Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 2 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, trước đây còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 2 tháng Giêng vừa qua là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh, hôm nay mới là lễ Hiển Linh.

Lúc 10h sáng thứ Năm Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các đạo sĩ đi đến Bêlem. Cuộc hành hương của các vị cũng ngỏ lời với chúng ta, là những người được mời gọi hành trình về phía Chúa Giêsu, vì Người là Sao Bắc Đẩu thắp sáng bầu trời sự sống và hướng dẫn chúng ta tiến tới niềm vui đích thực. Nhưng, cuộc hành hương của các đạo sĩ để gặp gỡ Chúa Giêsu bắt đầu từ đâu? Điều gì đã khiến những người đàn ông phương Đông này bắt đầu cuộc hành trình của họ?

Họ có những lý do rất thuyết phục để không khởi hành. Họ là những nhà thông thái và nhà chiêm tinh, nổi tiếng và giàu có. Khi đạt được sự an toàn về văn hóa, xã hội và kinh tế, họ có thể vẫn hài lòng với những gì họ đã biết và sở hữu. Nhưng thay vào đó, họ đã để cho mình cảm thấy bối rối trước một câu hỏi và một dấu chỉ: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người” (Mt 2: 2). Họ không cho phép trái tim của mình rút lui vào hang động của sự u ám và thờ ơ; họ khao khát được nhìn thấy ánh sáng. Họ không bằng lòng với cuộc sống, nhưng khao khát những chân trời mới và lớn hơn. Mắt họ không dán chặt vào đây bên dưới này; nhưng đôi mắt họ là cửa sổ mở ra thiên đàng. Như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, các đạo sĩ là “những người đàn ông có trái tim không yên nghỉ… Họ tràn ngập sự mong đợi, không hài lòng với thu nhập bảo đảm và vị trí đáng kính của họ trong xã hội… Họ là những người tìm kiếm Thiên Chúa” (Bài giảng ngày 6 tháng 1 năm 2013).

Lòng bồn chồn lành mạnh này đã khiến họ lên đường trên hành trình của mình xuất phát từ đâu? Thưa: Nó được sinh ra từ lòng ao ước. Bí mật của họ là khả năng biết khát khao. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này. Lòng khao khát là điều tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa bùng cháy trong chúng ta; nó thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn những gì trước mắt và những gì có thể nhìn thấy được. Khao khát có nghĩa là đón nhận cuộc sống như một mầu nhiệm vượt lên chúng ta, như một khoảng không luôn tồn tại trên bức tường vẫy gọi chúng ta nhìn vào khoảng không, vì cuộc sống không chỉ là những gì ở đây và bây giờ của chúng ta, mà là một cái gì đó lớn hơn nhiều. Nó giống như một tấm vải trống không trên giá vẽ đang gọi mời màu sắc. Một họa sĩ vĩ đại, Vincent Van Gogh, từng nói rằng nhu cầu của ông đối với Chúa đã thúc đẩy ông ra ngoài trời vào ban đêm để vẽ các vì sao. Vì đó là cách mà Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta: khi tràn đầy khao khát, chúng ta được hướng dẫn, giống như các đạo sĩ, hướng tới các vì sao. Không hề phóng đại, chúng ta có thể nói rằng chúng ta là những gì chúng ta mong muốn. Vì chính những ao ước của chúng ta sẽ mở rộng tầm nhìn và hướng cuộc sống của chúng ta về phía trước, vượt ra khỏi những rào cản của thói quen, vượt ra khỏi chủ nghĩa tiêu thụ tầm thường, vượt ra ngoài một đức tin u sầu và nhạt nhòa, vượt ra ngoài nỗi sợ hãi để có thể tham gia và phục vụ người khác và công ích. Theo lời của Thánh Augustinô, “toàn bộ cuộc đời của chúng ta là việc thực hiện các ao ước thánh thiện” (Bài giảng về Thư thứ nhất của Gioan, IV, 6).

Thưa anh chị em, đối với các đạo sĩ, đối với chúng ta cũng vậy. Hành trình sống và đức tin đòi hỏi một khát vọng sâu xa và lòng nhiệt thành bên trong. Đôi khi chúng ta sống với tinh thần “bến đỗ”; chúng ta đậu lại, không có sự thôi thúc của ao ước đưa chúng ta về phía trước. Chúng ta nên tự hỏi: chúng ta đang ở đâu trên hành trình đức tin của mình? Phải chăng chúng ta đã bị mắc kẹt quá lâu, nép mình bên trong các nghi lễ theo tiền lệ, bề ngoài và hình thức không còn sưởi ấm trái tim của chúng ta và thay đổi cuộc sống của chúng ta nữa? Lời nói và cử hành phụng vụ của chúng ta có còn khơi dậy trong lòng người niềm khao khát hướng về Thiên Chúa, hay chúng chỉ còn là một “ngôn ngữ chết” chỉ nói về chính nó và với chính nó? Thật đáng buồn khi một cộng đồng tín hữu đánh mất ước muốn của mình và bằng lòng với sự “duy trì” hơn là cho phép mình giật mình trước Chúa Giêsu và trước niềm vui bùng nổ và bồi hồi thổn thức của Tin Mừng. Thật buồn khi một linh mục đã khép lại cánh cửa khao khát, thật buồn khi sa vào chủ nghĩa chức năng giáo sĩ, thật đáng buồn.

Sự khủng hoảng đức tin trong cuộc sống của chúng ta và trong xã hội của chúng ta cũng liên quan đến sự lu mờ của lòng khao khát đối với Thiên Chúa. Nó liên quan đến một loại tinh thần uể oải, đến thói quen hài lòng sống từ ngày này qua ngày khác, mà không bao giờ hỏi Chúa thực sự muốn gì ở chúng ta. Chúng ta xem qua các bản đồ trần gian, nhưng quên nhìn lên trời. Chúng ta có rất nhiều thứ, nhưng không khao khát có được lòng ao ước đối với Thiên Chúa. Chúng ta chết kẹt trong các nhu cầu của chính mình, trong những gì chúng ta sẽ ăn và sẽ mặc (x. Mt 6,25), thậm chí đến mức chúng ta để cho lòng khao khát những điều lớn lao hơn bốc hơi. Và chúng ta thấy mình đang sống trong những cộng đồng khao khát mọi thứ, muốn có mọi thứ, nhưng tất cả thường không cảm thấy gì ngoài sự trống rỗng trong tâm hồn: những cộng đồng khép kín gồm các cá nhân, các giám mục, các linh mục hoặc những người nam nữ thánh hiến. Quả thực, việc thiếu ao ước chỉ dẫn đến nỗi buồn và sự thờ ơ, khiến các cộng đoàn buồn bã, các linh mục hay giám mục buồn bã.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Cuộc hành trình đức tin của tôi diễn ra như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chúng ta, mỗi người trong chúng ta, có thể tự hỏi ngày hôm nay. Hành trình đức tin của tôi đang diễn ra như thế nào? Nó đang đậu lại ở một bến đỗ hay nó đang di chuyển? Đức tin, nếu muốn lớn lên, phải bắt đầu lại từ đầu. Nó cần được khơi dậy bởi ao ước đón nhận thử thách khi bước vào một mối quan hệ sống động và linh hoạt với Thiên Chúa. Trái tim tôi có còn cháy bỏng khao khát Chúa không? Hay tôi đã để cho cường lực của thói quen và những thất vọng của bản thân dập tắt ngọn lửa đó? Anh chị em ơi, hôm nay là ngày chúng ta nên hỏi những câu hỏi này. Hôm nay là ngày chúng ta nên quay lại nuôi dưỡng ao ước của mình. Chúng ta sẽ làm như thế nào? Thưa: Chúng ta hãy đến gặp các nhà Đạo sĩ và học hỏi từ “trường phái khao khát” của họ. Họ sẽ dạy chúng ta trong trường phái khát khao của họ. Chúng ta hãy xem xét các bước họ đã thực hiện và rút ra một số bài học từ các vị.

Ngay từ đầu, họ đã cất bước lên đường trước ánh sao đang vươn lên. Các đạo sĩ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải liên tục cất bước lên đường mỗi ngày, trong cuộc sống cũng như đức tin, vì đức tin không phải là một bộ áo giáp bao bọc chúng ta; thay vào đó, nó là một cuộc hành trình hấp dẫn, một chuyển động liên tục và không ngừng nghỉ, luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa, luôn luôn xác định rõ con đường của chúng ta về phía trước.

Sau đó, tại Giêrusalem, các đạo sĩ đặt câu hỏi: họ hỏi nơi có thể tìm thấy Hài Nhi. Họ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải đặt câu hỏi. Chúng ta cần lắng nghe cẩn thận những câu hỏi của trái tim và lương tâm chúng ta, vì ở đó Thiên Chúa thường nói với chúng ta. Ngài nói với chúng ta qua các câu hỏi hơn là qua các câu trả lời. Chúng ta phải học cho kỹ điều này: Thiên Chúa nói với chúng ta qua các câu hỏi hơn là qua các câu trả lời. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng băn khoăn trước những câu hỏi của con cái chúng ta, và trước những nghi ngờ, hy vọng và ước muốn của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Chúng ta cần phải cảm thấy hứng thú trước những câu hỏi.

Sau đó các đạo sĩ thách thức Hêrôđê. Các ngài dạy chúng ta rằng chúng ta cần một đức tin dũng cảm, một đức tin không ngại thách thức luận lý nham hiểm của quyền lực, và trở thành hạt giống của công lý và tình huynh đệ trong các xã hội nơi mà các Hêrôđê hiện đại ngày nay vẫn tiếp tục gieo rắc cái chết và tàn sát những người nghèo và vô tội, trong bối cảnh thờ ơ chung.

Cuối cùng, các đạo sĩ trở lại “bằng một con đường khác” (Mt 2:12). Các ngài thách thức chúng ta đi những con đường mới. Ở đây chúng ta thấy sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn mang đến những điều mới mẻ. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ của Thượng Hội Đồng mà chúng ta đang đảm nhận: cùng đồng hành và lắng nghe lẫn nhau, để Thánh Linh gợi ý cho chúng ta những phương cách và con đường mới để mang Tin Mừng đến tâm hồn những người đang ở xa, thờ ơ hoặc không có hy vọng, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm điều mà các đạo sĩ đã tìm thấy: đó là “một niềm vui lớn” (Mt 2:10). Chúng ta phải luôn tiến lên phía trước.

Vào cuối cuộc hành trình của các đạo sĩ là thời điểm cao trào: khi họ đến đích, “họ quỳ gối xuống và thờ lạy Chúa Hài đồng” (xem câu 11). Họ tôn thờ. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: hành trình đức tin chỉ tìm thấy sức mạnh mới và sự viên mãn khi nó được thực hiện với sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta phục hồi được “sở thích” của mình đối với việc thờ phượng thì niềm khao khát của chúng ta mới được nhen nhóm. Lòng khao khát dẫn chúng ta đến sự tôn thờ và sự tôn thờ làm mới lại lòng khát khao của chúng ta. Vì lòng khao khát của chúng ta đối với Thiên Chúa chỉ có thể lớn lên khi chúng ta đặt mình trong sự hiện diện của Ngài. Vì chỉ một mình Chúa Giêsu mới thỏa mãn được những khao khát của chúng ta. Ngài chữa lành những khao khát của chúng ta khỏi cái gì? Thưa: Khỏi sự chuyên chế của nhu cầu. Thật vậy, tâm hồn chúng ta trở nên ốm yếu bất cứ khi nào những ao uớc của chúng ta chỉ trùng khớp với những nhu cầu của chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa nâng cao những ao ước của chúng ta; Người thanh tẩy những ao ước ấy và loại đi tính ích kỷ trong đó, mở những ao ước ấy ra trước tình yêu thương đối với Người và đối với anh chị em của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta không nên bỏ bê việc thờ phượng, vì lời cầu nguyện trong sự thờ lạy im lặng vốn không quá phổ biến trong chúng ta. Xin cho chúng ta đừng quên sự tôn thờ.

Như thế, giống như các đạo sĩ, chúng ta sẽ có sự chắc chắn hàng ngày rằng ngay cả trong những đêm đen tối nhất, một ngôi sao vẫn tiếp tục tỏa sáng. Đó là ngôi sao của Chúa, Đấng đến chăm sóc nhân loại yếu đuối của chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu trên con đường hướng tới Người. Chúng ta đừng để sự thờ ơ và cam chịu có sức mạnh đẩy chúng ta vào một cuộc sống vô cảm và tầm thường. Hãy để trái tim bồn chồn của chúng ta đón nhận sự bồn chồn của Thánh Linh. Thế giới mong đợi từ các tín hữu một sự bùng nổ nhiệt tình mới đối với những điều trên trời. Giống như các đạo sĩ, chúng ta hãy ngước mắt lên, lắng nghe ước muốn ẩn chứa trong lòng mình, và nhìn theo ngôi sao mà Thiên Chúa làm cho chiếu sáng trên chúng ta. Là những người tìm kiếm không ngừng nghỉ, chúng ta hãy luôn mở lòng ra đón nhận những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Thưa anh chị em, chúng ta hãy ước mơ, hãy tìm kiếm và hãy tôn thờ.
Source:Holy See Press Office