1. Quân Ukraine tấn công tái chiếm Siverskyi Donets, 560 lính Nga tử trận trong 24 giờ đầu tiên
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Chúa Nhật 27 tháng 11, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết giao tranh đang diễn ra chung quanh sân bay ở vùng ngoại ô thành phố Sievierodonetsk; và mùa đông là cơ hội trời giúp cho người Ukraine chiếm lại được thành phố này.
Sievierodonetsk, là một thành phố ở tỉnh Luhansk, Ukraine. Nó nằm ở phía đông bắc tả ngạn sông Siverskyi Donets và cách thủ phủ tỉnh Luhansk khoảng 110 km về phía tây bắc. Nó đối mặt với Lysychansk bên kia sông. Thành phố, có tên bắt nguồn từ con sông nói trên, có dân số vào năm 2021 là 101,135 người, khiến nó trở thành thành phố đông dân thứ hai trong vùng. Kể từ tháng 6 năm 2022, nó đã bị quân Nga chiếm đóng sau các trận chiến rất kinh hoàng.
Sievierodonetsk có một số nhà máy và trung tâm sản xuất hóa chất quan trọng “Azot”, thuộc tập đoàn Ostchem. Ngoài ra còn có một sân bay về phía nam của thành phố, cách trung tâm thành phố 6km, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt.
Kể từ năm 2014, Sievierodonetsk đã đóng vai trò là trung tâm hành chính của Tỉnh Luhansk, sau khi thành phố Luhansk nằm dưới sự kiểm soát của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk trong cuộc Chiến tranh Donbas.
Là một phần của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Sievierodonetsk đã bị quân Nga tấn công dữ dội khiến thành phố bị phá hủy trên diện rộng, bao gồm cả các khu dân cư. Đến ngày 25 tháng 6 năm 2022, thành phố đã hoàn toàn bị quân Nga và lực lượng ly khai chiếm giữ. Chính quyền Ukraine tuyên bố rằng dân số chỉ còn khoảng 10,000 người, nghĩa là chưa đến 10% so với trước chiến tranh.
Trận chiến Siverskyi Donets là một loạt các cuộc đụng độ quân sự diễn ra vào tháng 5 năm 2022, đáng chú ý nhất là từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 5, trên mặt trận Lyman–Sievierodonetsk.
Các lực lượng Nga thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 74 thuộc Quân đoàn vũ trang liên hợp số 41 đã bị đánh bại bởi xe tăng của Lữ đoàn cơ giới số 30 và pháo binh của Lữ đoàn xe tăng số 17 của Lực lượng vũ trang Ukraine khi quân Nga cố gắng vượt sông Donets gần các ngôi làng Dronivka, Bilohorivka và Serebryanka.
Các lực lượng Ukraine trước đó đã đẩy lùi được nhiều nỗ lực vượt sông của lực lượng Nga. Tuy nhiên, việc tiêu diệt cả một nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn vào ngày 10 tháng 5 được mô tả là “cuộc giao tranh nguy hiểm nhất trong cuộc chiến” cho đến nay và là một “thảm họa” đối với quân đội Nga.
Donets, con sông dài thứ tư ở Ukraine và dài nhất ở miền đông Ukraine, từ lâu đã được coi là tuyến phòng thủ chiến lược của quân đội Ukraine trong Chiến tranh Nga-Ukraine. Là con sông dài nhất trong khu vực, việc kiểm soát sông Donets cũng có nghĩa là khả năng tự do điều động khí tài quân sự về phía bắc và phía nam dọc theo dòng chảy của con sông, tác động đến nông nghiệp khu vực và kiểm soát nguồn cung cấp nước cho các thành phố lớn như Sievierodonetsk, Lysychansk, và Kharkiv.
Trong cuộc xâm lược bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai, các lực lượng Nga đã tiến từ giới tuyến năm 2014 về phía thành phố Lyman, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bao vây một khu vực tập trung khoảng 40,000 binh sĩ Ukraine. Con sông Donets là trở ngại tự nhiên lớn nhất đối với cuộc tấn công của quân Nga. Các nỗ lực của Nga để vượt sông liên quan đến việc triển khai các cầu phao để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển binh lính và thiết bị qua sông.
Vào sáng sớm ngày 5 tháng 5, quân đội Nga, sau một trận pháo kích, đã cố gắng vượt sông tại Dronivka, nhưng bị quân đội và xe tăng Ukraine chặn lại. Hai xe tăng Ukraine của Lữ đoàn cơ giới số 30 đã giao chiến với ít nhất 4 xe thiết giáp của Nga, 2 thuyền và 2 đại đội bộ binh ở khoảng cách 1,200 mét, và đã ngăn chặn được bước tiến của quân xâm lược.
Vào ngày 8 tháng 5, lực lượng Nga đã xây dựng một cây cầu phao bắc qua Donets tại Bilohorivka. Hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và các phương tiện quân sự khác đã chuẩn bị vượt qua bờ tây của con sông như một phần của cuộc tiến công rộng lớn hơn về phía tây tới Lyman.
Cùng ngày, Lữ đoàn xe tăng 17 của Ukraine đã cử một trung đội trinh sát đến bờ tây của con sông để quan sát tiến trình của Nga trong khu vực. Quân đội Nga đã ném lựu đạn khói trong khu vực, gây khó khăn về tầm nhìn. Để chống lại điều này, lực lượng Ukraine đã triển khai máy bay không người lái, phát hiện thành công cây cầu phao vào sáng sớm. Thông tin này đã được chuyển đến Lực lượng Không quân Ukraine và các tiểu đoàn pháo binh đóng quân trên khắp khu vực. Họ đã tấn công cây cầu bằng một cuộc oanh tạc kết hợp trên không và pháo binh. Cây cầu được xác nhận là đã bị phá hủy vào ngày 10 tháng 5. 70 phương tiện quân sự của Nga, bao gồm xe tăng, thiết giáp, các hệ thống pháo và xe chuyển quân, bị phá hủy hay chìm dưới dòng nước. Một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông.
Bất chấp các tổn thất, chính Putin, một kẻ chẳng biết gì về quân sự, đích thân ra lệnh cho chỉ huy của Lữ đoàn Công binh số 12, Đại tá Denis Kozlov, phải bắc cầu vượt sông bằng mọi giá. Vào ngày 11 tháng 5, Đại tá Denis Kozlov bị Lữ Đoàn Dù số 81 bắn chết khi đang đốc thúc nỗ lực bắc cầu phao. Cây cầu phao cũng được hoàn thành vào ngày 12 tháng 5. Nó là cây cầu cuối cùng của quân Nga được xây dựng giữa Bilohorivka và Serebryanka. Chính vào ngày 12 tháng 5, nó đã chịu cùng một số phận với cây cầu trước đó. Ít nhất một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông cùng với hơn 50 phương tiện quân sự của Nga. Những người lính Nga cuối cùng đã rút lui vào ngày 13 tháng 5.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, khoảng 550 binh sĩ Nga tham gia cuộc vượt sông gần Bilohorivka, trong đó 485 người thiệt mạng. Tờ Times ước tính rằng hơn 1,000 binh sĩ đã thiệt mạng trong trận chiến này, trong khi Newsweek trích dẫn tuyên bố của Ukraine có tới 1,500 binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến.
Theo Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Luhansk, trong trận chiến, quân Ukraine đã phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, thiết bị bắc cầu, máy bay trực thăng và xuồng cao tốc của Nga. Haidai tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã phá hủy hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga, với số lượng hơn 1,000 binh sĩ.
Do tính chất đẫm máu và tốn kém của cuộc vượt sông, trận chiến đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông.
Mãi cho đến khoảng 28 đến 30 tháng 6, sau khi Sievierodonetsk thất thủ và trong quá trình bao vây Lysychansk, các lực lượng Nga mới thực hiện được một cuộc vượt sông thành công qua sông Donets. Trung đoàn Kadyrovites của Chechnya và các đơn vị ly khai Cộng hòa Nhân Dân Luhansk chiếm được thị trấn Pryvillia sau cuộc vượt sông này.
Sau đó, Bilohorivka bị Nga chiếm trong trận Lysychansk, nhưng Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công nhằm chiếm lại thị trấn này vào ngày 17 tháng 7. Cuộc phản công này thất bại. Tuy nhiên, Bilohorivka đã bị Ukraine chiếm lại thành công vào ngày 19 tháng 9 sau cuộc tổng phản công tái chiếm Kharkiv.
Thống Đốc Serhiy Haidai cho biết giao tranh đang diễn ra ở vùng ngoại ô thành phố Sievierodonetsk, và mùa đông là cơ hội trời giúp cho người Ukraine chiếm lại được thành phố này vì quân Nga thiếu các thiết bị giữ ấm, tầm quan sát hạn chế và đang gặp khó khăn về hậu cần.
Trong 24 giờ của ngày thứ Bẩy 26 tháng 11, hơn 500 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Do lệnh cấm vận thông tin trong tiến trình giải phóng Siverskyi Donets, chúng tôi chỉ biết tới đây.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 86,710 binh sĩ Nga ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 26 tháng 11, bao gồm 560 người chỉ trong ngày hôm qua.
Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 2,901 xe tăng, 5,848 xe thiết giáp, 1,896 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 278 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,554 máy bay không người lái, 531 hỏa tiễn hành trình 16 tàu chiến, 4,406 xe cơ giới, và 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Tình báo Anh ghi nhận Nga cạn kiệt hỏa tiễn tầm xa.
Một hỏa tiễn bị bắn rơi ở Kyiv vào ngày 17 tháng 11, được phát hiện là hỏa tiễn Kh-55 của Nga. Kh-55 được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đưa ra giả thuyết rằng “người Nga đã lấy ít nhất một hỏa tiễn Kh-55 từ 'kho vũ khí hạt nhân' của họ, 'tháo' đầu đạn hạt nhân và thay thế nó bằng một đầu đạn giả trước khi bắn vào Ukraine.
Trong bản tình báo hôm 26 tháng 11, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đưa ra nhận định sau:
Nga có khả năng loại bỏ các đầu đạn hạt nhân khỏi các hỏa tiễn hành trình hạt nhân cũ kỹ và bắn các loại đạn không trang bị vũ khí vào Ukraine. Hình ảnh nguồn mở cho thấy mảnh vỡ của hỏa tiễn hành trình AS-15 KENT phóng từ trên không, gọi tắt là ALCM, dường như đã bị bắn hạ, được thiết kế vào những năm 1980 dành riêng cho hệ thống phân phối hạt nhân. Đầu đạn có lẽ đã được thay thế bằng đầu đạn giả để tạo cân bằng.
Mặc dù một hệ thống thô thiển như vậy vẫn sẽ tạo ra một số thiệt hại thông qua động năng của hỏa tiễn và mọi nhiên liệu chưa sử dụng, nhưng nó không có khả năng đạt được hiệu quả đáng tin cậy đối với các mục tiêu đã định. Nga gần như chắc chắn hy vọng những hỏa tiễn như vậy sẽ hoạt động như mồi nhử và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine.
Bất kể ý định của Nga là gì, sự ứng biến này làm nổi bật mức độ cạn kiệt trong kho hỏa tiễn tầm xa của Nga.
3. Ngoại trưởng Belarus đột nhiên qua đời giữa hàng loạt những đồn đoán Putin sắp lật đổ Alexander Lukashenko
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng cô ta “vô cùng sốc” trước tin tức về cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei.
Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông.
Maria Zakharova nói: “Với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông ấy đã có đóng góp to lớn vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ Nga-Belarus”.
“Ông ấy đã bảo vệ một cách chắc chắn và hiệu quả các lợi ích của Cộng hòa Belarus trên các nền tảng quốc tế, đây là một tổn thất nặng nề, không thể khắc phục được.”
Theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti, Makei đã lên kế hoạch gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày thứ Hai tới đây
Một số bối cảnh: Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, người đã bày tỏ lời chia buồn với gia đình và bạn bè của Makei hôm thứ Bảy, là một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng 2, các lực lượng Belarus và Nga đã tổ chức các cuộc tập trận chung, trong đó nhiều lực lượng Nga đã vượt qua biên giới Ukraine trong cuộc hành quân bất hạnh của họ tới thủ đô.
Vào tháng 10, Belarus tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng khu vực chung với Nga và tiến hành các cuộc tập trận, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Kyiv. Makei đã từng cáo buộc Ukraine “sắp có hành động khiêu khích” chống lại Belarus vào thời điểm đó, là điều mà các quan chức Ukraine kịch liệt phủ nhận. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Lukashenko và Makei đã bác bỏ khả năng quân Belarus tấn công Ukraine theo yêu cầu của Putin.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.
Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó” khi ông đề cập đến lực lượng 40,000 quân của mình.
Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin ông nói với các phóng viên ở thủ đô Yerevan của Armenia rằng “Ngược lại, chúng tôi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Belarus không có vai trò trong cuộc xung đột này”.
Ông nói rằng Belarus đang đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga theo những cách khác nhưng nói rằng “chúng tôi không tham gia, chúng tôi không giết bất kỳ ai, chúng tôi không gửi binh sĩ đến đó vì không cần thiết.” Ông lặp lại một tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Makei rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để kết thúc chiến tranh.
Tình báo Ukraine cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công giả vào cơ sở hạ tầng ở Belarus để cố gắng kéo Belarus vào cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nghi ngờ khả năng Belarus sẽ tham chiến vì những do rủi ro mà một sự tham gia tích cực như thế có thể gây ra cho sự tồn tại của chế độ Lukashenko. Khác với Nga, dân chúng Belarus phản đối chiến tranh một cách áp đảo.
Các nhà lãnh đạo đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko.
4. Thủ tướng Zelenskiy và Bỉ ký tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã ký một tuyên bố ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu và NATO vào hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Kyiv của ông De Croo.
“Tôi cảm ơn Bỉ và thủ tướng về tuyên bố chung được ký ngày hôm nay. Tài liệu này chứng minh sự ủng hộ của Bỉ đối với nỗ lực hướng tới tư cách thành viên đầy đủ của chúng tôi trong Liên minh Âu Châu và NATO. Chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được kết quả quan trọng này đối với chúng tôi,” Zelenskiy nói.
Zelenskiy cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Bỉ vì đã “sẵn sàng cung cấp các máy phát điện cần thiết và các thiết bị khác hiện cực kỳ cần thiết cho xã hội Ukraine” trong bối cảnh Ukraine bị mất điện sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.
Zelenskiy cũng ca ngợi việc Bỉ đóng băng một số tài sản của Nga.
“Chúng tôi đánh giá cao việc Bỉ dẫn đầu về khối lượng tài sản bị đóng băng của Nga – 50 tỷ euro, thậm chí nhiều hơn. Điều quan trọng là tài sản của nhà nước khủng bố phải được dùng để bồi thường thiệt hại do khủng bố gây ra,” ông nói.
De Croo cho biết ông hy vọng các máy phát điện và nguồn cung cấp được gửi đến Ukraine cho các bệnh viện và trường học sẽ cung cấp “khả năng phục hồi trong những thời điểm khó khăn này”.
Hai vị cũng thảo luận về sáng kiến Ngũ cốc từ Ukraine và Zelenskiy cảm ơn Bỉ vì đã sớm hỗ trợ kế hoạch này.
5. Thủ tướng Ba Lan: Nga đang thất bại trên chiến trường nên phải dùng đến các biện pháp vô nhân đạo nhắm vào dân thường
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Nga đang phá hoại các cơ sở hạ tầng quan trọng trong nỗ lực khuất phục Ukraine.
Trong các bình luận đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh lương thực được tổ chức tại thủ đô của Ukraine, ông Morawiecki cho biết Nga đã “đánh giá quá cao tiềm năng quân sự của mình và đã biết rằng chiến thắng trên chiến trường có thể không đạt được”.
“Vì vậy, Mạc Tư Khoa đang tìm kiếm các phương pháp khác để phá vỡ Ukraine. Thay vì chiến đấu với binh lính, Nga đang mang đến chết chóc, đói khát và lạnh lẽo cho thường dân”
“Những phương pháp chiến tranh tổng lực này từ lâu đã có trong kho vũ khí của Nga,” Morawiecki nói, vào ngày tưởng niệm hàng năm lần thứ 90 dành cho các nạn nhân của nạn đói Holodomor, một nạn đói thời Liên Xô đã giết chết 7 triệu người trong mùa đông năm 1932 bước sang 1933.
“Nga đang chiến đấu để xây dựng lại một đế chế và biết rằng một đế chế được xây dựng trên xương máu và xác chết của những người dân vô tội. Chính xác là 90 năm trước trong thời kỳ Holodomor”.
Bình luận của Morawiecki được đưa ra khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh của Nga gây ra. Nhiều người Ukraine bị tước quyền sưởi ấm, nước và điện trong bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự.
6. Đói không bao giờ được sử dụng làm vũ khí nữa, thủ tướng Đức nói vào Ngày tưởng niệm Holodomor
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu đánh dấu lễ kỷ niệm 90 năm nạn đói Holodomor ở Ukraine.
“Không bao giờ được sử dụng cái đói làm vũ khí nữa,” Scholz nói hôm thứ Bảy, vào ngày tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói thời Liên Xô đã giết chết 7 triệu người trong mùa đông năm 1932-1933.
Trong một bài phát biểu tại Berlin, Scholz đã đưa ra những so sánh giữa Holodomor, hay Nạn đói khủng bố - do nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin tạo ra bằng cách loại bỏ kho dự trữ lương thực của nông dân Ukraine - và các hành động hiện tại của Nga ở Ukraine.
“Các chiến thuật khủng khiếp được áp dụng hồi đó bao gồm sự cô lập và tịch thu nguồn cung cấp ngũ cốc và thực phẩm, cưỡng bức trục xuất người Ukraine sang Nga. Hôm nay, chúng ta phải hiệp nhất với nhau tuyên bố rằng nạn đói không bao giờ được sử dụng làm vũ khí nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể chịu đựng được những gì chúng ta đang chứng kiến”.
“Chúng ta biết rằng bằng cách tấn công vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Ukraine và phong tỏa các cảng ở Hắc Hải trong nhiều tháng, Nga đã làm trầm trọng thêm tình hình này”
Scholz nói rằng Đức sẽ cung cấp thêm 15.62 triệu USD cho các lô hàng ngũ cốc từ Ukraine phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới.
“Bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Mỗi con tàu ra khơi theo sáng kiến này không chỉ chở ngũ cốc. Nó mang theo hy vọng cho những người đói khát trên thế giới. Và nó mang một thông điệp quan trọng. Thông điệp rằng chúng ta đoàn kết, rằng chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến này. Và rằng nhân loại chung của chúng ta sẽ thắng thế”