1. Linh mục Nga nói rằng người Công Giáo, bao gồm cả các giáo sĩ đều sợ hãi trước lệnh động viên của Putin

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Catholic News Service, gọi tắt là CNS, của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một linh mục Công Giáo Nga đã lên án những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời cho biết nhiều người Công Giáo trẻ hiện nay lo sợ bị buộc phải nhập ngũ, kể cả các linh mục Công Giáo cũng có nguy cơ phải tham gia vào cuộc chiến chống Ukraine.

“Mặc dù tôi không phải là một quân nhân, tôi không nghĩ rằng quân đội Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân - và nếu có, điều này sẽ nguy hiểm hơn nhiều cho chính nước Nga so với bất kỳ nước nào khác”, vị linh mục nói.

“Mọi người chắc chắn đang sợ hãi ở đây, đặc biệt là vì giáo dân và giáo sĩ Công Giáo bây giờ có thể bị gọi nhập ngũ, bắt đầu với những người đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự.”

Các cuộc biểu tình đường phố nổ ra ở Nga sau lệnh động viên bán phần ngày 21 tháng 9 của Putin kêu gọi 300.000 người trong hàng ngũ dự bị trên toàn quốc phải nhập ngũ sau các thất bại trong cuộc chiến Ukraine.

Vị linh mục nói với CNS rằng các sinh viên và thanh niên đã “phản ứng rất xúc động” với lệnh động viên, với nhiều tranh luận về hậu quả thực tế của nó.

Ngài nói thêm rằng đã không có cuộc tham vấn nào với các Giáo Hội thiểu số ở Nga và nói rằng ngài đã hỏi ý kiến các luật sư về tác động của lệnh này đối với các nhân viên của Giáo Hội.

“ Một số người Công Giáo trẻ đã rời khỏi đất nước, và nhiều hơn nữa đang làm như vậy bây giờ,” linh mục nói với CNS.

“Lệnh động viên này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống giáo hội ở đây, đặc biệt là vì nhiều người Công Giáo phản đối chiến tranh mạnh mẽ và không muốn tham gia. Nhưng những người được đào tạo quân sự dù đã đến 50 tuổi có thể vẫn phải đi, trong khi lệnh này có thể sớm được mở rộng cho những người khác thậm chí chưa từng thực hiện nghĩa vụ quân sự.”

Trong bài phát biểu của mình, Putin cho biết “hoạt động quân sự đặc biệt” của ông đang tiếp tục giải phóng khu vực Donbas phía đông Ukraine khỏi một “chế độ tân phát xít”, đồng thời nói thêm rằng Nga sẽ sử dụng “mọi phương tiện theo ý mình”, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để chống lại các nỗ lực của Các nước phương Tây nhằm “làm suy yếu, chia rẽ và cuối cùng là phá hủy” nước Nga, cũng như áp đặt “ý chí và giá trị giả tạo của họ”.

Ông nói thêm rằng việc động viên một phần ban đầu sẽ liên quan đến “chỉ những quân nhân dự bị” với “chuyên môn nghề nghiệp cụ thể và kinh nghiệm tương ứng,” những người sẽ được đào tạo thêm để phục vụ tại ngũ.

Các chính phủ phương Tây chỉ trích việc huy động này, và người Nga đã biểu tình ở Mạc Tư Khoa, St. Petersburg và các thành phố khác. Các nhóm nhân quyền cho biết trong ngày 21 tháng 9 hơn 1.300 người biểu tình đã bị bắt.

Vị linh mục người Nga nói với CNS rằng hầu hết những người biểu tình trước đây đều chống lại cuộc chiến, được khởi xướng bởi cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Mạc Tư Khoa, và phần lớn binh sĩ đã được tuyển mộ từ các vùng xa xôi hơn của Nga.

Vị linh mục nói với CNS “một nhóm lớn hơn nhiều” những công dân chưa quyết định trước đây cũng có thể phản đối, một khi lệnh gọi nhập ngũ “đến gần hơn với người dân ở các thành phố chính”.

“Hầu hết đều chờ đợi xem mệnh lệnh này sẽ có ý nghĩa gì đối với họ, và họ sẽ bị đối xử như thế nào nếu bị cử đi chiến đấu,” vị linh mục nói.

“Bản thân người Công Giáo cũng bị chia rẽ, với khoảng 20% ủng hộ chiến tranh, 40% phản đối kịch liệt và 40% nữa đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và các thành viên trong gia đình của họ bị giết.”

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Ukraine đã tiết lộ bằng chứng về những hành động tàn bạo của Nga tại các khu vực bị chiếm lại trong cuộc phản công của Ukraine, trong khi cuộc trưng cầu dân ý nhanh chóng về việc gia nhập Liên bang Nga đã được tổ chức vào ngày 23 tháng 9 tại các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa.

Phát biểu trước những người hành hương ở Rome vào ngày 21 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “cuộc chiến bi thảm” đã khiến “một số người nghĩ đến vũ khí hạt nhân, đó là một sự điên rồ”, và nói thêm rằng ngài đã được nghe kể về “sự man rợ, tàn bạo, những xác chết bị tra tấn” hiện được tìm thấy ở “đất nước Ukraine đau khổ.”
Source:Catholic Review

2. Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói với người Nga rằng đừng sợ cái chết khi bị gọi nhập ngũ

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét cay đắng rằng Putin đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính ông ta; trong khi Thượng Phụ Kirill đem Chúa ra để hứa thiên đàng cho các chiến binh Nga lao mình vào cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ cho Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Priest Tells Russians Not to Fear Death Amid Mobilization”, nghĩa là “Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói với người Nga rằng đừng sợ cái chết khi bị gọi nhập ngũ.”

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã kêu gọi công dân Nga đừng sợ chết trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin quyết định điều động quân dự bị đến chiến đấu ở Ukraine.

“Hãy dũng cảm lên để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của bạn, bạn sẽ được ở với Chúa trong vương quốc của Ngài, trong vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu,” ông nói trong một bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Mạc Tư Khoa.

Kirill, người đã biện minh cho quyết định xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ, đưa ra nhận xét ngay sau khi các quan chức Nga cho biết có tới 300.000 quân dự bị sẽ được triệu tập để chiến đấu.

Kirill tuyên bố trong bài giảng của mình rằng một người có “đức tin chân chính” không phải sợ cái chết.

Theo ông, một người trở nên “bất khả chiến bại” khi có một “chiều kích mạnh mẽ gắn liền với vĩnh cửu” trong người đó, và anh ta không còn sợ hãi cái chết nữa.

Ông nói: “Niềm tin làm cho một người trở nên rất mạnh mẽ, bởi vì nó chuyển ý thức của anh ta khỏi cuộc sống hàng ngày, từ những lo lắng về vật chất, sang chăm sóc cho tâm hồn, cho sự vĩnh cửu. Cụ thể là, nỗi sợ hãi cái chết đã đẩy một chiến binh ra khỏi chiến trường, đẩy kẻ yếu đến chỗ phản bội và thậm chí nổi loạn chống lại anh em của mình. Nhưng đức tin chân chính phá tan nỗi sợ hãi về cái chết”.

Lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga trước đây đã đưa ra ý tưởng rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc.

Ông kêu gọi người Nga trong bài giảng của mình đừng coi người Ukraine là kẻ thù.

Theo Kirill, người dân Ukraine “đang gặp nguy hiểm,” và nói thêm rằng bây giờ “điều rất quan trọng là không có cảm giác trong lòng rằng có kẻ thù”.

Kirill kêu gọi hội thánh của mình cầu nguyện cho việc tăng cường “tình cảm huynh đệ của các dân tộc ở Nước Nga Thánh thiện,” để “sự thống nhất của Giáo hội, vốn là bảo đảm cho hòa bình trên đất nước Nga rộng lớn, càng trở nên mạnh mẽ hơn.”

Kirill cũng lưu ý rằng các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine tiếp tục cầu nguyện cho “việc thiết lập hòa bình trên các vùng rộng lớn của nước Nga lịch sử”.

Giáo chủ Kirill, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho xung đột bằng cách đưa ra các bài phát biểu về Nga như một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6, ông nói rằng Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill cho biết ông tin rằng điều này đang xảy ra bởi vì Nga “khác” với các dân tộc khác.

Ông Putin cho biết động viên bán phần của ông sẽ ảnh hưởng đến những công dân đang trong lực lượng dự bị, và họ sẽ trải qua các khóa huấn luyện bổ sung trước khi được triển khai.
Source:Newsweek

3. 7 tháng Nga tấn công toàn diện: 270 địa điểm tôn giáo bị hủy hoại ở Ukraine

Đã có sự gia tăng đáng chú ý về số lượng cấu trúc bị hư hại kể từ khi công bố bản thống kê trước đó về các cấu trúc tôn giáo bị phá hủy và hư hại, Cơ quan Nhà nước về Các vấn đề Dân tộc và Tự do Lương tâm của Ukraine, gọi tắt là DESS, đã cho biết như trên.

Giải thích lý do cho sự gia tăng này, DESS cho biết có 3 lý do. Thứ nhất là các báo cáo nhận được từ các vùng mới được giải phóng. Thứ hai, quân Nga tăng cường pháo kích và không kích nhằm chặn đà tiến của quân Ukraine. Cuối cùng, DESS vừa nhận được thông tin chi tiết về các cấu trúc bị phá hủy và hư hại từ Trung tâm Tôn giáo của giáo phái Nhân chứng Giêhôva ở Ukraine.

Ngay sau khi Putin phát động cuộc xâm lược vào Ukraine, DEES đã yêu cầu các cộng đồng tôn giáo gửi cho họ thông tin về các tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại do sự xâm lược của quân đội Nga.

Theo thống kê mới nhất của DESS, 5 trong số 270 địa điểm bị thiệt hại bởi cuộc tấn công của Nga là thuộc về Hồi giáo, 5 thuộc về Do Thái Giáo, 260 địa điểm khác thuộc về Chính Thống Giáo và Công Giáo

30 trong số các địa điểm bị ảnh hưởng thuộc về các cộng đồng Tin lành khác nhau, 21 thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine tân lập, gọi tắt là OCU, 4 thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma, 3 thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và 66 thuộc Nhân chứng Giêhôva.

136 địa điểm, chiếm 52%, trong số 260 địa điểm Kitô giáo bị hủy hoại hoàn toàn hoặc một phần do cuộc tấn công của Nga thuộc về Giáo Hội Chính thống Ukraine liên kết với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC.

Số lượng địa điểm tôn giáo bị hư hại nhiều nhất là ở các vùng Donetsk, 67 địa điểm, và Luhansk, 58 địa điểm, tiếp theo là các vùng Kyiv, 43 địa điểm và Kharkiv, 35 địa điểm.

DESS tiếp tục khuyến khích gửi thông tin, bao gồm cả ảnh, về những thiệt hại đối với các địa điểm tâm linh và những hậu quả khác của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cho các cộng đồng tôn giáo. DESS cũng khuyến khích việc ghi danh làm nhân chứng với bằng chứng trên nền tảng của Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine để ghi lại tội ác chiến tranh của quân đội Nga chống lại nhân loại và di sản văn hóa.
Source:RISU