1. Dự luật của Đan Mạch buộc phải dịch các bài giảng sang tiếng Đan Mạch bị hủy bỏ
Một dự luật được đề xuất với mục đích ngăn chặn lời nói căm thù từ những người thuyết giáo cực đoan—sẽ buộc các giáo đoàn người Đức, người Rumani, người Anh và các giáo đoàn không phải người Đan Mạch khác đột nhiên phải dịch các bài giảng của họ sang tiếng Đan Mạch.
Tiến sĩ Jørgen Skov Sørensen, Tổng thư ký Hội Đồng Các Giáo Hội Kitô, tin rằng một luật như vậy sẽ chà đạp lên quyền của các giáo đoàn này trong việc quảng bá di sản Kitô giáo của họ một cách tự do và công khai.
Sørensen nói: “Luật này—và những tác động đan xen của nó đối với các Giáo Hội, quốc gia và xã hội—là một điều nên giương cao những dấu hiệu cảnh báo đối với bất kỳ cộng đồng Giáo Hội nào,” bởi vì luật này là một phản ứng thái quá đối với một số rất ít nhà thuyết giáo Hồi giáo cực đoan gieo rắc hận thù và chia rẽ giữa mọi người.
“Tôi hoàn toàn đồng ý rằng cần phải đối mặt và giải quyết loại thái độ cực đoan này,” nhưng luật tấn công vào tất cả các cộng đồng tôn giáo rao giảng bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Đan Mạch “là không thể chấp nhận được và không cần thiết.”
Hội Đồng Các Giáo Hội Kitô lần đầu tiên bày tỏ mối quan ngại của mình trong một bức thư gửi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vào ngày 26 Tháng Giêng năm 2021, sau đó họ nhận thấy sự hợp tác gần như ngay lập tức giữa các Giáo Hội về vấn đề này.
Sørensen nói: “Không phải chúng ta đã thành công một mình trong việc bãi bỏ luật này. Hội đồng Giáo Hội Quốc gia Đan Mạch đã dẫn đầu và giải quyết cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội trên toàn quốc và chính phủ.”
Giám mục Giáo phận Haderslev của Lutheran, Marianne Christensen, bày tỏ niềm vui khi chính phủ mới của Đan Mạch đã từ bỏ kế hoạch đưa ra luật yêu cầu dịch thuật các bài giảng.
“Bên cạnh thực tế là luật này sẽ không có tác dụng như mong đợi – là cản trở lời nói căm thù trong các bài giảng – nó sẽ dẫn đến một chi phí dịch thuật khổng lồ và nuôi dưỡng sự nghi ngờ đối với các vấn đề không nói tiếng Đan Mạch, ví dụ như các hội thánh nói tiếng Đức ở Giáo phận Haderslev, giáp Đức ở phía nam Đan Mạch,” cô nói.
“Giáo Hội của chúng ta, Giáo Hội Lutheran ở Đan Mạch, nhận thấy mình là một phần của truyền thống bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tự do diễn đạt và tự do thuyết giảng bằng tiếng mẹ đẻ – và dự luật này sẽ làm suy yếu các quyền tự do cơ bản này.”
Source:ceceurope.org
2. Giáo chủ Chính thống Coptic Ai Cập viếng thăm Tòa Thánh
Đức Thượng phụ Giáo hội Chính thống Coptic Ai Cập Tawadros II sẽ viếng thăm Tòa Thánh trong ba ngày, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Năm sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm tương quan với Giáo Hội Công Giáo.
Đức Thượng phụ Giáo hội này được coi là người kế vị thánh Marco và có tòa là thành Alexandria. Hôm ngày 01 tháng Năm vừa qua, Đức Thượng phụ Tawadros, hay là Teodore, thông báo chuyến viếng thăm của ngài tại Tòa Thánh. Lần đầu tiên ngài viếng thăm là hồi năm 2013.
Trong lần viếng thăm sắp tới, sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn của hai Giáo hội liên hệ, một buổi cầu nguyện đại kết cho hòa bình, hiệp nhất và tình thương trên thế giới, cũng như cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Hai vị sẽ thảo luận về vai trò của Giáo hội trong các cuộc khủng hoảng cấp miền và quốc tế, kể cả chiến tranh tại Ukraine hiện nay.
Nhân dịp đến Roma, Đức Thượng phụ Tawadros II cũng sẽ thực hiện cuộc viếng thăm các tín hữu Chính thống Coptic tại đây trong hai ngày 14 và 15 tháng Năm, và ngài đã được phép cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Gioan Laterano cho các tín hữu Coptic.
Hồi tháng Bảy năm 2018, Đức Thượng phụ Tawadros II cũng đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Phaolô Ngoại thành, một ngày sau khi tham dự Ngày Cầu nguyện cho Trung Đông, do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập tại thành phố Bari ở miền nam Ý.
Giáo hội Chính thống Coptic chiếm khoảng 10% trên tổng số 107 triệu dân cư tại Ai Cập. Giáo hội này thuộc số các Giáo hội không công nhận Công đồng Calcedonia nam 451. Tại Ai Cập, cũng có cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Coptic, với khoảng 200.000 tín hữu. Cộng đoàn này tách rời khỏi Chính thống Coptic và trở về hiệp nhất với Tòa Thánh từ năm 1741.