NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
“Viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat!”.
Paul Powell nói, “Thiên Chúa quan tâm đến các nhân đức của con cái Ngài hơn là sự thoải mái của họ. Điều Ngài nhắm không phải là nuông chiều thể chất, nhưng là hoàn thiện họ về mặt tinh thần. Vì thế, đôi khi, Ngài ném chúng ta vào một hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng như tuyệt vọng, để chúng ta cậy trông hơn; Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đề nghị viên trưởng hội đường và cả chúng ta hôm nay. Ngài đã chữa cho một phụ nữ còng lưng những mười tám năm ‘có thể đứng thẳng’ khiến mọi người hân hoan; “nhưng viên trưởng hội đường thì tức giận, vì Ngài chữa bệnh trong ngày Sabbat!”. Tại sao? Phải chăng nơi ông, có một nỗi sợ nào đó, nỗi sợ sự thật, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn?’. Đúng thế! Với ông, việc giữ luật khiến ông cảm thấy an toàn; ông quan tâm luật hơn là ý nghĩa của luật.
“Lạy Chúa, xin cứ giữ con lại trong sự tầm thường của con!”. Giả như có một lời cầu nguyện như thế, thì chủ nhân của nó thực sự không có gì để khó chịu hay phản đối. Đàng này, phản ứng của viên trưởng hội đường, cách nào đó, cho thấy dường như lời cầu nguyện trên là của chính ông. Ông những muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; bởi lẽ, nơi ông, có một nỗi sợ sự thật. Ông không muốn tin Chúa Giêsu; những gì Ngài nói, những việc Ngài làm xem ra đang đe doạ ông. Bởi lẽ, từ Ngài, những gì ông nghe, ông thấy… chỉ có thể xuất phát từ một Đấng Messia; và nếu quả Ngài là Đấng Messia, thì nhất định ông phải thay đổi cách nhìn, thay đổi cách sống. Không! Ông không muốn như thế!
Và điều đó có thể cũng đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta. Bạn và tôi không muốn chấp nhận một điều gì đó Chúa Giêsu dạy qua Giáo Hội của Ngài; vì lẽ, nghe theo giáo huấn đó có nghĩa là phải thay đổi cách sống và chúng ta không muốn điều đó. Chúng ta muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; đang khi Chúa Giêsu lại luôn cung cấp cho những ai theo Ngài một điều gì đó khác biệt. Bạn và tôi chỉ muốn ở lại trong đường lối mình; chúng ta được bao quanh với những chân trời hạn chế và dĩ nhiên, sợ phải mở rộng chúng, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’.
Vậy mà Phaolô cho biết, chính cái vùng an toàn giả tạo mà chúng ta muốn yên thân trong đó lại là quá khứ vốn được gọi là bóng tối. Thiên Chúa muốn đưa chúng ta ra khỏi vùng tối hạn hẹp này; Ngài muốn chúng ta bước ra. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay lấy lại lời của Phaolô, “Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái được Người yêu thương”. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô viết, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng!”.
Anh Chị em,
“Đôi giày cũ thì luôn luôn dễ chịu hơn đôi giày mới!”. Vậy mà, Chúa Giêsu muốn chúng ta bước đi với ‘đôi giày mới’ mỗi ngày. Bản thân Ngài cũng đã ra khỏi vùng an toàn của mình; Ngài đã can đảm bước ra khỏi ngôi vị Thiên Chúa “vinh quang ngàn vinh quang, cao sang ngàn cao sang” để không ngừng bước từng ngày trên sự bất ổn của kiếp người; và Ngài đã bước xuống tận chỗ rốt hết đến nỗi chết cái chết của một ‘tội phạm tội đồ’ nhất. Vậy mà, chính nhờ cái chết đó, cả nhân loại ‘có thể đứng thẳng lên’; cũng như ngày Sabbat hôm ấy, dù biết kẻ thù đang rình rập, Ngài vẫn ra khỏi vùng an toàn để nâng một phụ nữ mười tám năm còng lưng ‘có thể đứng thẳng lên’. Hôm nay, Ngài cũng sẵn sàng trợ giúp để mỗi người ‘có thể đứng thẳng lên’. Nhưng trước hết, Ngài muốn bạn và tôi vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn’ của mình; một tính hư nết xấu, một lối sống mà Ngài gọi là “giả hình” như Ngài đã gọi trưởng hội đường.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, có lẽ, về mặt tâm linh, con đã già đi, xin trẻ hoá con. Cho con cứng cáp mà ra khỏi những chân trời hạn hẹp, nhất là giúp con vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”, Amen.
(Tgp. Huế)