1. Ở Pháp, người Công Giáo đang là thành phần quyết định kết quả bầu cử tổng thống

Tại Pháp, chỉ còn ba tuần nữa là đến vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của nước Cộng hòa, những người Công Giáo có cơ hội quyết định cán cân thắng bại của phe này hay phe kia.

Tờ Die Tagespost của Đức đưa ra một bài phân tích về tình hình chính trị Pháp trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử tổng thống. Trong một cuộc chiến chính trị mà tổng thống đương nhiệm, Emmanuel Macron, chắc chắn lọt vào vòng hai, ba đối thủ chính của ông - Valérie Pécresse, Marine Le Pen và Eric Zemmour - đang đấu tranh gay gắt để có được lá phiếu Công Giáo.

Theo một nhà khoa học chính trị được trích dẫn trong bài báo, Eric Zemmour “đang lợi dụng thực tế là các cử tri cánh hữu không còn được phân định rõ ràng”. Ông cũng được hưởng lợi rất nhiều từ sự tập hợp của Marion Maréchal Le Pen, cháu gái của Marine le Pen, vào đảng của ông.

Cuối cùng, mặc dù ông được mô tả là “chia rẽ”, nhưng “Zemmour cam kết công nhận nguồn gốc Kitô giáo của nền văn minh Pháp. Điều này rõ ràng là thu hút các tín hữu”.
Source:Aleteia

2. Đại nghịch bất đạo: Giáo dân Syro-Malabars đốt hình nộm của hai vị Hồng Y vì tranh chấp phụng vụ

Tại thành phố Ernakulam, thuộc bang Kerala, một nhóm giáo dân Syro-Malabar đã đốt công khai ở hai hình nộm có hình Đức Hồng Y George Alencherry, tổng giám mục Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar, và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương. Cử chỉ này đang gây ra sự mất tinh thần trong cộng đồng Công Giáo Ấn Độ có nguồn gốc rất cổ kính này, lại là một trang đen tối khác trong cuộc xung đột đã diễn ra trong nhiều năm về vấn đề phụng vụ “thống nhất”, gây ra chia rẽ giữa các giám mục, giáo sĩ và tín hữu.

Tháng 8 năm ngoái, Thượng hội đồng Syro-Malabar đã ấn định Lễ Phục sinh 2022 là thời hạn để bắt đầu cử hành một cách thống nhất Phụng Vụ Qurbana, là phụng vụ Thánh Thể theo nghi thức Đông phương này, trong tất cả 35 giáo phận.

Cho đến nay, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.

Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.

Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar đã biểu quyết một cách áp đảo cách thức hợp nhất này. Nhưng chống đối đã lập tức nổi lên. Trong một diễn biến phức tạp khác vị Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã chính thức tuyên bố rằng ngài đã ban hành một ngoại lệ đối với phong cách thống nhất của thánh lễ cho tổng giáo phận của ngài, và đã nhận được sự cho phép từ Rôma. Các linh mục trong tổng giáo phận của ngài sẽ tiếp tục quay xuống như từ trước đến nay, nghĩa là giống như trong các thánh lễ của Công Giáo nghi lễ Latinh. Ngoại lệ tương tự sau đó cũng được cấp cho giáo phận Irinjalakuda.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Alencherry vào ngày 10 tháng 12 đã ban hành một chỉ thị bác bỏ các các miễn trừ. Ngài nói rằng đã nhận được một lá thư từ Rôma, trong đó tuyên bố rằng toàn bộ Giáo Hội Syro-Malabar áp dụng chung cách thức hợp nhất, một có miễn trừ gì cho bất cứ ai. Tất cả đều phải áp dụng các quy tắc phụng vụ đã được Thượng hội đồng phê chuẩn.

Việc đốt hình nộm có khuôn mặt của các vị Hồng Y diễn ra vào ngày 17 tháng 3 đúng lúc 316 linh mục của tổng giáo phận được tập trung tại Trung tâm Đổi mới Kaloor. Các giáo sĩ đã bỏ phiếu về một kiến nghị yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Kariyil không rút lại ngoại lệ đã được cấp về vấn đề nghi thức “thống nhất”. Trong khi đó, một nhóm tín hữu tự xưng là Almaya Munnettam, nghĩa là “bình phong của giáo dân” bắt đầu một cuộc biểu tình sôi nổi bên ngoài tòa nhà nơi cuộc họp đang diễn ra, kêu gọi tẩy chay Đức Hồng Y Alencherry.

Chỉ mới tháng trước, phát biểu trước hội đồng toàn thể của Thánh bộ các Giáo hội Đông phương, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngầm ám chỉ đến cuộc đụng độ kéo dài này ở Ấn Độ. Ngài nói: “Thế giới cần chứng nhân của sự hiệp thông: nếu chúng ta gây ra tai tiếng với các tranh chấp phụng vụ - và không may là gần đây đã có một số -, chúng ta rơi vào tay ma quỷ, là bậc thầy của sự chia rẽ.”
Source:Asia News

3. Một nhà thờ bị biến thành nơi trú ẩn ở Ukraine: Mọi người cầu nguyện mỗi ngày ở trung tâm thành phố

“Người Công Giáo, Tin lành và Chính thống giáo tự phát tụ họp lại với nhau để cầu nguyện. Mỗi ngày trong nửa giờ để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine,” cha xứ nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, Cha Jarosław Olszewski chỉ ra rằng Lòng Chúa Thương Xót trở nên rất hữu hình trong thời chiến. Các linh mục dòng Pallottine làm việc với cộng đoàn của mình tại Giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót ở Zhytomyr. Mỗi đêm, mọi người tập trung trong căn hầm của nhà thờ, và những người chẳng còn gì ăn sẽ nhận được nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản và viện trợ y tế.

Cha Jarosław nói với Đài phát thanh Vatican rằng hơn một nửa trong số 270,000 cư dân của Zhytomyr đã rời thành phố. Các cha dòng Pallottine đã giúp dân di tản đến Ba Lan và giúp cung cấp viện trợ vật chất cho những người phải ở lại.

Cha Jarosław, người đã làm việc ở Ukraine hơn ba thập kỷ, nói:

Lúc đầu không có bánh mì; bây giờ các tiệm bánh nhỏ lại mở ra. Hiện tại, người ta không nghe thấy tiếng nổ, nhưng tôi qua đêm gần tòa nhà của đội cứu hỏa và tiếng còi cảnh báo vang lên khá thường xuyên. Các tiếng còi đang vang lên khi chúng ta nói; cảnh báo cuối cùng đã được phát ra cách đây nửa giờ, và có ba cảnh báo không kích vào ban đêm.

Chúng tôi cho mọi người qua đêm trong tầng hầm nhà thờ. Mỗi ngày có khoảng một trăm người đến; khi có các cuộc không kích, con số lên tới hai trăm. Vì công trình xây dựng nhà thờ khá kiên cố nên chúng tôi coi đó như một hầm trú bom. Cảm ơn Chúa, nơi mọi người trú ẩn được sưởi ấm, có điện và nhà vệ sinh. Mọi người tập trung ở đây vì họ lo lắng hơn tất cả cho trẻ em, người già và bản thân.

Mọi người không hoảng sợ ở đây, nhưng họ rất đau khổ và sợ hãi. Với sự hợp tác của sở cứu hỏa địa phương, chúng tôi đang tổ chức di tản đến biên giới Ba Lan và miền tây Ukraine. Cho đến nay chúng tôi đã cố gắng di tản hơn 1,500 người bằng xe buýt.

Chúng tôi cố gắng hết sức để giữ tinh thần của mọi người. Người phụ trách đang liên lạc với những người lính mà chúng tôi cũng đang cố gắng giúp đỡ bằng cách cung cấp thuốc men, băng và thức ăn. Vào ngày thứ bảy, tôi đi chợ địa phương. Các ki-ốt bán hàng tự động đang dần mở cửa và có khá nhiều sản phẩm cơ bản, đặc biệt là bánh mì, vốn bị thiếu trước đây.

Tôi nghĩ vấn đề bây giờ là mọi người đang hết tiền để mua những thứ cơ bản. Caritas đã làm một công việc xuất sắc ở đây. Mọi người đến và nhận được sự giúp đỡ cụ thể: bột mì, mì ống và những thứ cần thiết khác. Chúng tôi cố gắng và giúp đỡ hết sức có thể và nâng cao tinh thần của mọi người. Mọi người đều đánh giá cao sự hiện diện của chúng tôi, thực tế là chúng tôi đã ở lại với họ,

Cha Jarosław chỉ ra rằng cuộc chiến đã xóa bỏ sự chia rẽ giữa các giáo phái; một lời cầu nguyện đại kết cho hòa bình diễn ra trong chính trái tim của Zhytomyr.

“Một quan sát thú vị là nam giới, không phải phụ nữ, chiếm đa số trong cộng đoàn bây giờ. Phụ nữ có con đã bỏ đi. Tất cả những ai có thể đã gửi con cái, mẹ hoặc bà của họ đến những nơi an toàn hơn. Những người đàn ông đã ở lại để bảo vệ quê hương của họ.”

Lời cầu nguyện tăng cường mỗi ngày. Sau mỗi thánh lễ, có lễ cung nghinh Mình Thánh Chúa. Chúng tôi hát những Lời cầu khẩn; trên thực tế, chúng tôi đã làm điều đó trong hai tháng trước cuộc xâm lược, khi mối đe dọa chiến tranh trở nên rất hiện thực.

Người ta coi trọng việc cầu nguyện. Mỗi ngày chúng tôi đọc kinh Mân Côi. Tại trung tâm thành phố, nơi từng có Tượng đài Lenin, một lá cờ Ukraine khổng lồ bay phấp phới. Người Công Giáo, Tin lành và Chính thống giáo tụ tập một cách tự phát để cầu nguyện. Mỗi ngày trong nửa giờ họ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.
Source:Aleteia