SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN 7 TN A
https://www.youtube.com/watch?v=-0w-uouvCvk
BAO DUNG
Mt 5, 38-48 – CN 7 TN A
Suy niệm
Có một nhân vật rất nổi tiếng rất tâm đắc với bài Tin Mừng hôm nay là Mahatma Gandhi, người được thế giới coi là vị đại thánh. Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động trong hoạt động chính trị, để giành lại độc lập cho đất nước mình. Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú”. Gandhi là người ngoại giáo nhưng đời sống của ông đã đạt tới cao điểm của tinh thần bao dung nhân hậu của Kitô giáo. Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược, sợ kẻ ác thắng thế khi mình lùi bước. Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của lòng bao dung. Chính sự bao dung chứ không phải quyền lực có thể làm cho trái tim con người tan chảy. Gandhi đã thách thức chúng ta xem có dám sống Tin Mừng của Đức Kitô không?
Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh và tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, xem ra như thụt lùi, xuống cấp, có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng sức mạnh và bạo lực. Chúa Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và lối sống vay trả đó, Ngài chủ trương“đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa...”. Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, hay chịu khuất phục trước sự ác, nhưng đừng lấy ác báo ác, vì “ác giả ác báo”, phải chiến thắng bản năng trả thù trong con người mình. Nếu lấy ác báo ác thì sự ác sẽ lan tràn và thâm nhập vào chính chúng ta. Ở đây, Chúa Giêsu muốn mở ra một con đường khác cho nhân loại: chiến thắng điều ác bằng điều thiện, vì “thiện giả thiện lai”.
Không những thế mà Đức Giêsu đòi hỏi phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Khi chủ trương như thế, Đức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật; cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ. Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tránh thái độ báo thù và nêu cao lòng khoan dung tha thứ, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, cũng là mở ra con đường để người kia hoán cải. Thật ra chẳng có ai là kẻ thù ta, nhưng vì lòng ích kỷ và ghen ghét mà chúng ta biến người khác thành kẻ thù. Tính ích kỷ và ghen ghét mới là kẻ nội thù đáng sợ nhất cần phải tiêu diệt.
Những giáo huấn trên của Đức Giêsu chính là nguyên tắc bất bạo động mà Gandhi đã khám phá ra, là kiểu mẫu của nền chính trị phục vụ hoà bình. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng xác quyết như sau: “Chính Chúa Giêsu đã mở ra con đường bất bạo động. Người đã bước đi trên con đường đó đến cùng, đến tận thập giá, ở đó Người trở thành sự bình an và chấm dứt mọi hận thù (x. Eph 2,14-16)… Với các Kitô hữu, bất bạo động không chỉ là một ứng xử mang tính chiến thuật nhưng là một lối sống, là thái độ của một người xác tín vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến nỗi không sợ hãi đối diện với sự ác bằng vũ khí của tình yêu và chân lý mà thôi… Mệnh lệnh ‘Hãy yêu thương kẻ thù’ (x. Lc 6,27) phải được xem như hiến chương của bất bạo động Kitô giáo. Điều đó không có nghĩa là bị khuất phục trước cái ác nhưng là lấy sự lành đáp lại điều ác (x. Rm 12,17-21) và do đó, bẻ gẫy dây chuyền của bất công” (Sứ điệp, số 3).
Chúa Giêsu nêu lên một lý do sâu xa khi sống một tình bao dung vô độ là để chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời, “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thật ra, ngay trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn dân rằng: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”. (Lv 19,1-2.17-18). Nên thánh ở đây là có được tấm lòng bao dung đại độ như Thiên Chúa. Hòa bình và công chính, bình an và hoan lạc, tất cả chỉ sáng ngời khi lòng nhân ái, đặc biệt là tình thương tha thứ ngời sáng trong ta, trong mọi người.
Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao cũng được, vì đó là tự do của chúng ta, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu sâu xa, thì sự hiện diện của chúng ta trở nên vô nghĩa, vì đã không trở nên chính mình như tình yêu Thiên Chúa đã tác sinh. Tình yêu đó phải được vươn cao tỏa sáng để chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Biết rằng lý tưởng sống càng cao, lòng bao dung càng rộng, thì sự trả giá càng lớn. Đó cũng chính là đường thánh giá của đời Kitô hữu đang tiến bước theo Thầy mình tới đỉnh Canvê, nhưng cũng là đỉnh quang vinh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Tuổi trẻ thường hay suy nghĩ một chiều,
nên tâm trí có những điều tiêu cực,
khó nhận ra những giá trị đích thực,
để sống với tấm lòng thật bao dung.
Con bao dung không vì “cực chẳng đã”,
không vì sợ phải trả giá nặng nề,
hoặc chỉ muốn đề huề cho xong chuyện,
cho đời mình được hai chữ “bình yên”.
Con bao dung không phải kiểu hề hà,
không phải đồng lõa xuề xòa cho qua,
hoặc đưa chủ trương “Dĩ hòa vi quí”,
làm mất đi những gì là chân thật.
Con bao dung là chấp nhận khác nhau,
cho người khác được tự do thể hiện,
và sống với những điều họ xác tín,
dù có điều chưa đúng chưa hợp lý.
Con bao dung là chấp nhận liều lĩnh,
có nguy cơ và tai hại cho mình,
như tim Chúa bị đâm thâu là thế,
nhưng giúp cho đời vượt bến mê.
Con bao dung là muốn chống độc tài,
là một thứ quái thai trong nhân loại,
đã làm cho bao kẻ thành điên dại,
là thất bại lớn nhất của đời người.
Chính lòng nhân mới cảm hóa sâu xa,
không phải do tài ba hay quyền lực,
là tình yêu chứ không phải giáo điều,
là sống không nói nhiều như con nghĩ.
Xin cho con cứ bao dung đón nhận,
không câu nệ và càng không chấp nhất,
luôn chuyên cần thực hiện đức từ nhân,
để tình Chúa sáng lên giữa cuộc trần. Amen.