1. Nhà thờ tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới bị phá hủy bởi pháo kích ở miền nam Ukraine

Một nhà thờ ở vùng Mykolaiv miền nam Ukraine, nơi tồn tại sau Thế chiến I và Thế chiến II, đã bị “phá hủy hoàn toàn” bởi một cuộc pháo kích của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cách thành phố Mykolaiv khoảng 43 km về phía đông, “đã bị pháo kích, chỉ còn một số bức tường sót lại,” và “không có mái nhà”

“Có một căn phòng nhỏ nơi các đồ dùng phụng vụ của chúng tôi không bị hư hại gì. Đặc biệt, một chiếc chén chứa 'máu của Chúa', vẫn còn nguyên” Cha Oleksandr, là cha sở của nhà thờ nói với UkrInform.

Trước khi nhà thờ bốc cháy, một trong những giáo dân đã mang ra được các ảnh tượng và các đồ thờ phượng ở phần trung tâm.

“Chúng tôi đã giữ lại được hầu hết các ảnh tượng, nhưng bàn thờ chính đã bị phá hủy.”

Các biểu tượng lâu đời nhất của Mẹ Thiên Chúa không thể được cứu. Vị linh mục nói rằng chúng có giá trị rất lớn đối với giáo dân.

“Các ảnh tượng này đã được anh chị em giáo dân giấu kỹ để khỏi bị nhà cầm quyền cộng sản phá hủy. Đó là lý do tại sao các ảnh tượng này có một giá trị lịch sử như vậy đối với chúng tôi. Những người này đã giấu các biểu tượng trong nhà của họ và sau đó, khi nhà thờ được trùng tu, họ đã mang chúng đến đây. Thật không may, một số đã bị cháy ra tro.”

Cha Oleksandr cho biết ngôi đền bị hư hại nghiêm trọng đến mức không thể khôi phục lại.
Source:CNN

2. Vatican kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Đức ngừng cải cách

Các Hồng Y hàng đầu của Vatican đã cố gắng ngăn chặn tiến trình cải cách gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo Đức vào hôm thứ Sáu, vì lo ngại các đề xuất liên quan đến người đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ và thay đổi giáo huấn về tình dục sẽ chia rẽ giáo hội và nhấn mạnh rằng chúng sẽ được tranh luận tốt hơn sau này.

Vatican và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đưa ra một tuyên bố chung sau một tuần họp mà cao điểm là cuộc gặp thượng đỉnh bất thường giữa 62 Giám mục Đức và các quan chức hàng đầu của Vatican, bao gồm cả Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Giáo Hoàng, người đã gặp riêng các giám mục Đức vào hôm thứ Năm, ban đầu được cho là sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh vào hôm thứ Sáu nhưng đã không tham dự, để lại việc đó cho các Hồng Y của ngài

Các cuộc họp của Tiến Trình Công Nghị Đức đã thông qua lời kêu gọi chúc lành cho các cặp đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục và phong chức phó tế cho phụ nữ. Các tham dự viên cũng đã kêu gọi sửa đổi luật lao động của Giáo Hội để nhân viên đồng tính không phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức đã gây ra sự phản kháng dữ dội bên trong nước Đức và xa hơn thế nữa, với cảnh báo cho rằng các cải cách của Đức, nếu cuối cùng được thông qua trong giai đoạn cuối, có thể dẫn đến ly giáo.

Những lời cảnh báo như vậy đã được nhắc lại bởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, và Đức Hồng Y Luis Ladaria, trong cuộc họp hôm thứ Sáu.

Theo tuyên bố chung, hai bên cho biết họ “đã nói chuyện một cách thẳng thắn và rõ ràng về những mối quan tâm liên quan đến phương pháp, nội dung và đề xuất của Tiến Trình Công Nghị Đức và đề xuất rằng vì lợi ích của sự hiệp nhất trong Giáo Hội,” các vấn đề này sẽ được giải quyết sau, khi Giáo Hội Công Giáo toàn cầu sẽ giải quyết những vấn đề như vậy một cách phổ quát vào năm tới.

Tuyên bố cho biết một “lệnh cấm” đã được đề xuất, nhưng đã bị từ chối.
Source:AP

3. Giám mục Đức nói rằng nữ linh mục, đồng tính luyến ái là những cuộc tranh luận không khép kín trong Giáo hội

Một giám mục Công Giáo hàng đầu của Đức hôm thứ Bảy đã phản đối quan điểm của Vatican rằng các cuộc tranh luận về nữ linh mục và đồng tính luyến ái đã bị đóng lại

Giám mục Georg Bätzing đã phát biểu trong một cuộc họp báo vào cuối tuần sau các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô và các quan chức Vatican.

Các cuộc gặp gỡ đã tập trung vào một trào lưu cấp tiến gây tranh cãi ở Đức, được gọi là “Tiến Trình Công Nghị”, là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Phong trào này đã gây ra các phản ứng lo lắng từ những người Công Giáo bảo thủ và ôn hòa trên khắp thế giới, những người lo sợ rằng nó có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn tương tự như những gì đã xảy ra trong các Giáo hội Anh giáo và Tin lành sau khi họ đưa ra những thay đổi tương tự trong những thập kỷ gần đây.

“Liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, quan điểm của Vatican rất rõ ràng, rằng vấn đề này đã được khép lại. Nhưng đối với tôi, vấn đề này vẫn tồn tại và nó phải được giải thích và thảo luận,” Bätzing, giám mục của Limburg và là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, nói.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng phụ nữ không thể làm linh mục vì Chúa Giêsu chỉ chọn những người nam làm Tông đồ của ngài và mặc dù sự hấp dẫn đồng giới không phải là tội lỗi, hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn.

Giám Mục Bätzing và một số người cấp tiến trong Giáo hội Đức muốn sách giáo lý Công Giáo phải được thay đổi, không lên án các hành vi đồng tính luyến ái và mở ra một tiến trình dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.

Giám Mục Bätzing nói: “Tất cả những câu hỏi này đều nằm trên bàn trong Tiến Trình Công Nghị của chúng tôi và mọi nỗ lực hủy bỏ chúng sẽ không thành công”.

“Các Giáo hoàng đã cố gắng nói rằng vấn đề nữ linh mục đã được khép lại nhưng thực tế là vấn đề vẫn tồn tại. Nhiều phụ nữ trẻ nói rằng 'một Giáo Hội từ chối tất cả những điều này không thể là Giáo Hội của tôi về lâu dài',” Giám Mục Bätzing nói.

Vào năm 2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra phán quyết rằng các linh mục không được chúc lành cho các cặp đồng giới. Thách thức phán quyết này, Đức Cha Bätzing đã tổ chức ngày chúc lành cho cặp đồng tính vào ngày thứ Hai 10 tháng 5, 2021.

Các buổi lễ, được gọi là “Segnungsgottesdienste für Liebende”, hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”, được quảng bá bằng hashtag “#liebegewinnt” ( “tình yêu chiến thắng” ). Các nhà tổ chức nói rằng các cử hành này là dành cho tất cả các cặp yêu nhau, bao gồm - và đặc biệt - là những cặp cùng giới tính.

Các buổi lễ đã diễn ra tại khoảng 80 thành phố ở Đức cũng như ở Zürich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ. Tại thành phố Würzburg trong miền Bavaria - cũng như ở các địa điểm khác như Aachen, Berlin, Frankfurt, Mainz và Köln /kơn/ - một số buổi lễ như thế đã được tổ chức cùng lúc.

Gần 130 người tham gia tập trung tại Nhà thờ Thánh Augustinô, không xa Nhà thờ Würzburg, trong khi gần 40 người tham dự một buổi lễ tương tự trong một nhà thờ dành cho giới trẻ.

Một buổi lễ do Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cử hành đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà của Giáo phận Limburg.

Khi được hỏi liệu ông có cấm các linh mục trong giáo phận của mình chúc lành cho các cặp đồng giới hay không, Bätzing nói: “Tôi sẽ không từ chối sự ban phước của Chúa cho những người đang tìm kiếm điều đó trong các mối quan hệ đã cam kết”.

Vào tháng 7, Vatican đã cố gắng kìm hãm phong trào Đức, nói rằng nó có nguy cơ gây ra sự ly giáo trong Giáo hội hoàn vũ.

Bätzing cho biết ông không thấy rủi ro như vậy.

“Ly giáo không phải là một lựa chọn cho bất kỳ giám mục hay giáo dân nào ở Đức. Chúng tôi là người Công Giáo và chúng tôi sẽ vẫn là người Công Giáo nhưng chúng tôi muốn trở thành người Công Giáo theo một cách khác,” ông nói.
Source:Reuters

4. Thông cáo chung giữa Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục Đức

Sáng thứ Sáu, ngày 18 tháng Mười Một vừa qua, 62 giám mục Đức và một số Hồng Y thuộc các Bộ chủ yếu của Tòa Thánh đã trao đổi với nhau về Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Các chức sắc Tòa Thánh tỏ ra rất dè dặt về những đề nghị của Con đường này và hai bên đồng ý sẽ tiếp tục trao đổi với nhau trong những tháng tới đây.

Vị điều hợp phiên họp dài nhiều giờ, tại Hội trường của Học viện Augustinianum, cạnh Vatican là Đức Hồng Y Pietro Parolin. Hiện diện và lên tiếng trong dịp này, có Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Ngoài ra, cũng có Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Hiệp nhất các tín hữu Kitô và một số các vị khách thuộc Tòa Thánh. Đức Thánh Cha không tham dự, mặc dù trước đó, phía giám mục Đức hy vọng ngài sẽ đích thân hiện diện.

Thông cáo chung cho biết: “Cuộc gặp gỡ này đã được lên chương trình từ lâu, như một cơ hội để cùng nhau suy tư về Tiến Trình Công Nghị đang tiến hành tại Đức. Con đường này được đề ra như phản ứng trước những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”.

Trong lời mở đầu, Đức Hồng Y Parolin nhắc đến mối dây hiệp thông và yêu thương, liên kết các giám mục với nhau và với Người kế vị thánh Phêrô. “Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ này như một cơ hội để chia sẻ, một thời điểm ân thánh, hiệp nhất trong những khác biệt. Đức Hồng Y đặc biệt nói đến những lo âu mà Tiến Trình Công Nghị khơi lên, và cảnh giác nguy cơ “cải tổ Giáo hội thay vì không phải là cải tổ trong Giáo hội”.

Về Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, trong lời dẫn nhập, đã trình bày về Tiến Trình Công Nghị của Đức và nêu bật tinh thần của Con đường này, dựa trên sự lắng nghe dân Chúa và đau khổ vì những lạm dụng từ phía các giáo sĩ. Ngoài ra, Đức Cha Bätzing liệt kê những đề tài được thảo luận trong các khóa họp của Tiến Trình Công Nghị, đó là: quyền bính và sự phân quyền trong Giáo hội - Tham gia chung và dự phóng truyền giáo; đời sống linh mục ngày nay; các phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo hội; sống trong những quan hệ hữu hiệu - Sống yêu thương trong tính dục và trong tương quan giữa các cặp đôi”. Sau cùng, Đức Cha đánh giáo cao hoạt động của Công nghị do Đức Thánh Cha triệu tập cho toàn thể Giáo hội và quyết định kéo dài thời gian của công nghị này”.

Tiếp theo đó là các nhận xét thần học của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục. Với sự thẳng thắn và minh bạch, các vị bày tỏ lo âu và dè dặt vì phương pháp, nội dung và những đề nghị của Tiến Trình Công Nghị ở Đức, và hai vị nói rằng để mưu ích lợi cho tình hiệp nhất của Giáo hội và sứ mạng truyền giáo, những yêu cầu do Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra nên được đưa vào trong Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội hoàn vũ.

Trao đổi ý kiến

Phiên họp tiếp tục với những phát biểu của nhiều giám mục Đức và các đại diện của Tòa Thánh. Qua đó, người ta thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết phải xác định và đào sâu một số vấn đề được nêu lên. Ví dụ về cơ cấu của Giáo hội, thừa tác vụ thánh và việc lãnh nhận các thừa tác vụ này, nhân loại học Kitô giáo, v.v. Đồng thời tất cả đều hoàn toàn ý thức rằng mình đang tiến bước với toàn thể Dân thánh và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Nhiều phát biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng chủ yếu của việc loan báo Tin mừng và sứ vụ truyền giáo, như mục tiêu tối hậu của các tiến trình hiện nay, cũng như ý thức về sự không thể chấp nhận được một số đề tài”.

Trước tình trạng đó, một số vị đề nghị tạm ngưng tiến hành Tiến Trình Công Nghị ở Đức. Cần tạo điều kiện để suy tư thêm và lắng nghe nhau dưới ánh sáng những vấn nạn được nêu lên.

Trong lời kết luận, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đánh giá cao sự trao đổi, không chính thức, nhưng cần thiết và xây dựng, những điều không thể không để ý đến trong những hành trình hiện nay.

Các vị đồng ý cần tiếp tục trong những tháng tới đây sự lắng nghe và đối thoại với nhau để, có thể góp phần phong phú hóa Tiến Trình Công Nghị Đức và Công nghị của Giáo hội hoàn vũ” (Sala Stampa 18-11-2022)

Ngoài thông cáo chung chính thức trên đây, báo chí cũng có biết thêm số chi tiết của cuộc thảo luận.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh bày tỏ sự dè dặt lớn về đề nghị thay đổi hoàn toàn việc tuyển chọn giám mục mà Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra. Cụ thể là bầu giám mục với sự tham gia của các giáo dân và giáo sĩ. Đức Hồng Y nói điều này sẽ đặt lại vấn đề các hiệp định hiện hữu giữa Tòa Thánh và các bang ở Đức. Ngoài ra có vấn đề: Tiến Trình Công Nghị ở Đức đề nghị thiết lập một cơ quan cai quản Giáo Hội Công Giáo tại nước, gồm các giám mục và những người không phải là giám mục. Điều này không thể dung hợp với giáo luật và giáo huấn của Công đồng chung Vatican II về Giáo hội. Cũng có những vấn nạn mạnh mẽ chống lại việc thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tính dục con người, mà phần lớn các thành viên Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức đã đưa ra.

Những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị ở Đức thì tin rằng nếu Tòa Thánh không chấp nhận các đề nghị cải tổ đó, thì càng có thêm những người Công Giáo rời bỏ Giáo hội. Năm ngoái đã có khoảng 360,000 người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội Công Giáo tại Đức, một con số kỷ lục trong lịch sử.