1. Cuộc tháo chạy tán loạn khiến cả ngàn quân Nga bị loại khỏi vòng chiến. Lực lượng tiếp cứu của Nga cũng tử trận.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 14 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Bakhmut vẫn là khu vực nóng nhất của mặt trận. Tuy nhiên, quân Ukraine đã phản công và đẩy quân Nga ra cách thành phố ít nhất 12 dặm hay hơn 19 km.
Nhiệt độ xuống thấp đến âm 6 độ C, và mưa lớn làm ngập lụt các chiến hào đã làm nhiều binh sĩ Nga chết cóng.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, quân Nga thiệt mất hơn 500 quân. Đồng thời không quân Ukraine đã tung ra các đợt tấn công trong các vùng ngoại ô của thành phố Bakhmut và thị trấn Soledar phá hủy 7 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 khẩu pháo 152 ly. Đoàn xe Nga gồm 5 chiếc xe Kamaz chuyển quân, do hai xe thiết giáp hộ tống di chuyển từ thị trấn Soledar sang tiếp cứu cho quân Nga tại thành phố Bakhmut đã bị Lữ Đoàn Dù số 71 của quân Ukraine chặn đánh. Tất cả các phương tiện chiến tranh của quân xâm lược đều bị phá hủy.
Tưởng cũng nên nhắc lại, vụ tấn công bằng HIMARS vào Tổng Hành Dinh Wagner tại thành phố Kadiivka ở vùng Luhansk, hôm thứ Bẩy 10 tháng 12, đã có một tác động sâu sắc trên chiến trường. Không nhận được lệnh từ các chỉ huy Wagner vì họ đã chết trong trận pháo kích, nhóm Wagner hoang mang và cuối cùng quyết định bỏ chạy khỏi phía bắc đường Fyodor Maksimenko mà họ đã cam go lắm mới chiếm được. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các vùng ngoại ô Andriivka, Ozarianivka, và Zelenopillia. Đây là những vị trí chiến thuật đe dọa thành phố Bakhmut. Trung Đoàn 1 Khan của cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk đang trú đóng tại các khu vực này thấy quân Wagner bỏ chạy cũng đã lũ lượt bỏ chạy theo.
Ít nhất cả ngàn quân Nga đã thiệt mạng vì cuộc bỏ chạy bất ngờ này. Quân tiếp viện có lẽ cũng cùng chung số phận.
Serhii Cherevaty, Phát ngôn nhân của lực lượng phía Đông của quân Ukraine cho biết, dù vậy, Bakhmut vẫn hiện là khu vực nóng nhất của mặt trận, vì quân Nga đang pháo kích tới tấp vào thành phố Bakhmut.
Ông nói: “Bakhmut hiện là khu vực nóng nhất của mặt trận phía đông, và là khu vực nóng nhất của cuộc chiến. Tại đây địch tung nhiều pháo và các đòn tấn công hỏa tiễn khác, sau khi thất bại trong việc chọc thủng tuyến phòng thủ của ta.”
Theo Cherevaty, sau khi lực lượng xung kích chính của quân Nga là nhóm Wagner đã bị đánh bật ra khỏi thành phố Bakhmut, pháo binh là yếu tố chính của kẻ thù trong cuộc chiến hiện nay mà họ vẫn có thể sử dụng một cách rất đáng gờm. Người Nga sử dụng cả pháo ống và hỏa tiễn.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lạc quan rằng “Dù cho kẻ thù có một kho dự trữ khổng lồ đạn 122 ly, và 152 ly của Liên Xô cho tất cả các hệ thống hỏa tiễn, nhưng chiến tranh khốc liệt trong chín tháng đã làm cạn kiệt mọi nguồn dự trữ, và chắc chắn kẻ thù phải giải quyết các vấn đề hậu cần này. Đặc biệt, chúng tôi biết rằng họ phải vận chuyển đạn dược từ những vùng xa xôi. Kẻ thù đang cố gắng tăng tốc độ sản xuất, nhưng họ có những khó khăn nhất định do các lệnh cấm vận. Ngoài ra, chúng tôi làm việc hàng ngày để phá hủy các kho đạn dã chiến và những kho lớn hơn của họ”
“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm số lượng của những đơn vị pháo binh Nga và phá hủy cả kho vũ khí lẫn kho hỏa tiễn của họ. Đặc biệt, sáu hệ thống Grad đã bị phá hủy ở Luhansk trong 24 giờ qua”, phát ngôn nhân nói.
Cherevaty nói thêm rằng lợi thế về đạn dược của kẻ thù đã giảm đáng kể và với độ chính xác của các cuộc tấn công của Ukraine, khả năng pháo binh của cả hai bên gần như ngang nhau.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tính chung từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 13 tháng 12, 95,260 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 2,966 xe tăng, 5,930 xe thiết giáp, 1,931 hệ thống pháo, 404 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống tác chiến phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,617 máy bay không người lái, 592 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,549 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 170 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Mỹ sẽ gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine, CNN đưa tin.
“Kế hoạch của Ngũ Giác Đài vẫn cần được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phê duyệt trước khi gửi cho Tổng thống Joe Biden ký ban hành,” báo cáo của CNN viết.
Cần lưu ý rằng một khi các kế hoạch được hoàn thiện, các hệ thống Patriot dự kiến sẽ được vận chuyển nhanh chóng trong những ngày tới. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu bệ phóng hỏa tiễn sẽ được gửi tới.
Một khẩu đội Patriot điển hình bao gồm một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển giao chiến và tối đa tám bệ phóng, mỗi bệ chứa bốn hỏa tiễn sẵn sàng bắn ra.
Không giống như các hệ thống phòng không nhỏ hơn, các khẩu đội hỏa tiễn Patriot cần kíp điều khiển lớn hơn nhiều, đòi hỏi hàng chục binh sĩ để vận hành chúng đúng cách. Quá trình huấn luyện cho các khẩu đội hỏa tiễn Patriot cũng thường kéo dài vài tháng.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết các hệ thống Patriot có thể xuất hiện ở Ukraine ở “giai đoạn tiếp theo” của cuộc chiến.
“Đó là một cuộc thảo luận dài với các đối tác của chúng tôi vì đây là một hệ thống rất phức tạp và đắt tiền nên tôi nghĩ Patriots cũng sẽ có mặt trên chiến trường của chúng tôi nhưng ở giai đoạn tiếp theo,” Reznikov nói với phóng viên CNN.
Bộ trưởng Quốc phòng nói thêm rằng quân đội Ukraine làm việc hàng ngày để tìm ra giải pháp tốt hơn để chiến đấu với máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất do Nga phóng.
Đồng thời, Reznikov nhấn mạnh rằng Ukraine cũng cần các máy bay không người lái trinh sát và tấn công.
“ Chúng tôi cần các hệ thống chống máy bay không người lái. Chiến tranh điện tử là một vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi”, Bộ trưởng nói thêm.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Oleksii Reznikov đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Odesa rằng người Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, vì họ đang nỗ lực thúc đẩy Ukraine tiến tới các cuộc đàm phán có lợi cho họ.
Vấn đề đặt ra là nếu Ukraine không có các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ bầu trời của mình chống lại các cuộc không kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của họ, thì họ không có cách nào khác hơn là tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, cụ thể là vào các sân bay nơi xuất phát các cuộc không kích của người Nga, như họ đã làm trong tuần qua khi tấn công 3 sân bay của Nga. Các cuộc tấn công này gây quan ngại cho các đồng minh của Ukraine vì có nhiều khả năng khiến cuộc chiến leo thang nhanh chóng. Đó có lẽ là lý do chính khiến Hoa Kỳ quyết định gởi các hệ thống Patriots cho Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề gay go là quá trình huấn luyện cho các khẩu đội hỏa tiễn Patriot thường kéo dài vài tháng.
Tổng Thư Ký Stoltenberg cho biết trước đây, với hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS, các nhân viên NATO đã tiến hành huấn luyện ở các nước đồng minh NATO, và trong thực tế là đích thân các nhân viên NATO điều khiển các hệ thống này cho đến khi quân đội nước chủ nhà thành thạo. Tuy nhiên, không có nhân viên NATO nào có thể tiến hành công việc bên trong Ukraine, vì điều này có nghĩa là NATO là một bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Dù vậy, ông nói: “Có nhiều cách để chúng tôi bảo đảm rằng Ukraine có thể vận hành các hệ thống tiên tiến hiện đại mà không cần triển khai nhân viên NATO bên trong Ukraine.”
3. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin về vụ đặt bom một kẻ phản bội
Vitaly Bulyuk, phó chủ tịch thứ nhất do Nga bổ nhiệm của vùng Kherson, đã liên quan đến một vụ tai nạn xe hơi, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS và kênh Telegram chính thức của Nga trong khu vực này đồng loạt đưa tin.
Tuy nhiên, hai báo cáo của hai phương tiện truyền thông này hoàn toàn mâu thuẫn với nhau về tình trạng của Bulyuk.
TASS, trích dẫn người đứng đầu Sở Y tế khu vực Vadim Ilmiev, tường trình Bulyuk đã bị thương trong một “vụ nổ xe hơi”.
Ilmiev được trích dẫn nói, “anh ấy bị thương, tình trạng ổn định, mức độ nghiêm trọng vừa phải. Anh ấy đang ở một trong những cơ sở y tế của khu vực.”
Tuy nhiên, kênh Telegram của Nga trong khu vực phía Đông Kherson còn bị chiếm đóng báo cáo rằng Bulyuk “không bị thương” và “thật kỳ diệu là Vitaly Viktorivich không bị thương. Tính mạng của anh ấy hiện không gặp nguy hiểm”.
Kênh Telegram đã báo cáo thêm một số chi tiết về vụ việc, nói rằng vụ nổ diễn ra ở thành phố Skadovsk và “một thường dân đã thiệt mạng”.
Hiện chưa rõ ai là người tử vong.
Trước đó, hôm 15 tháng 11, Ekaterina Gubareva, phó chủ tịch thứ hai của cái gọi là chính quyền dân sự- quân sự khu vực Kherson do Nga cài đặt đã bị bắt cóc ngay giữa ban ngày.
Ekaterina Gubareva, sinh năm 1983, là một phụ nữ rất đẹp, từng là hoa hậu của Ukraine. Sau năm 2014, cô ta theo bọn ly khai trong cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng và được phong làm Bộ Trưởng Ngoại Giao sau khi kết hôn với thủ lĩnh của nhóm này là Pavel Gubarev. Trong cuộc xâm lược Ukraine năm nay, Ekaterina Gubareva được Nga cử làm phó chủ tịch thứ hai của cái gọi là chính quyền dân sự- quân sự khu vực Kherson.
Theo các phương tiện truyền thông Ukraine, cô đã bị hai nữ biệt kích Ukraine tiếp cận khi mới rời khỏi trụ sở ở Henichesk, sau khi quân Nga tháo chạy khỏi phía Tây Kherson. Tuy nhiên, theo thông tấn xã TASS của Nga, cô ta bị cơ quan đặc vụ Nga, gọi tắt là FSB bắt cóc vì có liên quan đến một vụ tham ô rất lớn.
4. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết “hỗ trợ vững chắc” cho Ukraine, bao gồm tăng cường hệ thống phòng không
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy nước, gọi tắt là G7, đã cam kết hôm thứ Hai sẽ dành “sự ủng hộ vững chắc” và tình đoàn kết cho Ukraine bằng cách hứa sẽ tăng cường sức mạnh cho nước này bằng các hệ thống quân sự và phòng không, đồng thời lên án “cuộc chiến tranh xâm lược” đang diễn ra của Nga.
“Chúng tôi lên án các cuộc tấn công tàn bạo và vô nhân đạo liên tục của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các cơ sở năng lượng và nước, cũng như các thành phố trên khắp Ukraine, đồng thời nhắc lại rằng các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường hoặc các đối tượng dân sự, cấu thành tội ác chiến tranh,” một tuyên bố từ Các nhà lãnh đạo G7 cho biết. “Chúng tôi quyết tâm giúp Ukraine sửa chữa, khôi phục và bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng và nước quan trọng của mình.”
Tuyên bố cũng cho biết các nhà lãnh đạo quyết tâm rằng Nga cuối cùng sẽ phải trả tiền cho việc khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng “bị hư hại hoặc phá hủy” do cuộc xâm lược.
“Chúng tôi sẽ buộc Tổng thống Putin và những người có liên quan đến phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế,” tuyên bố cho biết. “Chúng tôi nhắc lại rằng luận điệu hạt nhân vô trách nhiệm của Nga là không thể chấp nhận được và bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng lên án việc Nga “tiếp tục chiếm giữ” Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng họ ủng hộ các nỗ lực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, nhằm thiết lập một khu vực an toàn và an ninh.
“Nga có thể kết thúc cuộc chiến này ngay lập tức bằng cách ngừng các cuộc tấn công chống lại Ukraine và rút hoàn toàn và vô điều kiện các lực lượng của mình khỏi lãnh thổ Ukraine”, tuyên bố cho biết.
CNN đã đưa tin trước đó vào thứ Hai rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nằm trong số các nhà lãnh đạo G7 sẽ tham gia cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho cuộc họp ảo vào thứ Hai, một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN. Năng lượng - cả hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine, cũng như các vấn đề năng lượng của Liên minh Âu Châu - được coi là chủ đề chính.
5. Chính quyền Slovakia thảo luận về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine với các đối tác NATO.
“Chúng tôi vẫn chưa cung cấp cho các bạn MiG-29. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó. Chúng tôi đang nói chuyện với các đối tác NATO của chúng tôi về cách thực hiện điều đó. Và hôm nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất ý nghĩa với Tổng thống của các bạn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chúng tôi đã giải thích với Tổng thống của các bạn về cách chúng tôi có thể làm điều này. Và tôi nghĩ rằng một phái đoàn Ukraine sẽ đến Slovakia trong vài tuần tới và chúng tôi sẽ làm việc cùng với những người bạn Mỹ của chúng tôi để biến điều này thành hiện thực,” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Âu Châu của Cộng hòa Slovakia Rastislav Káčer nói với Interfax-Ukraine trong một cuộc phỏng vấn.
Bộ trưởng lưu ý rằng Slovakia đã phê duyệt “vài nghìn hỏa tiễn dùng cho MiG-29” vào ngày 7 tháng 12. Ông cũng cho biết đã thảo luận vấn đề cung cấp máy bay với Tổng thống Ukraine trong cuộc gặp.
“Tôi và Tổng thống Zelenskiy cũng đã thảo luận khá chi tiết về vấn đề này. Và tôi nghĩ mình phải giữ bí mật về việc sẽ thực hiện như thế nào để không gây nguy hiểm cho nó. Nhưng tôi sẽ nói rằng hôm nay chúng tôi đã có một cuộc trao đổi quan điểm rất, rất tốt với Tổng thống Zelenskiy về cách chúng tôi sẽ thực hiện điều đó. Vì vậy, tôi rất lạc quan, tôi nghĩ rằng nó cũng sẽ sớm được thực hiện, máy bay sẽ đến Ukraine,” Káčer nói thêm.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết Slovakia đã lên kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 và xe tăng cho Ukraine. Các xe tăng của Slovakia đã lăn bánh trên chiến trường Ukraine. Không quân Ukraine được tin là sẽ sớm sang Slovakia để lái tất cả các chiến đấu cơ Mig-29 về Ukraine. Bù lại, Hoa Kỳ sẽ chuyển giao các chiến đấu cơ F-15 và F-16 cho Slovakia.
6. Thủ tướng Shmyhal cho biết OECD mở văn phòng khu vực tại Ukraine
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gọi tắt là OECD, đã khởi động quá trình mở văn phòng khu vực tại Ukraine.
“Một thỏa thuận vừa được ký kết tại Paris chính thức củng cố việc ra mắt Văn phòng Liên lạc OECD Kyiv. Vì Ukraine được công nhận là thành viên tiềm năng của OECD, văn phòng ban đầu sẽ hoạt động cho đến năm 2026 để hỗ trợ nhà nước của chúng tôi trong quá trình phục hồi”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết như trên.
Đáng chú ý là OECD từng là đồng thực hiện Kế hoạch Marshall và hiện đang giúp xây dựng kế hoạch phục hồi cho Ukraine, Thủ tướng cho biết thêm và cảm ơn sự hỗ trợ của OECD.
Ngoài ra, như Shmyhal đã lưu ý, trong tháng này, Chính phủ đã nhận được bản mô tả về các điều khoản chương trình của OECD sẽ giúp thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau.
“Chúng tôi sẵn sàng cùng bắt đầu chuẩn bị để gia nhập câu lạc bộ các quốc gia thành công càng sớm càng tốt. Điều này sẽ đánh dấu sự sẵn sàng của Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và sẽ góp phần củng cố đất nước chúng tôi với tư cách là một nhà lãnh đạo khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Như tin đã đưa, Thủ tướng, Đệ nhất Phu nhân và các quan chức Chính phủ có chuyến thăm và làm việc tại Pháp.
7. Bộ Trưởng Ngoại Giao Kuleba vạch ra cách để Liên Hiệp Âu Châu tăng cường hỗ trợ
Ukraine cần nhiều vũ khí và đạn dược hơn để giành chiến thắng và kết thúc chiến tranh bằng một nền hòa bình công chính. Ông phát biểu như trên, đồng thời đưa ra ba cách để tăng cường hỗ trợ từ phía Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia thành viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu trực tuyến của ông tại cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Hai.
“ Ukraine có thể kết thúc cuộc chiến này bằng một chiến thắng và hòa bình càng sớm càng tốt, và sẽ làm như vậy trong trường hợp sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Âu Châu được tăng lên đáng kể. Do đó, tôi kêu gọi các bạn tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine”, ông Kuleba nói.
Theo lời ông, có ba cách để tăng cường hỗ trợ: cung cấp thêm vũ khí và đạn dược; mở rộng Định Chế Hòa bình Âu Châu, gọi tắt là EPF, để tài trợ cho việc mua vũ khí; triển khai nhanh các dây chuyền sản xuất đạn dược, cụ thể là có sự tham gia của các doanh nghiệp Ukraine.
Kuleba nhấn mạnh: “Nhu cầu ưu tiên hàng đầu là hệ thống phòng không và phòng thủ hỏa tiễn, xe bọc thép, cụ thể là xe bánh xích, pháo 155 ly và các loại đạn dược liên quan, và tất nhiên là cả xe tăng tiêu chuẩn NATO”.
Theo ông Kuleba, thành công gần đây của Ukraine trong việc giải phóng các vùng lãnh thổ phía đông và phía nam không nên 'xoa dịu' các đối tác, khi Nga tiếp tục gửi các binh sĩ được điều động ra mặt trận, còn Ukraine đang thành lập các đơn vị mới cần được trang bị.
Kuleba cảm ơn những đối tác đã thông qua các quyết định quan trọng về đóng góp tài chính mới, gói viện trợ quân sự, thành lập trung tâm bảo trì và các bước khác. Ông bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với việc thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine.
Kuleba nhấn mạnh sự cần thiết phải đối mặt với các tường thuật của Nga cho rằng Nga sẵn sàng đàm phán mà Ukraine thì không. Về vấn đề này, Kuleba đã đề cập đến Công thức Hòa bình 10 điểm đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy công bố.
Kuleba nhắc lại lời mời các đối tác Âu Châu lựa chọn các yếu tố của Công thức Hòa bình mà họ sẵn sàng thực hiện cùng với Ukraine. Theo cách nói của ông, cơ chế này sẽ có ý nghĩa toàn cầu và không chỉ liên quan đến các nước Âu Châu mà cả Nam bán cầu.
8. Kherson bị Nga tấn công ồ ạt: 2 người chết, và 5 bị thương
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 13 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết quân đội Nga đang pháo kích Kherson, người ta đã biết khoảng hai người thiệt mạng và năm người bị thương.
“Kherson đang bị Nga tấn công ồ ạt. Tại thời điểm này, chúng tôi biết có 7 nạn nhân, 2 trong số họ đã chết”, phát ngôn nhân nói.
Ông lưu ý rằng các đội hỗ trợ y tế khẩn cấp cùng với Hội Hồng Thập Tự đang hướng đến huyện Ostriv. Con số thương vong hiện chưa rõ.
Ông kêu gọi cư dân Kherson lập tức đến nơi trú ẩn khi nghe thấy tiếng nổ.
Trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã tấn công một khu dân cư ở Kherson, làm hư hại một ngôi nhà và đường dây điện.