ĐỪNG CHỦ Ý PHẠM TỘI
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A

Chắc bạn từng bẫy chuột và nhìn thấy chú chuột mắc bẫy? Tiến trình phạm tội của con người có khi cũng giống như … một chú chuột mắc bẫy!

Nhìn thấy mồi có vẻ ngon, thơm lừng, khiến thần kinh ăn uống của chú chuột trỗi dậy. Phản ứng đầu tiên của nó là vội nép vào một góc để quan sát. Nhưng chú chuột khờ dại chỉ thấy miếng mồi, không hề biết đó là cái bẫy.

Sau khi quan sát, thấy không có tiếng động nào hay bất kỳ bóng dáng một ai, chú rón rén đến gần sát chiếc bẫy. Vẫn một tư thế hết sức nhẹ nhàng và đầy cảnh giác, chú chuột trườn mình lên chiếc bẫy, và… “rầm”, một tiếng vang khô khốc đã nuốt lấy thân con chuột gọn gàng. Chỉ vì một miếng mồi, con chuột đã nộp mình cho cái chết...

Cũng vậy, có lẽ không phải ngay một lúc, ta có thể phạm tội một cách dễ dàng. Nhưng có cả một tiến trình để từ đó dẫn ta nộp mình cho tội.

Nếu chuột bắt đầu bằng sự thu hút của ánh mắt, rồi thèm khát ăn cho bằng được miếng mồi, dẫn tới sập bẫy, tiến trình phạm tội của con người cũng khởi đi từ mắt thấy, tai nghe đến sự ghi nhận và thu hút của trí khôn.

Nếu không dập tắt ngay cái khởi sự này, nó có thể trở thành cám dỗ kích thích óc tò mò, kích thích lòng ao ước phạm tội của bản thân.

Đến đây, tình trạng yếu đuối của con người bắt đầu trở nên nguy hiểm. Nếu không biết dừng, chính tình trạng kích thích ấy dễ đẩy ta rơi vào dịp tội.

Tiến trình của sự cám dỗ phạm tội đã đến lúc thực sự nguy hiểm. Nhưng dù sao, vẫn còn có thể chữa trị nếu ta biết trấn áp nó bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện, bằng nỗ lực tự chủ của bản thân.

Tuy vậy, biết bao nhiêu lần, biết bao nhiêu người, kể cả bản thân bạn và tôi đã không ít lần để cho mình bị “sập bẫy”, đã ngã nhào, đã phạm tội thật.

Vươn lên khó hơn đi xuống, nên thánh khó hơn phạm tội, cộng thêm vào đó là tình trạng hướng chiều về sự dữ của ta, nặng hơn, đó là sự thả nổi của tâm hồn không cần cố gắng, không cần vươn lên, càng làm chúng ta dễ bị tội lỗi thống trị và vùi dập mình. Để xảy ra như thế thì thật là bi đát.

Bài học về sa ngã của nguyên tổ còn đó như bằng chứng hùng hồn về sự yếu đuối trước những cám dỗ xem ra ngon ngọt của tội lỗi, đã đánh gục con người cách thê thảm.

Hấp lực của tội là hấp lực lớn vô cùng, làm choáng ngợp lý trí, khiến con người hoa mắt đến nỗi như không còn thấy gì, chỉ thấy hấp lực của tội.

Hấp lực ấy chính là cơn cám dỗ quay về với chính mình, sống cho riêng mình, gần như là sự tôn thờ chính bản thân.

Trường hợp tổ tông là bằng chứng cho thấy hấp lực mạnh mẽ của tội. Bà Evà chưa bao giờ sờ tới trái cây, chỉ mới nhìn ngắm, lại vẽ ra trong tưởng tượng, rồi sau đó dám khẳng định: “Trái cây ăn thì ngon và thèm ăn để được thông minh” (bài đọc I).

Bà Evà và cả ông Ađam đã tự nộp mình cho chước cám dỗ, đã chết thật, chết cả sự sống tâm linh, điều mà không thụ tạo nào được hưởng, chỉ có con người là thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa thông ban mà thôi.

Chỉ với một cơn cám dỗ hướng về bản thân, nguyên tổ đã phạm tội. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, ta cũng sẽ thấy có cùng nội dung như đã từng cám dỗ tổ tông:

Cám dỗ về sự ích kỷ, sống cho riêng mình, quay quắt trên chính bản thân, dù cho đó là dùng quyền năng Cha ban để biến đá thành bánh ăn; hay nhảy từ nóc cao đền thờ như một thách đố đối với Thiên Chúa; hoặc mua lấy quyền lực và vinh quang, sự giàu sang, dù cho phải tôn thờ ma quỷ, tất cả đều chỉ nhắm một mục đích là lo cho chính đời sống thân xác của mình.

Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Cùng một nội dung cám dỗ, nhưng cách hành xử của Chúa Giêsu lại đối nghịch hoàn toàn với Ađam, Evà.

Chúa Giêsu cứng rắn và dứt khoát đối với tội:

- Ađam, Evà đã không chiến đấu, nhưng ngay từ đầu đã xuôi theo tội. Chúa Giêsu vững lòng tin vào Thiên Chúa để vượt lên trên những cám dỗ.
- Ađam, Evà thay vì tin Chúa, đã nghi ngờ tình yêu của Chúa khi chấp nhận lời dụ dỗ của kẻ cám dỗ: “Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Chúa Giêsu dựa vào Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ.
- Ađam, Evà do sự nghi ngờ, đã bất tuân Lời Thiên Chúa ngỏ với mình.

Cám dỗ là “người bạn” không mời nhưng cứ bám sát lấy ta dai dẳng.

Cám dỗ đã nhiều lần đánh gục ta, làm cho bản tính yếu hèn của thân kiếp con người vốn đã yếu hèn, càng dễ đổ vỡ, càng yếu đuối hơn.
Nhưng dù đã sa ngã, đó là tình trạng nguy hiểm vô cùng lớn, vẫn chưa là nguy hiểm nhất. Nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất là khi biết mình phạm tội nhưng vẫn ở lỳ trong tội.

Ngay từ đầu mùa Chay, Hội Thánh dạy con cái mình lướt thắng cám dỗ - qua hai bài học từ hai câu chuyện cám dỗ quay về với bản thân của Ađam, Evà và cơn cám dỗ cũng cùng một nội dung của Chúa Giêsu - để chúng ta biết hướng tới anh chị em, sống tình yêu thương, lòng bác ái nhằm vượt lên trên con người ích kỷ của ta.

Sống được như thế, cùng với việc trung thành giữ Lời Chúa và cầu nguyện, chúng ta sẽ dễ chiến thắng khi bị cám dỗ, và cứng rắn hơn để không chiều theo dịp tội.

Đồng ý rằng, cuộc đời có quá nhiều cám dỗ lôi kéo. Nếu chúng ta đã đủ ý chí để quyết tâm không phạm tội, và đã chiến thắng tội lỗi, đó là điều tốt.

Nhưng giả như vì yếu đuối, bạn và tôi đã không được như Chúa Giêsu. Ngược lại, nhiều lần mình đã gục ngã, đã sa chước cám dỗ, thì giờ đây, trong tâm tình thống hối của mùa Chay, hãy vùng đứng dậy, hãy vững ý chí, hãy tập trung nghị lực, cùng với sự cầu nguyện, xin ơn Chúa giúp, hy vọng ta sẽ vững tâm trở về với Chúa.

Hãy xây dựng cho tâm hồn một quyết tâm sống mùa Chay của năm nay theo gương Chúa Giêsu, đó là bằng mọi cách hãy chiến thắng cám dỗ.

Biết mình yếu đuối, chúng ta đừng đùa giởn với tội. Trong lãnh vực ngăn ngừa tội, đừng để óc tò mò thống trị, đừng dẫn nộp chính mình đi vào dịp tội.

Chúng ta đừng bao giờ dùng lời lẽ đại loại thế này để nguỵ biện, tự bào chữa: đâu có sao, nhằm nhò gì, đâu có ai biết, thực ra điều đó chẳng thiệt hại ai, chẳng có gì sai trái…

Thay vì có những lời lẽ biện minh như thế, chúng ta hãy khiêm nhường hơn, hãy biết chấp nhận sự thật về sự yếu đuối, nhỏ bé của bản thân.

Những lần rơi vào cám dỗ, ngay khi cám dỗ chỉ mới manh nha trong tư tưởng, chúng ta hãy dừng lại ngay và bắt đầu bằng một lời cầu nguyện nào đó, chẳng hạn “Lạy Chúa, xin cứu con. Lạy Chúa xin thương xót con…”.

Tất cả những việc làm nhằm cảnh giác với tội, không phải là việc một ngày, một buổi, nhưng là việc làm thường xuyên liên tục. Sự cảnh giác ấy chỉ hoàn tất cùng sự hoàn tất của cuộc đời làm người mà thôi.

Chúng ta hãy vui lên, hãy hy vọng vì có Chúa luôn trợ lực bằng chính ơn của Ngài. Chỉ cần lòng chúng ta ý thức, biết nỗ lực và thực tâm xa lánh tội là đã có thể đủ mạnh để vươn lên đến cùng Thiên Chúa.