1. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thăm Marseille
Thứ Sáu. ngày 24 tháng Sáu này, Đại lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ đến viếng thăm lần đầu tiên tại Tổng giáo phận Marseille ở miền nam nước Pháp, để cử hành hai thánh lễ.
Đức Hồng Y Parolin được mời đến Marseille, nhân dịp kỷ niệm 300 năm lời khấn hứa thánh hiến vĩnh viễn giáo phận này cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 04 tháng Sáu năm 1722, tức là hai năm sau đại dịch năm 1720 tiêu diệt một nửa dân thành Marseille. Hồi đó, trong đại dịch, Đức Giám Mục de Belsunce ở địa phương đã thánh hiến giáo phận cho Thánh Tâm Chúa, nhưng năm 1722, sự lan lây lại tiếp tục, khiến Đức Cha đề nghị dân chúng thực hiện lời khấn hứa bền vững cho Trái Tim Chúa. Thế là ngày 04 tháng Sáu năm 1722, vị thị trưởng địa phương cùng với dân chúng đã long trọng khấn hứa tại Nhà thờ chính tòa Marseille, và hứa sẽ đời đời tham dự thánh lễ vào ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa, thứ Sáu tuần thứ ba sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ cũng dâng một cây nến lớn nặng 7 kilo có trang điểm huy hiệu của thành Marseille.
Truyền thống này được tuân giữ cho đến cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 thì bị gián đoạn, và chỉ được tái lập từ năm 1807.
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh sẽ chủ sự thánh lễ lúc 8 giờ sáng, ngày 24 tháng Sáu này, tại Nhà thờ chính tòa Marseille, để lập lại lời khấn hứa, trước sự hiện diện của Đức Sứ thần Tòa Thánh Celestino Migliore, Đức Tổng Giám Mục Jean-Marc Aveline của Marseille, sẽ được phong Hồng Y ngày 27 tháng Tám tới đây, cùng với các quan chức chính quyền tỉnh và miền, đại diện của Phòng thương mại và tòa án thương mại địa phương.
Thánh lễ thứ hai, Đức Hồng Y Parolin sẽ cử hành lúc 6 giờ 30 chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm, tiếp theo đó là buổi canh thức cầu nguyện cho ơn gọi. Đây là lần đầu tiên Đức Hồng Y viếng thăm Marseille, thành phố lớn thứ hai tại Pháp, với 870.000 dân cư và Tổng giáo phận Marseille có 715.000 tín hữu Công Giáo trên tổng số một triệu 48.000 dân cư.
Source:Vatican News
2. Đức Thánh Cha nhận định rằng 'Thảm kịch Cain và Abel đang diễn ra ở Ukraine'
Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các đại diện của ROACO, một tổ chức Giáo Hội cung cấp viện trợ và trợ giúp cho các Kitô hữu trên khắp Trung Đông, và mời gọi họ không ngừng cầu nguyện, ăn chay, giúp đỡ và làm việc để các con đường hòa bình có thể tìm thấy chỗ trống trong rừng rậm xung đột.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bỏ qua việc đưa ra một lời kêu gọi khác cho Ukraine đang bị chiến tranh vào thứ Năm, kêu gọi cầu nguyện, ăn chay và làm việc “để các con đường hòa bình có thể tìm thấy không gian trong rừng sâu của các cuộc xung đột.”
Ngài đã nói chuyện với các thành viên ROACO, những người được tập hợp cho hội nghị toàn thể của họ tại Vatican.
ROACO là viết tắt của Reunion of Aid Agency for the Oriental Church, hợp nhất các cơ quan tài trợ từ các quốc gia trên toàn thế giới để cung cấp các dịch vụ như xây dựng nhà thờ và học tập, học bổng, các cơ sở xã hội và chăm sóc sức khỏe cho các khu vực khó khăn ở Trung Đông.
Cầu xin vũ khí nhường chỗ cho các cuộc đàm phán
Đức Giáo Hoàng công nhận sự quan tâm và chăm sóc mà các thành viên ROACO đã thể hiện với những người đang chịu đựng xung đột “từ Tigray đã gây thương tích một lần nữa cho Ethiopia và một phần là nước láng giềng Eritrea,” và ngài cảm ơn những quốc gia đã tiếp nhận người tị nạn từ “Ukraine thân yêu và đau khổ”.
“Ở đó, chúng ta đã trở lại thảm kịch Cain và Abel.”
Tại Ukraine, ngài nói, “một bạo lực hủy diệt sự sống đã bộc phát, một bạo lực tàn ác, ác độc, mà những người tin Chúa như chúng ta được kêu gọi phản ứng bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, với sự giúp đỡ cụ thể của lòng bác ái với mọi Kitô hữu, và mong mỏi vũ khí nhường chỗ cho các cuộc đàm phán”.
Đức Giáo Hoàng bày tỏ niềm tin của mình vào thực tế là “đỉnh cao của lòng kiêu hãnh và sự thờ ngẫu tượng của con người sẽ bị hạ thấp xuống những thung lũng hoang vắng và đầy nước mắt”; nhưng, ngài nói, chúng ta cũng muốn thấy lời tiên tri về hòa bình của Isaia sớm được ứng nghiệm:
“Quốc gia này sẽ không giơ gươm chống lại quốc gia khác, gươm sẽ trở thành lưỡi cày và giáo sẽ trở thành lưỡi câu.”
Đức Thánh Cha Phanxicô than thở, “mọi thứ dường như đang đi theo hướng ngược lại: Lương thực giảm đi và tiếng vũ khí tăng lên”.
Phong cách thượng hội đồng của ROACO
Trong bài phát biểu của mình với những người hiện diện, Đức Giáo Hoàng đề cao tính cách “đồng nghị” của ROACO, trong đó mỗi tác nhân (cá nhân, chuyên gia, giám mục, đại diện của Giáo hoàng, Bộ Giáo hội Đông Phương, và nhiều cơ quan liên quan), có vai trò và được kêu gọi đối thoại với những người khác “bằng cách tham khảo ý kiến, nghiên cứu, yêu cầu và đưa ra các gợi ý và giải thích, cùng nhau tiến bước.”
Ngài mời mỗi thực thể luôn được “điều chỉnh” với những thực thể khác để “bản giao hưởng bác ái” có thể hoạt động theo cách tốt nhất.
Ngài mời gọi những người hiện diện “tránh mọi cám dỗ cô lập và khép kín trong chính mình và trong nhóm của mình,” để luôn mở rộng lòng chào đón đối với tất cả anh chị em đang phục vụ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, trên quê hương cũng như trong các lãnh thổ hải ngoại.
Syria, Iraq, Li Băng
Đức Giáo Hoàng ủng hộ công việc của Hội đồng Giám mục Công Giáo Syria tại một Hội nghị ở Damascus vào tháng Ba “trong đó rất nhiều người trẻ đã tích cực tham gia.”
Ngài nói: “Trong sa mạc của sự nghèo đói và chán nản do mười hai năm chiến tranh đã khiến nhiều người Syria yêu quý phải tử đạo,” ROACO đã ở đó để lắng nghe và để xác định các ưu tiên thực sự.
Ngài nói rằng cùng một phong cách thượng hội đồng đó cũng làm sôi động Hội nghị đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục về Trung Đông, và lưu ý rằng kỷ niệm mười năm Tông huấn “Ecclesia Medio Oriente,” được Đức Bênêđíctô XVI ban hành trong chuyến thăm Li Băng, sẽ xảy ra vào tháng Chín.
“Trong mười năm, nhiều điều đã xảy ra: hãy nghĩ đến những sự kiện đáng buồn liên quan đến Iraq và Syria, những biến động ở chính Vùng đất của những cây cam tùng.” Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng cũng có một số tia sáng hy vọng, chẳng hạn như việc ký Văn kiện về tình huynh đệ của nhân loại tại Abu Dhabi.
Giờ đây, ngài nói, cần phải tìm ra những công cụ cập nhật và những cách thức phù hợp để thể hiện sự gần gũi với các Giáo hội trong khu vực và nối lại công việc phối hợp về Syria, Iraq, và Li Băng trong những phản ánh chung.
Source:Vatican News
3. Huấn dụ của Đức Thánh Cha tại Lễ hội các gia đình thế giới
Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các bạn trẻ lãnh nhận bí tích hôn phối, các gia đình sẵn sàng chấp nhận thánh giá trong đời sống hôn nhân, tha thứ cho nhau, có tinh thần đón tiếp và tiến tới tình huynh đệ đại đồng.
Đó là năm điểm chính ngài đề cập đến, trong bài huấn dụ vào cuối Lễ hội các gia đình thế giới, tiến hành tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, từ 6 giờ đến 8 giờ, tối thứ Tư ngày 22 tháng Sáu năm 2022, trong khuôn khổ Đại hội kỳ X các gia đình Công Giáo thế giới, đang diễn ra tại Roma cho đến Chúa nhật 26 tháng Sáu tới đây, với sự tham dự trực diện của khoảng 2.000 đại biểu chính thức từ các nước trên thế giới và hàng triệu người khác ở các nơi tham dự trực tuyến.
Chủ đề đại hội lần này là: “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”.
Trong lễ hội, có phần trình diễn văn nghệ cùng với chứng từ của năm đôi hôn nhân:
1. Bắt đầu là anh chị Luigi và Serena, nhờ sự nâng đỡ của gia đình và cộng đoàn, nhất là sự hỗ trợ của ơn Chúa, anh chị đã quyết định xin rửa tội cho các con cái. Đi từ chứng từ đó, Đức Thánh Cha đưa ra nhận định:
“Chúng ta có thể nói khi một người nam và người nữ yêu nhau, Thiên Chúa tặng họ một món quà, đó là hôn phối. Một món quà tuyệt vời, mang trong đó một sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa: mạnh mẽ, lâu bền, chung thủy, có khả năng phục hồi sau mỗi thất bại hoặc yếu đuối. Hôn nhân không phải là một thủ tục cần phải trải qua. Người ta không kết hôn để trở thành người Công Giáo chỉ có “nhãn hiệu”, để tuân theo một qui luật, hoặc vì Giáo hội dạy như vậy; ta kết hôn vì muốn đặt hôn phối trên tình yêu của Chúa Kitô, vững chắc như đá tảng. Trong hôn nhân, Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta như anh chị em đã có sức mạnh hiến thân cho nhau. Vì thế, hãy can đảm lên, cuộc sống gia đình không phải là một sứ mạng bất khả! Với ơn của bí tích, Thiên Chúa làm cho sứ mạng này thành một cuộc du hành tuyệt vời cần thực hiện chung với Chúa, không bao giờ một mình. Gia đình không phải là một lý tưởng đẹp không thể đạt tới trong thực tế. Thiên Chúa bảo đảm sự hiện diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình, không phải chỉ trong ngày thành hôn nhưng trong suốt cuộc đời. Chính Chúa nâng đỡ anh chị em mỗi ngày trên hành trình của anh chị em”.
2. Chấp nhận thánh giá
Chứng từ thứ hai được Đức Thánh Cha đề cập đến là của anh chị Roberto và Maria Anselma, có con gái là Chiara bị bệnh và qua đời, một thánh giá lớn cho gia đình, nhưng anh chị đã không để biến cố đau thương này phá hủy gia đình và không để nó loại trừ sự thanh thản và an bình trong tâm hồn. Anh chị kể: “Sự thanh thản của Chiara đã mở cho chúng con cánh cửa sổ hướng về vĩnh cửu”.
Đức Thánh Cha nhận xét: “Nhìn thấy cách thức Chiara đã sống thử thách bệnh tật đã giúp anh chị hướng nhìn lên cao và không để mình ở lại như tù nhân của đau khổ, trái lại mở ra cho anh chị em một cái gì lớn hơn, đó là những ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, vĩnh cửu, Trời Cao”.
Đức Thánh Cha cám ơn chứng từ của anh chị Roberto và Maria Anselma, và ngài nói thêm rằng: “Trong con tim của Chiara, sự thật về thánh giá đã đi vào như một hồng ân: một cuộc sống trao cho gia đình, cho Giáo hội và toàn thế giới. Chúng ta luôn cần những tấm gương lớn để nhìn tới: Ước gì Chiara là một gợi hứng cho chúng ta trên con đường nên thánh, và xin Chúa nâng đỡ, làm cho mọi thánh giá mà các gia đình đang vác được trở nên phong phú”.
3. Hướng về tha thứ
Ông bà Paul và Germaine đã kể lại cho Đức Thánh Cha và mọi người về cuộc khủng hoảng gia đình, với tất cả các nguyên nhân: thiếu thành thật, không chung thủy, lạm dụng tiền bạc, chạy theo thần tượng quyền bính và sự nghiệp, oán hận gia tăng và cứng lòng.
Đức Thánh Cha nói: “Khi nghe ông bà kể, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sống kinh nghiệm đau thương, thử thách trước những tình trạng tương tự của các gia đình bị chia rẽ. Nhìn thấy một gia đình bị tan rã là một thảm trạng không thể để chúng ta dửng dưng. Nụ cười của đôi vợ chồng tan biến, con cái hoang mang, sự thanh thản không còn nữa. Và nhiều lần ta không biết phải làm sao”.
“Vì thế, câu chuyện của ông bà thông truyền hy vọng. Ông Paul đã nói rằng chính trong lúc đen tối vì khủng hoảng, Chúa đã đáp ứng ước muốn sâu xa nhất trong con tim của ông và đã cứu vãn hôn nhân của ông.... Thiên Chúa nhìn thấy những gì trong tâm hồn. Và nhờ sự quan phòng của Chúa, ông bà đã gặp một nhóm giáo dân chuyên giúp đỡ các gia đình. Và nhờ đó khởi đầu một hành trình xích lại gần nhau và chữa lành mối quan hệ của ông bà. Ông bà bắt đầu nói chuyện lại với nhau, cởi mở chân thành, nhìn nhận lỗi lầm và cùng cầu nguyện với các cặp khác. Tất cả đã được tới sự hòa giải và tha thứ”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “sự tha thứ chữa lành mọi vết thương, đó là một hồng ân từ ơn thánh mà Chúa Kitô đổ tràn trên các cặp hôn phối và toàn gia đình, khi họ để Chúa tác động và khi họ chạy đến cùng Chúa. Thật là đẹp vì anh chị đã cử hành lễ tha thứ với các con cái, lập lại những lời hứa hôn trong thánh lễ.
4. Tiến đến là sự đón tiếp
Chứng từ thứ tư được Iryna và Sofia người Ukraine trình bày. Họ kể lại cuộc sống bị đảo lộn vì chiến tranh tại Ukraine và đã được các gia đình nhà thương, các bác sĩ, giúp đỡ với tâm tình nhân đạo.
Đức Thánh Cha nói: “Chiến tranh đã đặt các con trước thái độ sống chết mặc bay và sự tàn bạo của con người, nhưng các con cũng đã gặp những người đầy tình người. Điều tệ nhất và điều tốt nhất của con người. Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ để ý những điều xấu, nhưng biết đề cao điều tốt nhất, bao nhiêu điều tốt mà con người có thể làm và tái khởi hành từ đó.
Đức Thánh Cha cũng cám ơn ông bà Pietro và Erika, với lòng quảng đại, đã đón tiếp Iryna và Sofia trong gia đình vốn đã đông con. Ông bà cho biết mình làm như vậy vì lòng biết ơn Chúa và với tinh thần đức tin, như một ơn Chúa gọi. Erika nói rằng đón tiếp chính là một “đoàn sủng” của các gia đình, nhất là những gia đình đông con!
5. Tiến tới tình huynh đệ
Chứng từ chót được Đức Thánh Cha nhắc đến và bình luận tại Lễ hội các gia đình thế giới, là của chị Zakia. Chị và anh Luca đã cùng chia sẻ những lý tưởng cao cả và kể rằng: “Chúng con đã đặt gia đình chúng con trên tình yêu chân thực, trong sự tôn trọng, liên đới và đối thoại giữa các nền văn hóa của chúng con”. Và không điều gì trong đó bị mất đi, kể cả sau cái chết bi thảm của Luca. Không những thế, tấm gương và gia sản tinh thần của anh Luca vẫn còn sinh động và nói với lương tâm của nhiều người, và cả tổ chức mà Zakia đã thành lập, tiếp tục sứ mạng của Luca.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Không những là vợ chồng với nhau, anh chị đã sống như anh chị em trong nhân loại, anh chị em trong những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau, trong sự dấn thân xã hội... Tấm gương về tình huynh đệ, như trường hợp Luca và Zakia, mang lại cho chúng ta hy vọng và làm cho chúng ta tín thác nhìn thế giới chúng ta đang bị xâu xé vì chia rẽ và hận thù. Xin cám ơn vì tấm gương về tình huynh đệ!”
Source:Vatican News