“Yêu Bằng Việc Làm”.
CN 15 C
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samaritanô nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.
“Ai là anh em tôi?”. Khi đặt câu hỏi như thế, vị tiến sĩ luật hy vọng rằng, Vị Thầy sẽ đưa ra cho ông một phẩm trật giữa những người gần gũi phải giúp đỡ và những người xa lạ, không cần quan tâm, không cần để ý đến. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã quay ngược hoàn toàn câu hỏi. Người anh em, chính là người có lòng thương cảm, ra tay nâng đỡ, cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, thử thách, đau khổ, thất vọng. Chúa nói với vị luật sĩ: “Ông hãy đi và làm như vậy”; Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.Tấm gương người Samaritanô nhân hậu đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
1. Vô cảm và quan tâm
Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến người bị nạn vì sợ bị nhiễm uế.
Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn nên đã quan tâm, liền cúi xuống băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn. Người Samari đã sống luật yêu thương một cách trọn vẹn, không chỉ là lòng thương cảm mà “yêu bằng việc làm”, và làm với hết khả năng của mình.
Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người.
2. Tình yêu và lề luật.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết.
Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.
Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.
Luật bác ái vượt trên mọi lề luật khác.Mến Chúa và yêu người là cốt lõi của Kitô giáo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.
3. Luật “Good Samaritan”
Theo tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc (Úc) : “Dưới ảnh hưởng của Phúc Âm Luca, chữ “Samaritan” trở thành biểu tượng của sự từ ái nói chung. Và từ thế kỷ 17, nó nhập vào kho từ vựng tiếng Anh, với nghĩa là người có thiện tâm, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác và không ngại cứu giúp người khác. Không phải chỉ giới hạn trong văn chương. Nó còn biến thành luật. Trong thuật ngữ luật pháp, có chữ luật “Good Samaritan” rất phổ biến, với ý nghĩa là “một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay bất cứ một phần thưởng nào khác”.
Nội dung khái niệm luật “Good Samaritan” thay đổi theo từng nước. (Xem bài: “The Good Samaritan Law Across Europe” của The Dan Legal network trên https://www.daneurope.org). Ở một số nơi, luật ấy chỉ quy định miễn thuế trên số tiền người dân cống hiến cho các quỹ từ thiện cũng như miễn tội cho những thiệt hại hay những sai phạm có tính kỹ thuật mà những người muốn cứu giúp người khác có thể mắc phải trong lúc khẩn cấp. Ở một số nước, như Pháp hay Đức, luật “Good Samaritan” còn buộc tội bất cứ ai thấy người gặp nạn cần cứu giúp mà không cứu giúp, từ những người gây ra tai nạn (ví dụ tài xế), đến thân nhân nạn nhân (bố mẹ, anh em trước những nguy hiểm của người thân trong nhà) đến cả những người đi qua đường.
Tại Úc, luật “Good Samaritan” chỉ giới hạn trong việc miễn truy tố những thiệt hại do người có thiện chí cứu giúp người khác gây ra (nếu có) nhưng lại không kết tội những kẻ bàng quan vô cảm (trừ đối với những kẻ gây ra tai nạn). Gần đây, đối diện với hiện tượng dửng dưng trước những người gặp tai nạn cần được cứu giúp, nhiều người, đứng đầu là Giáo Hội Công Giáo tại Úc, đề nghị thêm vào luật “Good Samaritan” một điều khoản mới, về bổn phận giúp đỡ người khác (duty to aid). Nội dung của điều khoản này là: việc cứu giúp người bị nạn không phải chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề pháp lý; không phải chỉ là chuyện thuộc lương tâm mà còn là bổn phận của mọi công dân. Theo luật này, ai thấy người khác đang gặp nạn mà không ra tay cứu giúp có thể bị truy tố và phạt tội. Dĩ nhiên, cái gọi là “cứu giúp” ở đây còn tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của từng người. Nhưng ít nhất, có một điều tối thiểu mà ai cũng làm được: kêu cứu (gọi người chung quanh, báo cho cảnh sát hoặc sở cấp cứu). (x. https://en.wikipedia.org/wiki/Good_Samaritan_law).
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai tại nguyện đường Thánh Mácta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Đoạn kết, ngài nói: Một số nhà Thần Học cổ đại nói rằng, dụ ngôn người Samariatanô nhân hậu chứa đựng “toàn bộ Tin Mừng”. Mỗi người trong chúng ta đều là một người bị thương nằm ở đó và người Samariatanô chính là Chúa Giêsu. Ngài đến gần chúng ta. Ngài chăm lo cho chúng ta. Ngài thanh toán phí tổn cho chúng ta. Ngài chữa lành những vết thương của chúng ta. Và Ngài nói với Giáo hội của Ngài rằng: “Nếu cần nhiều hơn, thì xin bạn cứ ứng ra dùm, khi nào tôi trở lại thì tôi sẽ trả cho bạn. Anh chị em hãy suy nghĩ cho thật kỹ nhé: Toàn bộ Tin Mừng đều nằm trong đoạn này”. (Theo Vatican News – gs – 08.10.2018).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người Samaritanô của thời đại này, biết “yêu bằng việc làm” để chúng con trở nên dấu chỉ hữu hiệu cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa. Amen.