1. Cuộc rước kiệu hàng năm thu hút hàng triệu tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân bị hủy bỏ vì coronavirus lây quá nhanh

Các nhà chức trách Phi Luật Tân đã hủy bỏ một cuộc rước hàng năm, thường thu hút hàng triệu tín hữu Công Giáo trong cuộc rước qua các đường phố ở Manila để cung nghinh một bức tượng bằng gỗ màu đen Chúa Giêsu Kitô đang vác thánh giá.

Lực lượng đặc nhiệm chống coronavirus của chính phủ, và Giáo Hội địa phương đã đồng ý hủy bỏ cuộc rước “Black Nazerene”, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất của đất nước vào ngày 9 tháng Giêng.

Cuộc rước nói là vào ngày 9 tháng Giêng, nhưng thực ra luôn được bắt đầu vào hai ngày trước là ngày 7 tháng Giêng.

Năm ngoái không có cuộc rước, nhưng vẫn có thánh lễ tại Nhà thờ Quiapo, nơi là điểm xuất phát của cuộc rước kiệu. Năm nay, tình hình còn nghiêm trọng hơn, nên không có thánh lễ nào trong nhà thờ, nơi có bức tượng hàng thế kỷ, và cảnh sát sẽ được triển khai để ngăn cản mọi người tụ tập bên ngoài tòa nhà.

Cha Douglas Badong, Cha Sở nhà thờ nói trong một cuộc họp báo:

“Chúng tôi hiểu việc hủy bỏ vì lý do an toàn và sức khỏe của chúng tôi”. Ngài cho biết các thánh lễ với đông đảo dân chúng tham dự vẫn có thể diễn ra ở các tỉnh khác nơi tình trạng đại dịch coronavirus khả quan hơn. Còn riêng tại Manila sẽ chỉ có thánh lễ trực tuyến.

Trong những năm trước, các tín hữu mặc đồ màu vàng và hạt dẻ đã vây chặt bức tượng có kích thước như người thật trong cuộc rước kiệu diễu hành qua các đường phố ở Manila trên một chiếc xe kéo bằng dây thừng.

Các trường hợp COVID-19 hàng ngày ở Phi Luật Tân đã tăng lên hơn 5,400 ca mắc mới trong 24 giờ của ngày thứ Ba 4 tháng Giêng. Trước đó, số trường hợp mắc mới đạt đến mức cao nhất là vào ngày 21 tháng 12 vẫn chưa đến 200. Các trường hợp lây nhiễm hiện nay một số là do biến thể Omicron. Điều này buộc chính phủ phải thắt chặt các biện pháp hạn chế trong tuần này.

Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết vào cuối ngày thứ Ba: “Chúng ta đã thấy COVID-19 lây lan nhanh như thế nào sau kỳ nghỉ lễ. Thành ra, chúng tôi đang kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc tụ tập đông người”.

Cho đến nay, Phi Luật Tân đã phát hiện 14 trường hợp trong nước của biến thể Omicron rất dễ lây lan, điều này đã làm tăng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 và làm giảm bớt các lễ hội Năm mới trên khắp thế giới.

Với hơn 2.86 triệu trường hợp nhiễm coronavirus và 51,604 trường hợp tử vong, Phi Luật Tân là quốc gia có số ca nhiễm và thương vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Source:CNA

2. Lịch sử cuộc rước kiệu tượng Chúa chịu nạn tại Manila.

Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Phi Luật Tân đã đồng ý hạn chế sự tham dự của anh chị em giáo dân trong cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene tại thủ đô Manila. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của đất nước, thường quy tụ vài triệu người, có năm đạt đến kỷ lục là 15 triệu người.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 9 triệu người.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay, vì đại dịch coronavirus, sẽ không có cuộc rước kiệu long trọng này.

Thay vì hôn bức tượng, một thực hành còn được gọi là pahalik, những người tham dự sẽ có thể tôn kính và cầu nguyện với bức tượng, bức tượng sẽ được hiển thị trên ban công của nhà thờ.

“Thay vì pahalik, nghĩa là tri ân. Chúng tôi đặt tượng Nazarene bên ngoài để mọi người có thể đến thăm bất cứ lúc nào và vẫy chiếc khăn tay của họ để thể hiện sự tôn vinh đối với Black Nazarene,” Cha Badong, là cha phó xứ nói với ABS-CBN.

Vị linh mục không khuyến khích những người tham dự mang các bản sao rất lớn của bức tượng. Ngài nói những hình ảnh nhỏ hơn thì được.

Attendance limited at Black Nazarene Masses in Philippines

https://www.catholicnewsagency.com/news/47056/attendance-limited-at-black-nazarene-masses-in-philippines

3. George Weigel: Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến trình thuật Phúc Âm về các nhà Đạo sĩ, là những người theo ánh sao Bethlehem, đã đến triều bái Chúa Giêsu Hài Đồng.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

What the Magi Teach Us?

by George Weigel

Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?


Trong số những hoài nghi kinh niên của giới khoa bảng, một số đoạn Tin Mừng bị cắt, băm và tung lên ném xuống trên sàn phòng mổ xẻ để bị chụp mũ là “thần thoại”. Thường xuyên nhất là câu chuyện về các Đạo sĩ, là “các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’” (Mt: 2:2)

Thế giới học thuật có một thói quen thật đáng tiếc là xem xét các văn bản cổ với một sự nghi ngờ đầy ngạo mạn. Trong cuốn Chúa Giêsu thành Nagiarét: Các trình thuật về thời thơ ấu, Đức Joseph Ratzinger, cũng là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã tránh được cái thói quen ấy và đưa ra một cái nhìn khác. Ngài viết, các Đạo sĩ không phải là những nhân vật thần thoại trong “một bài suy niệm được trình bày dưới vỏ bọc của những câu chuyện”. Đúng hơn, “Thánh Matthêu đang kể lại một sự kiện lịch sử có thật”, nhưng đó là “lịch sử được tư duy và giải thích về mặt thần học”. Đó là lý do tại sao câu chuyện của các Đạo sĩ giúp chúng ta “hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu”.

Các Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?

Đầu tiên, họ định vị Chúa Giêsu trong câu chuyện dài của nhân loại, trong thời gian và địa điểm thực, khi trình bày sự kiện những người hành hương kỳ lạ này đã tiếp xúc với Vua Hêrôđê, mà chúng ta biết nhiều về triều đại tàn bạo của ông ta. Tham chiếu đến Xê-da Au-gút-tô trong Luca 2:1 cũng thực hiện chức năng “định vị” tương tự. Khi bắt đầu câu chuyện về Chúa Giêsu, Thánh Matthêu và Thánh Luca nói với độc giả của các ngài (vào thời đó, có lẽ là những thính giả hơn là các độc giả) rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét không phải là hình ảnh của trí tưởng tượng tôn giáo gây sốt của ai đó. Chúa Giêsu có thật như thực tại diễn ra.

Thứ hai, các Đạo sĩ là những nhà hiền triết, những thầy tu và những nhà thiên văn. Cho nên, những thành tựu về phương diện hoán cải của các Đạo sĩ có một ý nghĩa vượt ra ngoài các bằng chứng. Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng những thành tựu này nhắc nhở chúng ta rằng “sự khôn ngoan về tôn giáo và triết học” có thể là “động lực để đi đúng hướng” trong cuộc sống: nghĩa là, trí tuệ của con người, đối với những người có tâm hồn và trái tim rộng mở, cuối cùng có thể dẫn dắt họ đến với Chúa Kitô.

Là những người có sự cởi mở sâu sắc nếu chưa được thỏa mãn với đấng thiêng liêng, các Đạo sĩ, là những “người kế vị của Áp-ra-ham”, đã cất bước trên một cuộc hành trình để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những triết gia, họ cũng là “những người kế tục của Socrates và thói quen đặt câu hỏi của ông trên và vượt ra ngoài sự khôn ngoan thông thường để có thể hướng đến chân lý cao hơn”. Như vậy những nhân vật bí ẩn này (được mô tả trong nhà nguyện Bethlehem của Đền Thờ Đức Bà Cả của Rôma với các quần áo nhiều màu sắc, có những chấm lớn trên đó) là ‘tiền thân’, là ‘những người dọn đường cho những người tìm kiếm sự thật, mà chúng ta thấy trong mọi thời đại’ - ít nhất là trong số những người có sự khiêm tốn để có thể từ chối một cái nhìn chật chội, duy vật về thế giới và đặt ra câu hỏi “Chẳng lẽ tất cả trên đời này chỉ có thế thôi sao?”

Thứ ba, việc các Đạo sĩ không phải là người Do Thái nhắc chúng ta nhớ đến sứ mệnh truyền giáo ad gentes, “cho muôn dân”, được gắn liền ngay từ đầu với thực tại về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế được mong đợi từ lâu của người Do Thái. Những người đầu tiên trong dân ngoại nhận ra “vị vua mới sinh của dân Do Thái” là những người có trí tuệ và khoa học. Điều này dạy chúng ta một bài học quan trọng khác: Mọi sự thật đều dẫn đến một Sự thật. Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô khẳng định rằng mọi rung động tôn giáo đích thực của con người đều “liên quan đến việc tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa thật và do đó ‘triết học’, theo nghĩa nguyên thủy của từ này, là lòng yêu mến sự khôn ngoan”. Sự khôn ngoan thanh tẩy “kiến thức khoa học”, vì sự khôn ngoan không cho phép “khoa học” bị hạn chế trong chiều kích duy lý nội quan: Sự khôn ngoan nhắc khoa học rằng có nhiều sự thật hơn là các phương trình, công thức, và dữ liệu.

Thứ tư, các Đạo sĩ “từ phương Đông” — địa điểm của bình minh — là biểu tượng cho sự khởi đầu mới. Do đó, họ là những du khách đúng lúc vào cuối một năm tồi tệ mà lịch sử dường như đã mất đi phương hướng. Đức Bênêđíctô một lần nữa nhắc chúng ta rằng: Các Đạo sĩ “đại diện cho cuộc hành trình của nhân loại hướng về Chúa Kitô”, trong đó câu chuyện về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của con người có một khởi đầu mới mẻ. Các Đạo sĩ “khởi đầu một cuộc rước được tiếp tục trong suốt lịch sử... họ đại diện cho khát vọng bên trong của tinh thần con người, động lực của các tôn giáo và lý trí của con người hướng về Ngài”, Đấng duy nhất có thể làm cho “tất cả mọi thứ trở nên mới mẻ” (Kh 21: 5) - ngay cả giữa đại dịch và giữa chính trị của nền văn hóa sự chết.

Cuối cùng, các đạo sĩ tiên báo lời dạy của Thánh Phaolô rằng Chúa Giêsu Kitô là chủ tể của vũ trụ cũng như chủ tể của lịch sử. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô viết, Giáo Hội sơ khai đã phải đương đầu với những thách thức của đủ loại “thần thánh trung gian” được cho là phụ trách vũ trụ và cuộc sống của chúng ta — không khác gì thách thức đặt ra ngày nay bởi một sự tin cậy rộng rãi về tử vi. Do đó, công trình thần học của Thánh Matthêu liên quan đến câu chuyện của các nhà thông thái tạo nên một điểm cốt yếu, mà như lời của Đức Bênêđíctô, “không phải ngôi sao quyết định số phận của hài nhi; nhưng hài nhi mới là người chỉ đạo ngôi sao”. Thiên Chúa là chủ tể: không phải các ngôi sao, các hành tinh, hay các lực lượng ngẫu nhiên khác.

Vì vậy, xin chào mừng một lần nữa, Caspar, Melchior và Balthasar. Thời đại hoang mang của chúng tôi rất cần đến các ngài.


Source:First Things