RẤT DỮ DỘI NHƯNG CŨNG RẤT THÁNH THIỆN
“Nòi rắn độc kia! Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”.

Nói về việc biện minh cho tội lỗi, Ancil Jenkins tóm tắt một cách rất thú vị, “Biết bao lần chúng ta biện minh cho tội lỗi bằng cách gọi nó bằng một tên khác! Chúng ta bào chữa cho tính tham lam bằng cách gọi đó là “thận trọng” hay “cần kiệm”; một cuộc sống dục lạc là “sống với sự thích thú”. Trả lời một nhà phê bình, A. Lincoln đã hỏi, “Con bò có mấy chân?”, “Bốn!” là câu trả lời. “Nếu bạn gọi cái đuôi của nó là một cái chân, thì nó có mấy chân?”, Lincoln hỏi. “Năm!”. “Không! Chỉ gọi cái đuôi là chân, không có nghĩa nó là một cái chân!”. Chúng ta đã phạm một sai lầm tương tự? Chúng ta nghĩ, tội không phải là tội, chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó!”. Nhận định của Jenkins được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi Gioan Tẩy Giả gọi ‘đúng tên’ những người Pharisêu và Saduccêô, “Hỡi nòi rắn độc kia!”. Rất dữ dội. Đúng! Vậy mà lời Gioan ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’.

Nó rất dữ dội khi Gioan, người đã trở nên khá nổi tiếng và được kính trọng, được coi là một tiên tri vĩ đại, đã gay gắt gọi những người Pharisêu và người Saduccêô là “Nòi rắn độc”. Đây không phải là cách họ thường nghe! Gioan phải nói theo cách này, bởi đó là sự thật. Các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã không dẫn dắt bất cứ ai đến gần Chúa hơn. Chỉ cần suy gẫm những gì Chúa Giêsu, cuối cùng, sẽ nói với hai hạng người này để hiểu các nhà lãnh đạo này đã trở thành loại người nào. Ngài đã gọi họ là “mả tô vôi”, là “những kẻ dẫn đường đui mù…”. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là những lời xót thương! Vì vậy, những lời của Gioan chắc chắn là dữ dội; tuy nhiên, ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’. Nó là thánh vì “nòi rắn độc” này cần được thanh tẩy. Họ cần bị lên án và thách thức. Họ cần phải khiêm tốn. Và không có gì khiêm tốn hơn là chân thành ăn năn tội lỗi của mình một cách công khai.

Hãy lưu ý, Gioan không thẳng thừng loại trừ các nhà lãnh đạo này; thay vào đó, Gioan đòi hỏi họ phải có “bằng chứng” về sự ăn năn, “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Tại sao? Vì những thiệt hại thiêng liêng mà những người này đã gây ra cho dân chúng vì tính kiêu ngạo, tự cho mình là công chính, giả hình, thích được trọng vọng, lên án người khác… là quá lớn. Họ đã bóp méo đức tin và lề luật đến nỗi lợi ích của các linh hồn đòi hỏi họ phải có một sự thống hối công khai. Nó đòi hỏi mọi người phải nhìn thấy những hoa trái tốt lành chân thành trổ sinh từ cuộc sống của họ như một dấu hiệu cho thấy họ đã thay đổi. Mặc dù đây là một yêu cầu rất cao đối với người Pharisêu và người Saduccêô, nhưng đó là con đường nên thánh dành cho họ. Nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’ là vậy!

Anh Chị em,

“Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Nếu bạn và tôi đã để mình rơi vào một số cạm bẫy giống như người Pharisêu và người Saduccêô, thì chúng ta cũng sẽ được lợi rất nhiều từ một sự thay đổi công khai rõ ràng và khiêm tốn. Nếu đã bảo thủ với tính tự cho mình là đúng, thái độ ‘thánh thiện hơn người’ hoặc hay phán xét người khác, thì bạn có thể rất cần một sự ăn năn khiêm nhường và công khai. Hôm nay, hãy suy gẫm về hai nhóm người này; hãy cố gắng hiểu tội lỗi của họ và lý do Gioan gọi họ là “nòi rắn độc”. Nếu bạn thấy bất kỳ sự kiêu ngạo và tự cao tự đại nào của họ trong tâm hồn mình, hãy lắng nghe lời khuyên của Gioan như thể nó được nói trực tiếp với bạn; nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’. “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Hãy làm điều này, và Chúa sẽ giải thoát bạn ngang qua món quà khiêm nhường đích thực mà Chúa Thánh Thần sẽ ban!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn ra tội lỗi mình và không ngại đối mặt với nó, hầu Chúa có thể giải thoát con khỏi mọi uế nhơ để con có thể vững bước trên đường nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)