28. HỒ DÁN CHÂU PHỦ

Sơn Đông phủ Châu Thanh huyện Ích Bộ có một thư sinh tên là Triệu Bỉnh Trung, lên kinh đô thi đỗ trạng nguyên.

Khi hồi hương, các quan viên địa phương làm tiệc lớn chúc mừng ông ta, sau khi uống mấy ly rượu, đột nhiên trên trời bay đầy tuyết, có người vội vàng mời Triệu Bỉnh Trung đề thơ.

Ngài trạng nguyên nói:

- “Chúng ta cùng nhau đề thơ vậy”.

Thế là, nhìn cảnh bên ngoài sân và ngâm câu đầu tiên:

- “Cắt vụn lông ngỗng trên không múa”.

Quan phủ tiếp lời:

- “Núi nam núi bắc không thấy đất”.

Quan huyện tiếp theo:

- “Lưu ly bích ngói biến thành bạc”.

Lúc ấy, Triệu Bỉnh Trung nhìn thấy tuyết càng rơi càng lớn, các quan viên uống đã nghiêng bên nọ ngửa bên kia, bèn dùng lối chơi chữ kết thúc toàn bài thơ:

- “Hồ dán bôi đen châu phủ rồi”.

(Ký Viên Ký Sở Ký)

Suy tư 28:

Thường thì có lễ là có lạc (vui vẻ) nên gọi là lễ lạc, đó là một nét của văn hóa của hầu hết các dân tộc trên thế giới.

Quan tân trạng nguyên chỉ nhìn thấy cách uống rượu xỉn quắc cần câu của các quan phủ quan huyện, thì biết mấy ông này cai trị dân như thế nào rồi, cho nên mới kết luận bằng một câu thơ: “Hồ dán bôi đen châu phủ rồi”.

Người Ki-tô hữu cũng có những ngày lễ vui vẻ, như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và các ngày lễ thánh quan thầy.v.v...nhưng “lạc” của họ -trước hết- là chia sẻ “một tấm bánh và một chén thánh” trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, rồi từ niềm vui này, họ biến cái “lạc” vật chất thành bữa ăn huynh đệ không có say xỉn, không có thóa mạ, không có thách đố nhau tửu lượng, không có la ó om sòm...

Bởi vì khi chúng ta tham dự một thánh lễ trọng cách sốt sắng, rồi sau đó “lạc” một cách vô độ, buông tuồng, thì người ta sẽ nói: “người Ki-tô hữu chẳng khác gì người khác, họ lấy rượu bia bôi đen đức tin và thánh lễ của họ rồi”.

Ôi, câu phê bình thật đáng buồn biết bao !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info