Đức Thánh Cha đã đến Athens hay còn gọi là Nhã Điển trên chiếc máy bay Airbus 321 của hãng hàng không Aegean. Chiếc Airbus 320 của ITA Airways trước đó đã đưa Đức Thánh Cha đến Síp vào hôm thứ Năm, đã quay về Rôma chở theo 50 người di dân.
Aegean Airlines là hãng hàng không hàng đầu của Hy Lạp và là hãng hàng không Hy Lạp lớn nhất tính theo tổng số hành khách được vận chuyển, theo số lượng các điểm đến được phục vụ và theo quy mô đội bay. Aegean Airlines bay từ Athens và Thessaloniki đến các thành phố lớn khác của Hy Lạp cũng như một số thành phố ở Âu Châu và Trung Đông.
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Athens là chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng kể từ thời Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001. Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Balan cũng là chuyến thăm đầu tiên của vị giáo hoàng Công Giáo tới thành phố này kể từ cuộc Đại Ly Giáo năm 1054.
Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay là Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và các thành viên trong nội các.
Đức Phanxicô đang tìm cách cải thiện mối quan hệ khó khăn trong lịch sử với Giáo Hội Chính thống đồng thời nêu bật hoàn cảnh của hàng nghìn người tị nạn ở Hy Lạp.
Trong ngày thứ Bảy hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ lần lượt gặp Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và người đứng đầu Giáo Hội Hy Lạp, là Đức Tổng Giám Mục Ieronymos.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp các thành viên của cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Hy Lạp.
Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.
Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo khi Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.
Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.
Sự hiện diện của người Công Giáo ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương. Tuy nhiên, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.
Cho đến nay, một số nhân vật trong Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.
Trong chuyến tông du này của Đức Thánh Cha Phanxicô, 2,000 cảnh sát đã được triển khai tại Athens để theo dõi những cuộc biểu tình có thể xảy ra bởi những người theo đường lối cứng rắn Chính thống giáo. Họ đổ lỗi cho người Công Giáo về cuộc Đại Ly Giáo 1054, và vụ tấn công thành phố Constantinople vào năm 1204 trong cuộc Thập tự chinh lần thứ tư.
Cha Markos Foscolos, linh mục giáo xứ St Nicholas trên đảo Tinos, nói với các phóng viên trong tuần này rằng
“Sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở Hy Lạp là một sự cổ vũ cho chúng tôi... Người Công Giáo ở Hy Lạp phải tận dụng lợi thế của chuyến tông du này”,
Con số các tín hữu Công Giáo đã gia tăng trong những năm gần đây, với khoảng 50,000 đến 60,000 người Công Giáo địa phương cùng với 250,000 người khác từ Phi Luật Tân, Ba Lan và các nước Phi Châu.
Petros Panagiotopoulos, nhà thần học tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki, nhận xét: “Những người chống đối sẽ không bao nhiêu đâu”.
Pierre Salembier, người đứng đầu cộng đồng Công Giáo Dòng Tên ở Hy Lạp, nói với AFP rằng mối quan hệ với Giáo hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đã tốt hơn nhiều so với chuyến thăm trước đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Nhưng ông cho biết vẫn còn một số “kẻ cuồng tín chống Công Giáo được biết đến” trong các cơ quan quản lý của Chính Thống Giáo.
Ngày mai Chúa Nhật, Đức Phanxicô sẽ lại đến thăm Lesbos, một điểm nhấn trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015.
Trại Moria rộng lớn và ảm đạm, mà Đức Giáo Hoàng đã đến thăm vào năm 2016, đã bị thiêu rụi vào năm ngoái và đã được thay thế bằng một cơ sở mới do Liên Hiệp Âu Châu tài trợ.
Một trại mới rất kiên cố với hàng rào thép gai, camera giám sát, máy quét tia X và cổng được đóng vào ban đêm.
Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm viện trợ đã nêu quan ngại về các trại mới, cho rằng không nên hạn chế việc di chuyển của người dân.
Ba mươi sáu nhóm hoạt động ở Hy Lạp trong tuần này đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng, thu hút sự chú ý của ngài về quyền của những người trong các trại và yêu cầu ngài giúp đỡ trong việc ngăn chặn việc đẩy lùi người di cư bất hợp pháp được cho là do lực lượng biên phòng Hy Lạp thực hiện.
Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đến thăm trại cùng với các quan chức cấp cao của Hy Lạp và Liên Hiệp Âu Châu và sẽ gặp hai gia đình “được chọn ngẫu nhiên”, một quan chức cho biết.
Một phụ nữ xin tị nạn người Cameroon cho biết: “Chúng tôi đang chờ đợi Đức Thánh Cha với vòng tay rộng mở”.
Cô cho biết cô hy vọng Giáo hoàng “sẽ cầu nguyện cho chúng tôi để giúp chúng tôi vượt qua những bất an mà chúng tôi đã sống.”
Hôm thứ Tư, gần 30 người xin tị nạn đã cập vào bờ gần trại. Hôm thứ Sáu, hai người di cư đã chết khi một chiếc tàu cao tốc bị lật gần đảo Kos của Hy Lạp.