1. Thị trưởng Mariupol cho biết Hội Hồng Thập Tự và Liên Hiệp Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán di tản

Thị trưởng Mariupol Vadim Boichenko cho biết phái bộ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự đang đàm phán để bảo đảm việc di tản hàng trăm người dân địa phương bị mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal.

Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine hôm thứ Bảy, ông kêu gọi “tất cả các đối tác quốc tế đoàn kết vì một mục tiêu - cứu mạng người dân địa phương, cứu nhà máy thép và những người dân địa phương hiện đang ẩn náu trong các hầm trú bom Azovstal.”

“Phái bộ của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự đang đàm phán với Nga. Chúng tôi đang chờ đợi kết quả của các cuộc hội đàm này. Chúng tôi đang chờ xem rằng chúng tôi sẽ có được hành lang này và cứu sống hàng trăm cư dân Mariupol của chúng tôi hay không”

Văn phòng Tổng thống Ukraine hôm thứ Sáu cho biết họ có kế hoạch di tản Azovstal, nhưng các quan chức Ukraine sau đó nói rằng người Nga đã chặn đường vào nhà máy.

Một chỉ huy Ukraine bên trong cơ sở này cho biết tình hình bên trong nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở thành phố Mariupol là “vượt xa một thảm họa nhân đạo”.

Serhiy Volyna, thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36, cho biết có hàng trăm người trong công trình thép, trong đó có 60 trẻ em, đứa trẻ nhất mới 4 tháng tuổi.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông cho biết vì cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào bệnh viện dã chiến của nhà máy, không có thiết bị y tế quan trọng và người dân “có rất ít nước, rất ít thức ăn”.

Volyna nói:

Phòng mổ bị đánh trực diện. Và tất cả các thiết bị phẫu thuật, mọi thứ cần thiết để thực hiện phẫu thuật đã bị phá hủy nên hiện tại, chúng tôi không thể điều trị cho những người bị thương của mình, đặc biệt là những người bị mảnh bom và vết đạn.

Anh ấy nói thêm:

Chúng tôi đang chăm sóc những người bị thương ngay bây giờ bằng bất cứ công cụ nào chúng tôi có. Chúng tôi có quân y viện và họ đang sử dụng mọi kỹ năng có được để chăm sóc những người bị thương. Và hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ công cụ phẫu thuật nào nhưng chúng tôi có một số thứ cơ bản. Nhưng chúng tôi cũng đang rất cần thuốc. Chúng tôi hầu như không còn thuốc.

2. Tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ khuyến khích Kitô hữu ở lại Li Băng

Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ khuyến khích các tín hữu Kitô Li Băng ở lại quê hương và đừng tìm cách xuất cư ra nước ngoài vì tình trạng kinh tế khó khăn tại nước này.

Mới đây một phái đoàn của Tổ chức bác ái này đã viếng thăm Li Băng để cứu xét tại chỗ các dự án cần tài trợ.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa Thánh tại Li Băng, nói với đại diện của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ rằng người ta nói các tín hữu Kitô ở Li Băng nói chung là những người có trình độ học vấn cao hơn, được chuẩn bị kỹ hơn và có nhiều hơn các thân nhân ở nước ngoài. Vì thế họ dễ dàng xuất cư hơn và tìm được những công việc làm tốt hơn. Vì vậy điều càng quan trọng hơn, đó là đầu tư vào những dự án nhắm khuyến khích các tín hữu Kitô ở lại Li Băng.

Theo Đức Tổng Giám Mục Spiteri, một điểm quan trọng trong các dự án mà Giáo hội cần tài trợ, đó là hỗ trợ các trường Công Giáo. Thông thường nhà nước Li Băng tài trợ một nửa học phí cho các học sinh tại các trường này, nhưng vì tình trạng khủng hoảng kinh tế và chính phủ gần bị phá sản, chính phủ không còn tài trợ học phí cho các học sinh tại các trường Công Giáo nữa. Vì thế, Giáo hội phải tìm kiếm tài trợ cho các trường này, trong đó Giáo hội xin tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đảm trách việc này. Một nửa còn lại Giáo hội sẽ phải tìm kiếm.

Theo Đức Sứ thần Tòa Thánh, các trường Công Giáo tại Li Băng rất quan trọng vì chúng bảo tồn sự hiện diện của Kitô giáo, giữ cho các gia đình ở lại trong các làng mạc và kiến tạo công ăn việc làm cho các giáo viên và các nhân viên của các trường. Ví dụ, nhờ trợ giúp này các giáo viên nam nữ tại hơn 50 trường Công Giáo được hỗ trợ 300 Mỹ kim mỗi năm học. Vì tình trạng khủng hoảng, số tiền này được dành để nâng đỡ về mặt lương thực, hoặc xăng dầu để di chuyển.

Đức Tổng Giám Mục Spiteri cũng nhận xét rằng: “Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tài trợ nhiều dự án ở Li Băng, nơi mà tình trạng khủng hoảng kinh tế lên tới mức trầm trọng. “Li Băng khác với tất cả các nước khác ở Trung Đông, không những vì có nhiều Kitô hữu hơn, nhưng còn vì đây là quốc gia duy nhất trong vùng ủng hộ một Hiến pháp dân sự. Điều này càng cho thấy cần hỗ trợ sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Li Băng.

3. Tiến Sĩ George Weigel: Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “The Pope And The Patriarch Of Moscow”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn rất đau buồn trước cuộc tàn sát ở Ukraine. Và khi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đại kết của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch, nói với các nhà báo rằng ngài chia sẻ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng những lời biện minh tôn giáo dành cho hành vi xâm lược là “báng bổ” — tức là cách sử dụng xấu xa những điều thuộc về Chúa — chúng ta có thể chắc chắn rằng điều này cũng là quan điểm của Đức Phanxicô.

Vậy thì tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nên gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, như một số cá nhân và phong trào trong Giáo hội đã từng thúc giục? Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, Kirill đã liên tục đưa ra các biện minh tôn giáo cho cuộc tấn công man rợ của Nga vào Ukraine. Vậy thì Kirill có phải là một kẻ báng bổ không?

Một số người trong số những người cổ vũ cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill có khả năng nghĩ mắc chứng “ảo ảnh”. Họ đã tưởng tượng rằng khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau trong thời chiến để cầu nguyện cho hòa bình, thì điều đó thể hiện một cách sinh động cho khả năng của người Kitô, nhân danh đức tin Phục sinh và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, có thể vượt lên trên lòng căm thù dân tộc và lòng yêu nước. Tuy nhiên, điều đó chỉ là tưởng tượng dựa trên sự nguỵ biện.

Kirill Gundayev bắt đầu sự nghiệp giáo hội của mình tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới trong một công việc chỉ được giao cho một người hoàn toàn được tin cậy và có khả năng làm việc với KGB, là cơ quan tình báo bí mật của Liên Xô. Trong những năm làm giáo chủ Chính thống giáo Nga, Kirill đã thúc đẩy một tầm nhìn mở rộng về “thế giới Nga”, làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của người Slav phía đông, và cổ vũ cho sự phục hưng chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủ nghĩa Sa hoàng và chủ nghĩa Stalin. Kirill cũng là cơ quan ngôn luận trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, trong đó tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là vị cứu tinh của nền văn minh chống lại sự suy đồi của phương Tây – đó là một lời nói dối đã đánh lừa được quá nhiều người Công Giáo.

Một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục đương nhiệm của Rôma và Đức Thượng phụ đương nhiệm của Mạc Tư Khoa sẽ không phải là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó sẽ là một cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một công cụ quyền lực của nhà nước Nga.

Nhưng, một số có thể nhanh nhẩu trả lời, đó, vấn đề chính là ở chỗ đó. Bằng cách tiếp tục cuộc đối thoại cá nhân với Kirill mà ngài đã mở ra ở Havana vào năm 2015, Đức Phanxicô sẽ trao quyền cho Kirill để có tác động kiềm chế Putin trong khi định vị Vatican là nhà môi giới trung thực trong việc dàn xếp một hòa bình đàm phán ở Ukraine.

Đó cũng là một điều tưởng tượng, ảo ảnh cuộc đời.

Thứ nhất, trong mối quan hệ Putin-Kirill, Thượng Phụ Kirill không có đòn bẩy thực sự. Tổng thống bạo chúa không tìm đến Thượng Phụ để tìm lời khuyên chiến lược, và chắc chắn ông ta cũng không tìm đến ngài Thượng Phụ để hoán cải đạo đức. Ông ta trông đợi Kirill tạo ra vỏ bọc cho mình và hỗ trợ. Là những gì ông ta nhận được.

Thực tế đáng buồn là sự phụ thuộc đối với nhà nước ngăn cản việc lãnh đạo Chính thống giáo Nga nói sự thật với quyền lực Điện Cẩm Linh, hoặc kêu gọi vị sa hoàng thời hậu cộng sản hoán cải. Những gì Kirill và các cộng sự của ông ta (như Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại) đưa ra là một lời biện minh giả danh tôn giáo cho tham vọng đế quốc của Putin, đồng thời bảo đảm với những người Nga thực hiện các hành động bạo lực khủng khiếp chống lại thường dân rằng, họ là những người yêu nước thực sự, và là những người con của Tổ quốc Nga.

Thứ hai, ý tưởng về Vatican là nhà môi giới trung thực toàn cầu dựa trên một quan niệm sai lầm về cách Tòa thánh có thể gây ảnh hưởng trong thế giới ở thế kỷ 21. Vatican ngày nay không phải là Quốc gia của Đức Giáo Hoàng đầu thế kỷ 19: một cường quốc Âu Châu cấp ba vẫn sử dụng đòn bẩy tại các sự kiện như Đại hội Vienna năm 1814–1815. Quốc gia Đức Giáo Hoàng không còn tồn tại, và thế giới của Metternich, Castlereagh, và Hồng Y Ercole Consalvi, bộ trưởng ngoại giao tài giỏi và hiệu quả của Đức Giáo Hoàng Pius Đệ Thất cũng không còn.

Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh, Tòa Thánh có quyền lực trong thế giới ngày nay: quyền lực của chứng nhân đạo đức, bắt đầu bằng cách gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Bài bình luận của Vatican trong cuộc chiến Ukraine vào tháng thứ hai đã sử dụng một từ vựng chân thực hơn những gì được hiển thị trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, kể từ Lễ Phục sinh, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng và Vatican vẫn là tiếng than thở hơn là tiếng nói tiên tri tố cáo hành vi xâm lược và chỉ đích danh kẻ xâm lược. Lỗ hổng đó được kết hợp bởi những lời lẽ thiếu thận trọng gợi ý rằng không có cuộc chiến tranh nào là hợp pháp về mặt đạo đức, điều này không đúng với việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình và về sự chuyển đổi văn hóa và chính trị của đất nước bắt đầu với cuộc Cách mạng Nhân phẩm Maidan ở Kyiv vào hai năm 2013 và 2014.

Bằng việc tàn sát dã man những người vô tội ở Bucha, ở Mariupol, và trên khắp Ukraine, Vladimir Putin đã tự bêu xấu mình bằng dấu ấn của Cain. Kirill đã cố gắng che đậy dấu ấn đó. Việc Giám mục Rôma đã gặp Kirill như thể ông Thượng Phụ người Nga này là một nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự sẽ khiến những người Ukraine theo Công Giáo và Chính thống giáo thất vọng một cách cay đắng, những người sẽ coi đó là một sự phản bội một cách vô lý; nó sẽ làm cạn kiệt vốn đạo đức của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới; và nó sẽ không đóng góp gì cho hòa bình.


Source:First Things