□ Nguyễn Trung Tây
Giôna, Nhà Truyền Giáo Thất Bại


I. Giôna, Nhà Truyền Giáo Thất Bại
Giôna là một nhà truyền giáo thất bại, bởi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của ông ta. Nhưng trước khi bàn về điều này, chúng ta cũng cần phải nói sơ qua về văn hóa và những nét đặc thù của văn hóa.

Văn hóa không tự xuất hiện. Bối cảnh xã hội nơi con người sinh sống đã hình thành và định hình một nền văn hóa. Con người chính là yếu tố quyết định để hình thành và định hình một nền văn hóa. Từ văn hóa, những lãnh vực khác lần lượt xuất hiện, thí dụ, tôn giáo, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, triết học, v.v. Bởi thế, bất cứ một nền văn hóa nào xuất hiện trên trái đất cũng đều bao gồm ba nét căn bản: cái tốt (the goodness), cái đẹp (the beauty), và sự thật (truth). Cái tốt của văn hóa Việt Nam có thể nhận diện qua chữ hiếu. Cái đẹp được nhận diện qua thi ca. Sự thật xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Trời của người Việt!

Trên tất cả, tất cả mọi nền văn hóa đều đến từ Thiên Chúa bởi tiền đề thần học, “Vào ngày thứ Sáu trong tuần, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người” (Stk 1:27) Bởi Thiên Chúa là nguồn của văn hóa, tất cả mọi nền văn hóa trên trái đất đều có giá trị và phải được tôn trọng. Bởi thế, khi đặt chân đến một vùng đất mới, nhà truyền giáo của muôn thế hệ phải sẵn sàng cởi bỏ đôi săng-đan của mình để lại sau lưng, bởi niềm tin đây là một vùng đất thánh!

Nhà truyền giáo Giôna thì không được như vậy! Thay vì tôn trọng văn hóa cư dân nơi mình được gửi tới cho một sứ vụ, Giôna đã giữ trong đầu những thành kiến về dân thành Ninivê. Những thành kiến nặng nề này đã cản trở bước chân của Giôna vượt đường biên giới, để giới thiệu một Thiên Chúa của từ bi, chậm bất bình và giàu lòng thương xót tới dân ngoại.
Câu chuyện về ngôn sứ Giôna là một bài học cho những nhà truyền giáo của muôn thế hệ.

Trong khi Giôna được minh họa là một nhà truyền giáo thất bại, Thiên Chúa trong sách Giôna được minh họa với những nét mới lạ và bất ngờ.

II. Thiên Chúa
Trong khi người ngôn sứ đang tạm cư tại túp lều, Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc vươn cao che nắng che mưa cho túp lều. Dưới bóng mát của cây thầu dầu, Giôna không than phiền thở than nữa, ông vui tươi hẳn lên. Nhưng rất tiếc sáng hôm sau, Thiên Chúa sai một con sâu tới cắn chết cây thầu dầu. Chưa hết, Chúa còn gửi tới một cơn gió nóng thổi héo khô lòng người. Cây thầu dầu che bóng mưa đã héo tàn chết khô, gió nóng liên tục thổi tới, ánh nắng mặt trời chói chang đốt lửa trên đầu, ba thứ hợp lại khiến người ngôn sứ Giôna cuối cùng ngất xỉu (4:8). Một lần nữa, lần này là lần thứ ba, Giôna lại đòi chết.

A. Thiên Chúa Nhân Hậu
Trong khi Giôna đang đòi chết, Chúa lại hiện ra. Ngài nói,
— Con nổi giận vì cây thầu dầu. Điều đó có lý hay không?
Ngôn sứ Giôna, có lẽ đang trong cơn giận, đáp liều,
— Có chớ. Con có đủ lý do để nổi giận. Nổi giận đến chết.
Mặc cho Giôna tiếp tục chìm đắm với cơn giận, Thiên Chúa tiếp tục giải thích lý do tại sao ông không nên nổi giận. Chúa nhắc nhở với Giôna là cây thầu dầu chết héo úa sáng nay ông không trồng cũng chẳng gieo hạt. Thế mà khi cây chết đi, ông buồn, ông nổi giận, ông thương tiếc cái cây đã biến thành cây dù che bóng mát cho ông chỉ trong vòng một đêm. Còn riêng dân thành Ninivê, với hơn 120 ngàn dân ngoại, không biết Thiên Chúa là ai, không biết phân biệt phải trái. Nhưng khi nghe bản án tuyên đọc, dân thành Ninivê từ vua cho tới những súc vật trong thành đều ăn chay, khoác vải thô. Mà không phải họ chỉ thay đổi về hình thức, bề ngoài. Mọi người quyết định thay đổi lối sống thường nhật. Họ cầu nguyện xin Thiên Chúa giơ cao đánh khẽ. Họ hy vọng Chúa sẽ nhận lời cầu xin của họ. Thay đổi ở đây là một hình thức thay đổi tổng thể và trên bình diện toàn thành phố. Bởi lòng thống hối, Thiên Chúa tha thứ, thôi không luận phạt những kẻ biết ăn năn.

B. Thiên Chúa Toàn Cầu
Ngoài khoan dung, độ lượng, từ bi, và tha thứ, Thiên Chúa trong Sách Ngôn Sứ Giôna còn được minh họa là một Thiên Chúa của Toàn Cầu. Theo như tác giả sách ngôn sứ Giôna, mọi sắc dân trên mặt địa cầu đều thuộc về Chúa. Dù là lương hay giáo, họ đều là con cái của Chúa. Dù họ không thờ phượng Thiên Chúa, không biết Mười Điều Răn, họ đều phải sống công chính. Nếu không, họ sẽ bị luận phạt.

Người Assyria không biết Thiên Chúa là ai. Thiên Chúa chưa bao giờ hứa với tổ phụ người Assyria là con cái của ông sẽ đông như sao trên trời như cát dưới biển. Chúa không ký bất cứ một giao ước nào giữa Ngài với dân thành Ninivê. Họ chưa bao giờ được đọc Mười Điều Răn. Họ không có đền thờ Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa. Giavê không phải là Thiên Chúa mà dân thành Ninivê biết mặt, nghe tên, thờ phượng trong những ngôi đền thờ trên lãnh thổ Assyria. Giavê Thiên Chúa là một Đấng Thần Linh lạ mặt với dân thành Ninivê. Người Ninivê không bị ràng buộc liên quan với Giavê Thiên Chúa trong bất cứ điều khoản nào, ngoại trừ một điểm, Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ. Và bởi Thiên Chúa đã tạo dựng nên dân thành Ninivê, cho nên dù họ có biết hay không biết Thiên Chúa, dù Giavê có ký kết với họ bất cứ một giao ước nào hay không, dân thành Ninivê vẫn phải sống với những lề luật căn bản về đạo đức của con người. Nếu không, Thiên Chúa sẽ tiêu diệt dân thành Ninivê như Ngài đã từng thiêu hủy dân thành Sođôm và Gêrôram.

C. Giavê Thiên Chúa, Hóm Hỉnh
Nhắc tới Thiên Chúa của Cựu Ước, nhiều người tín hữu vẫn nghĩ Giavê Thiên Chúa là một Đấng luận phạt, nghiêm nghị, không nói không cười. Nhưng Thiên Chúa trong Sách Ngôn Sứ Giôna thì không như vậy. Đây là một trong những lần Thiên Chúa trong Cựu Ước xuất hiện với một khuôn mặt hóm hỉnh, hài hước. Ngài giỡn với ngôn sứ Giôna tương tự như hai em bé đang chơi trò đuổi bắt.
Lần thứ nhất Thiên Chúa đuổi. Ngôn sứ Giôna chạy. Chúa nhắm mắt lại. Giôna bỏ chạy xuống phố cảng Giốppa, tưởng rằng Chúa không làm chi được mình. Nhưng khi sóng bão nổi lên, Giôna biết, Thiên Chúa đã kiếm ra được ông. Cuộc đuổi bắt tiếp tục cho tới khi Giôna đề nghị người trên thuyền quẳng ông xuống biển. Chúa kiếm ra Giôna đang ngụp lặn trên mặt biển sóng dâng cao ngất. Ngài liền sai một chú cá lớn trồi lên, nuốt Giôna vào trong bụng. Sau cùng Chúa sai con cá nhả ông ra trên bờ biển.

Trong cuộc chơi cút bắt đầu tiên, Thiên Chúa thắng ngôn sứ Giôna. Bởi vậy, lần thứ hai, khi Thiên Chúa sai ông đi tới thành Ninivê, Giôna không chạy nữa, bởi biết mình không chạy nổi khỏi tay Thiên Chúa.

Sang lần thứ hai, Thiên Chúa và ngôn sứ Giôna chơi một trò chơi mới. Sau khi cự nự Chúa không giữ lời, để cho ông mất mặt với bàng dân thiên hạ, Giôna dựng một cái lều, ngồi đợi Chúa thay đổi ý định. Ngôn sứ Giôna hy vọng nếu Thiên Chúa thay đổi, danh dự và sĩ diện ngôn sứ của ông ta sẽ được cứu vãn. Trong lần đùa giỡn này Giavê Thiên Chúa trồng cho ngôn sứ Giôna một cây thầu dầu. Ngày hôm sau, Ngài đòi lại cây thầu dầu. Thế là Giôna hờn dỗi đòi chết, bởi vì cây thầu dầu đã bị Thiên Chúa lấy mất. Trong khi ngôn sứ đang hờn dỗi như một em bé, Thiên Chúa mở miệng dạy cho ngôn sứ Giôna một bài học về tình yêu bao la của Trời Cao.

Trong lần chơi thứ hai, Thiên Chúa lại hạ đo ván ngôn sứ đào ngũ Giôna.

III. Tại Sao Giôna Bỏ Chạy?
Giôna quyết định bỏ chạy bởi ông ích kỷ, ông chỉ nghĩ tới sĩ diện của mình. Giôna biết nếu dân thành Ninivê thống hối, cơ hội Chúa tha không luận phạt họ rất là cao. Nếu Chúa tha phạt dân thành Ninivê, ngôn sứ Giôna sẽ mất mặt với người dân đương thời, bởi những điều ông tuyên phán đã không xảy ra.

Nhưng sự thật ra, ngôn sứ Giôna không phải là nhân vật chính của Sách Ngôn Sứ Giôna, mà là Giavê Thiên Chúa. Sách Giôna muốn trình bày tới độc giả Kinh Thánh một Thiên Chúa của giầu lòng từ bi và toàn cầu. Ngài thương yêu con người nhưng Ngài không nuông chiều. Con cái của Ngài bất kể sắc tộc, Do Thái hay Ninivê, da vàng hay da đen, dân riêng hay dân chung, nếu sống trong tội lỗi, Ngài răn đe trừng phạt. Nhưng nếu họ biết thống hối, trông cậy vào lòng từ bi của Ngài, Giavê Thiên Chúa sẽ tha thứ và bỏ qua.
Đặc biệt nhất, Giavê Thiên Chúa trong sách Giôna không phải chỉ là một Thiên Chúa của từ bi và của toàn cầu, mà còn là một Thiên Chúa của đùa vua hóm hỉnh. Giôna chạy trốn, Ngài làm giông tố bủa vây chặn đường người ngôn sứ. Cuối cùng Ngài trồng cây thầu dầu rồi sai sâu cắn chết để dạy ngôn sứ một bài học về lòng từ bi và vị tha. Trong cả hai lần “đánh Xì Phé” với Thiên Chúa, Giôna đều đứng lên, cháy túi. Nhưng cuối cùng, người ngôn sứ đã có dịp hiểu thêm một chút về Tình Yêu của Thiên Chúa dành riêng cho con người, một Tình Yêu bao la, một Tình Yêu tuyệt đối, một Tình Yêu không luận bàn sắc tộc.□
(Trích 13 Suy Tư Thần Học Kinh Thánh và Truyền Giáo, 2023)