Thánh Thần Và Chúng Tôi
(Chúa Nhật VI PS C)
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x.Ga 13,34-35; 14,1).
Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x.1Cr 13,12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.
Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cử về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x.Mc 7,14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x.1Cr 8,1-13).
Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.
- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bãi bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x.Rm 8,14-17).
Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và khó sống tinh thần huynh đệ với nhau cách thực sự. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x.Kh 22,17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.
- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x.Mt 4,10; Lc 4,8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.
Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,37-40).
Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
(Chúa Nhật VI PS C)
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x.Ga 13,34-35; 14,1).
Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x.1Cr 13,12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.
Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cử về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x.Mc 7,14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x.1Cr 8,1-13).
Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.
- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bãi bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x.Rm 8,14-17).
Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và khó sống tinh thần huynh đệ với nhau cách thực sự. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x.Kh 22,17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.
- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x.Mt 4,10; Lc 4,8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.
Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,37-40).
Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.