Mùa Xuân Đã Về Trên Thung Lũng Sông Kwai
(Chúa nhật 2 Mùa Chay Năm A 2023)
Chúa Nhật II Mùa Chay, sứ điệp Lời Chúa vọng lại giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay đó chính là “tiếng gọi mời hãy lên cao và hãy đi xa”. Lên cao như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Tabo để Ngài biến hình rạng rỡ; đi xa như tổ phụ Ápraham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình tiến về hứa địa. Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của các anh chị em dự tòng và của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá…
Ngay từ ngày đầu khai mạc Mùa Chay thánh, khi nhận tro trên đầu, chúng ta đã được Lời Chúa nhắc nhở: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Như vậy, có thể nói được rằng, trong cuộc hành trình Mùa Chay, mà cũng là cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay sự chọn lựa của các anh chị em dự tòng trong những ngày này, có hai yếu tố cốt lõi, hai hành vi đức tin căn bản, đó là “Sám hối” và “Tin vào Tin Mừng”.
Thế nhưng, hành vi “sám hối” mà ngôn ngữ Thánh Kinh bằng nguyên tự Hy Lạp đó là một động từ kép “Metanoéite”, bao gồm hai động thái: “Meta” là vượt khỏi, vượt lên trên; và “Noésis”: cách nhận thức, cách nhìn hay hiểu biết mang tầm con người, hay “tư tưởng kiểu Phêrô” và đã bị Đức Kitô lên án gay gắt: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16, 23).
Như vậy, “sám hối” đó chính là “thay đổi nhận thức theo kiểu con người, vượt lên trên cái nhìn thường tình nhân loại…”[1]. Nói cách khác, “sám hối” đúng nghĩa phải là một cuộc “cách mạng nội tâm”, một cuộc “thay đổi tận căn”, một cuộc “bứng gốc” để “làm lại từ đầu”, chứ không hề là một “giải pháp tình thế”, một “cải biên mang tính đối phó” nhất thời để sau đó lại “đâu hoàn đấy”. Phải chăng từ ý nghĩa “sám hối” mang tính “bứng gốc” và “đoạn tuyệt” nầy mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã đề nghị “hình tượng cụ tổ Apraham” và cuộc “dứt áo ra đi khỏi quê cha đất tổ” theo tiếng gọi của Chúa: Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho…”. Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.
Chắc chắn, khi công bố sứ điệp nầy vào thời điểm khởi đầu Mùa Chay, Mẹ Hội Thánh muốn rằng: đây chính là thời gian của cố gắng từ bỏ những quyến luyến, ràng buộc tầm thường, những cái nhìn thiên lệch, méo mó, những phán đoán ích kỷ nhỏ nhen, những mưu toan và dục vọng trần tục… để “dứt khoát ra đi” theo tiếng gọi của Lời Chúa; “bứng gốc” khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi để dấn thân trên con đường chọn Chúa và đường lối của Ngài. Và như thế, “sám hối”, cuộc “cách mạng nội tâm” hay “lên đường theo Chúa” không bao giờ là câu chuyện của quá khứ, của riêng Tổ phụ Abraham, mà chính là câu chuyện của chính mỗi người chúng ta hôm nay, câu chuyện của cuộc “hành trình Mùa Chay”, câu chuyện của cuộc đổi đời miên viễn theo tiếng gọi của Lời Chúa. Vâng, đây chính là một “cam kết từ bỏ” mà chúng ta cùng với các anh chị em dự tòng sẽ long trọng đáp trả ba lần trong đêm Vọng Phục sinh: “Con có từ bỏ tội lỗi…, những quyến rũ bất chính… sa tan… không?”. “Thưa từ bỏ” !
Thật sự, chúng ta đã bao lần “hoán cải”, đã bao lần quỳ xuống trước Tòa Giải Tội, đã bao Mùa Chay đi qua cuộc đời, đã bao Đêm Vọng Phục Sinh thưa “Con từ bỏ”…, nhưng hình như chưa thật sự “dứt áo ra đi như cụ tổ Apraham” mà vẫn “cầm cày ngó lại sau lưng” (Lc 9,62)…, hay “sụ mặt quay đi” với đề nghị của Chúa Giêsu để trở về với “đống của cải trần tục” như chàng thanh niên giàu có (Mc 10, 22) !
Từ cuộc lên đường của cụ Tổ Abraham, Lời Chúa hôm nay lại dẫn chúng ta đi tới một lộ trình khác của một người con trong gia tộc ông mà các sứ ngôn đã bao đời tiên báo: cuộc lên núi và biến hình của Thầy Giêsu đến từ quê nghèo Nadarét: Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết…
Với Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa vinh quang hằng hữu, thì cuộc biến hình nầy chỉ là cuộc lột xác để trở về “nguyên trạng” của một Thiên Chúa Toàn Năng mà Ngài đã thuộc về ngay từ thuở đời đời như chính Ngài đã khẳng định: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi… Ông Abraham là cha các các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 7,20; 8,56).
Nhưng với chúng ta, với Hội Thánh, đặc biệt, với các anh chị em Dự tòng sắp sửa đón nhận ơn tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, thì cuộc biến hình nầy lại là một đích điểm phải vươn tới, một niềm hy vọng tuyệt đối cho cuộc hành trình đức tin của mình. Bởi chưng, chúng ta tin Đức Kitô, theo Đức Kitô, chọn lựa Đức Kitô, nhất là chọn lựa con đường thập giá… đó không phải là một cuộc “vươn cao trống rỗng”, một cuộc “lên đường không mục tiêu” hay một “cuộc lột xác vô ích”, mà là một chọn lựa của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng, của vinh quang bất diệt, như lời kinh Tiền Tụng Hội Thánh hát lên trong chút nữa đây: “Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh, Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh”.
Nếu Phêrô ngày xưa hạnh phúc ngất ngây vì gương mặt rạng ngời của Chúa Giêsu và sướng rơn trong cái cõi huyền diệu của giây phút Biến hình: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”, đã phải chưng hửng khi trên đường xuống núi nghe Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn: “Con người từ cõi chết chỗi dậy… Con Người sẽ phải đau khổ…” (Mt 17,9-12), thì hôm nay chắc cũng không ít người muốn đức tin chỉ là phục sinh mà không bao giờ đi qua thập giá…
Chính vì thế, mầu nhiệm Biến Hình không phải là lời mời “ở lại để dựng ba cái lều mà hưởng thụ”, nhưng là tiếng gọi lên đường dấn thân đi tới đỉnh đồi Can Vê để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Biến Hình vì thế lại là một cuộc hành trình lột xác, như con sâu nhộng lột bỏ cái kén tù túng nhỏ hẹp giam hãm trong nô lệ tối tăm, để bứt phá bay lên làm một cánh bướm rực rỡ diễm lệ; hay như lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay 2023: “Biến hình” sẽ hứa hẹn một điều kỳ diệu và ngỡ ngàng: “điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.”.
Nếu cụ tổ Apraham “ra đi” bởi “Lời Chúa gọi” và cuộc “biến hình trên núi thánh Tabo” lại kết thúc bằng “Lời của Chúa Cha”: “các ngươi hãy nghe lời Người”, thì quả thật, điều quan trọng còn lại hôm nay của chúng ta lại là một đòi hỏi căn bản mà chính Chúa Giêsu đã kêu gọi ngay từ buổi đầu: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14).
Cuộc sống của tôi có thật sự biến đổi không, thế giới quanh tôi có nên tốt hơn không, và Giáo Hội của tôi có trở nên phong phú và phát triển không… chính là nhờ “cái chìa khóa Lời Chúa hay Tin Mừng”, như lời khẳng định của nhà truyền giáo vĩ đại thời khai sinh Kitô giáo, Thánh Phaolô trong thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2: “Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng”.
Vâng, Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu có sức mạnh canh tân triệt để, phục sinh trọn vẹn, như đã từng biến cái “hỏa ngục của hận thù, chết chóc, thất vọng, tội lỗi… của trại tù bên thung lũng Kwai thời đệ nhị thế chiến thành một địa chỉ của hòa thuận, yêu thương và mùa xuân hy vọng…”[2].
Trương Đình Hiền
--------------------------------------------------------------------------------
[1] GM. GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO, Tài liệu tĩnh tâm linh mục giáo phận Qui Nhơn 2023, tr. 43-44.
[2] ERNEST GORDON, Ngang qua thung lũng Kwai (Trong đó có câu chuyện hai bạn tù dùng việc cầu nguyện với Lời Chúa mà cảm hóa các tù nhân…)
(Chúa nhật 2 Mùa Chay Năm A 2023)
Chúa Nhật II Mùa Chay, sứ điệp Lời Chúa vọng lại giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay đó chính là “tiếng gọi mời hãy lên cao và hãy đi xa”. Lên cao như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Tabo để Ngài biến hình rạng rỡ; đi xa như tổ phụ Ápraham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình tiến về hứa địa. Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của các anh chị em dự tòng và của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá…
Ngay từ ngày đầu khai mạc Mùa Chay thánh, khi nhận tro trên đầu, chúng ta đã được Lời Chúa nhắc nhở: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Như vậy, có thể nói được rằng, trong cuộc hành trình Mùa Chay, mà cũng là cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay sự chọn lựa của các anh chị em dự tòng trong những ngày này, có hai yếu tố cốt lõi, hai hành vi đức tin căn bản, đó là “Sám hối” và “Tin vào Tin Mừng”.
Thế nhưng, hành vi “sám hối” mà ngôn ngữ Thánh Kinh bằng nguyên tự Hy Lạp đó là một động từ kép “Metanoéite”, bao gồm hai động thái: “Meta” là vượt khỏi, vượt lên trên; và “Noésis”: cách nhận thức, cách nhìn hay hiểu biết mang tầm con người, hay “tư tưởng kiểu Phêrô” và đã bị Đức Kitô lên án gay gắt: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16, 23).
Như vậy, “sám hối” đó chính là “thay đổi nhận thức theo kiểu con người, vượt lên trên cái nhìn thường tình nhân loại…”[1]. Nói cách khác, “sám hối” đúng nghĩa phải là một cuộc “cách mạng nội tâm”, một cuộc “thay đổi tận căn”, một cuộc “bứng gốc” để “làm lại từ đầu”, chứ không hề là một “giải pháp tình thế”, một “cải biên mang tính đối phó” nhất thời để sau đó lại “đâu hoàn đấy”. Phải chăng từ ý nghĩa “sám hối” mang tính “bứng gốc” và “đoạn tuyệt” nầy mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã đề nghị “hình tượng cụ tổ Apraham” và cuộc “dứt áo ra đi khỏi quê cha đất tổ” theo tiếng gọi của Chúa: Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho…”. Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.
Chắc chắn, khi công bố sứ điệp nầy vào thời điểm khởi đầu Mùa Chay, Mẹ Hội Thánh muốn rằng: đây chính là thời gian của cố gắng từ bỏ những quyến luyến, ràng buộc tầm thường, những cái nhìn thiên lệch, méo mó, những phán đoán ích kỷ nhỏ nhen, những mưu toan và dục vọng trần tục… để “dứt khoát ra đi” theo tiếng gọi của Lời Chúa; “bứng gốc” khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi để dấn thân trên con đường chọn Chúa và đường lối của Ngài. Và như thế, “sám hối”, cuộc “cách mạng nội tâm” hay “lên đường theo Chúa” không bao giờ là câu chuyện của quá khứ, của riêng Tổ phụ Abraham, mà chính là câu chuyện của chính mỗi người chúng ta hôm nay, câu chuyện của cuộc “hành trình Mùa Chay”, câu chuyện của cuộc đổi đời miên viễn theo tiếng gọi của Lời Chúa. Vâng, đây chính là một “cam kết từ bỏ” mà chúng ta cùng với các anh chị em dự tòng sẽ long trọng đáp trả ba lần trong đêm Vọng Phục sinh: “Con có từ bỏ tội lỗi…, những quyến rũ bất chính… sa tan… không?”. “Thưa từ bỏ” !
Thật sự, chúng ta đã bao lần “hoán cải”, đã bao lần quỳ xuống trước Tòa Giải Tội, đã bao Mùa Chay đi qua cuộc đời, đã bao Đêm Vọng Phục Sinh thưa “Con từ bỏ”…, nhưng hình như chưa thật sự “dứt áo ra đi như cụ tổ Apraham” mà vẫn “cầm cày ngó lại sau lưng” (Lc 9,62)…, hay “sụ mặt quay đi” với đề nghị của Chúa Giêsu để trở về với “đống của cải trần tục” như chàng thanh niên giàu có (Mc 10, 22) !
Từ cuộc lên đường của cụ Tổ Abraham, Lời Chúa hôm nay lại dẫn chúng ta đi tới một lộ trình khác của một người con trong gia tộc ông mà các sứ ngôn đã bao đời tiên báo: cuộc lên núi và biến hình của Thầy Giêsu đến từ quê nghèo Nadarét: Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết…
Với Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa vinh quang hằng hữu, thì cuộc biến hình nầy chỉ là cuộc lột xác để trở về “nguyên trạng” của một Thiên Chúa Toàn Năng mà Ngài đã thuộc về ngay từ thuở đời đời như chính Ngài đã khẳng định: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi… Ông Abraham là cha các các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 7,20; 8,56).
Nhưng với chúng ta, với Hội Thánh, đặc biệt, với các anh chị em Dự tòng sắp sửa đón nhận ơn tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, thì cuộc biến hình nầy lại là một đích điểm phải vươn tới, một niềm hy vọng tuyệt đối cho cuộc hành trình đức tin của mình. Bởi chưng, chúng ta tin Đức Kitô, theo Đức Kitô, chọn lựa Đức Kitô, nhất là chọn lựa con đường thập giá… đó không phải là một cuộc “vươn cao trống rỗng”, một cuộc “lên đường không mục tiêu” hay một “cuộc lột xác vô ích”, mà là một chọn lựa của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng, của vinh quang bất diệt, như lời kinh Tiền Tụng Hội Thánh hát lên trong chút nữa đây: “Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh, Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh”.
Nếu Phêrô ngày xưa hạnh phúc ngất ngây vì gương mặt rạng ngời của Chúa Giêsu và sướng rơn trong cái cõi huyền diệu của giây phút Biến hình: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”, đã phải chưng hửng khi trên đường xuống núi nghe Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn: “Con người từ cõi chết chỗi dậy… Con Người sẽ phải đau khổ…” (Mt 17,9-12), thì hôm nay chắc cũng không ít người muốn đức tin chỉ là phục sinh mà không bao giờ đi qua thập giá…
Chính vì thế, mầu nhiệm Biến Hình không phải là lời mời “ở lại để dựng ba cái lều mà hưởng thụ”, nhưng là tiếng gọi lên đường dấn thân đi tới đỉnh đồi Can Vê để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Biến Hình vì thế lại là một cuộc hành trình lột xác, như con sâu nhộng lột bỏ cái kén tù túng nhỏ hẹp giam hãm trong nô lệ tối tăm, để bứt phá bay lên làm một cánh bướm rực rỡ diễm lệ; hay như lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay 2023: “Biến hình” sẽ hứa hẹn một điều kỳ diệu và ngỡ ngàng: “điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.”.
Nếu cụ tổ Apraham “ra đi” bởi “Lời Chúa gọi” và cuộc “biến hình trên núi thánh Tabo” lại kết thúc bằng “Lời của Chúa Cha”: “các ngươi hãy nghe lời Người”, thì quả thật, điều quan trọng còn lại hôm nay của chúng ta lại là một đòi hỏi căn bản mà chính Chúa Giêsu đã kêu gọi ngay từ buổi đầu: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14).
Cuộc sống của tôi có thật sự biến đổi không, thế giới quanh tôi có nên tốt hơn không, và Giáo Hội của tôi có trở nên phong phú và phát triển không… chính là nhờ “cái chìa khóa Lời Chúa hay Tin Mừng”, như lời khẳng định của nhà truyền giáo vĩ đại thời khai sinh Kitô giáo, Thánh Phaolô trong thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2: “Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng”.
Vâng, Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu có sức mạnh canh tân triệt để, phục sinh trọn vẹn, như đã từng biến cái “hỏa ngục của hận thù, chết chóc, thất vọng, tội lỗi… của trại tù bên thung lũng Kwai thời đệ nhị thế chiến thành một địa chỉ của hòa thuận, yêu thương và mùa xuân hy vọng…”[2].
Trương Đình Hiền
--------------------------------------------------------------------------------
[1] GM. GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO, Tài liệu tĩnh tâm linh mục giáo phận Qui Nhơn 2023, tr. 43-44.
[2] ERNEST GORDON, Ngang qua thung lũng Kwai (Trong đó có câu chuyện hai bạn tù dùng việc cầu nguyện với Lời Chúa mà cảm hóa các tù nhân…)