CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM B
VÌ SAO PHILATÔ KHÔNG THẮNG?
Chỉ là đoạn ngắn trong toàn bài Thương khó của Chúa Giêsu, nhưng thánh Gioan cho biết đến hai lần Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Dothái không?”.
1. TRONG LẦN ĐẦU: PHILATÔ BỊ TRA VẤN.
Thay vì trả lời, Chúa Giêsu tra vấn Philatô: “Quan tự ý nói hay có người nói cho quan nghe về tôi?”.
Với lời tra vấn, Chúa Giêsu lật ngược phiên tòa: Kẻ coi mình là người có quyền xử án, lại là người phải trả lời câu hỏi của “bị cáo”.
Philaô, kẻ tự coi mình là người có quyền xử án Chúa Giêsu, trở thành người bị tra hỏi.
Và câu trả lời của Philatô: “Tôi không phải là người Dothái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho tôi”.
Từ chính nội dung câu trả lời này, thánh Gioan cho thấy, Philatô không có bình an. Ông thừa biết Chúa Giêsu vô tội. Ông thừa biết Chúa bị ganh ghét và bị thói ghanh tỵ, thói tranh giành ảnh hưởng của những kẻ nắm quyền lực tôn giáo gây ra.
Bằng cách đổ trút cho "nhân dân" và "thượng tế", Philatô như muốn nói rằng, tôi không muốn xử Giêsu. Chỉ vì "nhân dân",vì "thượng tế", ví áp lực của những đòi hỏi ấy mà tôi buộc lòng phải ngồi tòa này, buộc lòng phải đối diện với Giêsu.
Một khi cho biết chỉ vì áp lực của "nhân dân" và "thượng tế" mà ông buộc lòng phải ngồi tòa, vô tình Philatô tự khẳng định và bày tỏ cho mọi người, mọi thời thấy: Phiên tòa của Philatô, một khi không trắng án (không xóa án) thì kẻ ngồi tòa hoàn toàn trắng sự tự do. Đó cũng là phiên tòa hoàn toàn trắng công lý, trắng chính nghĩa, trắng chân lý, trắng sự minh bạch, trắng sự công tâm, công bằng, công thẳng...
Hóa ra vụ xử tử Chúa Giêsu chỉ là bản án "bỏ túi", chẳng khác biết bao nhiêu lần kẻ phải chết thay cho ai đó tiếp tục nhởn nhơ sống trong tội ác.
Và phiên tòa, do đó, trở thành vỡ kịch mà những kẻ tham dự phải cố làm sao tròn vai viễn của mình cho xong, chỉ có máu người không chỉ vô tội mà còn công chính đổ ra là điều có thật...!
Còn thánh Gioan, một khi ghi lại chi tiết Chúa Giêsu tra vấn Philatô, muốn nêu bậc chân lý này: người có quyền không phải là Philatô, mà là chính Chúa Giêsu. Quyền bính không thuộc về con người, nhưng xuất phát từ Thiên Chúa. Rõ ràng một phiên tòa bị lật ngược.
2. TRONG LẦN KẾ TIẾP: PHILATÔ CHO THẤY LÒNG TIN.
Vì Chúa Giêsu chưa trả lời câu hỏi của mình, lần thứ hai Philatô lại thắc mắc: “Vậy ông là Vua à?”. Lời hỏi này dù chưa hẳn là lời xác quyết, nhưng vẫn cho thấy lòng Philatô có chút gì đó khởi đầu của sự tin tưởng. Chính lúc nghi ngờ là lúc bắt đầu tin!
Vì thế, trước câu hỏi của lần thứ hai, Chúa Giêsu trả lời dứt khoát, sau khi lật ngược phiên tòa: “Ông nói đúng, tôi là Vua”.
Bài Tin Mừng chỉ đến đây, nhưng nếu ta đọc tiếp, sẽ thấy, ở cuối phiên tòa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh một lần nữa về vương quyền của Ngài, qua đó càng thấy rõ, Philatô không có bất cứ quyền gì nơi Chúa Giêsu, dù đó là quyền nhỏ nhất, nếu Thiên Chúa không muốn như vậy: “Ông không có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống cho ông”.
Đến lúc Chúa Giêsu chết trên thánh giá, lại một lần nữa, dù không ý thức, Philatô tuyên xưng vương quyền của Chúa Giêsu, khi sai người đóng một tấm bảng trên đầu thánh giá: “Vua dân Dothái”.
Lần tuyên xưng sau cùng này hết sức ý nghĩa và mang tính quan trọng: đây không còn là câu hỏi mà là lời khẳng định: “Vua dân Dothái”!
Như khi tôi hỏi: “Anh có phải là thầy giáo không?”, thì trong câu hỏi, tôi đã có ít nhất vài phần trăm khẳng định.
Hai lần hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua không?”, cho thấy Philatô còn lưỡng lự, còn nghi ngờ. Nhưng lần tuyên xưng sau cùng, “Vua dân Dothái”, được viết trên tấm bảng, cứ y như một lời tuyên xưng chắc chắn được viết ra thành văn bản hẳn hòi. Hình như đã trở thành lời tuyên xưng, hết lưỡng lự, hết nghi ngờ.
3. CHÚNG TA NGHĨ GÌ KHI SỰ ÁC THẮNG THẾ?
Theo dõi suốt phiên tòa xử án Chúa Giêsu, tôi thấy Philatô không hoàn toàn là kẻ xấu, không hoàn toàn đánh mất lương tri. Nhiều lần ông tìm cách tha Chúa Giêsu, nhưng ý muốn của ông bất thành vì áp lực quá mạnh của sự dữ, bản thân ông khó đối đầu cùng tất cả, trong khi lòng ông vẫn còn đó nhiều tham vọng: quyền hành, quyền lợi, danh vọng... Hơn nữa, ông còn gia đình, còn phải lo cho vợ con... Cuối cùng, Philatô đành nhu nhược chọn bảo vệ "chiếc ghế" mà ông đang ngồi và "hy sinh" Chúa Giêsu.
Nhưng dù nơi Philatô và phiên tòa của ông bất chấp sự thật, bất chấp công lý thế nào, tôi bỗng nhận ra một điều: Philatô là người ngoại giáo, lại có những lời tuyên xưng vương quyền Chúa Kitô. Trong khi người Dothái là dân của Chúa, dân riêng Chúa chọn, thì lại nộp Chúa của mình cho kẻ ngoại xử án, lại còn một mực đòi chính quyền phải đóng đinh Chúa của mình vào thập giá!
Đó là bài học cho mỗi chúng ta. Vì biết đâu, chúng ta, kẻ ở trong nhà Chúa lại tự mình thành kẻ bên ngoài. Còn người ngoài, người chưa nhận biết Chúa, nhưng vì thái độ thành tâm tìm Chúa của họ, thay thế hoàn toàn chính chỗ đứng của chúng ta!
Để đừng rơi vào nỗi bi đát mà người Dothái, do thái độ đố kỵ, cứng lòng tin của mình, đã đánh mất ơn cứu độ, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác hoàn toàn mạng sống, cuộc đời, sức lực, tài năng, sự khôn ngoan, thời gian, ngay cả những yếu đau, bệnh tật, bất toàn… của mình cho Chúa.
Chỉ có tín thác mãnh liệt, ta mới không rơi vào dấu chân xưa không lấy gì làm tốt đẹp của người Dothái.
Vì khi tín thác cho Chúa, thì ngay trong ý nghĩa của sự tín thác đã hàm chứa một lòng vâng phục, lòng mến yêu, sự cậy trông.
Và qua đức tin tín thác trọn vẹn, còn cho thấy cả một sự khôn ngoan lớn. Vì tín thác chính là không ngoan.
Sau nữa, lòng tín thác cũng là thái độ mềm mỏng, dám chấp nhận để Chúa thực hiện và thể hiện thánh ý của Ngài trên cuộc đời ta.
Cuối cùng, ta hãy thâm tín rằng, chỉ một mình Thiên Chúa là chủ cuộc đời và Chúa Giêsu chính là lẽ sống, là nguồn ơn cứu. Tín thác cho Chúa là tuyên xưng Vương Quyền của Chúa.