1. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp Tổng thống Paraguay vào thứ Sáu tuần này

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp Tổng thống Paraguay, Mario Abdo Benítez, trong buổi yết kiến vào thứ Sáu tuần này, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã cho biết như trên.

Ông Abdo đã tới Rôma, nơi ông sẽ ở thăm Ý thứ Ba đến thứ Bảy, cùng với đệ nhất phu nhân Silvana López. Như một phần trong chuyến công du, phái đoàn Paraguay sẽ được vị giáo hoàng người Á Căn Đình tiếp.

Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Paraguay tới Tòa Thánh sau chuyến thăm vào tháng 11 năm 2018, khi Abdo Benítez mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước lần thứ hai sau chuyến đi của ngài vào tháng 7 năm 2015.

Trong tổng số 9 triệu 600 ngàn dân, có 89.6% theo Công Giáo. Giáo Hội tại đây có một tổng giáo phận, 11 giáo phận, một giáo phận quân đội và 2 miền Giám Quản Tông Tòa.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thăm quốc gia này từ 16 tháng 5 đến 18 tháng 5, 1988. Vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm quốc gia này là Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 10 tháng 7 đến 12 tháng 7, 2015.

Sau cuộc gặp gỡ với tổng thống Paraguay, ngày hôm sau, 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ tiếp kiến Tổng thống Ecuador, Guillermo Lasso, người đã bắt đầu chuyến công du Âu Châu vào hôm thứ Sáu tuần trước, chuyến công du đã đưa anh đến Tây Ban Nha và cũng sẽ đến Thụy Sĩ để tham gia Diễn đàn Davos.
Source:unionradio.net

2. Đức Ratzinger, một Augustinô hiện đại. Cách đọc lịch sử dưới ánh sáng của sự sống vĩnh cửu

Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu người Ý chuyên về Vatican, có bài viết nhan đề “Ratzinger, moderno Agostino. Come leggere la storia alla luce della vita eterna”, nghĩa là “Đức Ratzinger, một Augustinô hiện đại. Cách đọc lịch sử dưới ánh sáng của sự sống vĩnh cửu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cuộc đời của Joseph Ratzinger có khá nhiều điểm chung với cuộc đời của Thánh Augustinô, tiến sĩ Hội Thánh mà ngài yêu mến nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong thông điệp “Spe Salvi Facti Sumus”, hay “Chúng Ta Được Cứu Rỗi Trong Hy Vọng” năm 2007, là thông điệp rõ ràng nhất của chính ngài, được viết hoàn toàn bởi chính tay ngài, ngài đã kể lại chính xác những gì đã xảy ra với Thánh Augustinô, khi thấy mình bất ngờ được kêu gọi cai quản Giáo hội thay vì cống hiến hết mình cho một cuộc sống nghiên cứu.

“Tất cả những gì ngài muốn là được phục vụ cho sự thật. Ngài không cảm thấy mình có ơn gọi sống đời mục tử, nhưng sau đó nhận ra rằng Thiên Chúa kêu gọi ngài làm mục tử giữa những người khác và do đó cống hiến cho mọi người món quà chân lý”: đây là điều Đức Bênêđíctô XVI đã nói trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 9 tháng Giêng, 2008, trong đó ngài dành trọn diễn từ của mình để nói về “Người Cha vĩ đại nhất của Giáo hội Latinh.”

Trên thực tế, ngay cả khi là giám mục và sau đó là giáo hoàng, Đức Ratzinger vẫn luôn là một nhà thần học. Và “Spe Salvi,” dành riêng cho niềm hy vọng Kitô giáo, là một trong những điểm nổi bật trong giáo huấn của ngài, trong cuộc đối đầu trực tiếp với nền văn hóa hiện đại. Chống lại ảo tưởng rằng có một giải pháp trần thế cho những bất công của thế giới, Đức Thánh Cha Bênêđíctô viết – “chính câu hỏi về công lý cấu thành lập luận thiết yếu, và trong bất kỳ trường hợp nào là lập luận mạnh mẽ nhất, ủng hộ niềm tin vào sự sống vĩnh cửu”.

Roberto Pertici, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Bergamo, đã phân tích sâu xa tầm nhìn về lịch sử mà với thông điệp này, Joseph Ratzinger đã giao phó cho chúng ta như di sản của ngài, trong những thời điểm khó khăn này cho nhân loại và cho Giáo hội.
Source:Sandro Magister

3. Hàng ngàn người tham dự tang lễ của Thánh Phanxicô thời hiện đại ở Ý

Hàng ngàn người đã tham dự tang lễ ngày 17 Tháng Giêng của Biagio Conte, nhà truyền giáo giáo dân sáng lập Hiệp Hội Truyền Giáo Hy vọng và Bác ái, là người còn được gọi là “Thánh Phanxicô thời hiện đại.”

Đức Cha Corrado Lorefice, tổng giám mục Palermo, Ý, và là giáo chủ của Sicily, là người chủ tế chính trong Thánh lễ, được đồng tế bởi nhiều giám mục và linh mục.

Lễ tang được tổ chức tại nhà thờ Palermo, nơi đã chật kín chỗ.

Theo các số liệu chính thức, khoảng 1.500 tín hữu đã có mặt bên trong nhà thờ, và ít nhất 9.000 người theo dõi buổi lễ trên các màn hình khổng lồ đặt bên ngoài và xung quanh nhà thờ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Lorefice nhấn mạnh rằng Conte “đã cầu nguyện với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, là kim chỉ nam, là Sao Bắc Đẩu cho cuộc sống của anh.”

Conte, 59 tuổi, qua đời vào ngày 12 Tháng Giêng vì bệnh ung thư ruột kết, theo hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Lorefice tạ ơn Chúa vì món quà Conte “cho thành phố Palermo, cho Giáo hội và cho thế giới,” bởi vì “anh là một Kitô hữu giáo dân trung thành, một người anh em tin vào Lời Chúa cho đến cùng.”

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng cuộc đời của Conte là một “bằng chứng đơn giản và mạnh mẽ về tình yêu rõ ràng của anh đối với Tin Mừng” và anh đã chiến đấu ôn hòa bằng việc ăn chay để chứng minh rằng “có thể chống lại mọi hình thức bạo lực, mọi cấu trúc và hình thức mafia, và không cần đến bạo lực.”

Cha Giuseppe Vitrano nêu bật chứng tá của Conte, sống ở Palermo, thủ phủ của Sicily, “một vùng đất tử vì đạo vì sự hoành hành của Mafia,” và thêm rằng “Mafia có thể bị đánh bại bằng sự thánh thiện của cuộc sống.”

Sau cái chết của Conte, Đức Tổng Giám Mục Lorefice mời mọi người cầu nguyện và “thực hiện những cử chỉ bác ái, hòa giải và hòa bình cụ thể”.

Anh Biagio Conte sinh ra ở Palermo vào năm 1963.

Năm 16 tuổi, anh bắt đầu làm việc tại một công ty xây dựng do gia đình làm chủ.

Sau đó, anh chuyển đến Florence và sau đó sống như một ẩn sĩ ở vùng núi nội địa Sicily.

Sau đó, anh ấy đã thực hiện một chuyến hành hương đi bộ đến Assisi và câu chuyện của anh ấy đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông ở khắp nước Ý.

Trước khi đến sống ở Phi Châu với tư cách là một nhà truyền giáo, Conte đã ghé qua Palermo để chào tạm biệt những người thân của mình, nhưng khi nhìn thấy hoàn cảnh của những người dân nghèo trong thành phố, anh đã quyết định ở lại, và vào năm 1993, anh đã thành lập Hiệp Hội Truyền Giáo Hy vọng và Bác ái.

Kể từ thời điểm đó, nhiều ngôi nhà khác nhau dành cho người nghèo của thành phố đã được xây dựng, bao gồm cả một nơi trú ẩn cho phụ nữ, nơi ít nhất một nghìn phụ nữ theo thời gian đã tìm được một nơi để sống với mái che trên đầu.

Conte, thường được gọi là “Anh Biagio,” mặc một chiếc áo choàng màu nâu như các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn và mang theo một cây quyền trượng, đồng thời cũng được chú ý vì những cuộc tuyệt thực và phản đối yêu cầu chính quyền dân sự quan tâm nhiều hơn đến những người cần giúp đỡ


Source:Catholic News Agency