“Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Rôma đang nói về chủ đề Ukraine theo một cách rất cân bằng bởi vì ngài nhận thức được không chỉ lịch sử hiện tại của cuộc xung đột mà còn cả tiền sử của nó, trở lại với các sự kiện vào năm 2014”, Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk đã đưa ra lập trường trên trong chương trình Giáo hội và Thế giới.
Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, cho biết ông đang trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill vào năm 2022, nhưng ngày và địa điểm chính xác của cuộc gặp vẫn đang được tìm hiểu.
“Trong tình hình chính trị phức tạp hiện nay, cần phải xem xét rất kỹ lưỡng không chỉ các vấn đề liên quan đến phần quan trọng của cuộc họp giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ, mà còn các vấn đề liên quan đến an ninh, giao thông và hậu cần”, Tổng Giám Mục Hilarion giải thích.
Ban đầu, cuộc gặp giữa những người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã được lên kế hoạch diễn ra ở nơi các tín hữu Kitô cần được hỗ trợ. Do đó, Trung Đông được coi là một trong những địa điểm ưu tiên cho cuộc họp này, Tổng Giám Mục Hilarion nói.
Nhiều quan sát viên cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không nên gặp gỡ Thượng Phụ Kirill. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ trực tuyến với Thượng Phụ Kirill trong cố gắng thuyết phục Thượng Phụ Kirill khuyên Putin nên rút quân khỏi Ukraine. Ông ta đã làm ngược lại khi cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Thật vậy, trong một hành động báng bổ không thể tưởng tượng nổi, hôm 13 tháng Ba, Thượng Phụ Kirill đã trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ cho quân Nga mau thắng.
Gần đây, tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.
“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.
“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.
Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tức giận.
Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.
Source:Russian Orthodox