Trong cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5, năm 2023 của ký giả Andreas Thornhauser thuộc hãng tin EWTN, tại Vatican, Đức Hồng Y Mario Grech, người giữ chức vụ tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Hoàn Cầu về Tính Đồng Nghị, nói rằng tiến trình đang diễn ra trong Giáo Hội có nguy cơ bỏ lỡ “một khoảnh khắc ân sủng” nếu nó tập trung vào các vấn đề phân cực được nêu ra trong các phiên lắng nghe, bao gồm hôn nhân đồng tính, phá thai, và việc phong chức thánh cho phụ nữ.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với EWTN News, vị giáo phẩm người Malta nói rằng mặc dù ngài tin rằng “một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội thiêng liêng hơn”, nhưng điều quan trọng cần nhớ là Giáo hội “không phải là một nền dân chủ”. Ngài cũng đề cập đến sự tham gia của các giáo dân nam nữ và “những người không phải là giám mục” khác trong cuộc họp của các giám mục vào tháng 10, và ngài đưa ra sự khác biệt giữa tiến trình Thượng Hội Đồng hoàn cầu và Con đường Đồng nghị của Đức, khi nhận xét rằng con đường sau đã “gây ra những rung cảm tiêu cực” khắp Giáo hội hoàn cầu.
Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.
Thưa Đức Hồng Y, ngài chịu trách nhiệm tổ chức phiên họp thượng hội đồng giám mục vào tháng Mười. Thượng hội đồng không phải là bất thường, nhưng đây là Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Tại sao Giáo hội, theo quan điểm của ngài, cần một Thượng hội đồng về tính đồng nghị?
Đây là hai hạn từ khác nhau, synod [thượng hội đồng] và synodality [tính đồng nghị]. Có thể có tính đồng nghị mà không có thượng hội đồng. Nhưng không có thượng hội đồng mà lại không có tính đồng nghị.
Tôi không chơi chữ. Có thể xảy ra trường hợp chúng ta có một hội nghị thượng hội đồng mà không có tinh thần đồng nghị. Chúng ta có thể và chúng ta cần phải trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn, ngay cả khi không có thượng hội đồng.
Thượng hội đồng là một thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo hội. Trong quá khứ, thượng hội đồng là thời điểm chỉ có các giám mục tham gia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giới thiệu một chiều kích mới của kinh nghiệm này liên quan đến tất cả dân Chúa.
Mọi người đều được mời suy gẫm, cầu nguyện và đóng góp để giúp chúng ta trở thành một Giáo hội hơn. Dù sao, hiện nay, nếu chúng ta nói về tính đồng nghị, là chúng ta nói về chính Giáo hội.
Đức Hồng Y có thể mô tả ngắn gọn Giáo hội phải như thế nào để trở nên đồng nghị hơn không?
Nói một cách đơn giản, một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội thiêng liêng hơn. Có một cám dỗ là chúng ta biến Giáo hội thành một tổ chức phi chính phủ, như Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô và anima (linh hồn) của Giáo Hội này là Chúa Thánh Thần.
Một Giáo hội đồng nghị là một lời mời gọi dân Chúa đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đóng vai trò chính trong tiến trình thượng hội đồng này. Chúa Thánh Thần là nhân vật chủ đạo của diễn trình này.
Đối với tôi, một lời mời đến với một Giáo hội đồng nghị là một lời mời dành nhiều không gian hơn cho Chúa Thánh Thần. Trên thực tế, chữ chủ chốt trong diễn trình đơn giản này là biện phân: Làm thế nào chúng ta có thể biện phân được điều mà Chúa Thánh Thần đang truyền đạt cho Giáo hội ngày nay?
Một trong những phương pháp thực sự hiệu quả trong các phiên họp lục địa là điều mà chúng ta gọi là cuộc đàm luận trong tinh thần: cuộc đàm luận thiêng liêng hay cuộc đàm luận đồng nghị.
Khi chúng ta gặp nhau để thảo luận và lắng nghe trong các phiên họp, chúng không hoàn toàn là các phiên họp của con người. Chúng ta phải khẩn cầu Chúa Thánh Thần, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, Giáo hội sẽ là dự án của tôi, dự án của chúng ta, nhưng Giáo hội không phải là của chúng ta. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô.
Đức Hồng Y có thể giải thích lý do tại sao những người không phải là giám mục nay được mời tham gia phiên họp thượng hội đồng diễn ra vào tháng 10 này tại Rôma không?
Thượng hội đồng là một cuộc hội họp dành cho các giám mục và nó sẽ vẫn là một cuộc hội họp của các giám mục. Bản chất của hội đồng sẽ không thay đổi. Nhưng qua việc lắng nghe dân Chúa, Đức Thánh Cha đã quyết định mời cả những người không phải là giám mục tham dự thượng hội đồng.
Khi nói đến những người không phải là giám mục, chúng tôi không chỉ muốn nói đến giáo dân mà còn [cả] linh mục, phó tế, người thánh hiến, tu sĩ và phó tế vĩnh viễn. Tổng số người không phải giám mục là dưới 25%.
Tại sao có phần trăm này? Chúng tôi không muốn thay đổi bản chất của phiên họp. Thượng hội đồng là một phiên họp của các giám mục. Sự hiện diện của các thành viên khác trong dân Thiên Chúa dành cho toàn thể dân Chúa cơ hội phát biểu, nhưng sự hiện diện của họ ở đó cũng là một sự hiện diện để bảo đảm rằng tiến trình này được các giám mục tham gia phiên họp thượng hội đồng tôn trọng.
dân Chúa đã tham gia ngay từ đầu vào diễn trình này giờ đây cũng tham gia vào giai đoạn cuối cùng của diễn trình. Họ sẽ hiện diện ở đó. Các giám mục ở đó vì họ là các mục tử, và sẽ không có đoàn chiên nào nếu không có mục tử. Và không có mục tử nào không có đoàn chiên.
Suy tư về Giáo hội đồng nghị đã nêu ra những vấn đề nóng bỏng như hôn nhân đồng tính, phá thai và phong chức cho phụ nữ. Thượng Hội đồng Giám mục nên giúp giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Trong giai đoạn đầu của quá trình tham vấn hoặc giai đoạn lắng nghe, nhiều vấn đề đã được nêu ra, như bạn đang làm nổi bật. Đây là lần đầu tiên mọi người có cơ hội này để lên tiếng về những vấn đề này. Giáo hội đã lắng nghe nhu cầu của họ. Và tôi không ngạc nhiên khi một số vấn đề nổi cộm giờ đây đã trở nên nổi bật. Nhưng có lúc, tôi và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên cho thượng hội đồng này, đã gửi một lá thư cho tất cả các giám mục, nhấn mạnh sự kiện này là: chủ đề của thượng hội đồng đặc biệt này là dành cho Giáo hội đồng nghị.
Các vấn đề khác sẽ không bị loại bỏ. Chúng tôi sẽ tạm gác chúng qua một bên, vì chúng không phải là những vấn đề cần được giải quyết bởi phiên họp thượng hội đồng đặc thù này. Nếu chúng ta đi vào những vấn đề đó vào thời điểm đặc biệt này, chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng, một khoảnh khắc ân sủng, một suy tư về cách chúng ta có thể thực sự giúp Giáo hội trở nên đồng nghị hơn ra sao và tạo ra những không gian nơi tất cả các thành viên của dân Chúa, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của các mục tử, thực sự có thể góp phần vào việc truyền giảng Tin Mừng.
Vì vậy, điều này nên được rõ ràng. Chúng tôi đã cố gắng để làm cho nó rõ ràng. Một lần nữa, không phải là chúng tôi đang bỏ qua một số vấn đề do dân Chúa nêu ra. Những vấn đề này cần được giải quyết. Nhưng tôi tin, và đây là niềm tin cá nhân của tôi, rằng một khi chúng ta trở nên đồng nghị hơn, các nhà thần học trở nên đồng nghị hơn, thì chúng ta sẽ ở vị trí tốt hơn để giải thích Tin Mừng cho dân Chúa, và cũng giải quyết một số vấn đề.
Tại một cuộc họp báo khi được hỏi liệu Đức Hồng Y có lo lắng rằng một số chương trình nghị sự sẽ bắt cóc thượng hội đồng không, Đức Hồng Y đã nói rằng người duy nhất có thể bắt cóc thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần?
Tôi thực sự tin rằng giây phút ân sủng này sẽ giúp chúng ta trở nên thiêng liêng hơn, bởi vì những cơn gió của thế gian cũng có thể thổi vào Giáo hội và chúng ta phải lưu ý. Chúng ta không có chương trình nghị sự. Chương trình nghị sự đã được thiết lập sẵn, được thiết lập trong Tin Mừng, được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải suy tư và lắng nghe Lời Chúa, dưới ánh sáng của truyền thống, dưới ánh sáng của huấn quyền.
Hôm nay chúng ta không bắt đầu một trang mới, như thể chưa có gì xảy ra trong quá khứ. Có một sự liên tục. Nhưng để tham gia vào cuộc đàm luận thiêng liêng này, trong cuộc hoán cải thiêng liêng này, bởi vì nó đòi hỏi một cuộc hoán cải, chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, để có thể quỳ xuống trước sự hiện diện của Chúa.
Thượng hội đồng có tính chất tham vấn. Sau khi đã tham khảo ý kiến của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, mời các giám mục và cả những người không phải là giám mục, Đức Hồng Y có nghĩ rằng thượng hội đồng nên trở thành một cơ quan hợp pháp hơn của Giáo hội bằng cách đưa ra các lá phiếu mang tính ràng buộc không?
Việc phát biểu về vấn đề này không tùy thuộc nơi tôi. Tôi chân thành nói như thế. Tôi muốn phiên họp thượng hội đồng nói điều gì đó về điều này. Nhưng bản chất của một phiên họp thượng hội đồng, như bạn đang nói, là tham khảo ý kiến, bởi vì cuối cùng đó là quyết định của Đức Thánh Cha. Khi Đức Phaolô VI thiết lập thượng hội đồng, mục đích là để giúp Đức Thánh Cha, để tham khảo ý kiến của Đức Thánh Cha.
Tôi nghĩ rằng có việc nhận quyết định và ra quyết định. Việc lắng nghe tất cả dân Chúa, đặc biệt là các giám mục được triệu tập tại phiên họp thượng hội đồng, là một phần của diễn trình ra quyết định này, vốn sẽ soi sáng để Đức Thánh Cha đưa ra nhận định của riêng ngài.
Sự biện phân của giáo hội đang diễn ra ở đây. Tôi cũng nói rằng, khi luôn nhấn mạnh điều này, chúng ta có ơn phúc là thừa tác vụ giám mục trong các Giáo hội địa phương, một thừa tác vụ có thể bảo đảm rằng người ta không đi lạc lối trong sự biện phân của họ. Và đối với toàn thể Giáo hội, chúng ta có Đức Thánh Cha, thừa tác vụ Phêrô, thực sự giúp đỡ và bảo đảm cho toàn thể Giáo hội rằng chúng ta đang làm theo ý Thiên Chúa.
Đã có những lời chỉ trích liên quan đến tiến trình của Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Có lời chỉ trích nào khiến Đức Hồng Y lo lắng mà Đức Hồng Y muốn đề cập không?
Trước hết, tôi hiểu những người nghi ngờ, sợ hãi hoặc có quan điểm khác biệt.
Đối với tôi, những lời chỉ trích rất có giá trị và nó sẽ giúp ích cho tất cả chúng ta trong diễn trình biện phân. Không ai bị loại trừ, dù là một người chỉ trích hoặc phản đối, mọi người nên được chào đón lên tầu. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta là một gia đình. Và phải cần thời gian trước khi các ý tưởng chín muồi, trước khi một người thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tôi cũng có những nỗi sợ hãi của mình. Thí dụ, những người đang chống lại dân Chúa và hàng giáo phẩm hiện nay, bởi vì trong tiến trình đồng nghị này, mọi người đều được phép lên tiếng, một số người có thể nghĩ rằng chúng ta đang trên đường dẫn đến một loại dân chủ. Giáo hội không phải là một nền dân chủ.
Giáo hội có tính phẩm trật, có cấu trúc phẩm trật. Thừa tác vụ của các giám mục, thừa tác vụ Phêrô, là các hồng phúc của Chúa Thánh Thần dành cho Giáo Hội. Và chúng ta cần trân trọng điều đó.
Vì vậy, nếu những người chống đối, chẳng hạn như đám đông, dân Chúa với hàng giáo phẩm, thì điều đó thực sự làm tôi đau lòng, bởi vì chúng ta phải đồng hành với nhau, tôn trọng tất cả các đặc sủng và thừa tác vụ.
Các thừa tác vụ là một hồng ân dành cho Giáo hội. Và chúng có thể bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta đang đi đúng đường.
Nhiệm vụ truyền đạt và giải thích tiến trình thượng hội đồng của Đức Hồng Y không nhất thiết trở nên dễ dàng hơn với một tiến trình song song ở châu Âu đã thu hút rất nhiều sự chú ý - Con đường Đồng nghị của Đức. Ngài nghĩ gì về điều này và nó được nhìn nhận như thế nào trong bối cảnh của Thượng Hội đồng Hoàn cầu về Tính Đồng nghị?
Thật không may, Con đường Đồng nghị ở Đức đã gửi những rung cảm tiêu cực đến toàn thể Giáo hội. Tôi đã ở Châu Phi, tôi đã ở Bangkok, và tôi lắng nghe những người hơi do dự và lo lắng về những gì đang diễn ra ở Đức.
Nhưng tôi luôn nói rằng, chúng ta có thực sự biết điều gì đang xảy ra trong Giáo hội, trong Giáo hội chị em của chúng ta ở Đức không? Có hai kinh nghiệm đồng nghị khác nhau.
Ở Đức, đó không phải là một thượng hội đồng. Đó là một hành trình đồng nghị. Họ gọi nó là Con đường Đồng nghị. Về mặt giáo luật, nó không phải là một một thượng hội đồng giáo phận hay quốc gia, theo như tôi biết.
Đó là hai trải nghiệm giáo hội khác nhau. Trải nghiệm ở Đức đang cố gắng giải quyết các vấn đề vốn là thách thức thường xuyên đối với Giáo hội ở Đức. Và trải nghiệm kia là dành cho toàn thể Giáo hội. Và các chủ đề là hoàn toàn khác nhau.
Có lẽ thượng hội đồng hoàn cầu, phổ quát sẽ giúp chúng ta, sẽ hướng dẫn chúng ta tránh những khó khăn khác trong tương lai trong trải nghiệm của chúng ta về tính đồng nghị.
Đúng là các Giáo hội địa phương đặc thù rất quan trọng trong toàn bộ khung giáo hội học. Giáo hội được tạo thành từ các Giáo hội đặc thù, và đấy là Công đồng Vatican II, nhưng không Giáo hội đặc thù nào tự chủ, không Giáo hội đặc thù nào độc lập với các Giáo hội khác.
Và nếu tính đồng nghị là một yếu tố quan trọng trong Giáo hội, thì sự hiệp thông giữa các giám mục cũng là một giá trị.
Lúc này, tôi đang nói về tính hợp đoàn. Các giám mục ở Úc, xin đơn cử một thí dụ khác nữa, bởi vì họ cũng đã có một công đồng toàn thể, các giám mục ở Ái Nhĩ Lan, các giám mục ở Đức, họ có trách nhiệm và những thách thức của họ. Và chúng ta phải giúp đỡ anh em của chúng ta để giải quyết những khó khăn.
Nhưng các giám mục không tự trị, các giám mục là một phần của giám mục đoàn, và có những vấn đề thuộc về toàn thể Giáo hội cần được tất cả các giám mục cùng nhau giải quyết, cùng với Phêrô.
Điều này có thể cho chúng ta hy vọng về trải nghiệm ở Đức. Tôi thực sự tin tưởng vào các anh em giám mục của tôi ở Đức rằng họ có thiện chí. Và tôi hy vọng họ sẽ tìm ra câu trả lời thích đáng cho những vấn đề được nêu ra trong kinh nghiệm đồng nghị của họ, và cho những vấn đề mà dân Chúa ở Đức đang nêu ra.
Có yêu cầu nào đòi cho các đề xuất ở Đức đã được bỏ phiếu cũng như thông qua được thêm vào chương trình nghị sự của thượng hội đồng hoàn cầu không?
Không. Chúng là hai trải nghiệm khác nhau. Thượng hội đồng cho toàn thể Giáo hội là về tính đồng nghị. Bây giờ, nếu có những yếu tố trong kinh nghiệm đồng nghị của Đức liên quan đến tính đồng nghị, tại sao không? Nhưng không phải tất cả mọi điều đã diễn ra theo con đường đồng nghị ở Đức đều phù hợp với trải nghiệm đồng nghị của toàn thể Giáo hội, bởi vì tôi xin nhắc lại, đó là hai trải nghiệm khác nhau.
Có những yếu tố đồng nghị nào cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới ở Lisbon không?
Một kết quả từ tất cả các phiên họp lục địa là chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần tạo ra nhiều không gian hơn cho thế hệ trẻ. Chúng ta cần tìm một ngôn ngữ mới để có thể giao tiếp với họ. Nó là một thách đố. Và rõ ràng, Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ là một cơ hội.
Văn phòng tổng thư ký của chúng tôi đang nghiên cứu một dự án làm thế nào có mặt trên thực địa để chúng ta cũng có thể lắng nghe thế hệ trẻ. Bởi vì họ không chỉ là tương lai, mà họ còn là hiện tại. Và khi chúng tôi đưa ra lời mời cho những người không phải là giám mục tham dự phiên họp thượng hội đồng giám mục, chúng tôi đã yêu cầu các hội đồng giám mục vui lòng cử cả những người trẻ tuổi. Chúng tôi muốn những người trẻ tuổi có mặt để tham gia vào diễn trình này.
Đức Hồng Y đã yêu cầu mọi người từ khắp nơi trên thế giới đóng góp và tham gia vào diễn trình này. Có bất cứ ý tưởng truyền giáo gây cảm hứng nào mà Đức Hồng Y đã gặp đáng để theo đuổi không?
Ý tưởng về sứ vụ và tính đồng nghị bắt đầu từ Thượng hội đồng về Giới trẻ. Trên thực tế, trong tài liệu cuối cùng của thượng hội đồng đó, giới trẻ và các thành viên của thượng hội đồng đã nói về sứ mệnh và Giáo hội đồng nghị. Sứ mệnh và tính đồng nghị là hai mặt của cùng một đồng tiền. Chúng ta cần một Giáo hội đồng nghị để có hiệu quả hơn trong sứ mệnh của chúng ta.
Làm thế nào chúng ta có thể thực sự có hiệu năng ở ngày hôm nay? Nếu mọi thành phần dân Chúa ý thức rằng tất cả chúng ta đều là chủ thể của việc loan báo Tin Mừng, thì việc loan báo Tin Mừng đó không chỉ giới hạn cho một tầng lớp đặc biệt, một nhóm đặc biệt. Nhưng tất cả những người đã chịu phép rửa đều là chủ thể và được Chúa Thánh Thần ban quyền năng để loan báo Tin Mừng hôm nay.
Mọi người đều được mời gọi và phải cảm thấy có bổn phận loan báo Chúa Giêsu cho nhân loại hôm nay. Đây là mục tiêu chính trong suy tư của chúng ta về một Giáo hội đồng nghị.
Đối với tôi, một Giáo hội đồng nghị chủ yếu là một Giáo hội thiêng liêng. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn để tránh nguy cơ Giáo hội chỉ trở thành một hội nghị của con người, một định chế của con người.
Đây là lý do tại sao cách đây vài tháng, chúng tôi đã gửi lời mời đến tất cả các giám mục, để trong tháng Năm, chúng tôi tổ chức một buổi cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ, với sự hiện diện của Mẹ Maria.
Bởi vì Đức Maria, mẹ của Giáo hội, mẹ của chúng ta, mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta, giúp đỡ chúng ta, đồng hành với chúng ta trong thời điểm đặc biệt này của Giáo hội. Tôi mời tất cả mọi người tham gia ngay cả với lời cầu nguyện trong thời điểm ân sủng này.