Trưa Thứ Tư 28 tháng 12, theo giờ địa phương Rôma, Vatican cho biết, sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI ngày càng xấu đi do tuổi tác của ngài, và các bác sĩ đang liên tục theo dõi tình trạng của vị Giáo Hoàng hưu trí năm nay đã 95 tuổi.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô, đã yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Đức Bênêđictô, và đã đến thăm người tiền nhiệm của ngài tại tu viện Mẹ Giáo Hội trong khuôn viên Vatican, nơi vị giáo hoàng danh dự đã sống kể từ khi nghỉ hưu vào tháng 2 năm 2013.
Ông Matteo Bruni, nói: “Về tình trạng sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin cầu nguyện vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng nay, tôi có thể xác nhận rằng trong những giờ qua, tình trạng xấu đi vì tuổi cao đã xảy ra,” Bruni cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản gởi cho các ký giả.
Ông nhấn mạnh rằng:
“Tình hình tại thời điểm này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và Đức Giáo Hoàng Danh dự được các bác sĩ liên tục theo dõi”
Vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 28 tháng 12, Đức Phanxicô đã nói thêm bên cạnh những nhận xét đã được chuẩn bị sẵn của ngài rằng Đức Bênêđictô đang “ốm nặng” và yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho vị giáo hoàng đã về hưu.
Đức Phanxicô không nói chi tiết về tình trạng của Đức Bênêđictô. Ngài nói: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô, người đang thầm lặng nâng đỡ Giáo hội,” ĐTC Phanxicô nói trong bài phát biểu gần cuối buổi tiếp kiến kéo dài một giờ: “Tôi xin nhắc anh chị em rằng ngài đang ốm nặng”
Đức Phanxicô nói tiếp rằng: “Chúng ta hãy xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu này đối với Giáo hội cho đến cùng”.
Sau buổi tiếp kiến kéo dài một giờ, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến tu viện Mẹ Giáo Hội để thăm Đức Bênêđictô XVI. Tất cả chúng ta hãy hiệp nhất với ngài để cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự,” Ông Matteo Brun nói.
Đức Bênêđíctô là vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 600 năm. Ngài ngày càng yếu đi trong những năm gần đây khi dành phần còn lại của cuộc đời mình để cầu nguyện và suy tư.
Khi Đức Bênêđictô tròn 95 tuổi vào tháng 4, thư ký lâu năm của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, cho biết vị giáo hoàng đã nghỉ hưu có tinh thần tốt, đồng thời nói thêm rằng “về thể chất, ngài tương đối yếu ớt và mong manh, nhưng khá minh mẫn.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghé thăm Đức Bênêđíctô tại tu viện bốn tháng trước sau công nghị tấn phong các tân Hồng Y. Đức Thánh Cha và các tân Hồng Y đã đến chào Đức Giáo Hoàng Danh dự theo một truyền thống sau khi Đức Giáo Hoàng Danh dự không thể đến Đền Thờ Thánh Phêrô tham dự các nghi lễ tấn phong.
Vatican đã công bố một bức ảnh vào thời điểm đó cho thấy Đức Bênêđíctô trông rất gầy đang nắm chặt tay của Đức Phanxicô khi các ngài mỉm cười với nhau.
Trong những năm đầu tiên nghỉ hưu, Đức Bênêđíctô đã tham dự một số nghi lễ tấn phong Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Nhưng trong những năm gần đây, ngài không thể tham gia các nghi lễ lâu giờ.
Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tên khai sinh là Joseph Aloisius Ratzinger. Ngài chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1927. Ngài cai quản Hội Thánh Công Giáo từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 cho đến khi ngài thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Việc bầu Đức Bênêđíctô làm giáo hoàng đã diễn ra trong mật nghị giáo hoàng năm 2005 sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về.
Được thụ phong linh mục năm 1951 tại quê hương Bavaria, Cha Ratzinger dấn thân vào sự nghiệp học thuật và trở thành một nhà thần học được đánh giá cao vào cuối những năm 1950. Ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức vào năm 1958 ở tuổi 31. Sau một thời gian dài làm giáo sư thần học tại một số trường đại học Đức, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y vào năm 1977. Đó là một sự thăng tiến bất thường cho một người có ít kinh nghiệm mục vụ. Năm 1981, ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là một trong những thánh bộ quan trọng nhất của Giáo triều Rôma. Từ năm 2002 cho đến khi được bầu làm giáo hoàng, ngài cũng là Niên trưởng Hồng Y đoàn.
Theo ký giả lão thành chuyên về Vatican, Sandro Magister, trước khi trở thành Giáo Hoàng, ngài là “nhân vật chính trên sân khấu Vatican trong một phần tư thế kỷ”; ngài có ảnh hưởng "không ai sánh kịp khi thiết lập các ưu tiên và phương hướng của Giáo Hội" với tư cách là một trong những người thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã sống ở Rome từ năm 1981.
Các bài viết phong phú của ngài thường bảo vệ các giá trị và giáo lý Công Giáo truyền thống. Trong thời gian cai quản Giáo Hội, Đức Bênêđíctô XVI ủng hộ việc quay trở lại các giá trị cơ bản của Kitô Giáo để chống lại sự gia tăng thế tục hóa của nhiều nước phương Tây. Ngài coi việc thuyết tương đối phủ nhận chân lý khách quan, và đặc biệt là phủ nhận chân lý luân lý, là vấn đề trung tâm của thế kỷ 21.
Giáo huấn của ngài tập trung vào tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo và sự hiểu biết về tình yêu cứu độ của Chúa. Đức Bênêđictô cũng làm sống lại một số truyền thống, kể cả việc nâng Thánh lễ Latinh lên một vị trí nổi bật hơn. Ngài củng cố mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nghệ thuật, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh và giới thiệu lại lễ phục truyền thống của Đức Giáo Hoàng, vì lý do đó ngài được gọi là vị "giáo hoàng của thẩm mỹ". Ngài cũng đề cao mối tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa đạo lý và khoa học. Vì thế, ngài được mô tả là “lực lượng trí thức chính trong Giáo hội” kể từ giữa những năm 1980.
Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô bất ngờ tuyên bố thoái vị trong một bài phát biểu bằng tiếng Latinh trước các Hồng Y, với lý do "tâm trí và thể chất thiếu sức mạnh" do tuổi cao. Việc thoái vị của ngài có hiệu lực vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII thoái vị vào năm 1415. Trước Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII, vào năm 1294, Đức Giáo Hoàng Celestinô V là vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị.
Ngài được Đức Phanxicô kế vị vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, và ngài chuyển đến Tu viện Mẹ Giáo Hội mới được trùng tu ở Vatican để nghỉ hưu vào ngày 2 tháng 5 năm 2013. Khi nghỉ hưu, Đức Bênêđictô XVI thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng cùng với Đức Phanxicô.
Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, Đức Bênêđíctô còn thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở mức độ lưu loát. Ngài cũng biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp trong Kinh thánh. Ngài là thành viên của một số học viện khoa học xã hội, chẳng hạn như Học Viện Khoa Học về Luân Lý và Chính Trị của Pháp. Ngài thích chơi piano và thích nhạc của Mozart và Bach.
Vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, Đức Bênêđictô XVI trở thành người sống lâu nhất đã từng nắm giữ chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh, ở tuổi 93, 4 tháng, 16 ngày, vượt qua Đức Lêô XIII, qua đời năm 1903. Đức Bênêđictô cũng là vị Hồng Y cuối cùng còn sống trong số các vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong.