1. Vatican thiệt mất 100 triệu bảng Anh trong vụ mua bán tài sản ở London
Tờ Financial Times cho biết Vatican sẽ phải chịu lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh khi hoàn tất việc bán một tòa nhà văn phòng sang trọng ở London đang chờ giải quyết, hiện đang là trung tâm của một cuộc điều tra tội phạm quốc tế.
Vatican đang trong giai đoạn cuối cùng để bán tòa nhà 60 Đại lộ Sloane, một tòa nhà ở quận Knightsbridge của London, với giá khoảng 200 triệu bảng Anh cho nhóm cổ phần tư nhân Bain Capital. Bain Capital và Savills, công ty đang quản lý vụ mua bán, đều từ chối bình luận.
Các quan chức cấp cao của Tòa thánh đã đầu tư tổng cộng 350 triệu euro vào tòa nhà ở London từ năm 2014 đến năm 2018. Điều này có nghĩa là việc mua bán dự kiến sẽ xác nhận khoản lỗ khoảng 100 triệu bảng Anh.
Các công tố viên của Vatican cho biết số tiền đầu tư vào tòa nhà và các khoản đầu tư khác được lấy từ Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, một khoản quyên góp hàng năm của những người Công Giáo trên khắp thế giới “cho nhiều nhu cầu khác nhau của giáo hội hoàn vũ và cho việc cứu trợ những người cần nhất”.
Tòa nhà London, tại một thời điểm đã được dự định chuyển đổi thành căn hộ sang trọng, là tâm điểm của một vụ bê bối buộc Vatican phải thanh tra triệt để cách quản lý tài chính của mình.
Cuối năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tước bỏ khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chức năng đầu tư hàng trăm triệu euro được tạo ra từ các khoản đóng góp của người Công Giáo.
Đầu năm nay, các công tố viên của Vatican đã buộc tội Raffaele Mincione, một cựu giám đốc ngân hàng người Ý, với nhiều tội danh khác nhau bao gồm gian lận và biển thủ.
Các công ty của Mincione đã mua lại tòa nhà ở London vào năm 2012 với giá 129 triệu bảng Anh. Hai năm sau, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mua lại tài sản thông qua một quỹ đầu tư do Mincione thành lập với mức định giá cao hơn nhiều. Vatican đã hoàn tất việc mua tòa nhà vào năm 2018.
Các công tố viên của Vatican nói rằng các công ty của Mincione đã kiếm được lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào tòa nhà Knightsbridge.
Mincione đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và nói rằng việc gia tăng giá trị của bất động sản là do các chuyên gia tư vấn bên thứ ba độc lập và đã được kiểm toán minh bạch. Ông cũng cho biết Vatican luôn được tư vấn bởi các ngân hàng đầu tư của chính mình.
Các thủ tục tố tụng hình sự của Vatican đối với Mincione và những người khác, bao gồm cả một Hồng Y, đã bị tạm dừng vào tháng trước sau khi thẩm phán Vatican yêu cầu các công tố viên cung cấp thêm bằng chứng cho các luật sư bào chữa.
Mincione đã bị phong tỏa 48 triệu euro tài sản của mình ở Thụy Sĩ theo yêu cầu của các công tố viên của Vatican như một phần của cuộc điều tra tội phạm. Anh ta đang theo đuổi một khiếu kiện dân sự riêng biệt chống lại Tòa thánh tại Tòa án tối cao Anh để tìm kiếm một phán quyết đánh giá rằng anh ta đã hành động đúng.
Source:Financial Times
2. Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích khẳng định Thánh lễ Latinh truyền thống đã ‘bị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bãi bỏ’
Trong một diễn biến đang gây rất nhiều xôn xao trong dư luận Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích Vatican đã nói rằng Thánh lễ Latinh Truyền thống đã bị “Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ”.
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche đã đưa ra nhận xét này trong một bức thư ngày 4 tháng 8 gửi cho Đức Hồng Y người Anh Vincent Nichols.
Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã trả lời một lá thư của vị Hồng Y đề ngày 28 tháng 7, liên quan đến việc áp dụng các quy định về Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Anh và xứ Wales.
Một phát ngôn viên của Đức Hồng Y Nichols đã xác nhận trong một email gửi CNA vào ngày 8 tháng 11 rằng bức thư, được công bố vào ngày 5 tháng 11 bởi trang web Gloria.tv, là xác thực.
Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, cùng ngày được phát hành, nói rằng các giám mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép các Thánh lễ Latinh Truyền thống trong giáo phận của mình.
Tài liệu, kèm theo một lá thư gửi các giám mục, đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, trong đó thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962 mà không cần xin phép giám mục của họ.
Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962 được gọi là hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Thánh lễ Tridentinô, Thánh lễ Latinh truyền thống, thánh lễ cổ, hay thánh lễ theo nghi thức Vetus.
Nhấn mạnh rằng phản ứng của ngài chỉ “mang tính chất cá nhân” vì Thánh bộ chưa ban hành hướng dẫn giải thích tài liệu, Đức Tổng Giám Mục Roche viết: “Rõ ràng, đây là thời điểm đòi hỏi các mục tử phải quan tâm và hướng tới những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo luật hiện hành”.
“Việc sử dụng các bản văn phụng vụ trước Công Đồng đã được điều hòa chứ không bị đàn áp. Lý do cho điều này được nêu rõ ràng trong lá thư của Đức Giáo Hoàng”.
“Việc giải thích sai và thúc đẩy việc sử dụng các bản văn này, sau những nhượng bộ hạn chế của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đã được sử dụng để khuyến khích một phụng vụ khác với cải cách Công đồng, và trên thực tế, đã bị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bãi bỏ, cũng như khích lệ một Giáo hội học không thuộc Huấn quyền của Giáo hội”.
Chúng tôi dùng chữ “bãi bỏ” để dịch chữ “abrogation” là chữ Đức Tổng Giám Mục Roche dùng trong lá thư gởi cho Đức Hồng Y Nichols. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, abrogation là “sự bãi bỏ hoàn toàn một đạo luật.”
Trong một lá thư gửi các giám mục thế giới đi cùng với Tự Sắc Summorum, Đức Bênêđíctô XVI đã viết rằng phụng vụ trước Công đồng “không bao giờ bị bãi bỏ về mặt pháp lý”.
Đức Bênêđíctô viết trong bức thư ngày 7 tháng 7 năm 2007 rằng:
“Về việc sử dụng Sách lễ năm 1962 như một Forma extraordinaria, tức là hình thức ngoại thường, của phụng vụ Thánh lễ, tôi muốn lưu ý đến thực tế là Sách lễ này chưa bao giờ bị coi là bị bãi bỏ về mặt pháp lý và do đó, về nguyên tắc, luôn luôn được cho phép”.
Đức Hồng Y Nichols, tổng giám mục của Westminster và là chủ tịch của hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, đã hỏi Đức Tổng Giám Mục Roche sáu câu hỏi liên quan đến Tự Sắc Traditionis Custodes. Những câu hỏi này bao gồm liệu Vatican có ban hành thêm các hướng dẫn về việc áp dụng Tự Sắc này hay không, và Tự Sắc có áp dụng cho các bí tích khác như lễ rửa tội và cách hiểu thuật ngữ “các nhóm”.
Ngài viết: “Mặc dù Tự Sắc đã có hiệu lực ngay lập tức, nhưng chúng tôi nhận thức được rằng việc áp dụng đúng và lâu dài của nó sẽ cần có thời gian.”
“Từ sự kết hợp của văn bản Tự Sắc và lá thư kèm theo, rõ ràng là Đức Thánh Cha mong muốn một sự hiệp nhất trong việc cầu nguyện phụng vụ, được thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo của lex orandi, nghĩa là luật cầu nguyện, của Nghi thức Rôma”.
“Với sự quan tâm mục vụ, chúng ta cần phải đồng hành với những người gắn bó bền chặt với Sách lễ năm 1962, hướng họ tới Sách lễ của các Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Gioan Phaolô II.”
Đức Tổng Giám Mục Roche, 71 tuổi, cựu giám mục của Leeds, miền bắc nước Anh, được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican vào tháng 5, kế vị Đức Hồng Y Robert Sarah.
Trong lá thư cũng được ký bởi thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, là Đức Tổng Giám Mục Vittorio Francesco Viola, Đức Giám Mục Roche nói với Đức Hồng Y Nichols rằng bộ của ngài vẫn đang “chăm chú nghiên cứu những tác động của Tự Sắc”, nhưng ngài vẫn vui mừng “chia sẻ với Đức Hồng Y những hiểu biết hiện tại của chúng tôi về các vấn đề ngài quan tâm.”
Đức Giám Mục Roche nhấn mạnh rằng:
“Rõ ràng là lời bình luận chính về luật mới điều chỉnh việc cho phép sử dụng các bản văn phụng vụ tiền Công Đồng, là có ý nhượng bộ trong các hoàn cảnh đặc biệt, chứ không phải là quảng bá. Đó là nội dung chính trong bức thư kèm theo của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Giám mục”.
“Rõ ràng là những nhượng bộ đặc biệt này chỉ nên được cấp cho những người chấp nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng Tối cao. Tất cả những gì trong luật mới đều hướng đến sự trở lại và ổn định phụng vụ như Công đồng Vatican II đã quy định “.
Ngài xác nhận rằng Tự Sắc đã chuyển giao trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Thánh lễ Latinh Truyền thống từ Bộ Giáo lý Đức tin sang Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ
Ngài viết: “Giờ đây các bộ này thực hiện năng quyền trong các lĩnh vực nhất định của họ”.
Về việc liệu tài liệu có được áp dụng cho tất cả các bí tích khác hay không, ngài nói rõ ràng là “luật mới bãi bỏ những gì đã được ban hành trước đó thông qua các nhượng bộ hạn chế trong các trường hợp ngoại lệ”.
Source:Catholic News Agency
3. Hầu hết các nhà lãnh đạo Giáo hội tẩy chay cuộc bầu cử ‘giả mạo’ ở Nicaragua
Tất cả các nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù và đảng của họ bị cấm, cho nên, Daniel Ortega và bà vợ ông ta Rosario Murillo đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nicaragua được tổ chức vào hôm Chúa Nhật.
Chỉ có một giám mục Công Giáo trong số 13 giám mục của đất nước đi bỏ phiếu.
Vào rạng sáng ngày thứ Hai, Hội đồng bầu cử tối cao của Nicaragua thông báo rằng với khoảng một nửa số phiếu được kiểm, Ortega đã giành chiến thắng với khoảng 75% số phiếu bầu. Với chiến thắng vang dội này, ông đã bảo đảm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, đó là chưa kể thời gian cầm quyền vào những năm 1980.
Washington đã gọi các cuộc bầu cử là một trò giả mạo do sự đàn áp của nhà lãnh đạo kỳ cựu đối với các đối thủ của mình và Liên minh Âu Châu đã gọi cuộc bầu cử này là “giả mạo”.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước khi cuộc kiểm phiếu được công bố, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Ortega và vợ ông đã dàn dựng một “cuộc bầu cử như một thứ kịch câm không tự do cũng không công bằng”.
Trong những tuần dẫn đến cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11, các giám mục Công Giáo đã đưa ra một số tuyên bố cho rằng nền dân chủ của đất nước đang gặp rủi ro vì các quyền cơ bản không được tôn trọng. Họ cũng nói rằng việc quyết định xem họ có bỏ phiếu hay không là do lương tâm của mỗi công dân.
Đức Cha René Sándigo, của giáo phận Leon, là giám mục Công Giáo duy nhất tham gia bầu cử.
Hôm thứ Bảy, một ngày trước cuộc bầu cử, gia đình của khoảng 150 tù nhân chính trị đã gửi một lá thư đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu ngài lên tiếng kêu gọi các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng ở Nicaragua.
“Chúng con yêu cầu sự can thiệp nhân đạo của Đức Thánh Cha,” họ viết. “Tất cả các thành viên trong gia đình chúng con đã bị giam giữ và bỏ tù mà không có thủ tục hợp pháp, như các tổ chức nhân quyền và quốc tế đã chứng thực”.
Họ cũng nói với Đức Giáo Hoàng rằng ước tính có khoảng 150,000 người chống lại chế độ đã phải chạy trốn sang Hoa Kỳ hoặc Costa Rica, và những người vẫn còn ở Nicaragua hầu như không thể nhìn thấy người thân bị giam cầm của họ, và lưu ý đến “tình trạng nghiêm trọng của họ về suy dinh dưỡng, bệnh tật và thiếu các điều kiện vệ sinh thích hợp”.
Họ viết: “Thưa Đức Thánh Cha, đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề nhân đạo. Gia đình chúng con đang rất đau khổ. Giáo hội đang bị tấn công, từ các linh mục đến hàng giáo phẩm đã phải ẩn náu, lưu đày và cũng phải lo sợ cho tính mạng của chính các ngài”.
Trong số những người đã phải rời khỏi đất nước có Đức Cha Silvio Baez, người đang sống lưu vong ở Miami, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh cho ngài rời Nicaragua vì tính mạng của ngài bị đe dọa.
“Hôm nay không phải là ngày chiến thắng cho bất kỳ ai ở Nicaragua,” vị giám mục nói trong bài giảng của mình, được cử hành tại Đền thánh Quốc gia của Washington, theo lời mời của Đức Cha David Malloy, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của các giám mục Hoa Kỳ.
Đức Cha Baez nói: “Hôm nay là một ngày nữa của chặng đường đau thương đẫm nước mắt và chết chóc mà đất nước chúng ta đã trải qua và đã để lại rất nhiều nạn nhân vô tội, những người mà chúng ta không thể và không muốn quên đi.”
“Cả thế giới đang đổ dồn ánh mắt vào đất nước chúng ta vì sự kiện bất hợp pháp đang diễn ra ở đó ngày hôm nay,” ngài nói, khi đề cập đến các cuộc bầu cử tổng thống.
“Ngày nay, những tham vọng quyền lực đen tối của những kẻ đã làm tan nát đất nước chúng ta và những bài phát biểu giễu cợt của chúng đang cố xuyên tạc lịch sử và che giấu sự thật dường. Tuy nhiên, ngày nay không phải là ngày kết thúc lịch sử của Nicaragua. Hôm nay không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức và hy vọng, của những cuộc đấu tranh và cam kết, của sự đoàn kết và quảng đại”, Đức Cha Baez nói.
Source:Crux