Elie SAIKALI của đài truyền hình Pháp, France 24, có bài tường trình nhan đề “Patriarch Kirill: The politically influential head of the Russian Orthodox Church”, nghĩa là “Thượng phụ Kirill: Người đứng đầu có ảnh hưởng chính trị của Giáo hội Chính thống Nga”.
Tên khai sinh là Vladimir Mikhailovich Gundyayev, Kirill là Thượng Phụ thứ mười sáu của Giáo Hội Chính thống Nga kể từ khi ông đăng quang vào năm 2009. Ông đã thu hút sự chú ý của quốc tế với những tuyên bố công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Ngày 5 tháng Giêng, Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga tại Mạc Tư Khoa kêu gọi ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine ở Ukraine để các lực lượng đối lập có thể tổ chức lễ Giáng Sinh Chính thống vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Vài giờ sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đình chiến kéo dài 36 giờ, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, mặc dù hỏa lực pháo binh vẫn tiếp tục vào thứ Sáu và thứ Bảy từ cả hai bên.
Thượng phụ Kirill có thể gây ảnh hưởng ở Nga đến mức có thể áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Putin không?
Vladimir Mikhailovich Gundyayev vào chủng viện ở Leningrad (nay là St. Petersburg) năm 19 tuổi và chịu chức linh mục năm 23 tuổi. Chưa đầy một thập kỷ sau, ông đã trở thành giám mục. “Ông ấy nhanh chóng được Tổng Giám Mục Nikodim, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa, chú ý trong những năm 1960 và 70. Kirill đã được phong làm giám mục ở tuổi 30 trong khu vực Leningrad.”
Giáo sư Antoine Nivière, một chuyên gia về lịch sử văn hóa và tôn giáo Nga tại Đại học Lorraine của Pháp, giải thích rằng Chính Thống Giáo Nga bị cộng sản thao túng đến mức Giáo Hội này là Giáo Hội quốc doanh giống như tình trạng của Công Giáo Yêu Nước ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đó Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa không nên coi là một tổ chức tôn giáo. Nó là một cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong cơ quan đó, bộ phận quan hệ đối ngoại này “cực kỳ chính trị và có liên hệ trực tiếp với KGB, bởi vì nó thường xuyên liên quan đến các hoạt động liên lạc với các nhân vật tôn giáo và chính quyền ở các quốc gia khác”. Nivière cho biết các giáo sĩ làm việc trong bộ phận phải “báo cáo đầy đủ bất cứ khi nào họ trở về từ các chuyến công du nước ngoài và sau bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với các phái đoàn nước ngoài”.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 1990, một ủy ban quốc hội Nga điều tra các hoạt động của KGB cho rằng rất có khả năng điệp viên khi đó được gọi là “Mikhailov” chính là người đàn ông hiện được gọi là Thượng phụ Nga Kirill. Nivière nói: “Tất cả những yếu tố này dẫn đến sự nghi ngờ mạnh mẽ về mối quan hệ giữa KGB và Giáo Hội Chính Thống Nga, trong thời kỳ đó, bị kiểm soát và giám sát rất nhiều”. Cha và ông nội của Thượng phụ Kirill, cả hai đều là giáo sĩ, đã bị giam giữ trong các trại lao động của Liên Xô.
Vào ngày 25 tháng 2 năm 1991, Vladimir Gundyayev được nâng lên Tổng Giám Mục Smolensk và Kaliningrad. Ông được bầu làm Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga vào ngày 1 tháng 2 năm 2009.
Quyền lực 'từ trên xuống'
Thượng phụ Kirill “có ảnh hưởng lớn đối với xã hội dân sự, các tín hữu Chính thống giáo và chính phủ Nga theo nghĩa ông là một nhân vật của công chúng, người từ lâu đã tham gia vào các vấn đề nóng hổi của xã hội Nga. Ông đã tích cực tranh luận công khai từ thời Xô Viết, đặc biệt là trong mười năm qua,” Cyril Bret, nhà nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Viện Jacques Delors và là giảng viên tại Science Po Paris, cho biết.
Như vậy, ông ấy có ảnh hưởng cực kỳ lớn ở Nga, nhưng không chỉ như thế “Ông ấy lãnh đạo cộng đồng Chính thống giáo lớn nhất thế giới và là giáo sĩ Chính thống giáo giàu có nhất thế giới. Do đó, ông ấy cũng có ảnh hưởng quốc tế vô cùng mạnh mẽ,” Bret nói.
“Rất giống với Vladimir Putin, Thượng phụ Kirill đã áp đặt cơ cấu quyền lực từ trên xuống trong Giáo hội Chính thống Nga kể từ năm 2009. Ông đưa ra tất cả các quyết định sau đó được chuyển cho các giám mục. Ông ấy áp đặt ý chí và lựa chọn của mình,” Nivière nói.
Kirill, 76 tuổi, đã tự tạo cho mình một vị trí trong giới cầm quyền của Nga. “Nói đúng ra thì ông ấy không có bất kỳ quyền lực chính thức nào ở cấp nhà nước Nga. Ông không phải là 'người hướng dẫn tinh thần' của chế độ. Nhưng, ông ấy dù sao cũng là một phần của hệ thống vì ông ấy đại diện cho tôn giáo truyền thống chính ở Nga,” Nivière nói.
“Thượng Phụ Kirill là một người rất thông minh, tài giỏi và có năng lực. Ông ấy có ý thức về chính trị và ông ấy thể hiện bản thân rất tốt trước công chúng. Đối với những người có cùng tâm lý với KGB, như Putin, ông ấy là một trong số họ”. Kirill là một phần của hệ thống “Putinian” và chính quyền Nga “vì đã đưa ra nhiều cam kết với họ và vì đã thực hiện các dịch vụ 'tốt và trung thành' cho nhà nước.”
Thượng phụ Kirill có “mối quan hệ chặt chẽ với các giới chức chính phủ, đặc biệt là với nhánh bảo thủ của đảng Nước Nga Thống nhất, là đảng cầm quyền hiện nay. Ông ấy có mối quan hệ rất thân thiết với cựu tổng thống và thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ông ấy thực sự gần gũi với Vladimir Putin,” Bret nói.
“Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill có các cuộc gặp gỡ thường xuyên. Đôi khi họ cùng nhau nghỉ ngắn hạn trong các tu viện ở Nga. Có một sự gần gũi nhất định, nhưng không phải là một sự đồng lõa mạnh mẽ giữa họ. Đó là một trò chơi tinh tế vì lợi ích chung,” Nivière nói.
Như Bret chỉ ra, Kirill “ủng hộ chính sách gia đình của chính phủ cũng như chiến dịch quân sự của Nga ở Syria từ năm 2015”.
Kể từ khi Kirill lên làm người đứng đầu Tòa Thượng Phụ ở Nga, ông đã trở thành chủ đề của một số vụ tai tiếng trên báo chí khiến hình ảnh của ông phần nào bị hoen ố. Nivière nói: “Chúng ta đã thấy những bức ảnh chụp ông ấy đi trên một chiếc du thuyền sang trọng, và trong một bức ảnh khác, ông ấy đeo một chiếc đồng hồ trị giá từ 20.000 đến 25.000 euro đã được làm mờ rất kỹ. Hình ảnh của ông ấy không mấy tích cực đối với một bộ phận những người theo Chính thống giáo ở Nga.”
Đối với Nivière, “ông ấy tạo ấn tượng là một người đàn ông quyền lực, thích được bao quanh bởi một mức độ thoải mái nhất định. Mặc dù là một tu sĩ, như tất cả các giám mục Chính thống giáo, ông không được tiếng là khổ hạnh – trái ngược với Đức Thánh Cha Phanxicô chẳng hạn.”
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill đã nhiệt thành ủng hộ các lựa chọn của tổng thống Nga. Ông đã có một số bài giảng theo quan điểm này, ban phước lành cho quân đội Nga trong khi tố cáo chính quyền Ukraine.
Trong một bài giảng vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga đã coi những kẻ chống lại “sự thống nhất lịch sử” của Nga và Ukraine là “thế lực xấu xa”. Vào cuối tháng 9, ông khẳng định trong một bài giảng rằng những người bị giết trong khi thực hiện “nghĩa vụ” quân sự của họ đã “thực hiện một sự hy sinh để rửa sạch mọi tội lỗi”.
“Lời kêu gọi đình chiến cho lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo cho phép Thượng phụ Kirill cải thiện hình ảnh của mình vốn đã bị tổn hại nặng nề kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đặc biệt là giữa những người Ukraine theo Chính thống giáo. Nivière giải thích rằng đó cũng là một nỗ lực để cải thiện hình ảnh của ông trên trường quốc tế và trong mối quan hệ đại kết với các Giáo Hội Kitô khác. “Cử chỉ này cũng cho phép ông ta chứng tỏ rằng ông ta không phải là kẻ hiếu chiến như người ta mô tả trong vài tháng qua.”
Source:France 24