LỐI HẸP, LỐI TÌNH YÊU
“Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”; Chúa Giêsu bảo, “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”.
Harry Ironside nói, “Sự cứu rỗi tựa hồ việc Nôe mời một người ngoại giáo thời của ông, đặt niềm tin vào Lời Chúa, đến và lên tàu. Một số người xem sự cứu rỗi như việc Nôe treo một tấm bảng bên ngoài con tàu, “Chỉ cần vượt qua cơn bão, bạn sẽ được cứu!”. Vậy mà, sự cứu rỗi không phụ thuộc vào việc chúng ta bám vào Chúa, nhưng tuỳ vào việc chúng ta ‘được nắm lấy’ một cách an toàn bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“‘Được nắm lấy’ một cách an toàn bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô!”. Ý tưởng về sự cứu rỗi của Ironside được gặp lại qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay! Với câu hỏi số người được cứu hẳn là ít lắm? Chúa Giêsu trả lời, không phải là vấn đề số lượng; thiên đàng không giới hạn số lượng! Đúng hơn, là hãy đi đúng hướng, đúng cách, và đúng đường ngay từ bây giờ; lối đi này dành cho mọi người, nhưng nó hẹp! Vậy lối hẹp đó là lối nào? Lối Giêsu, ‘lối hẹp, lối tình yêu!’.
Chúa Giêsu không ‘chào hàng’ với những hy vọng hão huyền bằng cách nói, “Vâng, đừng lo! Cứu rỗi? Điều đó thật dễ dàng, một xa lộ đẹp với cánh cổng rộng ở cuối chân trời!”. Ngài không nói thế! Ngài nói đúng như thực tế của chúng, “lối hẹp!”. Theo nghĩa nào? Theo nghĩa, để tự cứu mình, người ta phải ‘được nắm lấy’ bởi Giêsu, ‘đi vào lối Giêsu’, một ‘lối hẹp, lối tình yêu’; đó là kính mến Chúa, và yêu thương người. Yêu thương người, điều này thật khó chịu! Đó là một ‘lối rất hẹp’ bởi nó đòi hỏi. Tình yêu luôn đòi hỏi! Nó đòi hỏi cam kết, “chiến đấu”; tức là luôn kiên định và bền bỉ để sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô gọi đó là “cuộc chiến đấu tốt đẹp của đức tin”, mà mỗi người nỗ lực để yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em mình!
Nói về lối hẹp, Chúa Giêsu chỉ ra rằng, cứu rỗi không phải là chuyện thừa kế hay một bảo đảm nào đó như “đã có bảo hiểm!”; đúng hơn, nó phụ thuộc vào sự hợp tác tích cực của mỗi người với ân sủng; đó là nỗ lực thực sự để yêu mến Chúa và làm theo thánh ý Ngài. Chúa Giêsu từng nói, “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ các giới răn của Thầy”; Ngài cũng cảnh báo, “Không phải những ai thưa với Thầy, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa…’ là được vào Nước Trời, nhưng là những ai làm theo ý muốn của Cha Trên Trời”. Làm theo ý Cha Trên Trời là bảo đảm tốt nhất mà chúng ta có thể chuẩn bị trước cho sự cứu rỗi của mình. Ý muốn đó là gì? Là tin vào Đấng Ngài đã sai đến! Là gì nữa? Là làm cho Danh Chúa được nhận biết!
Thánh Vịnh đáp ca nhắc lại điều này với mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian!”. Isaia, ở bài đọc thứ nhất, cũng tuyên sấm về việc loan truyền này, “Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta”. Đúng thế, trong việc yêu thương tha nhân, ý nghĩa nhất vẫn là làm cho họ nhận biết vinh quang Chúa; vì lẽ, không biết Chúa, con người không biết mình đi đâu, cuộc sống họ vô vọng và vô nghĩa. Với bài đọc hai, tác giả thư Do Thái cũng giục giã, “Anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời!”.
Anh Chị em,
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”, nghĩa là hãy chiến đấu để được cứu rỗi. Chiến đấu bằng cách bước vào ‘tàu Giêsu’, ‘được nắm lấy’ bởi Ngài, đi vào ‘lối hẹp, lối tình yêu’ Ngài đi. Nếu không đạt được cuộc sống vĩnh cửu, những gì chúng ta đạt được trong cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì; nói cách khác, không đạt được cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta trắng tay! Vì thế, Phaolô nói, “Hãy lo cho sự cứu rỗi của anh em trong sợ hãi và run rẩy”. Đó là điều chúng ta cần thực hiện với sự nghiêm túc tối đa; mỗi ngày, hãy cầu xin cho được ơn bền đỗ đến cùng; sống mỗi ngày với ý thức, đây có thể là ngày cuối cùng. Hãy trở lại mỗi ngày với truyền thống cầu nguyện đáng kính, là “xin ơn chết lành”, một cái chết bình an và hạnh phúc trong Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dẫn con đi vào lối hẹp Giêsu, ‘lối hẹp, lối tình yêu’ mỗi ngày. Có như thế, đến giờ Chúa gọi, con sẽ không ngỡ ngàng, choáng ngợp; vì đó là giờ cứu rỗi, giờ hân hoan!”, Amen.
(Tgp. Huế)