ƠN GỌI BÊN TRONG

“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo; anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Tôi!”.

Một thanh niên kể, “Chiều ấy, tôi xuống tàu như một gã lang thang. Suốt một năm, tôi ăn xin trên các nẻo đường. Ngày kia, rất đói, tôi chạm vào vai một ông lão, “Ông ơi, cho tôi xin 10 xu!”. Nhìn mặt ông, tôi bỗng nhận ra cha già của mình! “Ông không biết tôi sao?”, tôi hỏi. Vòng tay qua người tôi, ông khóc, “Ôi, con tôi! Cuối cùng, cha cũng tìm thấy con! Tất cả những gì của cha là của con!”. Bạn nghĩ coi, tôi là một kẻ lang thang đã cầu xin 10 xu từ một người đàn ông mà tôi không biết là cha mình, đang khi ông ấy đã tìm kiếm tôi suốt 18 năm, để cho tôi tất cả những gì ông sở hữu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một thanh niên khác; người này không xin 10 xu, nhưng xin sự sống đời đời. Chúa Giêsu cho anh một cái gì đó, có tên là một ‘ơn gọi bên trong’, “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo… rồi đến mà theo Tôi!”. Nghe thế, anh buồn rầu bỏ đi, vì anh ta giàu!

Ơn trời! Chúa Giêsu đã không nói điều này với ai trong chúng ta! Đúng không? Hay là Ngài đã nói? Và điều này có áp dụng được gì không nếu chúng ta muốn nên trọn lành? Câu trả lời sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên! Đúng thế! Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người bán hết gia sản của họ và cho đi, đúng theo nghĩa đen. Với những ai đáp trả lời mời gọi này, thật tuyệt vời, họ đã khám phá ra sự tự do trong việc dứt bỏ những gì thuộc về họ. Ơn gọi của họ là một dấu chỉ cho tất cả chúng ta về ‘ơn gọi bên trong’ mà mỗi người đã được ban. Nhưng, ‘ơn gọi bên trong’ Thiên Chúa ban cho mỗi người là gì? Đó là một lời mời gọi sống sự khó nghèo thiêng liêng. “Khó nghèo thiêng liêng”, nghĩa là mỗi người được kêu gọi dứt bỏ mọi của cải thế gian ở ‘mức độ tương tự’ như những người được gọi khó nghèo theo nghĩa đen. Sự khác biệt duy nhất là, họ được gọi cả bên trong lẫn bên ngoài; còn chúng ta, ‘xem ra’ chỉ bên trong. Nhưng nó cũng phải triệt để!

Nghèo khó bên trong trông như thế nào? Đó là một Mối Phúc! “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó!”, như Matthêu nói; và “Phúc cho người nghèo!”, nói như Luca. Nghèo khó tinh thần giúp chúng ta khám phá bao phúc lành của sự giàu có thiêng liêng từ việc dứt mình khỏi những ràng buộc vật chất của thời đại này. Không, ‘những thứ’ vật chất không phải là xấu; đó là lý do tại sao việc có một ít tài sản cá nhân là tốt. Nhưng cho rằng, sẽ là bình thường, khi gắn kết mạnh mẽ với ‘những thứ’ đời tạm này; và chúng ta thường muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, đến nỗi rơi vào bẫy khi nghĩ rằng, có nhiều ‘thứ’ hơn, sẽ hạnh phúc hơn. Điều đó không đúng! Tự thâm tâm, chúng ta biết điều này, nhưng vẫn liều mình rơi vào vực thẳm khi phải làm sao có nhiều tiền và tài sản hơn; và cho rằng, như vậy sẽ thoả mãn. Giáo lý Rôma cổ viết, “Ai có tiền thì không bao giờ có đủ tiền!”.

Thật thú vị! Sách Thủ Lãnh hôm nay cũng nói đến ‘chân lý’ ‘không bao giờ đủ’ của dân Chúa, ngay cả khi cái họ muốn không thuộc về vật chất; đó là các vị thần. Thiên Chúa của họ là Thần các thần; ấy thế, họ không lấy làm đủ! Họ chạy theo các Baal; có Baal, họ chạy theo Astaroth… khiến Thiên Chúa thịnh nộ, đến nỗi, “Dù chúng đi nơi nào, tay Ta vẫn đè trên chúng!”. Nhưng Thiên Chúa lại xót thương, Ngài sai các Thủ Lãnh đến giải thoát họ; và khi các Thủ Lãnh chết, họ lại chứng nào tật đó, vì “Chúng không từ bỏ đường lối quá ương ngạnh chúng quen đi”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là lời van vỉ của các Thủ Lãnh, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu nói, “Ở trong thế gian, nhưng các con không thuộc về thế gian!”. Ai trong chúng ta cũng có một ‘ơn gọi bên trong’, sống trong thế giới nhưng không dính mắc vào ‘các thứ’ của thế giới. Những gì sở hữu chỉ là phương tiện để hoàn tất cuộc sống thánh thiện và mục đích của nó. Chúa ban những gì cần; Ngài không muốn chúng ta dư thừa và đặc biệt, bị ràng buộc bên trong bởi những của đời tạm này. Chúng ta hãy cầu xin cho biết mình thiếu gì, điều chúng ta luôn luôn thiếu là Giêsu. Nghèo khó bên trong là nhận biết Chúa Giêsu, kho tàng đích thực và là lẽ sống của mình; để bằng mọi giá, ôm lấy Ngài, chọn Ngài làm nguồn phúc lộc và là nguồn sống, vốn đưa chúng ta đạt đến sự sống đời đời. Một khi lòng trí chúng ta đã ôm chặt Giêsu, thì tự động, tất cả sẽ rơi rụng; đó là những gì thuộc về trần tục đang bám riết tâm hồn và mơ tưởng của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin nhận tất cả những gì con sở hữu và giúp con chỉ sử dụng nó theo cách Chúa muốn. Nhờ sự dứt bỏ này, may ra, con có thể khám phá được sự giàu có thực sự của ‘ơn gọi bên trong’ Chúa dành cho con”, Amen.

(Tgp. Huế)