1. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Tehran đã bắt giữ hàng chục tín hữu Kitô trong năm 2021
Từ tháng Giêng đến tháng 12 năm 2021, “ít nhất 53 Kitô hữu đã bị bắt giữ” chỉ vì “thực hành sự thờ phượng liên quan đến đức tin của họ”. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Iran Javaid Rehman xác nhận các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo lặp đi lặp lại, cũng ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô giáo.
Trong một báo cáo được công bố cách đây vài ngày, trước phiên họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4, Javaid Rehman nêu lên “lo ngại” về “sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”, bao gồm cả việc giam giữ tùy tiện.
Trong số các vi phạm có trong báo cáo của Liên Hợp Quốc là việc “buộc đóng cửa” các địa điểm cầu nguyện, đặc biệt là các nhà thờ tư gia, với lý do bị cáo buộc là vi phạm “an ninh quốc gia”. Rehman nhắc lại lời kêu gọi “trả tự do cho những người đã bị bắt giữ” chỉ vì thực hành “quyền tự do quan điểm, biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa”.
Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, trên thực tế, tuyên bố của chính phủ rằng 'các nhóm thiểu số được tôn trọng' và ‘các tín hữu Kitô, người Do Thái và các tín hữu Zoroast được tự do thực hành các nghi lễ của tôn giáo họ trên cơ sở Điều 13 của Hiến pháp’ đã không xảy ra trên thực tế.
Xác nhận thêm về các báo cáo lạm dụng và vi phạm tự do tôn giáo đến từ các nhà hoạt động trên Hiến Chương 18, một trang web chuyên ghi lại các vụ đàn áp ở các Cộng hòa Hồi giáo. Trong những ngày gần đây, một nhóm tín hữu Kitô, những người đã được tuyên bố trắng án vào tháng 11 năm ngoái vì tội vi phạm luật pháp và tuyên truyền chống nhà nước, đã bị buộc phải đi “cải tạo” bằng cách tham gia các lớp học và hội thảo do các chuyên gia Hồi giáo tổ chức.
Nhóm người Kitô giáo đến từ Dezful, ở phía tây đất nước, và được các nhân viên tình báo thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo liên lạc vào nửa đêm, yêu cầu họ phải trình diện vào sáng hôm sau.
Các nhà hoạt động giải thích “các buổi cải tạo” ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây đến mức chúng xuất hiện trong danh sách “các hình phạt khắc phục” trong các tài liệu chính thức của tòa án.
Source:Asia News
2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ ‘mối quan tâm của tình huynh đệ’ đối với ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức
Hôm thứ Ba 22 tháng Hai, Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” về hướng đi của “Tiến Trình Công Nghị” trong một bức thư ngỏ có lời lẽ mạnh mẽ gửi cho chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Georg Bätzing.
Trong bức thư gần 3,000 từ được công bố vào ngày 22 tháng 2 trên trang web của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức có bắt nguồn từ Phúc âm hay không.
Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo ở Đức có vai trò quan trọng trên bản đồ Âu Châu, và tôi biết rằng giáo hội này sẽ làm rạng rỡ đức tin hoặc sự bất tín của mình trên toàn lục địa”.
“Vì vậy, tôi nhìn với vẻ không hài lòng về các hành động của ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức cho đến nay. Quan sát những thành quả của nó, người ta có thể có ấn tượng rằng Tin Mừng không phải lúc nào cũng là cơ sở để suy tư”.
Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki có khả năng làm tăng cường cuộc tranh luận về Tiến Trình Công Nghị Đức, một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.
Tại một cuộc họp đầu tháng này, những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi cho phép các linh mục được kết hôn trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc đồng tính và những thay đổi đối với giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.
Tiến Trình Công Nghị này cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngay trong Giáo Hội Công Giáo Đức.
Các thành viên của một sáng kiến được gọi là “Khởi đầu mới” đã bày tỏ lo sợ vào đầu tháng này rằng quá trình này sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa những người Công Giáo.
“Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang đến gần. Và nó sẽ lại đến từ Đức”, họ nói.
Nhưng Giám mục Bätzing đã nhiều lần bác bỏ những ý kiến cho rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ dẫn đến ly giáo.
Trong lá thư của mình, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đề cập đến các cuộc bỏ phiếu gần đây và kêu gọi Bätzing đừng chiều theo áp lực uốn nắn giáo huấn của Giáo hội cho phù hợp với dư luận.
Ngài viết: “Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự băng hoại về đạo đức và tâm linh.”
“Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã cũ và những đòi hỏi lặp đi lặp lại như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, và chúc lành cho những người đồng tính luyến ái.”
Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki là rất quan trọng vì Ba Lan và Đức là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới dài gần 480km.
Nhưng có những khác biệt nổi bật giữa Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan và Đức.
Hơn 90% dân số gần 38 triệu người của Ba Lan xưng mình là người Công Giáo, với 36.9% người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ.
Khoảng 27% trong số 83 triệu dân số của Đức xác định mình là người Công Giáo, nhưng chỉ có 5.9% người Công Giáo tham dự Thánh lễ vào năm 2020. Hơn 220,000 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo vào năm đó.
Đức Tổng Giám Mục Gądecki nêu bật lịch sử chung của người Công Giáo Ba Lan và Đức, bao gồm quá trình hòa giải sau Chiến tranh thế giới thứ hai được hỗ trợ bởi vị Giáo Hoàng tương lai người Ba Lan Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Stefan Wyszyński.
Đức Cha Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan nóiL “Ghi nhớ sự hiệp thông đức tin và lịch sử này giữa Ba Lan và Đức, tôi muốn bày tỏ sự quan tâm và lo lắng sâu sắc của mình về thông tin gần đây đã nhận được từ một số lĩnh vực của Giáo Hội Công Giáo ở Đức”.
“Vì vậy, với tinh thần bác ái Kitô, tôi xin phép ngỏ lời với ngài – đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức - bức thư này, đầy sự quan tâm của tình huynh đệ và trong tinh thần trách nhiệm chung đối với kho tàng đức tin tông đồ thánh thiện được Chúa Kitô giao phó cho chúng ta”.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong suốt lịch sử, các nhân vật hàng đầu đã cố gắng tái tạo lại Kitô giáo cho thời đại của họ thông qua một quá trình loại trừ.
Ngài trích dẫn Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, người đã sản xuất ra một phiên bản Kinh thánh loại bỏ những đoạn mà ông tin rằng không phải từ Chúa Giêsu, mà là từ “những Tông đồ thất học”.
“Tin chắc rằng mình có đủ tiêu chuẩn để phân biệt câu này với câu khác, ông ta đã quyết định kiểm duyệt Kinh Thánh. Bằng cách đó, một ngụy thư hiện đại đã được sáng tác mà theo tác giả của nó là hay hơn bản gốc.”
“Không thể loại trừ rằng proprium christianum – Kitô Giáo tinh túy - điều đặc trưng cho Kitô giáo - được thể hiện một cách chính xác trong những đoạn Kinh thánh khó hiểu nhất đã bị loại trừ vì sự kiểm duyệt của Jefferson”.
Đức Cha Gądecki nói rằng một cám dỗ khác mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt là tìm cách cập nhật giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên những phát hiện mới nhất của tâm lý học và khoa học xã hội.
Đức Cha Gądecki chỉ trích tâm lý cho rằng: “Nếu điều gì đó trong Phúc âm không phù hợp với tình trạng kiến thức hiện tại trong các ngành khoa học này, thì các môn đệ, muốn cứu Thầy khỏi bị tổn hại trong mắt những người đương thời, hãy cố gắng cập nhật Phúc âm”.
“Sự cám dỗ để 'hiện đại hóa' các mối quan tâm cách riêng xảy ra trong lĩnh vực bản sắc tình dục. Tuy nhiên, người ta đã quên rằng trạng thái của tri thức khoa học thay đổi thường xuyên và đôi khi đột ngột”.
Ngài trích dẫn Đạo luật Nguồn gốc Quốc gia, nhằm hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ, được Quốc hội thông qua năm 1924.
Đức Cha Gądecki lưu ý: “Lý do chính của đạo luật này là niềm tin cho rằng các dân tộc như người Ý và người Ba Lan, thuộc các chủng tộc kém cỏi.”
“Ngoài ra, dựa trên kiến thức về thuyết ưu sinh, ước tính có khoảng 70,000 phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số đã bị cưỡng bức triệt sản ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng lịch sử của tri thức khoa học được đánh dấu không chỉ bởi những “sai sót”, mà còn là những “ngụy biện tư tưởng”, và viện dẫn một nghiên cứu của nhà tình dục học Alfred C. Kinsey.
Ngài nói rằng những cuốn sách về tâm lý học và khoa học xã hội “được coi là không thể sai lầm” ngày nay sẽ bị các thế hệ tương lai “gạt sang một bên”.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người Công Giáo ở Đức và cả ở Ba Lan, nên tránh sống với “một loại mặc cảm” về đức tin của họ.
Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhìn nhận rằng một cuộc lìa bỏ đức tin của người Công Giáo và sự sụt giảm mạnh trong ơn gọi linh mục ở Đức đã thúc đẩy những lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục.
Nhưng ngài nói rằng câu trả lời này có “nguy cơ của suy nghĩ công ty” không có đủ nhân viên, vì vậy chúng ta hãy hạ thấp tiêu chí tuyển dụng”.
Phát biểu về cuộc bỏ phiếu phong chức linh mục cho phụ nữ trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã “đưa ra lời chung cuộc cho vấn đề này” trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis – nghĩa là Truyền chức linh mục - năm 1994, mà ngài nhấn mạnh rằng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận.
Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng những người tham gia trong Tiến Trình Công Nghị cũng ủng hộ một văn bản dự thảo kêu gọi điều mà ngài mô tả là một “thực hành sai lầm và tai tiếng trong việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính”, cũng như “nỗ lực thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tội lỗi của các hành vi đồng tính.”
“Sách Giáo lý phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái. Sách Giáo lý dạy mọi người tôn trọng người khác bất kể khuynh hướng của họ như thế nào, nhưng dứt khoát lên án những hành vi đồng tính là những hành vi chống lại tự nhiên.”
“Bất chấp sự phản đối kịch liệt, tẩy chay và không được ưa chuộng, Giáo Hội Công Giáo - trung thành với chân lý của Phúc âm và đồng thời được thúc đẩy bởi tình yêu đối với mỗi con người - không thể im lặng và dung túng cho viễn cảnh sai lầm này của con người, chứ đừng nói đến chuyện chúc phúc hay cổ vũ nó”.
Đề cập đến cuộc gặp gỡ gần đây với Giám Mục Bätzing ở Poznań, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cho biết ngài hiểu rằng Giám Mục Bätzing “quan tâm sâu sắc” đến đàn cừu được giao phó cho mình, “và mong muốn không có con cừu nào trong số các con cừu đi lầm đường lạc bước”.
Ngài kết luận bằng cách trích dẫn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho các tín hữu Êphêsô, trong đó thúc giục họ “mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa” và “giữ vững lập trường của mình”.
Source:Catholic News Agency