Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ 4, ngày 18 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Đoạn Kinh thánh chúng ta vừa nghe kết thúc Sách Gióp, một tác phẩm văn học cổ điển phổ quát. Trong hành trình giáo lý, chúng ta gặp ông Gióp khi ông đã là một ông già. Chúng ta gặp ông như nhân chứng cho một đức tin không chấp nhận một “bức tranh biếm họa” về Thiên Chúa, nhưng phản đối lớn tiếng khi đối diện với sự dữ cho đến khi Thiên Chúa đáp lời và mạc khải khuôn mặt của Người. Và cuối cùng, Thiên Chúa đáp lời một cách đáng ngạc nhiên như mọi khi-Người bày tỏ cho ông Gióp sự vinh quang của Người mà không đè bẹp ông, hoặc đúng hơn, với sự dịu dàng tối cao, một cách dịu dàng, như Thiên Chúa vẫn luôn làm như thế. Các trang của cuốn sách này cần được đọc kỹ, không thành kiến, không khuôn thước định sẵn, để hiểu được sức mạnh của tiếng than của Gióp. Sẽ rất tốt cho chúng ta khi đặt mình vào trường học của ông để vượt qua cơn cám dỗ duy luân lý do sự bực tức và cay đắng của nỗi đau mất tất cả gây ra.

Trong đoạn kết của cuốn sách - chúng ta nhớ câu chuyện, phải không? Ông Gióp mất tất cả mọi sự ở trong đời, mất của cải, mất gia đình, mất con trai và thậm chí mất cả sức khỏe, và thế là ông ở đây, bị dịch hạch, trong cuộc đối thoại với ba người bạn, rồi một người thứ tư, họ đến thăm chào ông: đó là câu chuyện - và hôm nay, trong đoạn này, đoạn kết của cuốn sách, khi Thiên Chúa cuối cùng lên tiếng (và cuộc đối thoại giữa Ông Gióp và các bạn của ông giống như nẻo đường dẫn đến khoảnh khắc trong đó Thiên Chúa cất lên tiếng nói của Người), Ông Gióp được ca ngợi vì ông hiểu mầu nhiệm dịu dàng của Thiên Chúa ẩn sau sự im lặng của Người. Thiên Chúa quở trách các người bạn của ông Gióp, những người cho rằng họ biết mọi sự, biết về Thiên Chúa và về sự đau khổ, và khi đến để an ủi ông Gióp, kết cục họ lại phán xét ông bằng những khuôn mẫu định kiến của họ. Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức giả hình và tự phụ này! Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức dạy đời này và tính đạo đức của các giới luật vốn đem lại cho chúng ta một sự cao ngạo nào đó, và dẫn anh chị em đến chủ nghĩa biệt phái và đạo đức giả.

Đây là cách Chúa tự phát biểu chính mình Người với họ. Chúa phán như vậy: “Cơn thịnh nộ của ta bừng bừng chống lại các ngươi […] vì các ngươi đã không nói điều đúng về ta, như tôi tớ Gióp của ta đã nói”, Chúa phán với các bạn của Gióp như thế. “Tôi tớ của ta, Gióp sẽ cầu nguyện cho các ngươi, vì ta sẽ nhận lời cầu xin của nó là không giao dịch với các ngươi theo sự điên rồ của các ngươi; vì các ngươi chẳng nói điều gì đúng về ta, như Gióp tôi tớ ta đã nói ”(42: 7-8). Lời tuyên bố của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên bởi vì chúng ta đã đọc những trang rực lửa với sự phản đối của Gióp khiến chúng ta mất tinh thần. Tuy nhiên, Chúa nói Gióp đã nói tốt, ngay cả khi ông tức giận, và thậm chí giận Thiên Chúa, nhưng ông nói tốt vì ông không chấp nhận việc nói rằng Thiên Chúa là “Kẻ bách hại”. Thiên Chúa là một điều khác thế. Và đó là điều gì? Ông Gióp đang tìm kiếm điều đó. Và như một phần thưởng, Thiên Chúa trả lại cho Gióp gấp đôi số tài sản của ông, sau khi yêu cầu ông cầu nguyện cho những người bạn xấu xa này của mình.

Bước ngoặt trong cuộc trò chuyện về đức tin xảy ra ngay ở cao điểm của ông Gióp, khi ông nói, “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (19: 25-27). Đoạn văn này thực sự rất đẹp. Nó khiến tôi liên tưởng đến phần cuối của bài thánh nhạc tuyệt vời đó của Handel, Đấng Mêxia, sau bài hát Hallelujah có tính cử hành, giọng nữ cao chậm rãi hát đoạn này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống”, một cách yên bình. Và vì vậy, sau kinh nghiệm đau đớn và vui sướng này của Gióp, tiếng nói của Chúa là một điều hoàn toàn khác. “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống” - đó thực sự là một điều tuyệt đẹp. Chúng ta có thể giải thích nó như thế này: “Chúa ơi, con biết Chúa không phải là Kẻ bách hại. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho con”. Đó là đức tin đơn sơ vào sự sống lại của Thiên Chúa, đức tin đơn sơ vào Chúa Giêsu Kitô, đức tin đơn sơ rằng Chúa luôn chờ đợi chúng ta và sẽ đến.

Câu chuyện dụ ngôn trong Sách Gióp đại diện một cách mẫu mực điều thực sự xảy ra trong cuộc sống - đó là những thử thách thực sự nặng nề giáng xuống một người, một gia đình, một dân tộc, những thử thách không cân xứng so với sự thấp hèn và yếu đuối của con người. Trong cuộc sống thường xảy ra chuyện “khi trời mưa, nó mưa như thác”, như câu người ta thường nói. Và một số người bị tràn ngập bởi việc tích lũy sự ác dường như thực sự quá đáng và bất công. Nó là như thế với nhiều người.

Chúng ta thẩy đều biết những người như thế. Chúng ta có ấn tượng bởi tiếng khóc than của họ, nhưng chúng ta cũng ngưỡng mộ trước sự vững chắc của niềm tin và tình yêu trong im lặng của họ. Tôi nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nặng nề, anh chị em có bao giờ nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nặng nề chưa? Toàn bộ cuộc đời của họ.… Tôi cũng nghĩ đến những người đang sống với bệnh tật vĩnh viễn, hoặc những người hỗ trợ một thành viên trong gia đình của họ…. Những tình huống này thường trở nên gia trọng hơn do sự khan hiếm các nguồn lực kinh tế. Tại một số thời điểm nhất định trong lịch sử, việc chồng chất các gánh nặng cho ta ấn tượng này: chúng được dành cho từng nhóm. Đây là những gì đã xảy ra trong những năm này với đại dịch Covid-19, và hiện đang xảy ra với cuộc chiến ở Ukraine.

Chúng ta có thể biện minh cho những “thái quá” này bằng trí hiểu cao hơn về tự nhiên và lịch sử không? Liệu chúng ta có thể chúc lành cho chúng về mặt tôn giáo, coi chúng như những giải đáp chính đáng đối với tội lỗi của các nạn nhân, như thể chúng đáng được như vậy không? Không, chúng ta không thể. Các nạn nhân có quyền phản đối mầu nhiệm sự ác, một quyền mà Thiên Chúa ban cho mọi người, mà sau cùng, chính Người đã truyền cảm hứng cho. Đôi khi tôi gặp những người đến gần tôi và nói: “Nhưng thưa Cha, con đã phản đối Thiên Chúa vì con có vấn đề này và vấn đề nọ….” Nhưng bạn biết đấy, bạn à, phản đối là một cách cầu nguyện khi nó được thực hiện như vậy. Khi trẻ em, khi người trẻ phản đối cha mẹ, đó là cách kéo chú ý của họ và yêu cầu họ chăm sóc mình. Nếu anh chị em có một vết thương trong lòng, một vài nỗi đau, và anh chị em muốn phản đối, hãy phản đối ngay cả với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng lắng nghe anh chị em. Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa không sợ lời cầu nguyện phản kháng của chúng ta, không! Thiên Chúa hiểu. Nhưng hãy tự do, hãy tự do trong lời cầu nguyện của anh chị em. Đừng giam cầm lời cầu nguyện của anh chị em trong những khuôn mẫu đã định trước! Không! Lời cầu nguyện phải như thế này: một cách tự phát, giống như của một đứa trẻ nói với cha mình, em nói ra mọi điều từ miệng em bởi vì em biết cha em hiểu em. Đoạn đầu tiên của bộ phim, “sự im lặng” của Thiên Chúa, đã diễn tả điều này. Thiên Chúa không né tránh cuộc đối đầu, nhưng ngay từ đầu, Người đã cho phép ông Gióp trút hết sự phản đối của mình ra, và Thiên Chúa lắng nghe. Đôi khi, chúng ta cần học hỏi lòng tôn trọng và sự dịu dàng này của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa không thích cuốn bách khoa đó - hãy tạm gọi như vậy – của những lời giải thích, những suy nghĩ mà bạn bè của ông Gióp đã đưa ra. Đây là những điều phát ra từ đầu lưỡi của họ và đều không đúng - kiểu lòng đạo giải thích mọi sự, nhưng trái tim thì mãi lạnh lùng. Thiên Chúa không thích điều này. Người thích sự phản đối và sự im lặng của ông Gióp hơn.

Lời tuyên xưng đức tin của ông Gióp - xuất phát chính từ lời kêu cầu không ngừng của ông lên Thiên Chúa, lên công lý tối cao - cuối cùng kết thúc bằng một kinh nghiệm gần như huyền nhiệm khiến ông phải thốt lên: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42: 5). Có bao nhiêu người, bao nhiêu người trong chúng ta sau một trải nghiệm hơi tồi tệ, hơi đen tối một chút, đã tiến một bước và biết Chúa nhiều hơn trước! Và chúng ta có thể nói như ông Gióp: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến Ngài vì con đã gặp Ngài”. Chứng từ này đặc biệt đáng tin cậy nếu nó được phát xuất trong tuổi già, trong tình trạng ngày càng yếu ớt và mất mát. Những người già đã chứng kiến rất nhiều trải nghiệm này trong cuộc sống! Và họ cũng đã thấy sự bất nhất trong các lời hứa hẹn của con người. Các luật sư, nhà khoa học, thậm chí cả những người của tôn giáo, những người nhầm lẫn kẻ bách hại với nạn nhân, nói xa nói gần rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những đau khổ của chính họ. Họ đã lầm!

Những người cao niên nào tìm thấy nẻo đường của chứng từ này, những người nào biến sự phẫn uất vì mất mát của họ thành sự kiên trì chờ đợi các hứa hẹn của Thiên Chúa - có sự thay đổi từ sự phẫn uất vì mất mát sang sự kiên trì tìm kiếm lời hứa của Thiên Chúa - những người cao niên này là một pháo đài không thể thay thế để cộng đồng chống trả các thái quá của sự ác. Tín hữu nào chịu hướng mắt về phía Cây Thánh Giá đã học hỏi được chính điều đó. Ước gì chúng ta cũng học được điều này từ nhiều ông bà, những người giống như Đức Maria, hiệp lời cầu nguyện đôi khi tan nát cõi lòng của họ, với lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha trên thập giá. Chúng ta hãy nhìn những người già, chúng ta hãy quan sát những người đàn ông và đàn bà cao niên, những người lớn tuổi. Chúng ta hãy nhìn họ một cách yêu thương. Chúng ta hãy xem các kinh nghiệm bản thân của họ. Họ đã chịu đựng rất nhiều trong cuộc sống, họ đã học được rất nhiều trong cuộc sống, họ đã trải qua rất nhiều, nhưng cuối cùng họ có được sự bình yên này, một sự bình yên, tôi phải nói rằng, gần như huyền nhiệm, tức là sự bình yên từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đến mức họ có thể nói, " Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến". Những người cao niên này giống như sự bình yên của Con Thiên Chúa trên thập giá hoàn toàn phó mình cho Chúa Cha.