1. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.
Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, ngày cộng sản gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan, không có các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh nào cả.
Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.
Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10,000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30,000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66,000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.
Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.
Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.
2. Thay trời hành đạo: Y tá Đức tráo vắc xin bằng nước muối
Một y tá bị tình nghi là người chống vắc xin đã bị buộc tội tiêm hàng nghìn mũi tiêm giả chỉ toàn là nước muối thay vì vắc xin thiệt.
Thay vì nhận được vắc-xin Covid-19, khoảng 8600 người Đức có thể đã được tiêm một liều dung dịch muối, cảnh sát Đức đã cho biết như trên.
Các nhà chức trách cho rằng nữ y tá này đã “có động cơ chống lại việc tiêm chủng”.
Một chính trị gia địa phương cho biết ông “hoàn toàn bị sốc” trước vụ việc này.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, một nữ y tá của Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện hàng nghìn mũi chích ngừa tại một trung tâm tiêm chủng hàng loạt ở thị trấn Roffhausen, gần Bremen thuộc vùng Friesland, miền bắc nước Đức.
Trong khi chuẩn bị vắc-xin và ống tiêm tại trung tâm tiêm chủng địa phương, y tá này đã trút dung dịch vắc-xin khỏi các lọ thuốc và thay thế bằng nước muối trước khi tiêm cho những người muốn tiêm.
Sven Ambrosy, viên chức quận Friesland, cho biết trong một bài đăng trên Facebook.
“Hôm nay, tôi có nhiệm vụ đáng buồn là phải thông báo cho khoảng 8600 người có khả năng bị ảnh hưởng rằng tôi không thể loại trừ khả năng họ có thể đã tiêm nước muối thay vì tiêm vắc xin COVID-19”
“Tôi hoàn toàn bị sốc trước vụ việc,” anh nói.
Bất kỳ ai đã nhận được mũi tiêm tại trung tâm tiêm chủng Roffhausen trong khoảng thời gian từ ngày 3 tháng 3 đến ngày 20 tháng 4 đều được khuyến khích gọi cho chính quyền địa phương để xem họ có cần tiêm mũi lại hay không.
Theo trang web Euronews, cảnh sát địa phương đã tìm thấy các quan điểm chống tiêm chủng trên điện thoại của y tá, bao gồm cả trong các tin nhắn WhatsApp của cô ấy.
Tại Texas, Hoa Kỳ, nữ y tá Jennifer Bridges lãnh đạo một nhóm 116 nhân viên y tế khác từ chối không chịu chích vắc xin COVID-19 vì cho rằng nó sẽ có những tác dụng phụ lâu dài. Bệnh viện Houston Methodist buộc họ phải nghỉ việc hai tuần không lương. Jennifer Bridges và 116 nhân viên y tế này đã kiện bệnh viện ra tòa nhưng thất bại.
Tin nhắn trên WhatsApp cho thấy người y tá Đức có cùng quan điểm với nhóm của nữ y tá Jennifer Bridges.
Claudia Schröder, phó trưởng nhóm coronavirus ở bang Lower Saxony, bao trùm quận Friesland, cho biết: “Các cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy người này có động cơ phản đối việc tiêm chủng”.
“Vì cô ấy vẫn giữ im lặng với cảnh sát, chúng tôi không biết liệu cô ấy có bị thao túng ở mức độ nào trong giai đoạn này hay không.
Dung dịch nước muối không có hại. Tuy nhiên, nó cũng không bảo vệ chống lại Covid-19.
Hiện tại, chỉ có 56% người Đức được tiêm chủng đầy đủ.
Source:News.com.au
3. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã có dự án viếng thăm Cộng hòa Slovak.
Cựu đại sứ Slovak cạnh Tòa Thánh, ông Jozef Dravecky, 74 tuổi, tiết lộ rằng hồi năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã có dự án viếng thăm Cộng hòa Slovak nhân kỷ niệm 1,150 năm thánh Cirillo và Metodio đến truyền giáo tại lãnh thổ nay thuộc cộng hòa Slovak.
Nhiều người cho rằng Đức Thánh Cha có vẻ quyết định đột ngột, khi thông báo quyết định viếng thăm Slovak, sau khi kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế thứ 52, tại Budapest, Hung Gia Lợi.
Ông Dravecky kể lại khi còn làm đại sứ cạnh Tòa Thánh từ năm 2007 đến 2013, ông đã đích thân vận động xin Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đến thăm Slovak, vào năm 2013. Nhưng đứng trước tình trạng sức khỏe suy yếu của ngài, dự án viếng thăm được dời lại một năm. Rồi sau đó dự án lại đụng với cuộc viếng thăm của ngài tại Libăng, hồi tháng Chín năm 2012. Tiếp đến trước khi đi tới việc ấn định chắc chắn thời điểm viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thì xảy ra quyết định thoái vị của ngài, ngày 11 tháng Hai năm 2013.
Theo cựu đại sứ Dravecky, sự việc cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Slovak chỉ được chính thức thông báo trước hơn hai tháng, chứng tỏ Đức Thánh Cha đã có dự tính trước sẽ viếng thăm nước này. Ông nghĩ rằng “có lẽ ngài thấy có những vấn đề trong Giáo hội tại Slovak, điều mà chúng ta không biết toàn bộ. Hoặc có lẽ Slovak là một nước tiêu biểu, đang bị đe dọa vì những cám dỗ tân thời hiện nay”.
Trong dịp viếng thăm tại Vatican, ngày 14/12 năm ngoái, bà Tổng thống Zuzana Caputova, đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm. Tiếp đến, trên chuyến bay từ Iraq trở về Vatican, ngày 8/3 năm nay, Đức Thánh Cha cho các ký giả cùng đi với ngài rằng ngài sẽ đến Hung Gia Lợi để bế mạc Đại hội Thánh Thể, và vì Slovak chỉ cách thủ đô Hung Gia Lợi 2 giờ xe hơi, vậy tại sao không thể đến thăm!
Tối thứ Ba 10 tháng 8 vừa qua, đài truyền hình Slovak cho biết chính phủ nước này đã dành gần 5 triệu rưỡi Euro cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Ngoài ra, chính phủ cũng chấp thuận việc sử dụng 1,300 binh sĩ để bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày ngài thăm viếng Slovak. Các quân nhân sẽ được sự hỗ trợ của cảnh sát.
Source:Vatican News