□ Nguyễn Trung Tây
Hạt Bụi Mùa Chay


Mùa Chay khởi đi với thứ Tư Lễ Tro, người người tín hữu trên khắp năm châu cúi đầu nhận hình thánh giá bằng dấu tro ghi trên trán. Mùa Chay cũng nhắc nhở người tín hữu, dưới lăng kính màu tím, thân phận tro than của con người, có đó rồi mất đó, tương tự như hoa Quỳnh Hương khuya nở sớm tàn. Nhưng nhìn dưới lăng kính màu hồng, Mùa Chay cũng gợi nhớ mối liên hệ phụ mẫu tử giữa trời cao và đất thấp, bởi vì “Chúa ơi, con chẳng là chi, chỉ là hạt bụi, mà sao Chúa lại yêu con vô cùng?”. Mùa Chay, hơn thế nữa, kêu gọi người tín hữu bóc lột miếng vỏ cũ, khoác vào tấm áo mới, một dạng thay đổi, một cuộc đổi thay để thôi không làm trứng, làm sâu, làm nhộng, nhưng vươn mình triển nở hóa ra cánh bướm tô thêm đậm đặc màu xanh thiên đàng ngay trên cõi trần gian.

Những hạt bụi tro Mùa Chay ghi trên trán có thể được ví với những vị thuốc diệu kỳ có khả năng chữa trị những căn bệnh của nhân loại. Từ những thời kỳ đầu tiên khi trái đất cất tiếng khóc oe oe chào đời, kéo xuống tới ngày người ta chà đạp đá sỏi kinh thành kéo vào Vườn Cây Dầu trói chặt Đức Giêsu mang đi, cho tới thời kỳ của bây giờ và hôm nay, đã bao nhiêu bàn chân bước đạp giẫm lên trên mặt đất đen của trái địa cầu, đã bao nhiêu linh hồn từng ghé xuống cõi trần rong chơi một khoảng, đã bao nhiêu hình hài nghiêng đổ bóng dài xuống cõi nhân gian? Ai ngồi tính toán cho ra? Cuộc sống tiếp tục xoay vần, Sinh! Bệnh! Lão! Tử! Con người nhịp nhàng xoay tròn quỹ đạo trăm năm. Tiếp nối trăm năm vẫn chưa là gì ngoại trừ tro bụi. Trong vòng quay cuốn hút của sinh, bệnh, lão, tử, người người vẫn cứ thường thường quên đi là một ngày sẽ tới, khi đó tôi sẽ hóa ra tro bụi của hình hài nguyên thủy mà tôi đang mang trên vầng trán vào ngày thứ Tư của Mùa Chay. Khi nhớ lại thân phận con người là hữu hạn, là tro bụi, tôi sẽ bớt, thôi, không khóc lóc, hoặc là bớt, thôi, không than thở, hoặc là bớt, thôi, không khó chịu với cuộc đời, khi những phiền toái của cuộc sống đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Khi nhận ra cuộc sống đang được đếm từng ngày từng tháng, cho nên một giây không nên bỏ phí, một phút chớ nên bỏ quên, tôi sẽ dễ dàng gạt bỏ đi, bớt, thôi, không dõi nhìn những lăng kiếng khá tiêu cực của thường tình nhân gian.

Những hạt bụi màu đen của Mùa Chay cũng nhắc nhở tôi về liên hệ phụ mẫu tử của thiên đàng và trần gian. Thiên Chúa biết tôi là hạt cát, hạt bụi, thế mà tại sao Ngài lại yêu hại cát, hat bụi là tôi đến thế nhỉ? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước chân lên bãi cãi dài vô tận của đại dương, bao nhiêu hạt cát đã lọt qua những kẻ chân hoặc bị tôi dẵm dí, chà đạp lên trên, nhưng có hạt cát nào đủ sức mời gọi tôi dừng bước kiên nhẫn cúi nhìn tìm kiếm sắc hình? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước dẵm đạp lên trên những hạt bụi của sàn nhà, hạt bụi nào đủ ma lực kêu mời để tôi cúi xuống phân biệt bụi này bụi đỏ, bụi kia bụi tro? Hạt bụi nào? Chẳng có hạt bụi nào cả. Thế mà thiên đàng xa thẳm vẫn cứ tiếp tục từ trên trời cao vén mây kiếm tìm hạt bụi lạc loài trên trần gian là tôi. Đã từ bao lâu nay, vĩnh hằng vĩnh cửu vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô than ngắn thở dài bên song cửa, bởi vì Phụ Mẫu thiên đàng vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng hạt bụi trần gian quay về nơi căn nhà xưa. Lạ nhi? Hay ghê? Nhìn tôi trong kiếng, ngắm mình trong gương, tôi vẫn thấy mình nguyên vẹn hình hài của một hạt cát, hạt bụi. “Thế mà vĩnh hằng thiên đàng ơi, con vẫn không hiểu tại sao Ngài lại yêu con đến như thế?”.

Mùa Chay cũng gợi lại trong tôi nhạc phẩm, “Kià con bướm vàng, xòe đôi cánh” của một thời ấu thơ. Đã có một thời của Lớp Mẫu Giáo, Lớp Một, tôi mê nhìn những cánh bướm màu sắc rực rỡ bay lượn trên những cánh đồng. Vào một khoảng của thơ ấu, đã biết bao lần tôi mơ làm bướm vàng bay xa bay cao vào trong bầu trời rực rỡ. Thời của ngây thơ đơn giản hóa vấn đề không bao giờ đặt trong tôi câu hỏi về mối tương quan và sợi giây liên hệ giữa trái trứng lốm đốm trên mặt lá xanh với con sâu lông lá xấu ơi là xấu, với con nhộng nằm chết héo khô lặng lẽ treo trên nhánh cây, và với chú bướm vàng đẹp đẽ bay lượn trong bầu trời. Thơ ấu trôi xa vào quá khứ để lại giọng khàn vỡ đục của tuổi bắt đầu làm người lớn cho tôi lại thêm một lần nữa hiểu biết và kinh nghiệm về đổi thay của trứng bướm, của con sâu, của con nhộng, và của con bướm. Nếu không thay đổi, tôi sẽ tiếp tục nằm chết trong quả trứng bướm, một quả trứng hư, trứng ung, trứng thối. Nếu tôi đổi thay chuyển động lắc mình, mầm trứng nhúc nhích biến hình đổi dạng, khiến tôi nứt vỏ trứng, mở mắt ngỡ ngàng hé nhìn thế gian. Nhưng thay đổi từ trứng sang sâu vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi vỡ trứng hóa ra con sâu lông lá xấu xí, khắp cùng thiên hạ đều sẽ gớm ghét, tránh xa khi họ đối diện tôi. Mà có quý chi một kiếp sâu, bởi con sâu cũng chỉ làm tôi nổi bật hóa ra mồi thơm cho chim trời bay lượn trên không dừng lại một nhịp cánh, bay xuống nuốt trôi tôi vào vực thẳm tối tăm. Là con sâu, tôi cũng chỉ tiếp tục cong người trườn bò đi dưới mặt đất. Nếu thiên hạ giơ chân đạp xuống, thế là thân phận con sâu cái kiến biến dạng trên mặt đất. Nhưng thay đổi từ sâu sang nhộng vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi chịu nhả tơ làm kén, hóa thành nhộng, thì tôi cũng vẫn tiếp tục lặng lẽ chết đi trong kén. Nếu vậy, cuộc đời cũng chẳng có chi gọi là khá hơn. Đáng giá gì một sợi tơ tằm? Lụa nào kết nối chỉ bởi một đường tơ? Con nhộng, hình hài của thây ma xác chết, ai xót thương, ai nhỏ lệ cho một chú nhộng?

Đổi thay, thương hải biến vi tang điền, biển cả (đổi thay) biến thành ruộng dâu.

Thay đổi, hạt lúa gieo vào đất đen đổi thay nảy mầm vươn cao biến thành cây mạ xanh non.

Đổi thay, thay đổi, khi vươn vai phá rách bốn bức tường bao bọc phận kén, tôi nhẹ mình bay bổng vào cõi trời xanh trong của rực rỡ hương hoa thiên đàng.

Mùa Chay, mùa để tôi thay đổi,
Tôi không dự tính, lên kế hoạch, vẽ họa đồ đổi thay ai khác, nhưng chính tôi, hạt bụi trần gian.
Tôi đang ngồi đếm trứng bướm trên mặt lá của cuộc đời vào những ngày đầu tiên của Mùa Chay.
Tôi thắc mắc không biết trái trứng nào cần phải chuyển mình nứt vỏ nhường lại cho tôi một đời sống mới của con bướm vàng.

Nếu chưa biết, tôi sẽ hỏi,
— Chúa ơi, xin chỉ cho con biết con sẽ phải chết đi thói hư tật xấu nào trong Mùa Chay này?
□ Nguyễn Trung Tây
(Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)