Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Bẩy. Đây là chuyến tông du thứ 37 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ năm sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng. Đây là chuyến tông du thứ hai của ngài trong năm nay, sau khi đã viếng thăm Malta trong hai ngày mùng 2 vả 3 tháng Tư vừa qua.
Tổng quanCanada là quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Lãnh thổ Canada gồm 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc. Canada giáp với lục địa Hoa Kỳ ở phía nam, và giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ ở phía tây bắc. Biên giới chung của Canada với Hoa Kỳ về phía nam và phía tây bắc là đường biên giới dài nhất thế giới. Ở phía đông bắc của Canada là đảo Greenland thuộc Vương quốc Đan Mạch. Ở ngoài khơi phía nam đảo Newfoundland của Canada có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon thuộc Pháp.
Canada là một liên bang gồm có mười tỉnh và ba lãnh thổ. Các đơn vị hành chính này có thể được nhóm thành bốn vùng chính: Tây bộ Canada, Trung bộ Canada, Canada Đại Tây Dương, và Bắc bộ Canada. Các tỉnh có quyền tự trị lớn hơn các lãnh thổ, chịu trách nhiệm đối với các chương trình xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục, và phúc lợi. Tổng thu nhập của các tỉnh nhiều hơn của chính phủ liên bang. Sử dụng quyền hạn chi tiêu của mình, chính phủ liên bang có thể bắt đầu các chính sách quốc gia tại các tỉnh, như Đạo luật Y tế Canada; các tỉnh có thể chọn ở ngoài chúng, song hiếm khi làm vậy trên thực tế. Chính phủ liên bang thực thi thanh toán cân bằng nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống nhất hợp lý về các dịch vụ và thuế được thi hành giữa các tỉnh giàu hơn và nghèo hơn.
Theo ước tính, hiện nay Canada có 38,233,000 triệu dân. Thủ đô Canada là Ottawa với dân số khoảng 1.4 triệu người. Tuy nhiên, thành phố lớn nhất là Toronto với dân số hơn 6.3 triệu người.
Theo tổng diện tích, Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nga, với tổng diện tích lên đến 9,984,670 km2; trong đó diện tích đất là 9,093,507 km2 và diện tích lãnh hải là 891,163 km2.
Phần lớn vùng Bắc Cực thuộc Canada bị băng và tầng đất đóng băng vĩnh cửu bao phủ. Canada có đường bờ biển dài nhất trên thế giới, với tổng chiều dài là 202,080 km.
Tên gọi Canada bắt nguồn từ kanata trong ngôn ngữ của người Iroquois Saint Lawrence, nghĩa là “làng” hay “khu định cư”. Năm 1535, các cư dân bản địa của khu vực nay là thành phố Québec sử dụng từ này để chỉ đường cho nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đến làng Stadacona. Cartier sau đó sử dụng từ Canada để nói đến không chỉ riêng ngôi làng, mà là toàn bộ khu vực; đến khoảng năm 1545, các sách và bản đồ tại châu Âu bắt đầu gọi khu vực này là Canada.
Lịch sử cận đại
Nhiều dân tộc Thổ dân cư trú tại lãnh thổ nay là Canada trong hàng thiên niên kỷ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, người Anh và người Pháp thành lập các thuộc địa trên vùng duyên hải Đại Tây Dương của khu vực. Sau các xung đột khác nhau, Anh Quốc giành được, rồi lại để mất nhiều lãnh thổ tại Bắc Mỹ, và đến cuối thế kỷ XVIII thì còn lại phần lãnh thổ chủ yếu thuộc Canada ngày nay. Căn cứ theo Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 1867, ba thuộc địa hợp thành thuộc địa liên bang tự trị Canada. Sau đó thuộc địa tự trị dần sáp nhập thêm các tỉnh và lãnh thổ. Năm 1931, theo Quy chế Westminster 1931, Anh Quốc trao cho Canada tình trạng độc lập hoàn toàn trên hầu hết các vấn đề. Các quan hệ cuối cùng giữa hai bên bị đoạn tuyệt theo Đạo luật Canada 1982.
Chính trị
Canada là một nền dân chủ đại nghị liên bang và một quốc gia quân chủ lập hiến, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Bà cũng đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia của 15 quốc gia khác và là nguyên thủ của mỗi tỉnh tại Canada.
Đại diện cho Nữ vương là Toàn quyền Canada, hiện nay là Bà Mary Simon, người thực hiện hầu hết các chức trách của quân chủ liên bang tại Canada. Bà Mary Simon sinh ngày 21 tháng 8 năm 1947, nguyên là một công chức Canada, nhà ngoại giao và cựu phát thanh viên. Bà đã giữ chức vụ Toàn quyền Canada thứ 30 của Canada kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2021. Simon là Inuk, khiến bà trở thành người bản địa đầu tiên giữ chức vụ này.
Thủ tướng, người nắm thực quyền tại Canada, hiện nay là Ông Justin Pierre James Trudeau, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1971 là một chính trị gia Công Giáo, là thủ tướng thứ 23 kể từ năm 2015. Ông là nhà lãnh đạo của Đảng Tự do từ năm 2013. Trudeau là thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada sau Joe Clark; ông cũng là người đầu tiên là con hoặc họ hàng khác của một người giữ chức vụ trước đó, với tư cách là con trai cả của Pierre Trudeau.
Canada là một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Canada là quốc gia song ngữ trong đó tiếng Anh và tiếng Pháp được sử dụng tại cấp liên bang. Do tiếp nhận người nhập cư quy mô lớn từ nhiều quốc gia, Canada là một trong các quốc gia đa dạng sắc tộc và đa nguyên văn hóa nhất trên thế giới, với dân số xấp xỉ 35 triệu người vào tháng 12 năm 2012. Canada có nền kinh tế rất phát triển và đứng vào nhóm hàng đầu thế giới, kinh tế Canada dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và hệ thống thương mại phát triển cao. Canada có quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ, mối quan hệ này có tác động đáng kể đến kinh tế và văn hóa của quốc gia.
Canada là một cường quốc và quốc gia phát triển, đồng thời luôn nằm trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ tám toàn cầu, và chỉ số phát triển con người cao thứ 11. Canada được xếp vào hàng cao nhất trong các so sánh quốc tế về giáo dục, độ minh bạch của chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, và tự do kinh tế. Canada tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và liên chính phủ về kinh tế: G8, G20, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Canada là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.
Giáo Hội Công Giáo tại Canada
Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.
Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.
Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có 16,858,000 tín hữu sinh hoạt trong 19 tổng giáo phận, 51 giáo phận, 2 giáo phận Đông phương, một giáo phận quân đội, và một giáo hạt tòng nhân.
Giáo Hội tại Canada có tổng cộng 3881 giáo xứ, 557 trung tâm mục vụ khác; và 35 tu hội đời.
Giáo Hội Canada có 4 vị Hồng Y là các Đức Hồng Y Thomas Christopher Collin, Tổng Giám Mục Toronto, Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục Quebéc, Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ.
Giáo Hội tại Canada có 134 Giám Mục, 6,222 linh mục bao gồm 4,117 linh mục triều, và 2,105 linh mục dòng. Giáo Hội Canada cũng có 1,217 phó tế vĩnh viễn, 1,032 nam tu sĩ không có chức linh mục, 9,620 nữ tu, 18,761 giáo lý viên, 99 giáo dân truyền giáo.
Về mặt đào tạo, Giáo Hội Canada có 497 tiểu chủng sinh, 352 đại chủng sinh. Giáo Hội sở hữu 2,179 trường mẫu giáo và tiểu học với 516,821 học sinh; 451 trường trung học với 276,218 học sinh; và 45 trường Đại Học với 28,074 sinh viên.
Giáo Hội cũng sở hữu 64 bệnh viện, 3 trung tâm chăm sóc sức khoẻ, 140 nhà dưỡng lão, 54 cơ sở dành cho trẻ mồ côi, 72 trung tâm cố vấn gia đình, 30 trung tâm xã hội, và 72 cơ sở xã hội khác.
Vấn đề các các trường nội trú dành cho người bản địa
Từ các tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Canada, gọi tắt là CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:
Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.
Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.
Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.
Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Đức Giáo Hoàng sẽ đến Canada để dự lễ Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu, được tôn kính bởi một nền văn hóa tôn trọng người cao tuổi.
Hai tuần sau khi thông báo hoãn chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Phi Châu vì lý do đầu gối của ngài, Vatican đã xác nhận chuyến công du của ngài tới Canada từ ngày 24 đến 30 tháng Bảy bằng cách đưa ra chương trình chính thức.
Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Edmonton, Thành phố Quebec, và Iqaluit trong chuyến đi kéo dài sáu ngày, đã được sắp xếp với lịch trình có phần nhẹ nhàng hơn bình thường, vì lý do sức khỏe của Đức Giáo Hoàng 85 tuổi.
Vào ngày 10 tháng 6, Đức Giáo Hoàng đã phải hủy chuyến công du tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, dự kiến diễn ra từ mùng 2 đến mùng 7 tháng 7, vì ngài đang tiến hành trị liệu cho vấn đề đầu gối của mình, khiến ngài có lúc phải sử dụng xe lăn. Để tránh bị hủy bỏ lần nữa, việc chuẩn bị cho chuyến đi đã được thông báo đến Canada phải tính đến sức khỏe của Đức Giáo Hoàng: Các giám mục địa phương bảo đảm rằng các sự kiện công cộng mà ngài sẽ tham gia sẽ được giới hạn trong một giờ.
Một chuyến đi tập trung vào Người bản địa
Chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo qua Đại Tây Dương là một phần của quá trình thống hối và hòa giải do Giáo hội ở Canada khởi xướng, một quá trình đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ nhưng được khởi động trở lại sau khi phát hiện ra các ngôi mộ tập thể vào năm 2021 của các trường dành cho người bản địa, một số do Giáo hội quản lý trong thế kỷ 19 và 20.
Vào cuối tháng 3, Đức Giáo Hoàng đã tiếp ba phái đoàn gồm các dân tộc thổ dân tại Vatican, do các giám mục Canada dẫn đầu. Trong sự kiện này, ngài đã lắng nghe những lời chứng của họ, chính thức cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của các thành viên của Giáo hội, và bày tỏ mong muốn được đến thăm vùng đất của họ.
Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô bao gồm nhiều cuộc gặp gỡ và thăm viếng có liên quan trực tiếp đến vấn đề trường học dành cho người bản địa, công việc tưởng nhớ, chữa lành và tha thứ, và quảng bá văn hóa của các dân tộc thổ dân.
Chương trình chính thức
Theo chương trình chính thức do Tòa thánh Vatican công bố
Ngày Chúa Nhật 24 tháng 7
Ngày Chúa Nhật 24 tháng 7, lúc 9g sáng Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma.
Lúc 11:20 máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Edmonton, tỉnh Alberta. Tại đây sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Không có gì khác được lên kế hoạch trong ngày, để cho phép Đức Giáo Hoàng nghỉ ngơi sau chuyến bay kéo dài 10 giờ và thay đổi những múi giờ khác nhau, các giám mục Canada cho biết như trên trong tuyên bố của các ngài.
Ngày thứ Hai, 25 tháng 7
Ngày thứ Hai, 25 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Maskwacis, ngôi nhà của trường dành cho người bản địa Ermineskine trước đây, một trong những trường lớn nhất trong nước, cách Edmonton khoảng 100 km. Ngài sẽ gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit và sau đó kết thúc một ngày tại Nhà thờ First Nations ở Edmonton. Tòa nhà gần đây đã được phục hồi sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2020.
Lúc 4g45 chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thổ dân và cộng đoàn Công Giáo địa phương tại nhà thờ Thánh Tâm ở Edmonton.
Ngày thứ Ba 26 tháng 7
Ngày thứ Ba 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Joachim và Anna, Đức Giáo Hoàng dự kiến cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65,000 người vào lúc 10g15 sáng.
Sau đó, lúc 17g, ngài sẽ đến Hồ Thánh Anna, cách thủ đô của Alberta 75 km. Một cuộc tụ họp Công Giáo đã được tổ chức ở đó hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anna, vị thánh bảo trợ của người Canada. Theo truyền thống, sẽ có hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, là những người có lòng sùng kính đặc biệt đối với bà ngoại của Chúa Giêsu, tượng trưng cho tầm quan trọng của hình bóng người cao tuổi trong cộng đồng của họ.
Ngày thứ Tư 27 tháng 7
Ngày thứ Tư 27 tháng 7, lúc 9g sáng, Đức Giáo Hoàng sẽ ra phi trường quốc tế Edmonton để bay đến Thành phố Québec, cách đó 3,000 km về phía đông.
Lúc 15g05, ngài sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Quebéc. Lúc 15g40, Đức Thánh Cha sẽ được tiếp đón tại Dinh thự của Toàn quyền Canada, Mary Simon, gọi là dinh Citadelle de Québec.
Lúc 16g Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp riêng với Toàn quyền Canada, Mary Simon.
Ngài sẽ gặp riêng Thủ tướng Justin Trudeau, lúc 16g20 trước khi có cuộc gặp gỡ với các cơ quan dân sự của đất nước, và các đại diện của thổ dân lúc 16g45.
Ngày Thứ Năm 28 tháng 7
Thứ Năm 28 tháng 7, lúc 10g sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Dự kiến sẽ có từ 10.000 đến 15.000 người tham dự địa điểm hành hương này, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.
Vào buổi chiều, lúc 17g15, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, những người sống đời thánh hiến, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Quebéc.
Ngày cuối cùng, Thứ Sáu 29 tháng 7
Thứ Sáu 29 tháng 7, lúc 9g sáng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thành viên của Dòng Tên tại Tòa Giám Mục Quebéc.
Cũng tại đây, lúc 10g45, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các đại diện thổ dân Quebéc.
Lúc 12g45, Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường quốc tế Quebéc để bay đến Iqaluit, cách đó 2,000 km về phía bắc và sẽ đến nơi lúc 15g50.
Lúc 16g15, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các học sinh cũ của trường dành cho người bản địa. Cũng tại đây, lúc 17g, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các kỳ lão và các thanh niên. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chuyến đi.
Lúc 18g15, sẽ có nghi thức tạm biệt tại phi trường quốc tế Iqaluit. Máy bay sẽ cất cánh đưa ngài về Rôma lúc 18g45.
Tổng cộng có bốn bài phát biểu, bốn bài giảng trong các cử hành Phụng Vụ và một lời chào được lên kế hoạch trong chuyến đi kéo dài sáu ngày, với phương châm là “Cùng nhau tiến bước”. Logo đại diện bao gồm một chiếc nhẫn màu xanh và trắng hợp nhất các biểu tượng động vật hoang dã.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana