QUÊ NGOẠI DẤU YÊU
Kể từ cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi những bước chân đầu tiên của tôi đặt trên ngưỡng đại học, cũng là những bước chân đánh dấu ngày tôi rời xa quê Ngoại, và là chính nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một miền quê thanh bình thuộc phía Đông của miền Nam, một chốn quê chan chứa tình người, tình đất..
Ở đó là một trong những xứ đạo cổ xưa nhất của Giáo hội Việt Nam, nơi đã cho tôi những tháng ngày bình yên, êm ả, cùng nỗi hạnh phúc ngập tràn của tuổi thơ trăm yêu ngàn nhớ. Khác hẳn chốn xa xôi, tấp nập, đầy tiếng ồn, đầy bụi khói, đầy tranh giành, bon chen… giữa một thành phố lớn, nơi tôi hằng ngày phải hối hả cùng dòng người bất tận để lên giảng đường…
Bởi phải trầm mình giữa chốn phố thị không một cảm tình, không một phút giây yên lặng, càng làm tôi nhớ quê hương da diết. Vùng đất và xứ đạo của miền quê ấy đã trở thành huyết quảng trong tôi…
Nhưng cũng thật bẽ bàng. Ngày nay, quê hương tôi đang đô thị hóa quá nhanh. Nhanh đến chóng mặt. Đã nhiều lần tim tôi phải nhói lên những tình cảm khó tả, hình như nó chuyển từ trạng thái thảng thốt sững sờ đến da diết đau, khi chứng kiến mọi loại cơ giới đang “lột xác” quê hương mình.
Vì thế, tôi muốn gởi lòng mình trở về tuổi thơ như một lời cám ơn quê hương, đồng thời tỏ bày những trĩu nặng trước hiện thực đang diễn ra.
I. QUÊ NGOẠI SỐNG ĐỘNG TRONG KÝ ỨC ĐỜI TÔI.
Tự bao giờ người ta đã đặt cho làng quê êm ả và thơ mộng của tuổi thơ tôi cái tên mà bao nhiêu thời gian trôi xa, quê tôi vẫn khoác trên mình.
Nó hầu như in sâu vào tâm não tôi, đến nỗi tôi cũng chẳng cần thắc mắc tại sao lại có cái tên ngộ nghĩnh như vậy. Chỉ có những kỷ niệm của thời thơ ấu mới giúp tôi hiểu được điều đó mà thôi.
Đó là cái thời tôi còn là thằng bé trưa không ngủ, lén mẹ đi dầm nắng bắt con chuồn chuồn, bị mẹ đánh, sợ hãi nép vào lòng Ngoại. Cái thuở thằng bé lên năm, tối ngủ hay rúc vào giường của Ngoại, gối đầu lên tay Ngoại, thích được Ngoại kể chuyện đời xưa. Huyền thoại về vùng đất thân yêu quê mình là một trong những câu chuyện đời xưa mà tôi nhớ nhiều nhất…
Vào thời xa xưa, không rõ thời gian nào nữa, có một người lái đò đã châm lửa thiêu mình để tự tử. Thế là người dân trong vùng đã đặt tên cho mảnh đất mà mình đang sống đúng theo nghĩa đen mà hành động của người lái đò đã thực hiện khi tự kết liễu đời mình…
Quê tôi không có sóng, không có biển, để cho ai khi còn bé cứ chiều theo mẹ ra bãi cát đón cha từ ngoài khơi đánh cá về. Cũng không có núi cao để ai ngồi dưới chân núi nhìn lên đỉnh thèm thuồng được một lần lên đó mà phóng tầm mắt ra khắp nơi cho thỏa thích...
Với ký ức tuổi thơ tôi, quê mình chỉ có dòng sông nước xanh quanh năm hiền hòa trôi lặng lờ bên những bụi dừa nước um tùm trĩu quả. Dòng sông ấy đã bao lần “mở nước ôm tôi vào dạ” (Tế Hanh - Nhớ con sông quê hương) trong những trưa hè oi bức; dòng sông ấy cũng đã nhiều lần cho tôi những “ổ bánh mì kẹp thịt” bằng tàu lá lục bình và những bông hoa tím ngát của nó…
Và bên dòng sông ấy, mãi cho đến khi tôi lớn lên và phải rời xa quê hương, cái bến đò xưa vẫn còn hiện diện. Nó như dấu chứng về cái bến đò mà ngày xưa người lái đò đậu ghe của mình vào đó... Người ta cũng không ngần ngại gọi tên nơi mà bến đò hiện diện là xóm Bến Đò, để phân biệt với các xóm khác nơi xứ đạo của một miền quê.
Đẹp hơn cả vẫn là khi đứng từ bến đò nhìn về tháp chuông của ngôi nhà thờ cổ kính, nhà thờ xóm đạo quê tôi, được xây cất trên một đỉnh đồi nhỏ đối diện với dòng sông.
Những buổi hoàng hôn, tiếng chuông nhà thờ lại ngân nga cùng với muôn tiếng chim về tổ rộn ràng, làm cho dòng sông như trở mình, chuyển sang một màu tím thẳm đẹp lạ lùng.
Ngôi nhà thờ cổ kính gần ba trăm năm tuổi đời, đã được trùng tu nhiều lần, qua bao thời đã là trung tâm đức tin của bao nhiêu thế hệ người tín hữu.
Quê hương đã cho tôi thành người. Còn xóm đạo miền quê đã nuôi dưỡng đức tin của tôi, để từ nơi này, tôi hãnh diện khoe mình là Kitô hữu, là người tiếp bước cha ông xây dựng và phát triển đức tin.
Nếu quê hương đã chứng kiến ngày tôi chào đời để làm người, thì xóm đạo miền quê và ngôi nhà thờ cổ kính ấy đã nâng niu tôi trong ngày tôi lãnh bí tích Rửa tội để làm người tín hữu và làm con Thiên Chúa.
Cùng với thời gian, tôi lớn dần. Cũng chính tại ngôi nhà thờ của vùng quê yên bình ấy, tôi lần lược lãnh các bí tích khai tâm còn lại. Rồi cũng từ nơi lưu luyến quý yêu này, tôi đã cất bước ra đi theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo trong tôi, đã mời gọi tôi...
Ngày tôi lãnh bí tích Truyền chức, một lần nữa, ngôi nhà thờ cùng với xứ đạo quê nhà đầy trân đầy quý ấy – nơi tôi đã lớn lên từng ngày không chỉ trong thân xác, nhưng trong niềm tin, trong tình mến và ân sủng của Thiên Chúa, nơi đã dâng tặng trong tôi cả một bầu trời kỷ niệm – tưng bừng chứng kiến giây phút tôi bước tới Bàn Thánh Chúa: từ đây tôi trở thành linh mục của Chúa.
Hân hạnh biết chừng nào, tự hào biết chừng nào, cao quý biết chừng nào, đáng yêu biết chừng nào…, người con của quê hương lại được lãnh nhận thánh chức linh mục trên chính nơi mình sinh ra và lớn lên…
Phía ngoài mặt tiền nhà thờ vốn đã hết sức trầm mặc, sẽ rất đỗi yên bình cho mọi tâm hồn tìm về, còn có một mái trường, mà thuở tôi còn mài đũng ở lứa tuổi trung học, đã ắp đầy trong tôi khôngbiết bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ bên thầy cô, bạn bè... Làm sao tôi có thể quên được kỷ niệm của một thời vụng dại. Nó, mái trường thân yêu ấy như vẫn còn giữ mãi, còn âm vang mãi tiếng cười, tiếng đùa giởn của lũ học trò "xứng đáng" đứng sau quỷ và ma...
Nhớ nhất những chiều mưa bay, nhìn qua song, phía ngoài ô cửa sổ lớp học, những cánh hoa dầu, cứ mỗi cơn gió giật, lại bị cuốn xoay tít, xoay tít, hết đám này đến đám khác, bay từ phía khuôn viên nhà thờ sang sân trường, cứ như một trận pháo hoa chỉ có một màu xanh nhạt nổ tung trên nền trời...
Thời nào cũng vậy, cái tuổi của đám học trò trung học, là tuổi mơ tuổi mộng. Vui đó, rồi lại chợt buồn. Cái tuổi ươm mầm mơ ước, nhiều sáng tạo, nhưng cũng lắm tinh nghịch, sống mãi trong tôi, chiếm mất một phần ký ức của tuổi thơ tôi. Cái tuổi thần tiên diệu kỳ, đã mấy chục năm vội vã đi qua đời người, vẫn không dễ xóa nhòa…
Ở nơi ấy – quê tôi, đất trời tươi mát còn có tiếng chích chòe hót đòi tổ trong những lùm cây ăn trái xanh um tùm mỗi khi bắt đầu mùa trái chín. Những quả tươi vừa chín cứ đỏ hồng, chỉ nhìn là đã thấy ngọt ngào quyến rũ!
Nhìn chúng trổ sai oằn, tôi lại càng thương Ngoại vô cùng. Bao nhiêu năm trong đời, Ngoại gắn bó với chúng để cho chúng được nên vóc, nên hình như hôm nay. Chúng là màu xanh của quê hương. Nhờ màu xanh ấy, mà quê hương càng đẹp và nổi tiếng.
Nhưng Ngoại mới chính là người tạo ra màu xanh! Yêu quê hương, tôi càng yêu Ngoại tôi nhiều lắm. Dù năm tháng trôi xa, Ngoại tôi nay đã trở thành người thiên cổ. Tôi vẫn nhớ như in hình bóng Ngoại ngày xưa ấy, dù tóc đã bạc, lưng đã còng, tháng ngày Ngoại vẫn chăm tay cho màu xanh đẹp mãi. Ôi tôi muốn hái dâng Ngoại những quả chín đỏ tươi, to và ngọt ngào!...
Nơi ấy – quê tôi, cũng lại là nơi của nghề gốm sứ phát triển. Sản phẩm của nghề này có mặt hầu hết mọi nơi trên đất nước này, thậm chí bây giờ người ta còn xuất sang nhiều quốc gia hiện đại.
Ngành gốm sứ không biết tự bao giờ đã đi vào nếp sinh hoạt của mọi người như: một tích nước trà, chén, dĩa, bình cắm hoa… Ngoài ra còn có những chén hứng mủ cao su tròn hình bán nguyệt như hình những chiếc bánh trôi nước cắt đôi mà Ngoại vẫn thường làm phần thưởng cho tôi mỗi khi quyển vỡ của tôi xuất hiện những điểm mười tươi tắn (tuy những chén này lớn gấp nhiều lần chiếc bánh trôi nước), …
Quê tôi là vậy đó! Tôi yêu nơi mình sinh ra và lớn lên bằng thứ tình yêu của một đứa con được nuôi dưỡng từ vị ngọt ngào của phù sa đất Tổ. Xin cho tôi được hôn lên mảnh đất quê mình bằng một cái hôn thật nồng nàn. Xin cho ước mơ của tôi được trở thành hiện thực: Sẽ là một đứa con trung hiếu của quê hương được nối nghiệp cha ông mà gìn giữ những gia sản đã có từ ngàn xưa!
II. CHỢT NGẬM NGÙI TRƯỚC NHỮNG ĐỔI THAY.
Tôi đã từng có một ước mơ thế đấy. Tôi biết, ước mơ trung hiếu nối nghiệp cha ông gìn giữ gia sản quê hương không là ước mơ nhỏ. Bản thân như ánh đom đóm trong đêm, không dễ phá tan màn đêm. Một mình không thể cáng đáng nhiệm vụ gìn giữ gia sản của cả quê hương, nếu thiếu ý thức của mọi con người sống trên Quê Cha Đất Tổ.
Dù sao với một ước mơ, tuy mong manh, vẫn chính là động lực thôi thúc người con của quê hương lao mình về phía tương lai, xây dựng đời mình bằng những nỗ lực, những trang bị có thể có được trong giới hạn của bản thân, để nếu không thể làm được gì cho quê mình, thì ít là góp phần mình như một bằng chứng của lẽ sống, nếu có ai trong đời muốn tìm sự san sẻ…
Phải suy nghĩ như thế để tự an ủi mình, để bớt nhói khi nhìn lại những kỷ niệm của một thời, nay chỉ còn đúng với nghĩa của hai từ “kỷ niệm”…
Vì lợi nhuận, chính những người con đã biến quê mình không còn là "đất lề quê thói". Bởi với sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường, văn hóa của một vùng quê đã "lai căn", nếp sống yên lành của người quê bỗng thực dụng, trở nên xa lạ khác thường. Bên cạnh đó, những vườn cây xanh ngút mắt, những dòng kênh xanh mơ mộng ngày nào, những mặt hàng gốm sứ giờ chỉ là… cổ tích...
Người ta đã mạnh tay, nhẫn tâm giết sạch cả một niềm yêu, cả một màu xanh của quê hương bằng nhiều chất độc hại nhất. Riêng về môi trường, đất và nước đã nhiễm nhiều loại tạp chất có thể giết chết con người, chứ đừng nói là cây trái. Một bằng chứng rất rõ: Trên tất cả các sông rạch hiện có ở quê tôi, nhiều loại cá, tôm, lươn, ếch… đã tiệt chủng.
Bởi không còn sinh lợi, người dân quê tôi đua nhau bán đất. Bán sạch. Bán không tiết xót! Ngày xưa, khi Ngoại tôi còn sống, bởi lòng tin của con người lúc ấy đầy ắp, lợi nhuận chỉ từ cây trái chứ không do đất đai, vì thế những khu vườn của những nhà hàng xóm chỉ cách nhau một con mương, một bờ dậu bằng những khóm râm bụt, những cây trà rừng uốn mình cong queo rất đẹp. Còn bây giờ, đừng nói đến những nhà hàng xóm, ngay cả những người chung một lòng mẹ sinh ra, vẫn có thể giết nhau để dành từng tấc đất, tìm tư lợi vật chất cho bản thân.
Tôi ngỡ ngàng xót xa mỗi lần về thăm quê Ngoại. Cả một màu xanh bình yên hạnh phúc, một thời ôm ấp, chở che tuổi thơ tôi, đã biến mất không còn vết tích. Nhà nhà san sát như dãy phố nằm giữa thôn quê. Người người lạ hoắc đến nỗi đi trên quê mình mà cảm giác như lạc vào chốn xa xôi. Các loại máy móc của cơ giới ngày đêm vỗ ầm ầm đinh tai nhức óc...
Chỉ còn mảnh vườn của Ngoại tôi đơn độc run rẩy giữa bầu trời xanh thăm thẳm trong vắt. Chỉ có bầu trời muôn đời vẫn thế, vẫn nghiêng mình che chở mọi người không phân lành dữ, tốt xấu. Chỉ có bầu trời mãi bao dung, vẫn bình yên như muôn đời bình yên. Khác hẳn trời xanh. Lòng người đổi thay đến chóng mặt, đến khiếp sợ. Sự đổi thay ấy đã bóp chết một rừng xanh của quê hương trăm thương ngàn nhớ.
Mảnh vườn của Ngoại dẫu còn đó, nhưng những hàng cây xanh ngày nào giờ chỉ là những cành cây bị tuốt trọc lá, giơ thẳng lên trời như dấu hiệu của kẻ đầu hàng, chỉ còn biết cầu xin chút lòng yêu thương của con người. Những cành cây khẳng khiu đau đớn đang van nài, đang cầu cứu, đang đòi quyền được sống. Những ai chỉ vì tham lam, nỡ giết chết quá khứ và đập phá cả tương lai có thấu chăng tiếng ai oán của quê hương ngàn đời âu yếm?
Cái bến đò đã gắn liền với người quê hàng trăm năm, nay dưới bàn tay con người, đã... biến mất. Thay vào đó, một con đường hiên ngang, sạch, rộng được kiên cố hóa bằng bê tông nhựa đang chạy dọc bờ sông.
Quê hương thanh bình của tuổi thơ tôi, giờ đây cũng hết thanh bình. Người ta nói “đất lành chim đậu”. Nhưng “chim” đậu nhiều, “đất” chẳng còn lành.
Cùng với bến đò huyền thoại, đất đai của người quê cũng thay ngôi đổi chủ. Người ta đang chứng kiến từng ngày những ngôi biệt thự, thậm chí những tòa lâu đài của bao nhiêu kẻ lạ của "thời hiện đại", mọc lên sang sát khoe dáng mình thuộc hàng "đỉnh" của cái chốn mà giờ đây, quê chẳng ra quê, phố chẳng ra phố...
Còn những con người sang trọng, trang điểm lộng lẫy và xa lạ cứ nhìn sẽ khiến người quê càng tủi. Họ, cứ mỗi sáng bước ra khỏi nhà là ngồi trên những xe hơi bóng lộn, chiều về, cánh cổng to, khỏe kia chỉ mở cho xe và người ngồi trên nó lách vào, rồi lại đóng sập...
Nằm giữa quê, nhưng những ngôi nhà chẳng có chút quê, Sống giữa quê nhưng những con người ấy chẳng có chút chân quê. Quê tôi, giờ đây, nếu phải gọi cho đúng, không biết phải gọi là gì...!
Đối lập hoàn toàn với gam màu sang trọng vừa nói là những anh chị em xa quê phải sống bằng đủ mọi loại nghề, thượng vàng hạ cám, nhiều nhất là làm công nhân trong các nhà máy, các khu công nghiệp.
Nếu ngày xưa, quê hương nổi tiếng cây trái miệt vườn, thì ngay hiện tại, nó đang nổi tiếng về những căn nhà tạm bợ, gọi là nhà trọ, đón nhận hàng hàng lớp lớp người lũ lượt từ khắp mọi miền đất nước đổ về để tìm kế sinh nhai.
Bởi đón nhận quá nhiều người, quá nhiều thành phần xã hội, an ninh trên miền quê này đã trở nên phức tạp. Tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, có mặt ở mọi ngóc ngách.
Ngày xưa, nhà thưa thớt. Nhà cách nhà bằng một khoảng vườn rộng, rộng đến ngút mắt, mà sao không ai sợ bất cứ điều gì. Căn nhà của Ngoại nằm giữa vườn cây âm u trầm mặc, không cần đóng cửa, chỉ có tấm phên che hờ hững cản bớt gió lùa mỗi đêm, vậy mà sao giấc ngủ cứ ào về không gợn một chút nỗi sợ nào!…
Còn bây giờ, nhà nào cũng hết cửa trong đến cửa ngoài, cửa nào cũng khóa thật chặt, vẫn không khỏi nơm nớp âu lo.
Khi người ta khóa chặt cửa nhà, vô tình, người ta cũng đang khóa chặt lòng mình. Tình làng nghĩa xóm biến đi đâu! Nhà nhà đóng cửa, vì thế, người người xa cách. Nhà nhà đóng cửa, người người nhốt mình như ở nhà giam. Cũng phải thôi. Hàng xóm của mình, gọi là hàng xóm, nhưng biết ai quen, ai lạ. Tự giam mình là phương cách cuối cùng để bảo vệ sự an nguy của chính mình…
Tôi vẫn thường về thăm quê mình. Bình thường, một người con trở về quê hương, sẽ vui mừng, sẽ thấy lòng mình khoan khoái. Còn tôi, mỗi lần đứng trên mảnh đất quê mình, sao lại cứ nhớ quê mình da diết. Nhớ đến lạ lùng. Nhớ đến nao lòng. Nhớ đến quặn thắt một niềm đau khó tả…
Tình yêu quê hương của một thời đã qua như một bầu trời ký ức dằn xé trong tôi, làm tôi cứ đau đáu khi phải chứng kiến sự lạ lẫm, vô hồn của hôm nay trên chính nơi chôn nhau cắt rốn.
Tôi không thể hiểu, sự đổi thay đang diễn ra trên quê mình có thật sự đúng, hay sự tiếc nuối về cái chất thanh bình, yên ắng của một thuở đã qua đang ngự trị trong tôi là sai? Chỉ biết rằng, người viễn xứ trở về quê xưa đã hụt hẩng đến ngỡ ngàng, ngơ ngác và kinh ngạc…
Đúng sai chưa thể biết được. Chỉ biết một điều, tôi đã yêu quá quê mình. Yêu như yêu từng sợi tóc, từ thớ thịt, từng giọt máu lưu chuyển khắp châu thân.
Chính vì yêu, tôi đã không kềm được xúc động. Và những xúc động ấy, dù có theo nhau tuôn ra trên đầu ngọt bút như mọi người thấy trong bài viết này, thì hãy thông cảm cho tôi. Bởi khi “yêu”, người ta có thể làm mọi thứ theo cách “yêu” của mình!...
…Thế là ước mơ của tôi, từ nay sẽ không bao giờ tìm lại được. Rời khỏi quê hương, mong trở thành người con trung hiếu của quê hương đã ấp ủ hồn tôi, đã quấn lấy đời tôi. Cứ thế mà tôi lao mình về phía trước để cố hoàn thành tốt nhất trách nhiệm và ơn gọi đời mình.
Những lao tác dọc đường đời, đã chạm phải nhiều thử thách, có lúc đớn đau rát buốt, có lúc như chồn chân mỏi gối, người xưa trở lại, muốn tìm đến chiếc võng tre xưa, nằm đu đưa dưới gốc cây mát rượi, hay khoác những bụm nước ngọt ngào dưới con mương xanh có bầy cá rô tung tăng bơi lội, để rửa khuôn mặt nhiễm bụi đời…, mong khuây khỏa tâm hồn, mong được loại bỏ những căng thẳng, mong chút gió đồng quê lướt nhẹ da người để cảm nhận sự an lành thanh thản…
Nhưng không còn có thể nữa rồi. Tất cả đã lùi vào quá khứ. Đất quê xưa, nay chỉ còn lại một miền kỷ niệm. Câu chuyện về trái cây miệt vườn một thời nổi tiếng đã sớm trở thành dòng cổ tích, để ngày mai khi kể lại cho thế hệ đời sau, người quê sẽ bắt đầu bằng hai tiếng “Ngày xưa…”, y như Ngoại tôi đã từng kể về huyền thoại quê hương: “Ngày xưa có ông Lái đò tự Thiêu…”.
Nghe sao cổ họng đắng đót… Ngậm ngùi… Và tiếc xót…!!