1. Daniel Ortega ra lệnh trục xuất Hội Thừa sai Bác ái khỏi Nicaragua

Cơ quan hành pháp Nicaragua đã ra lệnh đóng cửa 101 tổ chức phi chính phủ khác; tổng cộng cho tới nay nó đã yêu cầu đóng cửa 758 tổ chức

Trong cuộc tấn công mới của tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, vào Giáo Hội Công Giáo, ông ta đã ra lệnh đóng cửa Hội Thừa sai Bác ái của Dòng Mẹ Teresa thành Calcutta. Hội Thừa sai Bác ái đã có mặt tại quốc gia Trung Mỹ này trong 40 năm qua, cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn cho những người nghèo nhất. Đây là một đòn gây thất vọng sâu xa trong dư luận quần chúng đối với các động thái của chính phủ.

Cuối tuần này, nhà lập pháp Sandinista Filiberto Rodríguez đã công bố một sắc lệnh buộc 101 hiệp hội phi lợi nhuận - bao gồm cả Hội Thừa sai Bác ái – phải đóng cửa trên cơ sở “khẩn cấp”.

Hội Thừa sai Bác ái được thành lập tại Nicaragua vào ngày 16 tháng 8 năm 1988, dưới chế độ Ortega đầu tiên kéo dài từ 1979 đến 1990, sau chuyến thăm đất nước của Mẹ Teresa thành Calcutta. Các nữ tu đã hình thành nên những Ngôi nhà Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria, bắt đầu từ thành phố Granada: ở đó họ chào đón những trẻ vị thành niên bị bỏ rơi và giúp họ tái hòa nhập cuộc sống.

Các nữ tu cũng có một viện dưỡng lão ở thủ đô Managua; một dự án củng cố trường học cho các học sinh gặp rủi ro, và một nhà trẻ cho các gia đình không có nguồn lực.

Daniel Ortega đã không đề xuất bất kỳ giải pháp thay thế nào khi quyết định trục xuất Hội Thừa sai Bác ái, khiến tất cả những người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ việc cống hiến bác ái của các chị em sẽ gặp rủi ro.


Source:/www.eldebate.com

2. Cơ quan lịch sử nhà nước Ba Lan mở lại các trường hợp linh mục chết dưới chế độ cộng sản

Cơ quan lịch sử nhà nước của Ba Lan, Viện Tưởng niệm Quốc gia, gọi tắt là IPN, một cơ quan có quyền công tố, nói rằng họ đang chuẩn bị tiếp tục điều tra về cái chết của các linh mục đã chết trong hoàn cảnh đáng ngờ trong thời kỳ cộng sản.

“Các cuộc phân tích sâu hơn về các trường hợp các linh mục bị sát hại trong những năm 1980 và các nhà hoạt động đối lập chống cộng từ một số thành phố đang được tiến hành”, chủ tịch của IPN, Karol Nawrocki, nói với đài phát thanh Polskie Radio, và nói thêm rằng ông hy vọng việc chính thức nối lại các cuộc điều tra sẽ sớm được công bố.

Trong khi ông nói rằng có rất nhiều trường hợp chết không rõ nguyên nhân đang chờ các công tố viên kiểm tra lại, Nawrocki đã nêu tên ba linh mục - tất cả đều liên quan đến phe đối lập chống cộng và tất cả đều chết vào năm 1989 - như những trường hợp mà ông đã tự vấn bản thân.

Một trong số các ngài, là Cha Stanisław Suchowolec, một linh mục có liên hệ với phong trào Đoàn kết, đã chính thức được xác nhận là nạn nhân của vụ ngộ độc khí carbon monoxide. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các công tố viên phát hiện ra rằng cái chết của ngài thực chất là do bị hãm hại, nhưng họ không xác định được bất kỳ nghi phạm nào.

Cha Sylwester Zych, một linh mục trước đây đã từng bị bỏ tù vì các hoạt động chống cộng, được tìm thấy đã chết tại một bến xe buýt với nhiều vết thương trên cơ thể. Tuyên truyền của cộng sản miêu tả ngài là một kẻ nghiện rượu đã chết sau một đêm uống rượu say, và các công tố viên đã ngừng điều tra về cái chết của ngài vào năm 1993.

Vị linh mục thứ ba, Cha Stefan Niedzielak, là một nhân vật nổi bật trong việc tưởng niệm vụ Liên Xô thảm sát các sĩ quan Ba Lan tại Katyn. Cái chết của ngài vào năm 1989 được chính thức cho là một tai nạn, nhưng người ta tin rằng ngài đã bị cố tình giết chết bởi các dịch vụ an ninh, những người trước đó đã đe dọa ngài.

Nawrocki nói: “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể thông báo về việc nối lại các cuộc điều tra làm dấy lên những nghi ngờ trong lịch sử của tôi. Đây là những cuộc điều tra mà theo quan điểm của tôi đã không được giải thích theo cách mà lẽ ra chúng phải như vậy.”

“Tất nhiên, quan điểm của nhà sử học hoàn toàn khác với quan điểm của các công tố viên,” ông nói thêm. “Đây không phải là một nỗ lực để điều chỉnh quan điểm lịch sử của tôi với nhu cầu tố tụng hoặc pháp lý, nhưng một số nghi ngờ khiến tôi quay trở lại những vấn đề chưa được khám phá.”

Một phát ngôn viên của IPN, Rafał Leśkiewicz, nói với dịch vụ tin tức Niezależna rằng, mặc dù hiện tại rất khó ước tính khi nào sẽ có kết luận đầu tiên về các trường hợp này, nhưng rất có thể đó là vấn đề trong vài tháng.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân cũng thừa nhận rằng “ở giai đoạn này, rất khó để nói liệu có đạt được gì trong vấn đề này hay không”. Nhưng “chắc chắn ít nhất chúng ta phải thử”.
Source:notesfrompoland.com

3. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhận xét rằng ngôn ngữ của Putin về hỏa tiễn có mang đầu đạn hạt nhân là “vô trách nhiệm”

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, đã gọi ngôn ngữ “thản nhiên” của Tổng thống Nga Vladimir Putin xung quanh các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân mà ông ta cam kết trao cho Belarus là “vô trách nhiệm”.

“Các lực lượng chiến lược của chúng tôi luôn theo dõi mọi thứ về vấn đề đó,” Tướng Kirby cho biết trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét điều đó một cách nghiêm túc và đã xem xét mối đe dọa đó một cách nghiêm túc ngay từ đầu.”

“Chắc chắn rằng bất cứ khi nào ai sử dụng từ hạt nhân, bạn đều phải có mối quan tâm. Thành thật mà nói, khi một nhà lãnh đạo quốc gia nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và làm như vậy một cách thản nhiên thì nói chung đó là một hành vi vô trách nhiệm.”

Hôm thứ Bẩy 25 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko rằng Nga sẽ cung cấp cho Belarus các hệ thống hỏa tiễn có khả năng hạt nhân.

Theo Reuters, trong cuộc gặp tại St.Petersburg, ông Lukashenko đã nêu quan ngại về các hành động “gây hấn” và “đối đầu” của các nước láng giềng như Ba Lan và Lithuania. Ông cũng thảo luận về các chuyến bay có trang bị vũ khí hạt nhân gần biên giới Belarus đang được thực hiện bởi liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu và được tường trình là đã yêu cầu Putin giúp đỡ Belarus có khả năng đưa ra một “phản ứng cân xứng”.

Putin nói rằng Nga sẽ chuyển giao “hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Iskander-M cho Belarus, có thể sử dụng cả hỏa tiễn hành trình và đạn đạo, cả ở phiên bản hạt nhân và thông thường”.

Iskander-M là hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn do Nga chế tạo có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường với tầm bắn tối đa lên tới 500 km.

Iskander-M được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008 trong cuộc xung đột Nga-Gruzia, khi Quân đội Nga sử dụng nó để tấn công các mục tiêu ở Gori.


Source:CNN