của Chicago đã được nhiều người hoan nghênh.
Thời tiết ổn định, không có mưa và gió nhẹ làm giảm cái nóng. Ve sầu và chim hót líu lo trên cây. Đó là bối cảnh khi Cha James Kastigar, cha phụ tá của Giáo xứ St. Agnes xứ Bohemia, cử hành Thánh lễ bằng tiếng Tây Ban Nha ngày 22 tháng 7, lễ Thánh Maria Magđalêna.
Thánh lễ là một trong số các thánh lễ đường phố ngoài trời do giáo dân tổ chức trong năm nay, nối lại truyền thống phải tạm dừng vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Các thánh lễ đường phố đã được cử hành trong khoảng 20 năm qua.
“Chúng tôi tiếp tục tụ tập như một cộng đồng và chào đón cơ hội để cầu nguyện cho chấm dứt bạo lực và tiếp tục thúc đẩy hòa bình,” Cha Don Nevins, cha sở giáo xứ nói. “Đây cũng là cơ hội để cho mọi người biết chúng tôi đang mở cửa trở lại và đang chào đón mọi người trở lại tham dự Thánh lễ sau đại dịch”.
Carmen García, một trong những người tổ chức thánh lễ đường phố trong khu vực San Augustin, cho biết Thánh lễ được tổ chức bởi những giáo dân tham gia trong phong trào Misión Guadalupana.
“Chúng tôi muốn cung cấp sự hiện diện của Thiên Chúa chúng ta và cử hành Thánh lễ để mọi người có thể trải nghiệm điều đó ở nơi họ sống”, García nói.
Đối với mỗi Thánh lễ, các tình nguyện viên tìm một gia đình chủ nhà, người sẽ cung cấp điện cho hệ thống âm thanh, nước và nước giải khát sau phụng vụ.
Các tình nguyện viên sắp xếp để xin giấy phép đóng cửa đường phố từ thành phố và truyền bá thông tin về Thánh lễ trong khu vực lân cận.
Source:Crux