Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông Công Giáo tại giáo đô Rôma đã dùng từ matire – nghĩa là Tử Đạo khi đề cập đến Cha Giuse Trần Ngọc Thanh.
Trong một diễn biến thật cảm động, một thần học gia lừng danh của Hoa Kỳ, là linh mục tiến sĩ Roger J. Landry, vừa có một bài viết nhan đề “The Martyrs of the Sacrament of Confession”, nghĩa là “Các vị Tử Đạo của bí tích hòa giải”.
Trước khi kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ, xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một chút về Cha Roger Landry.
Cha Roger J. Landry là một linh mục của Giáo phận Fall River, Massachusetts, và đồng thời làm việc cho Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc.
Sau khi nhận bằng cử nhân sinh học từ Đại học Harvard, ngài vào chủng viện Maryland, ở Toronto và học thêm vài năm ở Rôma. Sau khi được Đức Giám Mục Sean O’Malley phong chức linh mục tại Giáo phận Fall River vào ngày 26 tháng 6 năm 1999, ngài trở lại Rôma để hoàn thành cao học về Thần học Luân lý và Đạo đức Sinh học tại Viện Hôn nhân và Gia đình Thánh Gioan Phaolô II.
Cha Landry viết cho nhiều ấn phẩm Công Giáo, bao gồm The National Catholic Register và The Anchor, là tờ báo hàng tuần của Giáo phận Fall River, mà ngài là chủ bút và là cây bút gạo cội từ năm 2005 đến năm 2012.
Ngài thường xuyên dẫn đầu các cuộc hành hương đến Rôma, Thánh địa Giêrusalem, các đền thánh Đức Mẹ ở Âu Châu và các địa điểm linh thiêng khác. Sau khi đạt được bằng tiến sĩ Thần học Luân lý, ngài cũng giảng các khóa tĩnh tâm mỗi năm cho các linh mục, chủng sinh, tín hữu tu sĩ và giáo dân. Ngài đặc biệt chuyên về tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là Thần học Thân xác của Thánh Gioan Phaolô II.
Ngài là một nhà bình luận tại chỗ cho các chương trình về mật nghị bầu giáo hoàng năm 2013, và xuất hiện thường xuyên trên các chương trình phát thanh Công Giáo khác nhau và là tuyên úy quốc gia cho tổ chức Tiếng nói Công Giáo Hoa Kỳ.
Trước khi làm việc cho Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc, ngài từng là Cha sở của Giáo xứ Thánh Bernadette ở Fall River, Massachusetts và Giáo xứ Thánh Anthony thành Padua ở New Bedford, Massachusetts.
Sau đây kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn bộ bài viết của ngài về Cha Giuse Trần Ngọc Thanh của chúng ta.
Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thụ phong năm 2018, vừa cử hành Thánh lễ vọng Chúa Nhật lúc 6 giờ chiều tại Giáo xứ Sa Loong, Đăk Mót, thuộc giáo phận Kon Tum, nơi ngài vừa nhận nhiệm sở. Thánh lễ cử hành cho Chúa nhật thứ tư Mùa thường niên, trong đó Giáo hội suy tư về việc những người đồng hương Nadarét của Chúa Giêsu, sau khi nghe Người giảng, đã nhanh chóng đi từ kinh ngạc đến nghi ngờ và tìm cách giết Người. Chúng ta cũng nghe về những đau khổ của tiên tri Giêrêmia và nghe ca khúc nổi tiếng của Thánh Phaolô mô tả tình yêu nhẫn nại, nhân hậu và trường tồn như thế nào.
Cha Giuse, sau khi giảng về những bài đọc đó, không bao lâu sau đã công bố bằng ngôn ngữ thân xác chiều kích tiên tri của những lời lẽ đó.
Ngay sau khi kết thúc thánh lễ, Cha Giuse đã đi nghe xưng tội trên chiếc ghế nhựa của tòa giải tội tạm bợ ở cuối nhà nguyện Truyền giáo. Lúc 7 giờ 15, anh Nguyễn Văn Kiên, một thanh niên Công Giáo không thực hành đạo có mẹ đang tham dự Thánh lễ, lao vào cầm mã tấu chém vào đầu cha Giuse hai nhát. Ngài gục xuống trong máu, trẻ em và người lớn trong nhà thờ la hét lên, và một tu huynh Đa Minh và là trưởng ca đoàn, Thầy Antôn Phan Văn Giáo, chạy đến cố gắng bảo vệ vị linh mục.
Khi Kiên giơ mã tấu lên định chém vào đầu Thầy Antôn, vị ca trưởng này đã giơ chiếc ghế nhựa lên để tự vệ, nhưng chiếc ghế đâu có chống đỡ được, đã bị chém làm đôi. Kiên bắt đầu cầm mã tấu đuổi theo Thầy Antôn vào giữa nhà nguyện, nhưng khi vị tu sĩ Đa Minh trẻ tuổi thấy nhiều trẻ em có mặt và hiểu rõ khả thể các em có thể bị thảm sát, thầy đã can đảm quay về phía anh Kiên, đang tìm cách chém thầy một lần nữa. Vị tu huynh nhỏ bé đã có thể quật ngã kẻ giết người, túm lấy anh ta từ phía sau và đặt anh ta vào một thế bị khoá trái, khi các giáo dân trong giáo xứ lao vào.
Thầy Antôn khẩn khoản xin giáo dân đừng đánh Kiên để trả thù mà hãy kiềm chế anh và gọi cảnh sát. Thầy đến chăm sóc cho Cha Giuse và được một người trong giáo xứ đưa ngài đến bệnh viện ở Ngọc Hồi, cách đó khoảng tám dặm. Sau khi mất máu khoảng năm giờ, Cha Giuse qua đời lúc 11 giờ 30 đêm hôm đó. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha đã tha thứ cho kẻ giết mình. Cha được chôn cất vào ngày hôm sau. Phần mộ của cha kể từ hôm đó đã trở thành nơi hành hương của các Kitô hữu và những người khác, xếp hàng để cầu nguyện, đặt hoa và bày tỏ lòng tôn kính của họ.
Có những uẩn khúc liên quan đến động cơ đã khiến Nguyễn Văn Kiên tấn công Cha Giuse trong tòa giải tội. Một số người mô tả anh ta bị bệnh tâm thần, nhưng Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum, là người đã cử hành lễ tang cho cha đã lặp lại ý kiến của cha mẹ Kiên rằng anh ta không “mất trí theo nghĩa thông thường,” mà là “lơ mơ, không sống đạo”. Một số người lại nói rằng anh ta là một kẻ lạm dụng ma túy.
Trong khi anh ta có một người em gái đang ở trong một nhà phân định ơn gọi tu dòng, anh ta cũng có một người em trai đã phải ngồi tù ba năm vì tội ngộ sát. Cha mẹ anh nói rằng trong khi anh kiếm tiền từ việc làm trang trại và sửa chữa xe máy, anh cũng hay “nổi giận, quậy phá, lớn tiếng chửi bới mọi người, đập phá tivi, thậm chí cả bàn thờ trong nhà và đánh đập các thành viên trong gia đình”. Họ nói thêm rằng anh cũng mắc chứng “hoang tưởng” về việc bị bắt nạt và về tiềm năng không thể tìm được vợ. Các tu sĩ Đa Minh Việt Nam, những người tuy nói rằng họ cũng tha thứ cho anh ta, nhưng muốn ít nhất phải có một phiên tòa xét xử để động cơ giết người được đưa ra ánh sáng.
Nhiều người đã lập tức gọi Cha Giuse là một vị tử đạo của tòa giải tội. Có một số linh mục đã tử đạo vì bảo vệ ấn tín của bí tích hòa giải như Thánh John Nepomuk (mất năm 1393), Thánh Mateo Correa (mất năm 1927), Chân phước Felipe Císcar Puig (mất năm 1936) và Chân phước Fernando Olmedo (mất năm 1936), nhưng tôi không hề biết có linh mục nào bị giết khi nghe xưng tội. Cho đến bây giờ.
Mặc dù, từ chiều kích con người, luôn luôn có sự phẫn nộ tự nhiên đối với việc giết hại những người vô tội, và cái chết của vị linh mục và tu sĩ truyền giáo trẻ tuổi này, người con và người anh em, phải được than khóc một cách chân thành và theo xúc cảm, nhưng từ quan điểm bí tích cũng có điều gì đó khá vinh hiển về cái chết của ngài.
Toàn bộ bí tích thống hối và hòa giải là về cái chết và sự phục sinh. Chúa Giêsu Kitô đã bị giết hại một cách dã man - bị binh lính La Mã đánh nát cả và mình, dùng búa đóng đinh Người vào gỗ, chế nhạo và đội vương miện bằng gai - nhưng qua cái chết và sự phục sinh sau đó, Người đã xóa bỏ tội lỗi của thế gian.
Tòa giải tội là nơi sử dụng lời của Chúa Giêsu trong Dụ ngôn Người con hoang đàng, “kẻ chết… sống lại” (Luca 15:24). Đối với một linh mục được thụ phong trong con người của Chúa Kitô, được dạy lúc thụ phong phải mô phỏng cuộc sống mình theo mầu nhiệm thập giá của Chúa, thì luận lý chết và phục sinh này được xây dựng trong việc cử hành mọi bí tích, nhưng nó đặc biệt rõ ràng trong bí tích hòa giải. Việc thường xuyên thực hành bí tích này bao hàm một hình thức tử đạo.
Hình thức tử đạo thường thấy nhất là hình thức chờ đợi. Thánh John Vianney, vị thánh quan thầy của các linh mục giáo xứ và là vị giải tội nổi tiếng và anh hùng nhất trong lịch sử Giáo hội, đã phải chờ đợi trong tòa giải tội gần một thập niên trước khi các giáo dân của ngài bắt đầu biết tận dụng hồng ân lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên, ngài đã chờ đợi như một chứng tá sâu sắc về tầm quan trọng của bí tích.
Sau 10 năm kiên nhẫn cầu nguyện và rao giảng, các giáo dân của ngài - và nhiều người từ khắp nước Pháp sau cuộc cách mạng thế kỷ 19 - đã đến không ngừng. Nhiều linh mục vẫn cảm nghiệm cuộc tử đạo chờ đợi này, vốn là một cái chết thực sự đối với tinh thần thế gian, khi các ngài kiên trì được dùng như những đại sứ đang kêu lên lời hô hào: “Hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20).
Nhưng khi người ta nắm được tầm quan trọng của bí tích, có thể có một hình thức tử đạo khác, mà chúng ta có thể gọi là “tử đạo của đám đông”, khi có quá nhiều người đến nỗi một người bị “mắc kẹt” hàng giờ trong đó. Điều này xảy ra ở Ars, nơi mà trong 30 năm cuối đời, Thánh John Vianney phải nghe xưng tội từ 12 đến 18 giờ mỗi ngày. Ngài gọi tòa giải tội của mình là cây thánh giá mà trên đó ngài bị đóng đinh suốt cả ngày khi tìm cách phân phát quyền năng cứu chuộc của máu thánh Chúa Kitô, từng người một, cho những người mà Chúa Kitô đã chết cho. Ngài cũng gọi hộp gỗ của tòa giải tội là “quan tài” của mình, nơi ngài chết cho chính mình để Đấng Cứu Chuộc nhân từ có thể sống.
Có điều gì đó tương tự xảy ra khi một linh mục có gánh nặng hạnh phúc khi giải tội cho những hàng dài người. Giữa niềm vui lớn lao của thiên đàng và niềm vui thường sâu sắc của con người nơi các hối nhân được tha thứ, cũng có một hình thức tự chết có liên quan, vì linh mục cam chịu những gì cần trong nội tâm để cơ bản giữ cho mình bất động và dành hết chú ý cho mỗi người, hàng giờ. Ngài chiến đấu với sự mệt mỏi và đôi khi sự lặp đi lặp lại, dịu dàng khóc với những người khóc, và đôi khi đấu tranh với những hối nhân cần thêm sự cứng rắn yêu thương để giải thoát họ khỏi một số trường hợp tội lỗi gần kề. Trong khi nhiều người có thể đánh giá cao những ưu tiên, sự cam kết và khả năng chịu đựng của một linh mục như vậy, thì ít người hiểu được trải nghiệm của hạt lúa mì là như thế nào (Ga 12:24).
Nhưng khía cạnh rõ ràng nhất của sự tử đạo tại tòa giải tội là ấn tín giải tội, một dấu ấn ngăn cản một linh mục tiết lộ nội dung của những gì ngài nghe được, ngay cả khi ngài bị đe dọa bỏ tù, tra tấn hoặc tử hình. Đôi khi việc tử đạo diễn ra tương đối thường xuyên, khi những chi tiết về những gì một linh mục đã nghe cứ luẩn quẩn trong tâm trí và linh hồn ngài, như các chi tiết về những tội ác bạo lực đã được xưng thú, hoặc khi ngài nhận ra quá muộn rằng lẽ ra ngài phải đưa ra những lời khuyên khác. Những lần khác, sự tử đạo rõ ràng hơn, chẳng hạn như khi một linh mục bị buộc tội nói hoặc làm điều gì đó trong tòa giải tội mà thực sự ngài không làm, nhưng không thể nói một lời để tự bào chữa. Những lần khác phi thường hơn, khi các linh mục bị sát hại vì bảo vệ ấn tín, như chúng ta thấy trong cuộc đời của các vị thánh mà tôi đã đề cập ở trên.
Vào thời điểm khi một số quốc gia và tiểu bang đang cố gắng yêu cầu các linh mục phá bỏ ấn tín bí tích trong những trường hợp đặc biệt - điều mà các linh mục không những không thể làm theo giáo luật mà còn đơn giản là sẽ không làm - khía cạnh tử đạo này có thể sẽ được chứng kiến thường xuyên hơn trong thời gian tới, khi các linh mục được nhà nước chỉ định làm thừa tác vụ trong nhà tù một cách miễn cưỡng.
Vào ngày 29 tháng Giêng, Cha Giuse không biết điều gì đang chờ đợi mình sau Thánh lễ khi ngài mặc một chiếc dây choàng màu tím và ngồi xuống để nghe xưng tội. Nhưng việc thực hành bình thường cuộc tử đạo tại tòa giải tội chắc chắn đã chuẩn bị cho ngài những gì Chúa biết là sẽ đến.
Và sự tử đạo của ngài đối với bí tích của lòng thương xót của Chúa Kitô là một lời nhắc nhở sâu sắc đối với những vị giải tội đồng nghiệp của ngài, và thực sự cho tất cả các tín hữu, về tầm quan trọng của bí tích, sự hy sinh xứng đáng mà bí tích bao hàm và sự sống mà bí tích này ban phát.
Source:National Catholic Register