1. Trong khi cơn bão đang hoành hành, vị linh mục vẫn tiếp tục dâng thánh lễ

Hai linh mục đã trở thành những linh mục được quý mến nhất Phi Luật Tân sau khi hình ảnh các ngài cử hành thánh lễ bất chấp cơn bão đang tấn công ào ạt vào nhà thờ được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi video này trước khi chúng tôi tường trình chi tiết.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2021, khi cơn bão Rai đổ bộ mạnh vào Phi Luật Tân, tàn phá đất nước và giết chết gần 400 người, Cha Virgilio Salas vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ bất chấp những tiếng hú ghê rợn của gió bão đang lùa vào nhà thờ.

Hơn một tuần sau khi “siêu bão” Rai đi qua, đổ bộ vào miền trung và miền nam Phi Luật Tân từ ngày 16 tháng 12 năm 2021, thiệt hại về thiên tai này ngày càng tăng: 375 người chết và hàng trăm nghìn người hiện không có mái che đầu của họ, không có nước và không có điện. Những người sống sót đang tự tổ chức để giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là thông qua mạng lưới các giáo xứ của họ.

Cha Virgilio Salas nói với ABS-CBN News rằng: “Ngay cả khi có bão tố, đức tin vẫn tiếp tục”. Ngài vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ và phát hình bất chấp những cơn gió dữ dội ập vào đảo Bohol, nơi có nhà thờ của ngài, vào ngày 16 tháng 12. Thật vậy, Vào ngày hôm đó, thánh lễ tại giáo xứ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria ở Tagbilaran, một thành phố nằm trên đảo Bohol được dự kiến vào lúc 4 giờ chiều. Một số ít tín hữu tham dự.

Bất chấp sức gió của cơn bão ngày càng dữ dội, Cha Virgilio Salas, với sự hỗ trợ của một linh mục khác của giáo xứ, tiếp tục cử hành thánh lễ và truyền hình trực tiếp trên Internet:

“Chúng tôi tiếp tục cử hành thánh lễ dù chỉ có vài người hiện diện. Giáo hội cam kết luôn cầu nguyện cho các tín hữu của mình,” Cha Salas nói với giới truyền thông sau đó. Vị linh mục khác giải thích rằng ngài cảm thấy vừa sợ hãi trước cơn bão vừa cảm thấy sự thanh thản của một người dành ưu tiên cho đời sống tinh thần của các tín hữu.

Chủ động đối mặt với cơn bão tiếp theo

Hai vị linh mục là người bản địa ở Bohol và đã quen với việc xảy ra bão: đó là lý do tại sao các ngài đầu tư vào một máy phát điện.

Các ngài cũng vận động cộng đồng áp dụng các biện pháp tốt hơn để đối phó với các cơn bão tái diễn. Về vấn đề này, các ngài đề cao nhu cầu thay đổi thái độ của người dân và chính quyền địa phương:

Chúng ta phản ứng nhiều hơn là chủ động. Chúng ta biết có một cơn bão đang đến, nhưng chúng ta không di chuyển cho đến khi nó xảy ra. Các trạm không thể cung cấp nước vì thiếu điện. Chúng tôi có thể chủ động bằng cách cung cấp máy phát điện cho các trạm bơm và cung cấp thiết bị chiếu sáng và khẩn cấp bằng năng lượng mặt trời.

Giáo xứ đã và đang làm phần việc của mình và tiếp tục khuyến khích người dân làm phần việc của mình, tại thời điểm này thông qua việc quyên góp thực phẩm, nước và đèn. Tất nhiên, các linh mục cũng đang hỗ trợ tinh thần cho họ:

Giữa cơn bão tố, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng “Thầy ơi chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao. Và Chúa hỏi họ, “Tại sao anh em lại hèn tin như thế?”

Các linh mục cũng nhắc lại tình trạng nghèo hèn trong chuồng gia súc nơi Chúa Giêsu được sinh ra và vẽ ra sự song song giữa Lễ Giáng Sinh và việc giúp đỡ người khác:

“Ngay cả khi nó là một cái gì đó đơn giản như nước, hãy chia sẻ nguồn nước mà bạn có. Chúng tôi chúc tất cả mọi người một Giáng Sinh vui vẻ bất chấp thảm họa. Chúng tôi luôn ở đây để làm mọi thứ trong khả năng của mình cho bạn”.
Source:Aleteia

2. Mạc Tư Khoa “săn trộm” 102 giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria, tạo thành “Tòa Thượng Phụ Phi Châu”

Nội bộ của Chính Thống Giáo đã trở nên hết sức căng thẳng sau khi Chính Thống Giáo Nga “săn trộm” 102 giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria, để hình thành “Tòa Thượng Phụ Phi Châu” của Chính Thống Giáo Nga.

Các quan sát viên cũng tin rằng các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp giữa Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Nga và Vatican trong các ngày qua không phải để chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill; nhưng nhằm chuẩn bị cho một động thái vừa mới diễn ra hôm 29 tháng 12, và đang gây xao xuyến trong thế giới Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 5 tháng Giêng, 2019, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã chủ sự các nghi thức cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa Thánh George của Tòa Thượng Phụ Constantinope, trước khi kết thúc các thủ tục ký kết Tomos, trao quyền tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine. Đức Theodore, Thượng Phụ Alexandria đã tham dự các nghi thức này. Sau đó, Tòa Thượng phụ Alexandria là một trong các tòa đã nhanh chóng công nhận Giáo Hội Chính Thống tân lập Ukraine.

Người Nga nói rằng việc công nhận Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Alexandria sẽ không thể không có hậu quả; và nói thẳng rằng họ sẽ thành lập các giáo phận Chính Thống Giáo Nga trong các lãnh thổ Chính Thống Giáo khác, là một điều hết sức cấm kỵ trong Chính Thống Giáo.

Trong thời gian qua, một số thành phần trong Giáo hội Chính thống Nga đã ráo riết thành lập “Tòa Thượng Phụ Phi Châu của Chính Thống Giáo Nga” với mục tiêu là ảnh hưởng đến thẩm quyền hợp pháp của Đức Thượng Phụ Theodore.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Thánh Công Đồng quyết định thành lập một Tòa Thượng Phụ tại Phi Châu

Người đứng đầu Ủy ban của Thánh Công Đồng về Mối quan hệ của Giáo hội với Xã hội và Truyền thông Đại chúng, Vladimir Legoida, đã báo cáo về các nghị quyết đã được Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga thông qua tại cuộc họp được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 năm 2021, tại Dinh Thượng phụ và Thánh Công Đồng tại Tu viện Thánh Daniel ở Mạc Tư Khoa. Cuộc họp do Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga chủ trì.

Ông Legoida cho biết Thánh Công Đồng đã nghe báo cáo của phó chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại, là Đức Tổng Giám Mục Leonid của Yerevan và Armenia, về nhiều lời kêu gọi gửi tới Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga từ các giáo sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo của Alexandria để đưa họ về dưới sự giám hộ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa (Biên bản số 100).

Ông Legoida nói: “Tổng kết cuộc thảo luận, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng không thể từ chối một lời yêu cầu nào của các giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống giáo Alexandria, là những người đã thiết tha kêu cầu đưa họ về dưới quyền giám hộ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa”.

Ông nói thêm: “Về điểm này, Thánh Công Đồng đã quyết định rằng thể theo các kiến nghị của họ, 102 giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Alexandria từ tám quốc gia ở Phi Châu, sẽ được chấp nhận thuộc thẩm quyền của Giáo hội Chính thống Nga”.

Thượng Hội Đồng Tòa Thánh quyết định rằng Tòa Giám Mục của Phi Châu được thành lập bao gồm Giáo phận Bắc Phi và Nam Phi và người đứng đầu Tòa Thượng Phụ của Phi Châu được mang tước hiệu Đức Thượng Phụ “Klin”.

Vladimir Legoida cũng báo cáo rằng Thánh Công Đồng đã quyết định rằng Giáo phận Bắc Phi sẽ bao gồm các giáo xứ của Chính Thống Giáo Nga ở Ai Cập, Tunisia và Maroc và vị giám mục của Giáo phận Bắc Phi có tước hiệu Giám Mục “Cairo và Bắc Phi”.

Ông Legoida cho biết thêm: “Hơn nữa, Thánh Công Đồng đã quyết định rằng Giáo phận Nam Phi sẽ bao gồm giáo xứ của Chính Thống Giáo Nga ở Cộng hòa Nam Phi”.

Ông nói: “Thánh Công Đồng quyết định rằng vị giám mục của Giáo phận Nam Phi được mang tước hiệu Giám Mục “của Johannesburg và Nam Phi”.

Theo ông Legoida, Thượng Hội đồng đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Leonid của Yerevan và Armenia làm Giám mục Thượng phụ cho Phi Châu, tức là Đức Thượng Phụ Klin, với chỉ thị cai trị Giáo phận Bắc Phi và làm Giám Quản Tông Tòa tạm thời của Giáo phận Nam Phi.

“Thánh Công Đồng cũng quyết định miễn nhiệm Đức Cha Leonid trong tư cách là Ủy Ban Đối ngoại, nhưng giữ lại nhiệm vụ của ngài là Giám Quản Tông Tòa tạm thời của Giáo phận Yerevan và Armenia”
Source:Orthodox Times

3. Phó thủ tướng Abazović của Montenegro mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm quốc gia này

Phó Thủ tướng Dritan Abazović hôm nay có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis tại Vatican.

Abazović là khách mời danh dự trong buổi Tiếp kiến Chung thứ Tư 29 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Sau buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bước xuống bục chào quan khách, nhân dịp đó ngài đã có cuộc trò chuyện ngắn với Phó Thủ tướng Abazović.

Trong cuộc trò chuyện, Abazović mời Đức Thánh Cha đến thăm Montenegro và bằng cách đó, thực hiện ý nguyện của Emilije Ognjanović, người cha tinh thần là người gốc Montenegro, đang truyền giáo ở Á Căn Đình.

Đức Thánh Cha hóm hỉnh nói “Vì Cha Ognjanović, tôi cũng là người Montenegro”.

Sau cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng một món quà cho Phó Thủ tướng Abazović và các thành viên khác trong đoàn tùy tùng.

Sau buổi lễ, Phó Thủ tướng Abazović đã đến thăm Đại sứ quán Montenegro tại Vatican, nơi ông đã nói chuyện với Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán cạnh Toà Thánh Gojko Čelebić.

Montenegro, có nghĩa là “Ngọn núi Đen”, là một quốc gia tại miền đông nam Âu Châu. Nước này giáp với biển Adriatic về phía tây nam, và có chung đường biên giới với Croatia về phía tây, Bosnia và Hercegovina về phía tây bắc, Serbia về phía đông bắc, Kosovo về phía đông và cuối cùng là Albania về phía đông nam.

Montenegro là quốc gia độc lập từ cuối Trung cổ tới năm 1918. Sau đó nước này là một phần của Nam Tư. Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 21 tháng 5 năm 2006, Montenegro tuyên bố độc lập vào ngày 3 tháng 6 năm 2006. Ngày 28 tháng 6, Montenegro được trở thành thành viên thứ 192 của Liên Hợp Quốc.

Theo thống kê vào tháng 7 vừa qua, Montenegro có 607,100 dân. 72.1% theo Chính Thống Giáo. Người Công Giáo chỉ có 3.4% dân số sinh hoạt trong tổng giáo phận Bar và giáo phận Kotor.

Tổng giáo phận Bar có 12,000 người Công Giáo, sinh hoạt trong 19 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 12 linh mục, 6 nam tu sĩ và 32 nữ tu.

Giáo phận Kotor có 8,300 người Công Giáo, sinh hoạt trong 25 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 15 linh mục, 2 nam tu sĩ và 25 nữ tu.
Source:gov.me