1. Các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ cho biết: Khinh khí cầu gián điệp là một phần trong hoạt động do thám quân sự rộng lớn hơn của Trung Quốc
CNN có bài tường trình nhan đề “Spy balloon part of a broader Chinese military surveillance operation, US intel sources say”, nghĩa là “Các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ cho biết: Khinh khí cầu gián điệp là một phần trong hoạt động do thám quân sự rộng lớn hơn của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các quan chức tình báo Hoa Kỳ tin rằng khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc được tìm thấy gần đây là một phần của chương trình do thám rộng rãi do quân đội Trung Quốc điều hành, nhiều quan chức Mỹ quen thuộc với tình báo đã cho biết như trên.
Các quan chức nói với CNN rằng chương trình do thám, bao gồm một số khinh khí cầu tương tự, một phần xuất phát từ tỉnh Hải Nam nhỏ bé của Trung Quốc. Mỹ không biết quy mô chính xác của đội khinh khí cầu do thám Trung Quốc, nhưng các nguồn tin nói với CNN rằng chương trình này đã thực hiện ít nhất hai chục nhiệm vụ trên ít nhất năm châu lục trong những năm gần đây.
Theo một quan chức quen thuộc với tình báo, khoảng nửa tá chuyến bay trong số đó đã lảng vảng gần không phận Hoa Kỳ.
Và không phải tất cả các khinh khí cầu được nhìn thấy trên toàn cầu đều có cùng kiểu mẫu với quả bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm thứ Bảy, quan chức đó và một nguồn tin khác quen thuộc với tình báo cho biết. Thay vào đó, có nhiều “biến thể”, những người này nói.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm thứ Tư rằng chương trình do thám rộng lớn hơn của Trung Quốc “đã vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên khắp năm châu lục” và rằng Hoa Kỳ sẽ chia sẻ “những phát hiện liên quan” về khinh khí cầu do thám “với Quốc hội cũng như với các đồng minh của chúng ta và các đối tác trên toàn thế giới.”
Các thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ đã thu hồi được nhiều phần của một khinh khí cầu do thám ờ tầm cao ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào Chúa Nhật.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng các quan chức cấp cao của chính quyền Biden “đã chia sẻ thông tin với hàng chục quốc gia trên thế giới, cả từ Washington và thông qua các đại sứ quán của chúng ta.
https://edition.cnn.com/2023/02/07/politics/spy-balloon/index.html
2. 'Tính toán sai lầm hoàn toàn': Trung Quốc chuyển sang chế độ quản lý khủng hoảng về hậu quả của khinh khí cầu
CNN có bài tường trình nhan đề “Total miscalculation’: China goes into crisis management mode on balloon fallout”, nghĩa là “'Tính toán sai lầm hoàn toàn': Trung Quốc chuyển sang chế độ quản lý khủng hoảng về hậu quả của khinh khí cầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trước thềm Năm Mới hy vọng của Trung Quốc dường như đang tăng cao rằng căng thẳng với Hoa Kỳ có thể giảm bớt trong những tháng tới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện điều tương tự vào cuối tháng trước khi nói rằng Trung Quốc sẽ “chào đón” chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken – một chuyến thăm dự kiến mà các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh coi là cơ hội để giúp củng cố nền kinh tế và hàn gắn các mối quan hệ ngoại giao căng thẳng.
Vì vậy, khi một khinh khí cầu tầm cao từ Trung Quốc mang theo trọng tải có kích thước bằng ba chiếc xe buýt được trang bị những thứ mà các quan chức Mỹ mô tả là thiết bị do thám được phát hiện trên lục địa Hoa Kỳ, rõ ràng là lơ lửng phía trên một quốc gia có tài sản quân sự quan trọng và cuối cùng gây ra một tai tiếng quốc tế – và diễn biến này tự nhiên đặt ra những câu hỏi quan trọng về chuyện gì đã xảy ra và tại sao.
Trung Quốc khẳng định chiếc khinh khí cầu bị Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương hôm thứ Bảy là một quả bóng khí tượng bay chệch hướng. Và các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đã có dấu hiệu vừa mất cảnh giác trước vụ việc vừa muốn ngăn chặn thiệt hại tiềm ẩn, không chỉ định hình tình huống là kết quả của các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, mà còn đưa ra một biểu hiện “hối tiếc” hiếm gặp về biến cố đó trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Trong khi một số sự thật quan trọng của tình hình vẫn chưa rõ ràng, phản ứng chính thức của Bắc Kinh - và thời điểm xảy ra vụ việc, dẫn đến việc Hoa Kỳ hoãn chuyến thăm Blinken - cho thấy giới lãnh đạo của họ hiện đang vật lộn với cách giải quyết một cuộc khủng hoảng ngoại giao đã gây ra thêm căng thẳng cho Trung Quốc trước những căng thẳng mà Trung Quốc đã hy vọng hàn gắn.
“Theo tất cả các tường thuật, giới lãnh đạo Trung Quốc mong muốn được đàm phán trực tiếp với Blinken… rất có thể nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn bảo đảm mọi thứ diễn ra suôn sẻ trước chuyến thăm,” Trang Gia Y Ân (Chong Ja Ian, 庄嘉伊恩), phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói. Thành ra, “Biến cố này xảy ra thật khó hiểu và kỳ lạ.”
Các khả năng
Bắc Kinh đã đưa ra những chi tiết sơ sài về nguồn gốc của khinh khí cầu, mà lần đầu tiên họ xác nhận là từ Trung Quốc trong một lời giải thích được đưa ra hơn 12 giờ sau khi Ngũ Giác Đài tuyên bố họ đang theo dõi vật thể này.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối thứ Sáu theo giờ địa phương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả khinh khí cầu là “khí cầu dân sự được sử dụng để nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học”, đã đi chệch “xa khỏi lộ trình dự kiến” do “khả năng tự điều khiển hạn chế” và lệch về phía tây.
Trong một tuyên bố tiếp theo vào hôm Chúa Nhật, Bắc Kinh dường như tìm cách liên kết thiết bị này với “các công ty”, chứ không phải với chính phủ hoặc quân đội của họ – mặc dù ở Trung Quốc, sự nổi bật của các doanh nghiệp nhà nước và một tổ hợp công nghiệp quân sự mạnh mẽ làm mờ đi ranh giới giữa hai bên. Hôm thứ Hai, Bắc Kinh thừa nhận một khinh khí cầu thứ hai trong những ngày gần đây đã “đi chệch hướng nghiêm trọng” so với lộ trình dự kiến và đi vào bầu trời Mỹ Châu Latinh và Caribê “do nhầm lẫn”. Tuy nhiên, nó đã từ chối cung cấp thêm thông tin về đơn vị nào đã sản xuất khinh khí cầu này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trình bày các chi tiết cho thấy vụ việc là một phần của nỗ lực do thám được hỗ trợ bởi một đội khinh khí cầu do thám Trung Quốc mà họ nói đã được phát hiện trên khắp năm châu lục trong vài năm qua.
Các nhà quan sát chính trị tinh hoa của Trung Quốc nói rằng thời điểm xảy ra sự xâm nhập kém tinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực phối hợp để tái can dự với thế giới và giảm bớt giọng điệu hiếu chiến của chính mình, cho thấy những lời giải thích khác nhau, từ một tính toán sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh cho đến một sự thiếu sót thông tin liên lạc trong chính phủ hoặc với một thực thể khác.
Tăng Tuấn Hoa, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London, cho biết bất kỳ hoạt động do thám nào liên quan đến không phận Hoa Kỳ sẽ “gần như chắc chắn” phải được sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả ông Tập.
Theo Tăng Tuấn Hoa (Steve Tsang, 曾俊华), điều đó cho thấy hoặc đã có một “tính toán sai lầm hoàn toàn” trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc và các cố vấn của ông ta nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ không phản ứng mạnh mẽ với khinh khí cầu, hoặc các nhà lãnh đạo hàng đầu đã không “liên kết các dấu chấm” giữa các hoạt động khác nhau để nhận ra gửi một khinh khí cầu sẽ có khả năng ảnh hưởng đến chuyến thăm của Blinken.
“Ông Tập muốn Blinken đến thăm và thảo luận các vấn đề cùng quan tâm. Tập đang cố gắng khắc phục nền kinh tế sau thảm họa của chính sách Zero Covid và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với chất bán dẫn. Vì vậy, ông ấy không thể muốn một sự việc về khinh khí cầu có thể làm hỏng một cuộc họp như vậy,” ông nói thêm.
Trang Gia Y Ân ở Singapore nêu ra một khả năng khác: Giống như nhiều cơ quan quan liêu lớn khác… tay phải có thể không biết tay trái đang làm gì và có thể có một vấn đề đơn giản là thiếu sự phối hợp,” ông nói.
Hậu quả
Các chuyên gia cho biết, mặc dù câu chuyện cốt lõi vẫn chưa rõ ràng vì chính quyền Trung Quốc vẫn chưa – và có thể không – cung cấp thêm thông tin, nhưng kết quả của vụ việc là một đòn giáng mạnh vào chính sách ngoại giao Mỹ-Trung – và cả Bắc Kinh.
Dương Thế Lợi (Dali Yang, 杨达利), một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết: “Tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc ở cấp quốc gia rõ ràng cảm thấy khó chịu và bị kích động bởi khinh khí cầu này.” “hối tiếc”, đặc biệt là so với những lời hoa mỹ thường gây hấn của nó trong những năm gần đây.
“Họ rõ ràng hy vọng rằng bằng cách nào đó chuyện này có thể được giải quyết ổn thỏa, đặc biệt là trong bối cảnh chuyến thăm đã được lên kế hoạch của Bộ trưởng Blinken vào thời điểm đó,” ông Dương nói.
Luận điệu của Bắc Kinh cứng rắn hơn đáng kể sau khi quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, với việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ “phản ứng thái quá” và “vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bày tỏ “sự phản đối nghiêm trọng”, cảnh báo rằng Bắc Kinh “bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với các tình huống tương tự”.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mảnh vỡ của khinh khí cầu không thuộc về Mỹ. “Khinh khí cầu là của Trung Quốc, không phải của Mỹ”, một phát ngôn viên của Bộ cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về việc liệu Mỹ có nên trả lại phần còn lại của khinh khí cầu cho Trung Quốc hay không.
“Đây là một vấn đề tế nhị đã diễn ra một cách công khai giữa hai nước. Do đó, có vấn đề tư thế,” Dương nói thêm. “Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, họ cũng có khán giả trong nước mà họ cần phải phục vụ,” ông nói, chỉ ra rằng Bắc Kinh không thể tỏ ra yếu thế.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã có dấu hiệu cố gắng che đậy luận điệu dân tộc chủ nghĩa xung quanh vụ việc, thay vì thổi phồng sự phẫn nộ – như Bắc Kinh đã làm trước đây trong các sự kiện gây căng thẳng Mỹ-Trung, chẳng hạn như chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào mùa hè năm ngoái.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Bảy cũng thông báo người đứng đầu cơ quan thời tiết nước này đã bị cách chức, trong một động thái được một số nhà phân tích coi là nỗ lực củng cố quan điểm của Bắc Kinh rằng khinh khí cầu tầm cao có tính chất dân sự chủ yếu phục vụ mục đích khí tượng. Tuy nhiên, điều khôi hài là quan chức này thực ra trước đó đã được thăng chức vào một vị trí mới từ hồi Tháng Giêng. Có hay không có chuyện khinh khí cầu này ông ta cũng sẽ rời khỏi vị trí đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hậu quả ngoại giao từ vụ việc sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.
Jude Blanchette, Giám đốc China Studies, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi tắt là CSIS, cho biết: “Sự việc khinh khí cầu này hiện khiến chúng ta lùi lại đáng kể, bởi vì lịch trình quan hệ Mỹ-Trung trong vài tháng tới không cho phép nhiều khoảng trống để hai bên thiết lập lại”. Ông nói thêm rằng cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken là cơ hội để thiết lập một số ranh giới cho mối quan hệ.
Trung Quốc sẽ tổ chức các phiên họp lập pháp thường niên vào tháng tới, khi một cuộc cải tổ lãnh đạo trong chính quyền trung ương sẽ được chính thức hóa. Tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được cho là đang lên kế hoạch thăm Đài Loan – một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Blanchette nói: “Mối quan hệ mà tôi nghĩ sẽ chỉ đi đến một nơi rất, rất tăm tối nếu hai bên không tìm ra cách nào đó để tạo ra một nền tảng bên dưới.”
https://edition.cnn.com/2023/02/06/china/china-response-suspected-spy-balloon-intl-hnk/index.html
3. Tại sao khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc là một sự xấu hổ lớn đối với Bắc Kinh?
Nhiều quan sát viên cho rằng các nhà ngoại giao và tuyên truyền của Bắc Kinh tỏ ra lúng túng và đã đưa ra nhiều tuyên bố ngớ ngẩn trong mấy ngày qua. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why the Chinese Spy Balloon is a Huge Embarrassment for Beijing”, nghĩa là “Tại sao khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc là một sự xấu hổ lớn đối với Bắc Kinh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Câu chuyện khinh khí cầu gián điệp đang diễn ra dường như đã làm choáng váng các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người đã đấu tranh để giành được sự tín nhiệm trong những ngày qua bằng cách tấn công.
Các nhà quan sát tiếp tục bị bối rối bởi quá trình ra quyết định ở Bắc Kinh, cũng như bởi sự lựa chọn của chính phủ Trung Quốc trong việc miêu tả mình là bên bị hại, bắt đầu bằng một giọng điệu hòa giải có thể đã cứu vãn được danh tiếng của họ trong bối cảnh hậu quả ngoại giao mới.
Chỉ vài tuần sau khi nhiệt liệt chào đón chuyến thăm Bắc Kinh được nhiều người mong đợi của Antony Blinken, Trung Quốc đã phản ứng lại quyết định hoãn chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ bằng cách tuyên bố rằng chuyến thăm Bắc Kinh chưa hề được xác nhận ngay từ đầu.
Sau khi những hình ảnh về vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám được đăng tải trên các trang báo trên khắp thế giới, Trung Quốc đã gửi một công hàm chính thức tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Tạ Phong, thứ trưởng ngoại giao mà nhiều người cho là sẽ trở thành đặc phái viên tiếp theo của Trung Quốc tại Washington, nói Mỹ “không nên thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc hoặc leo thang hoặc mở rộng căng thẳng”.
Vẫn còn những suy đoán về động cơ của Bắc Kinh khi gởi chiếc khinh khí cầu cao đến 61m sang Hoa Kỳ gần với chuyến thăm của Blinken tới Trung Quốc, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ trong 5 năm qua. Tổng thống Joe Biden, khi được hỏi một câu hỏi tương tự tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai, đã châm biếm: “Họ là chính phủ Trung Quốc.”
Một số người tin rằng khinh khí cầu có thể đã vô tình đi chệch hướng, nhiệm vụ do thám của nó có thể không được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc biết đến, những người đang bận rộn tổ chức một cuộc hòa hoãn công khai với các đối tác Hoa Kỳ. Những người khác nói rằng sai lầm duy nhất của chính phủ Trung Quốc là để cho hành động do thám này bị bắt quả tang.
Sau những tiết lộ tiếp theo của Hoa Kỳ, các quan chức Trung Quốc kể từ đó đã thừa nhận ít nhất một khinh khí cầu được cho là sai lầm khác, đang bay qua Mỹ Châu Latinh và vùng biển Caribê.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược của họ. Đầu tiên họ cố gắng cứu vãn chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken một cách riêng tư trước khi sự hiện diện của khinh khí cầu trên lục địa Hoa Kỳ được công khai. Sau đó, Bắc Kinh dường như đánh giá thấp tác động của vụ việc đối với Washington, và quay trở lại thái độ hiếu chiến không thể tránh khỏi của họ. Cuối cùng, thái độ này đã phá vỡ nỗ lực quyến rũ phương Tây sau nhiều năm tự cô lập trong đại dịch.
Craig Singleton, thành viên cấp cao của Trung Quốc tại Foundation for Defense of Democracies, một tổ chức tư vấn phi đảng phái, cho biết: “Phản ứng ngày càng tăng của Trung Quốc, thoạt đầu có vẻ ăn năn nhưng giờ trở thành đối đầu ngang bướng, sẽ không mang lại lợi ích gì cho Bắc Kinh ở Washington”.
“Rất khó có khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không biết về sự tồn tại của chương trình rủi ro cao này, ngay cả khi ông ấy tỏ ra không được thông báo rằng một nhiệm vụ đang được tiến hành vài ngày trước khi Bộ trưởng Blinken lên kế hoạch tới Bắc Kinh,” Singleton nói với Newsweek.
“Tôi cho rằng Bắc Kinh muốn tình tiết đáng xấu hổ này qua đi càng sớm càng tốt. Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không có hành động trả đũa nào nhằm vào các phương tiện trên không của Mỹ đang hoạt động hợp pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói.
Mắc kẹt trong lập luận cho rằng khinh khí cầu này là một “khí cầu dân sự” đang thu thập dữ liệu thời tiết và sau đó bị các lực ngoài tầm kiểm soát thổi bay, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với viễn cảnh rất thực tế là một số hoặc một phần các công nghệ và phương pháp của khinh khí cầu này sẽ bị Mỹ đưa ra trước thế giới.
Tương tự như vậy, Washington vẫn chưa thay đổi đánh giá ban đầu của mình, khẳng định rằng khinh khí cầu này đã cố tình đi ngang qua Hoa Kỳ để do thám các địa điểm nhạy cảm, và cuối cùng đã không đạt được mục tiêu do các biện pháp đối phó hiệu quả. Các quan chức cấp cao biết rằng công chúng Mỹ mong đợi chính quyền Biden tiết lộ thêm thông tin chi tiết về hoạt động thu hồi đang diễn ra ngoài khơi Nam Carolina.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy của NORAD và USNORTHCOM, cho biết hôm thứ Hai rằng mục đích là “cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho giới truyền thông, công chúng, Quốc hội – tất cả những ai quan tâm đến những gì chúng ta đang thực sự tìm thấy.”
Tòa Bạch Ốc đã không trả lời các câu hỏi của Newsweek về khả năng trả lại mảnh vỡ khinh khí cầu cho Trung Quốc.
Mao Ninh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hôm thứ Ba rằng con tàu “không thuộc về Hoa Kỳ Nó thuộc về Trung Quốc.”
Crystal Tu, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, chuyên gia tư vấn quân sự hàng đầu của Đài Loan, cho biết: “Tất cả các bằng chứng đặt ra trước Trung Quốc những lựa chọn rất hạn chế ngoài việc sử dụng con bài nạn nhân, vì lùi bước là điều không thể về mặt chính trị vào thời điểm này. Với những tuyên bố có thể bác bỏ của Trung Quốc và những phản ứng 'mất cảnh giác' cho đến nay, những điều này có thể cho thấy rằng lùi bước là bất ngờ.”
“Tôi đặc biệt bối rối trước quá trình ra quyết định của Trung Quốc. Ví dụ, làm thế nào Trung Quốc, với tư cách là một bên tham gia chính trong Tổ chức Khí tượng Thế giới với trung tâm khu vực ngay tại Bắc Kinh, có thể đã bỏ qua các dự báo thời tiết chuyên nghiệp trước khi triển khai như vậy,” Tu nói với Newsweek.
“Các luồng phản lực mùa đông từ xoáy cực tăng cường ra khỏi Siberia không còn là một sự kiện thời tiết hiếm gặp. Vào giữa Tháng Giêng, nhà khí tượng học trưởng của Môi trường Canada đã đưa ra dự báo rằng xoáy cực sẽ dịch chuyển vào cuối Tháng Giêng và tấn công Canada vào tháng 2,” Tu nói.
“Từ các tuyên bố công khai, rõ ràng là chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận trên toàn liên bang về bản chất phi dân sự của khinh khí cầu này. Việc kiểm tra và phân tích sâu hơn về các mảnh vỡ được thu hồi có thể cung cấp bằng chứng cụ thể về chuỗi cung ứng công nghệ và sự sẵn sàng của Trung Quốc,” bà nói.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi về cách giải quyết vụ việc của chính quyền Biden, đặc biệt là quyết định không hạ khinh khí cầu sớm hơn.
Dân biểu Mike Rogers của Alabama, chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, cho biết trong một tuyên bố công khai: “Tôi vẫn quan ngại sâu sắc về quyết định của chính quyền Biden cho phép khinh khí cầu do thám đi qua Hoa Kỳ.”
Bằng cách không thông báo ngay cho công chúng về sự hiện diện của khinh khí cầu, Tòa Bạch Ốc “đã hy vọng che giấu thất bại an ninh quốc gia này với Quốc hội và người dân Mỹ,” Rogers cho biết hôm thứ Bảy.
Những người khác trong cơ quan an ninh quốc gia cho rằng vụ việc là cơ hội hiếm có để đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đoàn kết vì một mục tiêu chung.
“Hãy đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hãy ngừng chỉ tay vào nhau. Chúng ta cùng phe,” HR McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, nói với CBS Mornings hôm thứ Hai.
Biden hôm thứ Ba đã ám chỉ đến sự việc khinh khí cầu trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của mình, nói rằng: “Nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng ta sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình.”