1. Ukraine lại đánh lớn tại Crimea. Thành phố Sevastopol rung chuyển giữa những tiếng nổ lớn. Phản ứng của Hoa Kỳ và Nga.
Còi báo động đã lại vang lên vào sáng sớm hôm thứ Sáu, là ngày thứ hai quân Ukraine tấn công vào bán đảo Crimea.
Thống đốc Mikhail Razvozhaev do Nga dựng nên cho biết “một máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ vào sáng thứ Sáu gần một nhà máy điện ở thành phố Sevastopol của Crimea.” Theo ông, “lực lượng phòng không đã bắn hạ chiếc máy bay không người lái gần nhà máy nhiệt điện Balaklava và không có thiệt hại nào đối với cơ sở.”
Razvozhaev nhấn mạnh rằng vụ việc xảy ra sau khi hai máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ vào sáng sớm hôm thứ Năm gần Sevastopol và “một số” máy bay không người lái khác bị bắn hạ trên vùng biển xung quanh Bán đảo Crimea.
Ông không nói về số máy bay không người lái của Ukraine đã đánh trúng các mục tiêu nhưng cảnh báo người dân rằng “người Ukraine không từ bỏ nỗ lực tấn công các cơ sở quan trọng của Sevastopol.” Cư dân địa phương cho biết thành phố Sevastopol rung chuyển giữa những tiếng nổ lớn rất lớn.
Sevastopol, cùng với phần còn lại của Crimea, được quốc tế công nhận là một phần của Ukraine. Đây là thành phố lớn nhất trong bán đảo và là một cảng quan trọng và là căn cứ hải quân chính của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ của đất nước bao gồm cả Crimea, nơi đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.
Khi được hỏi về các cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng: “Hoa Kỳ coi Crimea là lãnh thổ của Ukraine, bị Nga biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ và sẽ không phản đối các quyết định của phía Ukraine tấn công các cơ sở quân sự của Nga trên bán đảo.”
“Tôi sẽ không phán xét người Ukraine chọn chiến đấu ở đâu hay cách họ chọn đối phó với Crimea trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Chúng tôi công nhận Crimea là của Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.
Bà lưu ý rằng khi chính quyền chiếm đóng của Nga chiếm được Crimea, họ ngay lập tức sử dụng các biện pháp vi phạm nhân quyền quy mô lớn, đàn áp người Tatar ở Crimea và những người khác không đồng tình với việc chiếm đóng. Ngoài ra, Nga đã biến bán đảo này thành một cơ sở quân sự khổng lồ, được sử dụng cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào phần còn lại của Ukraine.
Do đó, theo Nuland, các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea nên được coi là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
“Những cơ sở quân sự của Nga ở Crimea là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó,” quan chức này nói.
Đồng thời, Nuland lưu ý rằng Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa đến mức tối thiểu.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng Washington đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine không chỉ các loại vũ khí cần thiết trên chiến trường để giành chiến thắng lúc này mà còn cả các loại vũ khí để răn đe Liên bang Nga sau khi chiến tranh kết thúc.
Đáp lại các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng Mỹ đang kích động Ukraine tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.
Bà Zakharova nói: “Một lần nữa, chúng ta phải nêu rõ sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine. Họ cung cấp vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo, tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự, và huấn luyện các đơn vị vũ trang Ukraine”.
“Giờ đây, những kẻ hiếu chiến của Mỹ còn đi xa hơn: họ đang kích động chế độ Kiev leo thang hơn nữa, nhằm chuyển chiến tranh sang lãnh thổ nước ta. Như thế, đây là tấn công trực tiếp. Đây là những gì chúng ta đã cảnh báo trước đây, và những gì chúng ta buộc phải khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt. Bây giờ họ, các quan chức Hoa Kỳ, đang nói về nó một cách cởi mở.”
Bất kể những tiếng nổ kinh hoàng và cảnh nhốn nháo rời khỏi bán đảo Crimea trong 24 giờ qua, Zakharova nói chắc như đinh đóng cột: “Crimea đang được bảo vệ một cách đáng tin cậy”
2. Tướng Nga bị chôn vùi dưới đống gạch lò mò bò dậy, vừa được thăng chức
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 17 tháng Hai, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine thừa nhận rằng Trung tướng Andrei Mordvichev chưa chết và vừa được chính thức bổ nhiệm làm tân Tư lệnh Quân khu Trung tâm, trụ sở chính tại Yekaterinburg.
Mordvichev vào năm 2017 đã lãnh đạo Đơn vị đồn trú Nam Sakhalin. Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 41 Quân khu Trung tâm. Năm 2021, ông giữ chức Phó Tư lệnh thứ nhất của Quân đoàn Phòng không Vũ trang Liên hợp số 8.
Sau khi quân Nga chiếm được thành phố Kherson, không quân đã mở các cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Chornobayivka, nơi các tướng lãnh Nga đặt tổng hành dinh. Ngày 18 tháng Ba, không quân Ukraine tá túc trên lãnh thổ Rumani, bất ngờ mở cuộc tấn công vào sân bay.
Các báo cáo trước đó cho rằng Mordvichev đã bị giết tại sân bay Chornobayivka của Ukraine vào tháng 3 năm 2022 đã bị bác bỏ. Trung tướng Andrei Mordvichev và các sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tổng hợp số 8 bị oanh kích. Họ bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Cả phía Ukraine lẫn các blogges quân sự Nga đều tin rằng Mordvichev đã chết. Nhưng sau đó, vị tướng này được lôi lên và khẩn cấp đưa sang Crimea chạy chữa.
Tình báo Ukraine biết là đã đánh hụt mục tiêu, nhưng không thể dùng không quân để tấn công một lần nữa. Nga đã triệu tập Đại Sứ Rumani tại Mạc Tư Khoa đến Bộ Ngoại Giao để cảnh cáo. Do đó, ngày 24 tháng Ba, quân Ukraine đã phải dùng pháo binh tấn công vào sân bay quốc tế Chornobayivka. Lúc đó, họ chưa có HIMARS, nhưng hay không bằng hên, họ bắn trúng được đại bản doanh của Quân Đoàn tổng hợp số 49 của Nga. Trung Tướng Yakov Vladimirovich Rezantsev tử trận,
Cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Ukraine phát hiện rằng chính Tướng Mordvichev là người đã ra lệnh cho lực lượng Nga chiếm Mariupol và xông vào nhà máy thép Azovstal. Ông ta đã bị buộc tội vắng mặt theo ba điều khoản của Bộ luật Hình sự Ukraine.
Theo điều tra, kể từ tháng 2 năm 2022, ông ta đã lãnh đạo nỗ lực đánh chiếm các vùng lãnh thổ của vùng Donetsk và đích thân tham gia vào các hoạt động chiến sự. Trong số các đơn vị trực thuộc ông ta có “Quân đoàn 1 của Dân quân Nhân dân”, cũng như một số lữ đoàn súng trường cơ giới riêng biệt của các đội vũ trang bất hợp pháp của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, tiểu đoàn xe tăng và tiểu đoàn Somalia, tiểu đoàn trinh sát Sparta, và các đơn vị của Tập đoàn Wagner.
Mordvichev đã trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch quân sự, phối hợp và chỉ huy các đơn vị này trong các hoạt động chiến đấu.
Trong số những việc khác, ông ta đã ra lệnh đánh chiếm quận Mariupol, nơi theo chỉ thị của ông ta, quân đội Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và quan trọng cũng như giết hại dân thường.
Khi ở trên lãnh thổ của Mariupol, Mordvichev đã tổ chức một cuộc họp với thủ lĩnh của Chechnya, Ramzan Kadyrov, thông qua kế hoạch cuối cùng đánh chiếm thành phố, phong tỏa và tấn công Azovstal, liên quan đến việc giết những người Ukraine còn ở lại bên trong nhà máy thép.
Kể từ năm 2017, Quân khu Trung tâm do Đại tướng Oleksandr Lapin lãnh đạo. Vào Tháng Giêng năm 2023, truyền thông Nga đưa tin rằng ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lực lượng Lục Quân. Mordvichev về thay cho ông ta.
3. Đồng minh của Putin Lukashenko mời Biden đến Belarus 'Để ngăn chặn chiến tranh'
Trong một diễn biến khá kỳ quặc, đồng minh của Putin là tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, đã đưa ra đề xuất mời Putin và tổng thống Joe Biden đến thủ đô của ông ta để hòa đàm. Các quan sát viên cho rằng Putin đang ép ông ta tham chiến. Ông ta không muốn nên đã nghĩ ra kế này để có cớ thoái thác.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Lukashenko Invites Biden to Belarus 'To Stop the War'“, nghĩa là “Đồng minh của Putin Lukashenko mời Biden đến Belarus 'Để ngăn chặn chiến tranh'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden, tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Minsk nhằm “chấm dứt chiến tranh” ở Ukraine.
“Ngay cả Putin cũng sẽ bay sang Minsk để họp ba bên: hai 'kẻ hiếu chiến' và một tổng thống 'yêu chuộng hòa bình'. Tại sao không? Vì mục đích chấm dứt chiến tranh. Nếu ông ấy muốn chấm dứt chiến tranh, Ba Lan ở gần đây, tôi sẽ gửi một chiếc máy bay, nếu ông ấy muốn, một chiếc Boeing cho ông ấy, và chúng ta sẽ tiếp đón ông ấy”, hãng thông tấn BelTA dẫn lời ông Lukashenko nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Trong khi Belarus, một đồng minh trung thành của Điện Cẩm Linh, không trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine, quân đội Nga đã được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus kể từ trước khi bắt đầu chiến tranh. Đất nước này đã được Nga sử dụng để phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
“Tại sao Biden lại đến Ba Lan? Tại sao lại là Ba Lan?” Lukashenko cho biết, đề cập đến thông báo của Tòa Bạch Ốc trong tuần này rằng Biden sẽ đến thăm Ba Lan trong tháng này để kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Tòa Bạch Ốc cho biết Biden đang lên kế hoạch thăm Ba Lan từ ngày 20 đến 22 tháng 2 và ông sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và các nhà lãnh đạo khác.
“Chúng tôi rất hài lòng với lời mời này. Nếu ông ấy sẵn lòng, chúng ta sẵn sàng tiếp đón ông ấy ở Minsk và có một cuộc trò chuyện nghiêm túc, hãy vui lòng chuyển lời mời này cho ông ấy qua các kênh của bạn. Nếu ông ấy muốn hòa bình ở Ukraine xin đến đây”, Lukashenko nói.
“Chúng ta có các sân bay quốc tế. Lực lượng không quân của ông ta có thể hạ cánh ở đây”, Tổng thống Belarus nói tiếp. “Clinton đã đến thăm chúng ta một lần. Tại đây, với sự hiện diện của ông ấy, ba chúng tôi, tôi bảo đảm với các bạn rằng Vladimir Vladimirovich Putin sẽ đến, sẽ ngồi xuống và giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ có thể giải quyết tất cả các vấn đề ở đây.”
Lukashenko cho biết ông tin rằng Biden “sẽ không đến”, nhưng “ông ấy nên đến vì mục đích kết thúc chiến tranh, để ngăn chặn thêm thiệt hại về nhân mạng.”
“Biden sẽ ở lại Ba Lan, vì Ba Lan là con linh cẩu của Âu Châu và đóng vai trò tích cực nhất trong việc leo thang chiến tranh ở Ukraine hiện nay. Ba Lan ồn ào nhất hiện nay, thậm chí còn ồn ào hơn cả Mỹ”, Tổng thống Belarus nói.
“Vì vậy, tôi mời các bạn và tổng thống của các bạn đến Minsk. Chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh, an toàn và thoải mái. Và quan trọng nhất, ông ấy sẽ không hối tiếc về chuyến thăm này. Hãy xem mọi thứ có thể diễn ra như thế nào.”
Lukashenko thậm chí còn gợi ý mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tham gia các cuộc đàm phán được đề xuất, “nếu Biden sẵn sàng.”
“Zelenskiy có thể bay ngay qua biên giới, không phải mất công bay qua Warsaw làm gì. Người Nga và tôi sẽ bảo đảm chuyến đi an toàn của anh ấy tới Belarus. Bốn mươi phút và anh ấy ở đây. Từ Kyiv đến Minsk,” Lukashenko nói.
Trong một cuộc phỏng vấn khác cũng vào hôm thứ Năm, Lukashenko đã vạch ra với điều kiện để Belarud sẵn sàng tham gia cùng Nga trong cuộc xung đột.
Lukashenko nói với các phóng viên: “Tôi sẵn sàng chiến đấu cùng với người Nga từ lãnh thổ Belarus chỉ trong một trường hợp—nếu ít nhất một người lính nào đó đến lãnh thổ Belarus để giết người của tôi.”
“Nếu họ gây hấn với Belarus, câu trả lời sẽ rất tàn nhẫn,” ông nói, theo hãng thông tấn nhà nước BelTA của Belarus, đồng thời cho biết thêm rằng trong một kịch bản như vậy, “cuộc chiến sẽ mang một tính chất hoàn toàn khác”.
Lukashenko cũng nói, “chúng tôi biết chiến tranh là gì và chúng tôi không muốn chiến tranh” và rằng Nga là “đồng minh của chúng tôi, về mặt pháp lý, đạo đức và chính trị.”
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC, đã lưu ý trong đánh giá hàng ngày về cuộc xung đột vào hôm thứ Năm rằng Lukashenko đã kể lại câu chuyện này như một con két kể từ tháng 2 năm 2022.
ISW cho biết: “Quyết định nhắc lại điều đó hôm nay của ông ấy có thể là một phần trong chiến dịch thông tin kéo dài của Nga cho thấy lực lượng bộ binh thông thường của Belarus có thể tham gia cuộc xâm lược Ukraine của Nga”. “Chúng ta tiếp tục đánh giá rằng các lực lượng Belarus rất khó có khả năng xâm lược Ukraine dù có hay không có lực lượng Nga.”
4. Điện Cẩm Linh nói rằng Washington “không có khả năng” hoan nghênh đề xuất của Lukashenko về hội nghị thượng đỉnh ba bên với Putin và Biden
Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Sáu rằng Washington “không có khả năng” hoan nghênh sáng kiến do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đưa ra nhằm làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát ngôn nhân của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Không có khả năng Washington sẽ phản ứng tích cực với sáng kiến này”.
Nhấn mạnh thêm liệu Điện Cẩm Linh có sẵn sàng cho một cuộc gặp như vậy về nguyên tắc hay không, ông Peskov nói: “Tổng thống Putin luôn sẵn sàng đối thoại với tổng thống Belarus, người sẽ có mặt ở Mạc Tư Khoa hôm nay.”
Vào hôm thứ Năm, Lukashenko cho biết ông ta muốn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, kêu gọi CNN chuyển tiếp thông điệp: “Nếu Biden có mong muốn, hãy chuyển cho ông ấy qua các kênh của các bạn rằng chúng ta sẵn sàng chào đón ông ấy ở Minsk và nói chuyện nghiêm túc với ông ấy nếu ông ấy muốn hòa bình ở Ukraine. Ngay cả Putin cũng sẽ bay tới Minsk, và chúng tôi có thể gặp nhau ở đây, ba người chúng tôi -- hai kẻ hiếu chiến và một Tổng thống yêu chuộng hòa bình. Tại sao không?”
Putin đã hội đàm với Lukashenko tại dinh thự Novo-Ogaryovo của ông vào hôm thứ Sáu. Theo Điện Cẩm Linh, hai vị tổng thống đang lên kế hoạch xem xét “các vấn đề chính nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và liên minh Nga-Belarus, cũng như hợp tác hội nhập trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh”.
5. Số quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine tăng lên đến 141.260
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 17 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết những kẻ xâm lược Nga không di tản những người lính bị thương của họ khỏi những vùng chiến sự nóng bỏng nhất ở Ukraine, hầu hết họ đã chết nên tổn thất của đối phương có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.
“Tôi muốn lưu ý rằng các bản cập nhật về tổn thất của đối phương rất gần với số liệu thực tế, nhưng một số điều không được tính đến. Người Nga thực sự không di tản những người bị thương của họ và hầu hết trong số họ kết thúc với tư cách là những người bị giết trong chiến đấu. Các tù binh hiện đang bị chúng ta giam giữ cũng xác nhận điều này”, cô Maliar nói.
Cô cũng lưu ý rằng vẫn rất khó để xác định chính xác số người chết sau khi một quả đạn bắn trúng cụm nhân lực của đối phương. Do đó, cô nhấn mạnh rằng thiệt hại của đối phương có thể cao hơn so với con số đã được báo cáo.
Nhận xét về tình hình gần Vuhledar và Bakhmut, Thứ trưởng Hanna Maliar nói rằng đối phương đã chịu tổn thất lớn trong khu vực nên các nỗ lực tấn công hiện tại không quá dữ dội.
“Đối phương đang tiến lên, sử dụng lực lượng lớn nhưng họ bị tổn thất đáng kể. Hiện tại, đối phương đã tích lũy được một số lượng nhân lực nhất định có thể gây sát thương và tấn công nhưng lấn chiếm lãnh thổ thì không đủ sức. Điều duy nhất họ có thể làm là theo đuổi các nỗ lực quấy rối nhằm kìm chân quân ta. Nhưng, theo tôi, không thể có một cuộc tấn công toàn diện vào những khu vực này ngay bây giờ. Đối phương đã thực sự đau khổ, và tiếp tục hứng chịu những tổn thất to lớn mỗi ngày –cả ở Vuhledar và Bakhmut. Trong ngày hôm qua, quân Nga đã mất ít nhất hai đại đội chỉ riêng ở hướng Vuhledar.”
Trong 24 giờ qua, 800 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 2 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Hai, 141.260 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương bao gồm 3.298 xe tăng, 6.520 xe thiết giáp, 2.322 hệ thống pháo, 467 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 241 hệ thống phòng không, 298 máy bay chiến đấu, 287 máy bay trực thăng, 2.013 máy bay không người lái, 871 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.187 phương tiện cơ giới, và 221 đơn vị thiết bị đặc biệt.
6. Bảo vệ sứ quán Anh làm gián điệp cho Nga lĩnh án 13 năm tù
Một nhân viên bảo vệ đại sứ quán Anh bị bắt làm gián điệp cho Nga đã bị tòa án Luân Đôn kết án 13 năm 2 tháng tù.
David Ballantyne Smith, 58 tuổi, gốc Paisley ở Tô Cách Lan, đã thu thập các tài liệu bí mật và chuyển chúng cho chính quyền Nga khi đang làm nhân viên bảo vệ tại đại sứ quán ở Berlin. Anh ta bị bắt sau một hoạt động bí mật vào năm 2021 và đã thừa nhận tám tội danh theo Đạo luật bí mật chính thức.
Smith đã nhận tội vào tháng 11 với 8 tội danh theo Đạo luật bảo mật, bao gồm một tội danh liên quan đến việc chuyển thông tin cho Thiếu tướng Sergey Chukhrov, tùy viên quân sự tòa Đại Sứ Nga tại Berlin, vào tháng 11 năm 2020.
7. Nga bổ nhiệm tư lệnh quân đội mới
Trang web của Bộ Quốc phòng Nga đã đăng một bản cập nhật xác nhận việc bổ nhiệm lãnh đạo mới của các quân khu
Trung tướng Andrei Mordvichev hiện là người đứng đầu Quân khu Trung tâm, thay thế Đại tướng Alexander Lapin. Lapin được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Lục Quân của Nga vào tháng trước.
Mordvichev trước đây chỉ huy quân đoàn hỗn hợp thứ 8 của quân khu phía nam của Nga. Ông đã lãnh đạo quân đội trong cuộc tấn công năm ngoái tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine, hãng tin RBC đưa tin, đỉnh điểm là cuộc bao vây kéo dài hàng tháng tại nhà máy thép Azovstal và cuối cùng chiếm được nó.
Các lực lượng Ukraine tuyên bố hồi tháng 3 rằng họ đã giết Mordvichev. Đáp lại, truyền thông nhà nước Nga đã phát sóng một đoạn video cho thấy Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chechnya do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm, gọi Mordvichev là “chỉ huy giỏi nhất”.
Việc bổ nhiệm Mordvichev diễn ra sau những thay đổi sâu rộng khác đối với giới lãnh đạo quân đội Nga. Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng, được bổ nhiệm làm chỉ huy chung của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine vào tháng Giêng. Sergei Surovikin, một vị tướng khét tiếng được giới truyền thông Nga đặt biệt danh là “Tướng quân Ngày Tận Thế”, người được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội vào tháng 10, bị giáng xuống làm phó tướng cho Gerasimov.
Yevgeny Nikiforov là Tư lệnh Quân khu phía Tây, Rustam Muradov là Tư lệnh Quân khu phía Đông và Sergey Kuzovlev là Tư lệnh Quân khu phía Nam.
8. Các nhà lãnh đạo thế giới tập trung trước ngày kỷ niệm chiến tranh để thảo luận về hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, nơi cuộc chiến ở Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nằm trong số những người phát biểu vào thứ Sáu, ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng sẽ xuất hiện qua liên kết video.
Hội nghị diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell là một trong số các quan chức hàng đầu khác tham dự.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã viết trên Twitter vào sáng thứ Sáu: “Đã gần một năm kể từ khi Nga mang cuộc chiến tranh đế quốc đến lục địa của chúng ta. Tại Munich, chúng ta hãy tái cam kết đối với một trật tự toàn cầu được điều hành bởi pháp quyền – không phải quyền của sức mạnh.”
Các quan chức chính phủ Nga không được mời tham dự cuộc họp thường niên năm nay.