1. Cặp song sinh giống hệt nhau kỷ niệm 70 năm là nữ tu Phanxicô
Sơ Mary Clare Bernet sinh ngày 6 tháng 6 năm 1930, chỉ 15 phút trước khi em gái của sơ, là Sơ Mary Robert Bernet, chào đời. Sau đó, ở những năm cuối tuổi thiếu niên, một lần nữa, người chị đi trên con đường mà người em sẽ đi theo.
Năm 1949, Sơ Mary Clare quyết định rời trường trung học để gia nhập dòng các Nữ tu Thánh Phanxicô của Cộng đồng Neumann - một cộng đoàn mà phần lớn các cô gái trong Trại mồ côi Mount Loretto trên Đảo Staten đã quen thuộc khi lớn lên. Sau một năm, em sơ cũng tham gia, và hai người phụ nữ bắt đầu một ơn gọi tu trì 70 năm, trong đó họ giảng dạy ở nhiều trường khác nhau trong gần 60 năm - ở New York, New Jersey và Connecticut.
Sơ Mary Robert sẽ chính thức đạt cột mốc 70 năm đời tu của mình vào tháng Giêng năm 2021, nhưng một thánh lễ đã được cử hành để vinh danh hai chị em sinh đôi bởi Đức Cha Phụ tá Peter Byrne, với chín linh mục đồng tế trong lễ kỷ niệm. Sau thánh lễ tưng bừng ngày hai chị em được chiêu đãi bữa trưa với 150 khách.
Hai chị em hiện sống trong một tu viện của Dòng Phanxicô của Thánh Tâm Chúa ở Peekskill, sau khi hoàn thành sự nghiệp giảng dạy vào năm 2011. Trong một tuyên bố chung, cặp song sinh giải thích rằng họ “sẽ không đánh đổi ơn gọi của mình để lấy bất cứ thứ gì.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic New York, Sơ Mary Clare tiếp tục chia sẻ rằng “Chúng tôi rất vui vì cả hai đều được Chúa gọi”. Nữ tu Mary Anne Maceda, cư dân trong tu viện cũng giải thích: “Họ yêu Chúa, yêu Chúa Giêsu, và họ muốn chia sẻ điều đó trong các thánh chức của mình”.
Source:Aleteia
2. Đức Hồng Y Phi Luật Tân, 130 nữ tu, nhân viên tu viện có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19
Đức Hồng Y Jose Advincula của Manila đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hai ngày sau khi một cộng đoàn nữ tu ở thủ đô Phi Luật Tân thông báo rằng 62 nữ tu của họ cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, ngày 17 tháng 9, Tổng giáo phận Manila cho biết ngoài bị “sốt nhẹ”, Đức Tổng Giám Mục “không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào khác”.
“Ngài đang ở trong tình trạng cách ly, tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Các bác sĩ cũng đang theo dõi tình trạng của ngài.”
Trước đó, Dòng các nữ tu của Đức Trinh nữ Maria cho biết 62 nữ tu và ít nhất 50 nhân viên của họ - những người chăm sóc, trợ lý y tế và lái xe - cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15 tháng 9, cộng đoàn cho biết các ca nhiễm trùng đã được xác nhận sau khi các nữ tu được kiểm tra vào ngày 10 tháng 9.
Tu viện cho biết, kể từ ngày 14 tháng 9, toàn bộ tu viện ở thành phố Quezon “đã bị khóa” và đang “hoàn toàn hợp tác” với các quan chức y tế.
Một dòng tu khác của các nữ tu, dòng các nữ tu của Chúa Thánh Linh, cũng báo cáo 22 trường hợp COVID và một trường hợp tử vong. Một tu viện của dòng cũng nằm ở thủ đô Manila ghi nhận 13 nữ tu và chín nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID; nhà dòng nói rằng một trong số các nữ tu đã chết vì căn bệnh này.
Một tuyên bố của Đơn vị Giám sát Dịch tễ và Dịch bệnh của thành phố cho biết họ đã bắt đầu điều tra xem các nữ tu đã bị nhiễm bệnh như thế nào.
Theo các quan chức y tế, các nữ tu vẫn đang chờ được tiêm, mặc dù tất cả các nhân viên đều đã được tiêm phòng đầy đủ.
Hai nữ tu cho biết đợt bùng phát có thể do một người không có triệu chứng đến thăm một trong những nữ tu lớn tuổi của người ấy.
“Chúng tôi hiếm khi rời khỏi tu viện. Nhưng theo thời gian, chúng tôi cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến thăm, đặc biệt nếu họ là thành viên trong gia đình của các nữ tu chúng tôi.”
Phi Luật Tân hôm thứ Sáu báo cáo có 20,336 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, với hơn 300 trường hợp tử vong - cao nhất trong gần một tháng.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 của cả nước là 2,324,475, với các ca nhiễm đang phải điều trị là 188,108, tương đương 8.1% tổng số trường hợp nhiễm bệnh.
Source:Catholic News Agency
3. Người bảo vệ quyền của bộ lạc Mindanao trở thành luật sư thứ 58 bị sát hại dưới thời Duterte
Một luật sư khác bảo vệ quyền của các dân tộc bộ lạc đã bị giết ở Mindanao.
Juan Macababbad, phó chủ tịch của Liên minh Luật sư Nhân dân ở Mindanao, gọi tắt là UPLM, đã bị bắn chết ngay trước nhà của mình ở Surallah, quận Nam Cotabato.
Ông trở thành luật sư thứ 58 bị giết kể từ khi Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Phi Luật Tân vào năm 2016.
UPLM đã đổ lỗi cho điều mà họ gọi là “văn hóa tràn lan của sự trừng phạt, thiếu các cuộc điều tra và truy tố nghiêm túc” của hàng nghìn vụ giết người ngoài vòng pháp luật trong nước vì những vụ sát hại các luật sư này.
Chủ tịch UPLM Antonio Azarcon cho biết: “Các đồng nghiệp của chúng tôi đã trở thành mục tiêu chính, đặc biệt là những người chống lại chế độ chuyên chế và bảo vệ nhân quyền.
Luật sư vừa bị sát hại đã đại diện cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở Hồ Sebu vào tháng 12 năm 2018, ở cùng một quận ở Nam Cotabato.
Tám người dân tộc T'boli và Manobo đã thiệt mạng trong một chiến dịch “chống khủng bố” tại một khu vực mà các bộ lạc địa phương đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để bảo vệ vùng đất của tổ tiên họ bị đe dọa bởi việc mở rộng đồn điền và khai thác cà phê.
Trong báo cáo mới nhất về các nhà bảo vệ môi trường bị giết hại trên thế giới, Global Witness, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, đã lên tiếng báo động về tình hình ở Phi Luật Tân.
Với 29 người bị giết vì bảo vệ quyền lợi của cộng đồng địa phương trên các vùng đất của họ bằng nhiều cách khác nhau, Phi Luật Tân xếp thứ ba trên thế giới vào năm 2020 về kiểu giết người này ở châu Á.
Cách đây vài tháng, chính quyền Duterte đã dỡ bỏ lệnh cấm mở các mỏ mới ở Phi Luật Tân.
Source:Asia News
4. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng, độc tài Belarus chế nhạo Giáo hội
Chính phủ độc tài của Belarus đã khiển trách một tờ báo chính thức vì đã đánh đồng các giáo sĩ Công Giáo với Đức Quốc xã trong một bức tranh biếm họa, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo của Giáo hội không được vi phạm luật cấm các cuộc biểu tình của chính phủ.
“Hình ảnh trên trang nhất của tờ báo, biếm họa các linh mục, không phản ánh quan điểm chính thức của nhà nước đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma”, Ủy viên Tôn giáo và Dân tộc của chính phủ, Alexander Rumak, cho biết trong một bức thư gửi Đức Cha Aleh Butkevich Giám Mục Vitebsk, là chủ tịch Hội Đồng Giám MụcBelarus.
Bức thư nói thêm rằng “Nhưng chúng tôi cũng hy vọng các linh mục Công Giáo sẽ luôn được hướng dẫn bởi luật pháp hiện hành của chúng ta, góp phần tiếp tục hợp tác một cách xây dựng giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo ở Belarus”.
Bức thư được công bố sau một văn bản phản đối của Hội đồng Giám mục, và một kháng thư bày tỏ quan ngại của Sứ Thần Tòa Thánh người Croatia, là Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, tại cuộc họp tuần trước với Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, Vladimir Makei.
Tuy nhiên, nhật báo Minskaya Prauda, trực thuộc chính quyền khu vực thủ đô Belarus, đã bảo vệ bức tranh biếm họa của họ trong đó mô tả bốn linh mục với thánh giá trên ngực bị biến thành các hình chữ thập Đức Quốc Xã, đứng trước một biểu tượng có tính chất chế diễu mô tả các giáo sĩ Công Giáo tử vì đạo khi quân Đức chiếm đóng tại Rosica năm 1943.
Tờ báo cáo buộc rằng một số linh mục đã cho phép cờ đỏ-trắng bị cấm của Belarus được trưng bày trong nhà thờ của các ngài, và đã cho phép hát một bài ca yêu nước, “Magutny Bozha” (Chúa toàn năng). Hồi tháng 7, Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ trích bài hàt này không lâu trước một cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ chính tòa Minsk.
Giáo Hội Công Giáo, chiếm khoảng 15% dân số Belarus với 9.4 triệu người, đã lên án sự đàn áp của chế độ sau cuộc bầu cử hồi tháng 8 năm 2020 của Tổng thống Lukashenko sau 26 năm cầm quyền
Source:The Tablet