Tình yêu, Lời và Thánh Thần
(Chúa Nhật 6 PS năm C 2022)
Trước khi cử hành lễ Thăng Thiên vào tuần sau, như là cao điểm của Phụng Vụ Mùa Phục Sinh, sứ điệp Chúa Nhật hôm nay muốn chúng ta hướng tầm nhìn về Hội Thánh, một Hội Thánh non trẻ, đang nỗ lực đồng tâm nhất trí làm chứng về Chúa Giêsu, làm chứng về những giá trị tinh thần mà Ngài truyền lại trước khi lìa bỏ thế gian: yêu thương, hiệp nhất, tuân giữ giới răn, hiệp thông trong Ngài…
Cụ thể, đó chính là thực thi mệnh lệnh: Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Một mệnh đề chỉ vỏn vẹn có 8 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin. Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu thêm “hai vế” hay hai hành vi sống đạo cơ bản “yêu mến Thầy, giữ Lời Thầy”, được Chúa Giêsu ký thác qua mệnh lệnh ngắn ngủi trên.
Trước hết: “yêu mến Thầy”:
Chúng ta biết rằng: trọng tâm và tiêu đích của niềm tin Kitô giáo đọng lại nơi một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô; và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim. Thiên Chúa của Kitô giáo là “Thiên Chúa của tình yêu”; và “Đạo Kitô” chính là “Đạo Yêu thương” ! Đừng quên, để trắc nghiệm lòng đạo và niềm tin của Phêrô sau biến cố chối thầy 3 lần trong đêm Ngài bị nộp, thì sau khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ hỏi Phêrô vỏn vẹn một câu cho 3 lần: “Con có yêu mến thầy không?”.
Ngày hôm nay, câu hỏi đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?”. Trả lời cho được câu hỏi đó sẽ xác định tính nghiêm túc và đúng đắn cho “sự chọn lựa đức tin” của mỗi người. Vâng, tôi tin, tôi giữ đạo là vì “yêu mến Chúa Kitô”, yêu mến con đường của Tin Mừng mà Ngài đề nghị, yêu mến nẻo đi thập giá mà Ngài làm gương, yêu mến những giá trị khó nghèo, trong sạch, hiền lành… trong Tám Mối phúc, yêu mến “việc rửa chân” cho những người nghèo; và mến Chúa yêu người đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống…
Không thiếu gì những kẻ mang niềm tin Kitô, trong đó không loại trừ cả chúng ta, lắm phen nhiều cách đã chọn lựa đức tin theo hướng “để được lên trời” hay “cho khỏi sa hỏa ngục”. Thực ra, sự chọn lựa như thế cũng không sai; vì “một tình yêu đích thực”, cuối cùng, cũng sẽ dẫn tới đích điểm như cái kết của “dụ ngôn ngày chung thẩm”: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…” (Mt 25,34). Tuy nhiên, nếu toàn bộ cuộc sống đức tin chỉ loay hoay làm sao cho được hoàn thiện “như người Biệt phái”: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con…” (Lc 18,11-12)…, mà chẳng quan tâm gì đến “người anh em bị thương nằm lây lất bên vệ đường về Giêrikhô” (Lc 10,29-37), thì cần phải “xem lại niềm tin” của mình.
Thứ đến “giữ Lời Thầy”:
Nhưng đâu là cách, là điều để cụ thể hóa hành vi “yêu mến Thầy”?
Để trả lời vấn nạn trên, chúng ta thử nhớ lại câu đáp của chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành: “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ” (Mc 10, 17-22). Nhưng khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”. Anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Anh muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh để hưởng thụ chứ không phải vì “đề nghị”, hay vì Lời cuối cùng của Đức Kitô: hãy đến theo ta. Việc thực thi “con đường của Đức Kitô”: “… hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi...!”, xem ra không phải là “giải pháp đức tin”, là “chọn lựa sống đạo” của người thanh niên giàu có !
Nếu đã từng có một số người Do Thái đã biến đức tin thành một thói quen “đãi bôi” dựa trên những câu “thần chú” “Lạy Chúa, lạy Chúa…”, như nhận xét và đánh giá của Đức Kitô cách đây 2000 năm: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! (Mt 7,21), thì cũng đã và đang có không ít người Kitô hữu hôm nay đã giới hạn việc thực hành đức tin qua một lối mòn xơ cứng: đọc kinh, xưng tội, rước lễ, giữ ngày Chúa Nhật, ăn chay 1 năm 2 lần, không trộm cắp, giết người…; và cho như thế là tuyệt hảo !
Phải chăng Đức Kitô, vì sợ cái tôn giáo mà Ngài muốn canh tân và thiết lập đặt trên nền tảng của tình yêu sẽ bị biến chất trở thành một thứ tôn giáo của lề luật vụ hình thức, nên trước khi về với Chúa Cha để bàn giao sứ mệnh loan truyền ơn cứu độ cho Hội Thánh, cho các Tông Đồ, Ngài đã muốn nhấn mạnh cái cốt lõi của niềm tin đó chính là cuộc trở về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc thực thi Lời: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
Vâng, việc thực hiện Lời, giữ Lời chính là giải pháp tối hậu, là sự chọn lựa khôn ngoan nhất để “căn nhà đức tin”, căn nhà Hội Thánh luôn tồn tại vững vàng trước phong ba bão táp của cuộc lữ hành dương thế: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá…” (Mt 7,24-27). Thánh Phêrô đã từng cảm nhận được chân lý đó: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Và để xác quyết việc thể hiện niềm tin như thế là khả thi, không phải tự sức con người, nhưng nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải về Chúa Thánh Thần: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Vâng, đời sống của Hội Thánh ngày từ thuở ban sơ mà sách Công Vụ Tông Đồ đã liên tiếp trình bày trong suốt những ngày qua đã cho chúng ta thấy sức tác động và vai trò cốt yếu của Chúa Thánh Thần trong việc các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng, xây dựng các giáo đoàn và từng bước làm cho Hội Thánh vững mạnh, hiệp nhất và lớn lên, như BĐ 1 hôm nay đã nêu bật trong “công thức mục vụ”: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”.
Trong một thế giới mà chiều kích trần tục đang muốn chiếm lĩnh mọi cơ cấu xã hội, kể cả cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, thì niềm tin Kitô, Hội Thánh Chúa Kitô, phải luôn được thanh lọc, hoán cải để mọi thành phần của Hội Thánh, từ những vị chủ chăn cao cấp đến những người tín hữu thấp cổ bé miệng, từ những cộng đoàn Giáo Hội văn minh, giàu có đến những giáo điểm vùng sâu vùng xa nghèo khổ bán khai…, tất cả đều hết sức tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và sức tác động của Chúa Thánh Thần như một định hướng và chọn lựa nền tảng: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”.
Như thế, cuộc họp mừng hôm nay chính là cơ hội để cộng đoàn chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần, để chia sẻ Lời và hiệp thông trong tình yêu. Để rồi từ đây, chúng ta ra đi, làm chứng về một Giáo Hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo Hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo Hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Vâng, đó là Giáo Hội của Tình yêu Ba Ngôi, của Lời Đức Kitô và của quyền năng Thánh Thần. Amen.
Trương Đình Hiền
(Chúa Nhật 6 PS năm C 2022)
Trước khi cử hành lễ Thăng Thiên vào tuần sau, như là cao điểm của Phụng Vụ Mùa Phục Sinh, sứ điệp Chúa Nhật hôm nay muốn chúng ta hướng tầm nhìn về Hội Thánh, một Hội Thánh non trẻ, đang nỗ lực đồng tâm nhất trí làm chứng về Chúa Giêsu, làm chứng về những giá trị tinh thần mà Ngài truyền lại trước khi lìa bỏ thế gian: yêu thương, hiệp nhất, tuân giữ giới răn, hiệp thông trong Ngài…
Cụ thể, đó chính là thực thi mệnh lệnh: Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Một mệnh đề chỉ vỏn vẹn có 8 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin. Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu thêm “hai vế” hay hai hành vi sống đạo cơ bản “yêu mến Thầy, giữ Lời Thầy”, được Chúa Giêsu ký thác qua mệnh lệnh ngắn ngủi trên.
Trước hết: “yêu mến Thầy”:
Chúng ta biết rằng: trọng tâm và tiêu đích của niềm tin Kitô giáo đọng lại nơi một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô; và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim. Thiên Chúa của Kitô giáo là “Thiên Chúa của tình yêu”; và “Đạo Kitô” chính là “Đạo Yêu thương” ! Đừng quên, để trắc nghiệm lòng đạo và niềm tin của Phêrô sau biến cố chối thầy 3 lần trong đêm Ngài bị nộp, thì sau khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ hỏi Phêrô vỏn vẹn một câu cho 3 lần: “Con có yêu mến thầy không?”.
Ngày hôm nay, câu hỏi đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?”. Trả lời cho được câu hỏi đó sẽ xác định tính nghiêm túc và đúng đắn cho “sự chọn lựa đức tin” của mỗi người. Vâng, tôi tin, tôi giữ đạo là vì “yêu mến Chúa Kitô”, yêu mến con đường của Tin Mừng mà Ngài đề nghị, yêu mến nẻo đi thập giá mà Ngài làm gương, yêu mến những giá trị khó nghèo, trong sạch, hiền lành… trong Tám Mối phúc, yêu mến “việc rửa chân” cho những người nghèo; và mến Chúa yêu người đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống…
Không thiếu gì những kẻ mang niềm tin Kitô, trong đó không loại trừ cả chúng ta, lắm phen nhiều cách đã chọn lựa đức tin theo hướng “để được lên trời” hay “cho khỏi sa hỏa ngục”. Thực ra, sự chọn lựa như thế cũng không sai; vì “một tình yêu đích thực”, cuối cùng, cũng sẽ dẫn tới đích điểm như cái kết của “dụ ngôn ngày chung thẩm”: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…” (Mt 25,34). Tuy nhiên, nếu toàn bộ cuộc sống đức tin chỉ loay hoay làm sao cho được hoàn thiện “như người Biệt phái”: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con…” (Lc 18,11-12)…, mà chẳng quan tâm gì đến “người anh em bị thương nằm lây lất bên vệ đường về Giêrikhô” (Lc 10,29-37), thì cần phải “xem lại niềm tin” của mình.
Thứ đến “giữ Lời Thầy”:
Nhưng đâu là cách, là điều để cụ thể hóa hành vi “yêu mến Thầy”?
Để trả lời vấn nạn trên, chúng ta thử nhớ lại câu đáp của chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành: “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ” (Mc 10, 17-22). Nhưng khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”. Anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Anh muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh để hưởng thụ chứ không phải vì “đề nghị”, hay vì Lời cuối cùng của Đức Kitô: hãy đến theo ta. Việc thực thi “con đường của Đức Kitô”: “… hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi...!”, xem ra không phải là “giải pháp đức tin”, là “chọn lựa sống đạo” của người thanh niên giàu có !
Nếu đã từng có một số người Do Thái đã biến đức tin thành một thói quen “đãi bôi” dựa trên những câu “thần chú” “Lạy Chúa, lạy Chúa…”, như nhận xét và đánh giá của Đức Kitô cách đây 2000 năm: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! (Mt 7,21), thì cũng đã và đang có không ít người Kitô hữu hôm nay đã giới hạn việc thực hành đức tin qua một lối mòn xơ cứng: đọc kinh, xưng tội, rước lễ, giữ ngày Chúa Nhật, ăn chay 1 năm 2 lần, không trộm cắp, giết người…; và cho như thế là tuyệt hảo !
Phải chăng Đức Kitô, vì sợ cái tôn giáo mà Ngài muốn canh tân và thiết lập đặt trên nền tảng của tình yêu sẽ bị biến chất trở thành một thứ tôn giáo của lề luật vụ hình thức, nên trước khi về với Chúa Cha để bàn giao sứ mệnh loan truyền ơn cứu độ cho Hội Thánh, cho các Tông Đồ, Ngài đã muốn nhấn mạnh cái cốt lõi của niềm tin đó chính là cuộc trở về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc thực thi Lời: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
Vâng, việc thực hiện Lời, giữ Lời chính là giải pháp tối hậu, là sự chọn lựa khôn ngoan nhất để “căn nhà đức tin”, căn nhà Hội Thánh luôn tồn tại vững vàng trước phong ba bão táp của cuộc lữ hành dương thế: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá…” (Mt 7,24-27). Thánh Phêrô đã từng cảm nhận được chân lý đó: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Và để xác quyết việc thể hiện niềm tin như thế là khả thi, không phải tự sức con người, nhưng nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải về Chúa Thánh Thần: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Vâng, đời sống của Hội Thánh ngày từ thuở ban sơ mà sách Công Vụ Tông Đồ đã liên tiếp trình bày trong suốt những ngày qua đã cho chúng ta thấy sức tác động và vai trò cốt yếu của Chúa Thánh Thần trong việc các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng, xây dựng các giáo đoàn và từng bước làm cho Hội Thánh vững mạnh, hiệp nhất và lớn lên, như BĐ 1 hôm nay đã nêu bật trong “công thức mục vụ”: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”.
Trong một thế giới mà chiều kích trần tục đang muốn chiếm lĩnh mọi cơ cấu xã hội, kể cả cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, thì niềm tin Kitô, Hội Thánh Chúa Kitô, phải luôn được thanh lọc, hoán cải để mọi thành phần của Hội Thánh, từ những vị chủ chăn cao cấp đến những người tín hữu thấp cổ bé miệng, từ những cộng đoàn Giáo Hội văn minh, giàu có đến những giáo điểm vùng sâu vùng xa nghèo khổ bán khai…, tất cả đều hết sức tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và sức tác động của Chúa Thánh Thần như một định hướng và chọn lựa nền tảng: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”.
Như thế, cuộc họp mừng hôm nay chính là cơ hội để cộng đoàn chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần, để chia sẻ Lời và hiệp thông trong tình yêu. Để rồi từ đây, chúng ta ra đi, làm chứng về một Giáo Hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo Hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo Hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Vâng, đó là Giáo Hội của Tình yêu Ba Ngôi, của Lời Đức Kitô và của quyền năng Thánh Thần. Amen.
Trương Đình Hiền