1. Công tố viên Ukraine điều tra hố chôn tập thể gần Bucha
Tổng Công tố Ukraine nói rằng họ đang điều tra cái chết của hàng ngàn thường dân bị trói tay sau lưng gần khu ngoại ô Bucha của Kyiv.
Trong một cuộc điều tra về các vị trí trước đây do Nga nắm giữ trong khu rừng gần làng Myrotke, các nhà chức trách cho biết “thi thể của nhiều thường dân với vết thương do đạn bắn và tay bị trói sau lưng đã được tìm thấy trong một chiến hào.”
“Cuộc điều tra đang được thực hiện bởi Sở Cảnh sát Quốc gia Quận Bucha ở Vùng Kyiv”, một thông cáo báo chí cho biết như trên.
Cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết họ vẫn đang cố gắng xác định danh tính thi thể của 1.200 thường dân trong hố chôn vừa được xác định.
Cảnh sát trưởng Quốc gia Ihor Klymenko nói với Interfax Ukraine: “Đây là một quá trình lâu dài, khá vất vả vì rất nhiều thi thể đang trong tình trạng phân hủy cấp tính. Chúng tôi lấy DNA từ những người thân đã liên lạc với chúng tôi qua đường dây nóng, sau đó chúng tôi so sánh hồ sơ của những người thân này với hồ sơ của những người chết, bị chôn, bị bắn, mà không xác định được danh tính”.
Ông nói rằng cảnh sát hiện đang điều tra cái chết của hơn 12.000 thường dân trên khắp đất nước. Ông cho biết tại Bucha, một ngôi mộ tập thể mới được tìm thấy với 116 người. Ông nói rằng một số ngôi mộ tập thể là kết quả của những cư dân thu thập xác chết trên đường phố và chôn cất họ trong các công viên gần đó.
Source:CNN
2. Người Ukraine gặp Đức Giáo Hoàng để giải tỏa những hiểu lầm
Một học giả nổi tiếng người Ukraine gần đây đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng đã giao nhiệm vụ cho một số Hồng Y nghiên cứu chủ đề “chiến tranh chính nghĩa” trong bối cảnh xung đột hiện nay với Nga.
Giáo sư Myroslav Marynovych, Phó hiệu trưởng Đại học Công Giáo Ukraine, là một trong ba người Ukraine đã gặp Đức Giáo Hoàng ngày 8 tháng 6 để nói chuyện xoay quanh mối quan tâm của họ về Vatican và những quan điểm được cho là “mơ hồ” của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine, và nhận xét của Đức Giáo Hoàng chống lại việc trang bị vũ khí cho Ukraine nhằm chống lại Nga.
Trong một bài báo tóm tắt bản chất và nội dung của cuộc gặp gỡ được đăng trên trang web của Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine, gọi tắt là RISU, Marynovych cho biết cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi một người bạn lâu năm người Á Căn Đình của Đức Giáo Hoàng tên là Alejandro.
Alejandro đã mời hai người bạn của mình từ Ukraine - là Yevhen Yakushev từ Mariupol và Denys Kolyada, một nhà tư vấn đối thoại với các tổ chức tôn giáo - gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để thảo luận về tình hình ở Ukraine, và Marynovych đã tham gia theo yêu cầu của Kolyada.
Theo Marynovych, lý do tổ chức cuộc họp là để tạo ra một nền tảng giao tiếp cởi mở không chính thức nhằm giải quyết mối lo ngại của Alejandro “rằng xã hội Ukraine cảm nhận tiêu cực đối với một số bước của Đức Thánh Cha mà họ cho là mơ hồ.”
Ông cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một số lá thư từ các tổ chức công cộng và các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng ở Ukraine bày tỏ quan ngại và tìm kiếm sự minh bạch trong quan điểm của Tòa Thánh. Kolyada đã là tác giả của một trong những bức thư đó, và được Đức Giáo Hoàng trả lời với tư cách cá nhân “với sự khiêm tốn tuyệt vời,” và Marynovych nói rằng đã xây dựng lòng tin và khiến cuộc gặp gỡ có thể diễn ra.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài gần 2 giờ, mỗi người tham gia lần lượt phát biểu, “phân tích cởi mở các lý do dẫn đến thái độ chỉ trích của nhiều người Ukraine đối với lập trường của Vatican đối với cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay, cũng như đối với các bước đi nhất định của chính Đức Giáo Hoàng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải đối mặt với áp lực từ người Ukraine, bao gồm cả người bạn lâu năm của ngài, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, vì những tuyên bố công khai mà giới quan sát cảm thấy khó hiểu và những quyết định mà ngài đã đưa ra, chẳng hạn như quyết định có một phụ nữ Nga và một phụ nữ Ukraine cùng nhau vác thánh giá trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Source:Crux
3. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án sự tàn bạo của người Nga trong cuộc chiến tại Ukraine
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc Nga sử dụng lính đánh thuê trong cuộc chiến Ukraine là “ma quỷ” trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba.
Phát biểu trước các biên tập viên của các tạp chí Dòng Tên, Đức Giáo Hoàng cũng gợi ý rằng cuộc chiến, bắt đầu bằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, “có lẽ bằng cách nào đó đã bị khiêu khích hoặc không được ngăn chặn.”
Cuộc trò chuyện, cũng đề cập đến Công đồng Vatican II và “Tiến Trình Công Nghị” của Đức, được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica vào ngày 14 tháng 6 nhưng đã được tiến hành vào ngày 19 tháng 5.
Nhận xét về Ukraine, Đức Giáo Hoàng nói: “Những gì chúng ta đang thấy là sự tàn bạo và dữ dội mà cuộc chiến này đang được thực hiện bởi quân đội, bao gồm cả lính đánh thuê, được sử dụng bởi người Nga. Người Nga thích cử lính đánh thuê người Chechnya và Syria”.
“Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta chỉ nhìn thấy điều này, là một điều ma quỷ, và chúng ta không thấy toàn bộ thảm kịch đang diễn ra đằng sau cuộc chiến này, mà có lẽ bằng cách nào đó đã bị kích động hoặc không được ngăn chặn. Và tôi ghi nhận sở thích thử nghiệm và bán vũ khí. Điều đó rất buồn, nhưng chung cuộc đó là những gì đang bị đe dọa.”
Ngài bác bỏ những đề xuất cho rằng ngài ủng hộ Tổng thống Nga Putin, và nhấn mạnh rằng ngài “chỉ đơn giản là chống lại việc giản lược sự phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu”.
Đức Giáo Hoàng nói: “Ai đó có thể nói với tôi vào thời điểm này: vậy là bạn ủng hộ Putin! Không, tôi không phải như thế. Sẽ là đơn giản và sai lầm nếu nói một điều như vậy. Tôi chỉ đơn giản là chống lại việc giản lược sự phức tạp thành sự phân biệt giữa kẻ tốt và kẻ xấu mà không cần lý luận về gốc rễ và lợi ích, vốn rất phức tạp. “
“Trong khi chúng ta nhìn thấy sự hung hãn, tàn ác của quân đội Nga, chúng ta không được quên những vấn đề thực sự nếu chúng ta muốn những vấn đề ấy được giải quyết.”
“Đúng là người Nga đã nghĩ rằng tất cả sẽ kết thúc trong một tuần. Nhưng họ đã tính toán sai. Họ gặp phải một dân tộc dũng cảm, một dân tộc đang đấu tranh để tồn tại và là những người có lịch sử đấu tranh”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng ngài hy vọng sẽ được gặp nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill ở Kazakhstan vào tháng 9.
“Tôi hy vọng có thể chào đón anh ấy và nói chuyện một chút với anh ấy với tư cách là một mục tử”
Source:Catholic News Agency